(Đời sống) - Những quả dưa hấu hình vuông được trồng ở Nhật Bản đang là loại quả ưa chuộng thể hiện sự "đẳng cấp" của giới nhà giàu Nga, khiến cho giá của mặt hàng này cao chất ngất. Trong khi đó ở nước ta cũng đã sản xuất được dưa hấu vuông, rồi dưa lê vuông… từ năm 2006, tuy nhiên đến nay sản phẩm này lại không được nhiều người biết đến.
TTXVN đưa tin, mới đây, hãng Azbuka Vkusa đã nhập một lô những quả dưa này sang Nga và bán ở hệ thống cửa hàng bán lẻ của hãng với giá 28.000 rúp/quả (855 USD), tương đương giá của một chiếc iPhone 5 tại đây.
Loại dưa hình vuông này đặc biệt được những người giàu có ở Nga ưa thích. Theo Thời báo Moscow, một số người lắm tiền nhiều của thích mua dưa vuông "cho vui" chứ không phải để ăn.
Trông người lại ngẫm đến ta. Năm 2006, Đinh Trần Nguyễn( sinh năm 1984), lúc đó đang là sinh viên thứ tư ngành Trồng trọt K29, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, trường Đại học Cần Thơ đã cho ra đời sản phẩm dưa hấu vuông đầu tiên tại Việt Nam.
Từ thời điểm 2006 đến nay đã là 7 năm nhưng thương hiệu dưa hấu vuông Việt Nam vẫn chẳng được mấy người biết đến, có chăng nó chỉ xuất hiện trên các sạp hàng, siêu thị vào dịp Tết. Trong khi đó thương hiệu dưa hấu vuông của người Nhật phát triển rất mạnh và trở thành sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của họ, đồng thời mang lại nguồn thu khá lớn cho nông dân Nhật Bản.
Không chỉ cho ra đời dưa hấu hình vuông, hình kim tự tháp mà Đinh Trần Nguyễn còn tạ ra dưa lê vuông |
Việt Nam vẫn tự hào đang đứng thứ nhất, thứ nhì trên biểu đồ xuất khẩu nông sản toàn thế giới là vậy mà nông dân vẫn buồn rười rượi bởi thua lỗ. Quanh năm làm ăn chỉ trông cậy vào ông trời. Nếu may mắn mưa thuận gió hòa thì giá cả lại bị chèn ép nên người nông dân liên tục thua lỗ. Đây là bài toán đặt ra cho công nghệ bảo quả sau thu hoạch của ta hiện nay. Người nông dân sau khi thu hoạch nông sản, hoàn toàn không có công nghệ bảo quản nào khác, ngoài những phương pháp thủ công như phơi, sấy….
Chính vì vậy, mà mới đây, Việt Nam vừa tiếp quản công nghệ bảo quản nông sản, thực phẩm (CAS) hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Theo đó nông thủy sản sẽ được giữ tươi ngon đến 99,7% so với lúc vừa thu hoạch trong thời gian lên đến 10 năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân, đây là công nghệ rất hiện đại, có giá lên đến hàng triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng không chỉ quả dưa hấu, các loại nông sản khác có thể bảo quản được vài tháng, có thể tới vài năm. Thế nhưng với giá hàng triệu USD, người nông dân khó mà với tới được, chưa kể người dân đổ tiền vào bảo quản nông sản nhưng vài năm sau, liệu giá nông sản có cao hơn hay vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí đi xuống.
Cùng với công nghệ sau thu hoạch chưa tốt hiện nay, thì công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản cũng đang gặp nhiều vướng mắc….
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho đến thời điểm này Việt Nam có khoảng 1.000 sản phẩm nông sản nổi tiếng nhưng chỉ có 136 thương hiệu đăng ký được quyền bảo hộ cho nhãn hiệu của mình. Nhưng các sản phẩm này vẫn chỉ "mon men" ở thị trường trong nước mà chưa ra được nước ngoài.
Nhiều cuộc hội thảo của các nhà khoa học, các nhà quản lý “từ đầu bờ” cho đến “đầu bàn” về việc làm sao xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nhiều tỉ đồng từ ngân sách đã được chi ra cho việc xây dựng thương hiệu nhưng tiếc thay ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng đang mất niềm tin vào thương hiệu nông sản Việt khi hàng loạt bê bối như trộn bùn, phân lân vào chè để tăng khối lượng, mẫu mã đẹp; nông sản độc hại không rõ nguồn gốc xuất xứ dán nhãn mác Việt Nam...
Có lẽ, câu chuyện dưa hấu vuông có giá đắt hơn Iphone 5 vẫn là điều mà người nông dân Việt Nam còn phải “mơ về nơi xa lắm”.
- Nam Phong (Tổng hợp theo TTXVN)