Đức Tuấn, ca sĩ thể hiện mọi sắc thái trong nhạc Phạm Duy

08:10, Thứ bảy 05/11/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đức Tuấn là một nghệ sĩ tham vọng, liều lĩnh. Anh sẵn sàng sạt nghiệp chỉ để thỏa mãn một cuộc chơi tưởng như là không tưởng đối với nghệ sĩ Việt Nam.

(Phunutoday) - Đức Tuấn là một nghệ sĩ tham vọng, liều lĩnh. Anh sẵn sàng sạt nghiệp chỉ để thỏa mãn một cuộc chơi tưởng như là không tưởng đối với nghệ sĩ Việt Nam. Sau thành công của liveshow Đức Tuấn in Broadway mà nhiều người nghĩ là không thể, Đức Tuấn vẫn đang tiếp tục con đường biến cái không thể thành có thể bằng tình yêu âm nhạc đến mức điên cuồng của mình.


Nói về ca sĩ Đức Tuấn, đừng nói về cuộc sống cá nhân. Những scandal tình ái, sự xa hoa chơi trội, phát ngôn chiêu trò để đánh bóng tên tuổi lại càng không. Anh chỉ có âm nhạc, công việc và những ước mơ to lớn về nghệ thuật.

 “Tôi có thể hi sinh mọi thứ cho âm nhạc”.  Đức Tuấn đang lột xác từng ngày, biến hóa đa đoan trên sân khấu âm nhạc và thậm chí phá bỏ những quan niệm định kiến bao năm nay về dòng nhạc này, tác phẩm này thì phải là thế này, thế kia…

Anh cho khán giả sự bất ngờ và không chấp nhận sự nhàm mòn. Và đương nhiên, trong sự cực đoan của Đức Tuấn, sẽ có người thích và có người rất ghét, nhưng điều mà anh luôn đảm bảo là sự chuyên nghiệp, chất lượng cao nhất có thể trong công việc. Đức Tuấn không phủ nhận tham vọng muốn vươn tới một nghệ sĩ đẳng cấp thế giới.

Người duy nhất thể hiện được mọi sắc thái âm nhạc của Phạm Duy

Gần đây thấy phong cách hát của anh nghiêng hẳn về tính kịch nghệ của Broadway, khán giả có người thích có người không thích, bản thân anh coi đây là sự thử nghiệm hay một lựa chọn đường dài?

Trước giờ, tôi chưa từng thử nghiệm một điều gì, đã tới tai công chúng là không còn thử nghiệm nữa. Đó là màu sắc mà tôi muốn mang ra cho công chúng. Thời gian qua, tôi đã nỗ lực không ngừng để hoàn thiện mình theo phong cách đó, đương nhiên cái gì mới thì sẽ nhận được những phản ứng trái chiều, mình không thể làm vừa lòng hết tất cả khán giả. Nhưng quan trọng là tôi biết mình đang làm gì.

Đức Tuấn và nhạc sĩ Phạm Duy
Đức Tuấn và nhạc sĩ Phạm Duy


Dường như anh đang hồ hởi “Broadway hóa” mọi thứ, từ phong cách biểu diễn đến cả những ca khúc nhạc xưa, điều này có đảm bảo cảm xúc cho tác phẩm không khi phần trình diễn buộc phải đề cao hơn?

Tôi nghĩ với phong cách Broadway, nếu thực sự hiểu thì cảm xúc sẽ nhiều hơn. Broadway là cách hát đẩy cảm xúc lên cực điểm, do đó nét biểu cảm sẽ rõ ràng hơn phong cách thông thường. Ví dụ bài Cỏ Hồng hay Kiếp nào có yêu nhau, tôi xử lý theo phong cách Broadway, biểu cảm hơn rất nhiều, có người rất thích nhưng có người lại rất ghét. Với tôi, thực sự những tác phẩm ấy phải là như thế, đó là cảm nhận riêng của tôi, tôi làm cho điều đó trở nên mạnh mẽ, rõ ràng hơn thôi.


Tất nhiên mỗi bài lại có những màu sắc khác nhau. Tôi hát Tình hờ khác hẳn những nghệ sĩ từ xưa đến nay. Nhiều người coi xong bài đó ghét tôi luôn (cười). Rồi Cỏ Hồng khi hát cùng Mai Khôi cũng như vậy, nó gây sốc, kích thích người ta và nhiều người khó chịu với điều đó. Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy lại rất thích cách tôi thể hiện điều đó, ông còn bắt người ta tìm tài trợ cho tôi tổ chức chương trình ngoài Hà Nội. Ông từng nói: “Chỉ có cái cậu Đức Tuấn hát nhiều bài của tôi ở nhiều thể loại mới ra được hết màu sắc, cá tính âm nhạc của tôi. Nhiều ca sĩ từng thành công khi hát nhạc của tôi nhưng chỉ thành công ở một dạng ca khúc, còn Đức Tuấn thì hầu như là toàn bộ”.

Bây giờ anh đang hướng đến điều gì ở thị trường Việt Nam?

Thị trường Việt Nam bị bỏ ngỏ về phong cách âm nhạc chứ không hề bão hòa như người ta nói. Cổ điển giao thoa có mấy người làm đâu. Tôi đi theo hướng Semi classic và tin rằng mình vẫn còn chưa khai thác hết cái hay, cái ưu điểm của dòng nhạc này.

World music, anh có hứng thú không?

Thực sự là không, với tôi dòng nhạc này hơi đều đều quá. Tôi thích một phong cách “mạnh màu” hơn thế. Trong show nhạc Đức Tuấn in Paradise sắp tới đây, người ta sẽ thấy một Đức Tuấn hoàn toàn khác, ngoài việc thể hiện giọng hát ra còn có tính biểu diễn sân khấu rất cao nữa. Thời buổi này không thể bỏ qua điều đó. Sẽ có hai mảnh ghép lớn, một là những tác phẩm kinh điển ở thể loại trường ca của ba nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, hai là nhạc kịch Broadway. Vẫn là sự kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, vũ đạo sân khấu do những chuyên gia hàng đầu của Anh đảm nhiệm. Tôi muốn thực hiện âm nhạc Việt Nam qua lăng kính của người nước ngoài.
Đó là lòng tự tôn dân tộc muốn tôn vinh những giá trị bản địa hay là sự tham vọng cá nhân, thích chơi lớn?

Đúng là tôi thích chơi lớn thật, thích chinh phục những điều khó khăn. Những điều người ta thường làm thì tôi không muốn làm. Tôi thành công bằng nhạc Trịnh và tôi không muốn lạm dụng quá nhiều dòng nhạc này, chính vì vậy, tôi chọn một tác phẩm lớn của ông là Đóa hoa vô thường với phần hòa âm vô cùng công phu, khán giả có thể cảm nhận ca khúc này như đang xem một cuốn phim nhiều tâm trạng, cảm xúc, kịch tính.

Mọi người đừng nghĩ đơn giản mới tinh tế còn phức tạp thì không. Phức tạp có sự tinh tế đỉnh cao của nó vì dàn nhạc giao hưởng có thể thực hiện được điều đó ở mức cầu kì, chỉn chu hết mức có thể. Chỉ vì đơn giản người ta đã làm quá nhiều, còn tôi, tôi sẽ làm cho lớn chuyện, vậy thôi.

 


Vậy là anh đang cố gắng bao hết phần sân bỏ ngỏ của thị trường Việt Nam?
 
Gần đúng như vậy. Những gì nghệ sĩ Việt Nam chưa làm, tôi sẽ ưu tiên làm trước. Hiện tôi, đang muốn hướng tới sự giao thoa giữa cổ điển và nhạc điện tử, với sự hỗ trợ của những nhạc sĩ danh tiếng trên thế giới đã có kinh nghiệm nhiều năm với dòng nhạc này. Ở Việt Nam, gần như nhạc điện tử không có người làm dù đã thấy dấu hiệu phát triển. Đó là chuyện sắp tới, sân chơi của nhạc điện tử không thể thiếu tôi được, tôi không “nhả” mảng đó ra đâu (cười).
Nghệ sĩ tính không phải là sự cẩu thả, coi thường người khác

Cuộc chơi càng lúc càng lớn này thúc đẩy nghệ sĩ tính của anh hay làm giảm bớt đi? Dường như chỉ thấy ở Đức Tuấn sự tỉnh táo và lí trí?

Nghệ sĩ tính mạnh hơn rất nhiều trong tôi. Nhưng mình vẫn phải lí trí chứ. Nghề nghiệp này đến một mức độ nào đó bắt buộc nghệ sĩ phải lí trí trong công việc. Nhưng trong sáng tạo thì không. Sáng tạo là thuần túy cảm xúc nhưng khi mang ra cho công chúng thì phải tính toán cẩn thận từng bước, cái nào ra trước, cái nào ra sau. Nghệ sĩ tính với tôi không phải là sự thất thường, lúc mưa lúc nắng, coi thường người khác, đó chỉ là tính cẩu thả kém văn minh. Tôi từ chối là mẫu nghệ sĩ đó, tôi là nghệ sĩ thích làm việc một cách chuyên nghiệp.


Chưa bao giờ, tôi luôn chọn tôn trọng khán giả và hơn nữa đó là uy tín, danh dự của mình. Thực ra, buồn cũng nhiều lắm, đau cũng nhiều nhưng do tình yêu âm nhạc trong tôi quá lớn nên lấn át tất cả mọi thứ. Người ta không biết tôi yêu công việc mà tôi đang làm điên cuồng đến mức độ nào đâu. Tôi là tuýp nghệ sĩ vong thân vì con đường mình chọn. Tôi đã hi sinh rất nhiều điều cho âm nhạc, từ sở thích, tiện ích cá nhân đến tình cảm… Nếu để tôi một mình với âm nhạc thì tôi mù quáng, yêu đến mức khùng điên, nhưng khi mang ra công chúng tôi lại là kẻ tỉnh táo.
  

Tất nhiên, mọi chuyện phải được đảm bảo ở mức cơ bản. Tôi không phải người xa hoa và xa xỉ. Tôi không phải mẫu người thích hưởng thụ. Tôi hưởng thụ, tận hưởng cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc khi làm việc. Nếu tôi có rất nhiều tiền, tôi sẽ không hưởng thụ mà nghĩ ra điều gì đó để làm. Tôi không mệt mỏi với điều mình đang làm, âm nhạc là khoái cảm tột cùng với tôi.

Anh không bao giờ thấy hối tiếc?

Tôi chưa bao giờ hối tiếc về bất cứ điều gì.

Sai lầm thì sao?

Tôi có sai lầm nhưng không bao giờ hối tiếc. Tôi đối diện với mọi điều trong cuộc sống, cả xấu lẫn tốt, tiêu cực hay tích cực. Ngoài âm nhạc, tôi cũng rất yêu cuộc sống, yêu cả mặt xấu lẫn mặt tốt mà cuộc đời mang lại vì điều đó khiến tôi ý thức rõ ràng hơn giá trị của thành quả và hạnh phúc. Phải có hai mặt đó của cuộc đời thì mới trọn vẹn. Bản thân tôi rất thích mạo hiểm, thể thao, du lịch… Tôi đang học leo núi một cách thực thụ như một nhà thám hiểm, nhưng hiện phải kiềm chế lại vì sắp đến show diễn rồi, tôi không muốn mình gặp bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến công việc. Bạn xem, tôi không có thời gian và nhu cầu gặm nhấm nỗi buồn hay hối tiếc. Thời gian vẫn vùn vụt trôi qua, cuộc sống luôn tràn đầy niềm hân hoan, tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì.

Những kẻ yêu công việc đến phát cuồng như anh có thời gian dành cho gia đình và những người thân không?

Thực ra tính gia đình trong tôi rất cao. Chưa bao giờ tôi tách rời khỏi gia đình. Tôi may mắn vì được gia đình ủng hộ, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Chính vì thế, tôi là người luôn hạnh phúc. Tôi có gia đình cùng vui cùng buồn với tôi, dù đôi lúc có những việc họ không thể giúp gì cho tôi nhưng cả nhà đều chia sẻ với tôi việc tôi muốn làm, mà điều đó thì quan trọng hơn rất nhiều. Gia đình là nguồn sức mạnh lớn cho tôi nghị lực và tình yêu để đi trọn đam mê của mình.

d
 


Vậy anh không cô đơn, cô đơn như một nghệ sĩ như người ta hay nói, nghệ sĩ trút nỗi cô đơn của mình vào đam mê nghệ thuật để thăng hoa cảm xúc?

Cái đó là người ta nói vậy thôi. Người ta nói cứ buồn, cứ cô đơn thì hát tâm trạng hơn. Chứ thực ra càng lớn, người ta càng hát có kinh nghiệm hơn, hay đúng hơn có kinh nghiệm truyền tải cảm xúc của mình. Thực ra người trẻ hay buồn nhưng họ không biết cách truyền tải nỗi buồn đó đến người nghe ra sao cho trọn vẹn.

Nhưng người có kinh nghiệm, chỉ cần buồn thoáng qua cũng có thể làm người khác buồn hơn mình qua giọng hát và cảm xúc, cách diễn đạt… Tôi không cô đơn vì tôi có gia đình nhưng tôi có kinh nghiệm truyền đạt cảm xúc của mình đến người nghe một cách chuyên nghiệp, nên dù tôi hát nhạc buồn hay vui, khán giả vẫn có thể cảm nhận được điều đó một cách tự nhiên. Chính vì thế, tôi luôn nỗ lực để có được sự chuyên nghiệp hoàn hảo nhất có thể.

Thiên Ca

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc