Một ông lão người Sri Lanka lên cơn đau tim và qua đời do hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường.
Tờ Tuổi trẻ dẫn tin theo AFP cho hay, ông S. P.Samaradasa, 61 tuổi, gục ngay trên ghế ngồi trước trụ sở công ty điện khi nhận được hóa đơn tiền điện.
Ông qua đời trên đường đến bệnh viện do lên cơn đau tim.
Tờ báo địa phương Ceylon Today không cho biết số tiền mà ông phải trả, song cho biết hóa đơn có liên quan với việc tăng thuế 50%. Tờ báo này gọi ông Samaradasa là “nạn nhân đầu tiên của thuế điện”.
Đọc hóa đơn tiền điện cao bất thường ông cụ lên cơn đau tim ngay tại trụ sở công ty điện lực. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Sri Lanka là một trong những nước có giá điện cao nhất châu Á với mỗi kWh lên đến 47 rupee (khoảng 7.600 đồng).
Khoảng 2/3 lượng điện ở Sri Lanka được cấp từ nhiệt điện chạy than và dầu mỏ, còn nguồn thủy điện không thể đáp ứng được nhu cầu trong thời gian xảy ra hạn hán.
Điện lực Ceylon cho biết, rất có thể sẽ phải chịu tổn thất thất khoảng 750 triệu USD trong năm 2013, tuy nhiên việc tăng giá thuế lên cao trong tháng 5 vừa rồi sẽ giúp giảm phần thiệt hại này xuống còn 225 triệu USD.
Tại Việt Nam, thời gian qua cũng xuất hiện không ít thông tin về việc tăng giá điện, khi riêng trong năm ngoái Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã tăng giá tới 2 lần, mỗi lần 5%.
Giá điện hiện nay của VN ở mức 6-7 cent mỗi kWh, có ý kiến từ phía Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng nên tăng lên mức khoảng 8 cent (1680 đồng) mỗi kWh.
Mới đây đại diện EVN cũng vừa tuyên bố, chưa tăng giá điện từ 1/7, nhưng sau mốc đó thế nào thì chưa ai rõ.
So sánh điện VN với thế giới, một lãnh đạo Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (NPT, thuộc EVN) từng phát biểu, giá điện VN bây giờ có thể nói rẻ nhất thế giới, còn giá truyền tải điện lại thuộc dạng rẻ của cái rẻ nhất thế giới.
Có lẽ vì quan điểm này chi phối nên EVN thường xuyên đòi Chính phủ cho tăng giá điện, mà mục tiêu chủ yếu là để trả các khoản nợ phần nhiều do đầu tư ngoài ngành các năm trước để lại. Chứ người dân chưa thấy EVN phân tích giá điện dựa trên các yếu tố đầu vào, yếu tố đầu tư như thế nào.
Vì nếu xét về con số giá bán có thể điện VN rẻ so với các nước, nhưng điện VN chủ yếu là từ thủy điện – nguồn điện giá rẻ, tận dụng lợi thế tài nguyên thiên nhiên, hầu như không mất chi phí đầu vào cho việc phát điện, chỉ mất vốn đầu tư. Thậm chí, các chuyên gia môi trường còn nói rằng các chủ đầu tư dự án thủy điện mục tiêu chủ yếu là để khai thác gỗ, nguồn thu từ gỗ thậm chí có thể đủ thu hồi vốn đầu tư dự án.
Trong khi EVN liên tục đòi tăng giá điện thì hệ thống thủy điện dày đặc đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cho khu vực hạ lưu, như việc Đà Nẵng và Quảng Nam đòi thủy điện Đăk Mi 4 trả nước về sông Vu Giang, vì nhà máy này trả nước về sông Thu Bồn làm hạ lưu sông Vu Giang cạn kiệt nước, nước sinh hoạt còn thiếu chứ chưa nói tới nước sản xuất.
Rồi liên tiếp những vụ vở đập thủy điện gần đây, những tranh luận về việc mùa lũ các nhà máy thủy điện tự ý xả lũ làm ngập lụt vùng hạ lưu, gây thiệt hại kinh tế lớn…
- P.V (Tổng hợp)