'Được mùa' phát ngôn thẳng thật của quan chức Việt

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chỉ trong vòng hai ngày qua, dư luận đã không khỏi giật mình bất ngờ trước những phát ngôn thẳng thật, đầy mạnh mẽ của các vị lãnh đạo nước ta.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 'Không thể để mèo già hóa cáo trong giáo dục'

Ngày 11/9, trong hội thảo tổng kết 3 năm thực hiện chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, sau khi 10 trường đại học thuộc khối nghệ thuật tự chủ tuyển sinh thành công, các trường còn lại cũng xin tuyển sinh riêng. Một số trường trung cấp, cao đẳng có tuổi đời lớn cũng xin được nâng cấp lên cao đẳng, đại học.

Theo báo VnExpress, phản hồi ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc các trường cao đẳng khó tuyển sinh Bộ Giáo dục tiếp nhận. Tuy nhiên, việc nâng cấp cao đẳng lên đại học cần phải suy nghĩ bởi vấn đề quan trọng nhất là phân luồng học sinh, đào tạo nhân lực đáp ứng cho xã hội. Mà nhu cầu thì cần cả lao động ở các cấp độ khác nhau.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhắn nhủ, không nên vì các trường cao đẳng khó khăn trong tuyển sinh mà kiến nghị thay đổi, nâng cấp. Cần phải nhìn sâu hơn nguyên nhân các trường không tuyển sinh được là gì. Nếu học sinh vào trường trung cấp, cao đẳng chỉ để vào học đại học thì các trường này đã không thực hiện được sứ mệnh.

"Tôi đang yêu cầu các Vụ, Cục tổng kết việc nâng cấp. Bộ cũng sẽ không nhận các hồ sơ xin nâng cấp nữa. Trung cấp, cao đẳng có sứ mệnh, vị trí, vai trò, vinh quang riêng. Ở nước ngoài trường cao đẳng có tuổi đời 100 năm là chuyện thường và họ tự hào vì điều đó. Không thể lấy lí do đào tạo cao đẳng vài chục năm để xin lên đại học. Không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng mèo già hóa cáo", Bộ trưởng Luận nói và cho hay, việc các trường đại học bắt đầu từ trường trung cấp hay trường nghề rất nguy hiểm. Việc nâng cấp nếu có phải do nhu cầu bức thiết của xã hội và do các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu.

"Không thể lấy lí do đào tạo cao đẳng vài chục năm để xin lên đại học. Không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng mèo già hóa cáo", Bộ trưởng Luận nói. Ảnh: VNE

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: 'Ăn của dân không từ một cái gì'

Sáng 11/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Những vấn đề bất cập nhất được đề cập là chất lượng khám chữa bệnh với người có thẻ bảo hiểm y tế, việc cấp trùng hàng trăm ngàn thẻ bảo hiểm y tế…

Theo báo Tuổi Trẻ, trong phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng nói về hàng loạt tiêu cực xảy ra trong xã hội khiến bà rất đau lòng: “Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá. Tôi nghĩ bảo hiểm y tế có những mảng tối cần phải chỉ ra. Ví như chuyện những người có thẻ bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén. Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”.

Bà Doan tiếp lời: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vắc-xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.

Cũng trong cuộc họp, khi nhắc đến vụ việc ăn bớt vắc xin tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội khi chỉ tiêm 2/3 lọ cho trẻ sơ sinh, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã ví đó như tội ác và bình luận rằng: “Làm việc như vậy thì phải mang ra bắn chứ đừng có đùa".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:  'Vài thập kỷ nữa vẫn còn hạn chế'

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảm ơn các ý kiến góp ý và cho rằng đó là những ý kiến thẳng thắn về những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực này. “Hạn chế thì chắc chắn hạn chế rất nhiều. Và vài thập kỷ nữa vẫn còn hạn chế. Bởi vấn đề an sinh xã hội thì phải luôn cần được cải thiện” - bà nói.

Theo bà Tiến, ở các nước, người ta có bộ y tế và an sinh xã hội, tức là phải hai bộ của mình ghép vào nhau. Bảo hiểm y tế nó đặc thù, cần quản lý đặc thù, nhưng ở ta thì quản lý rất chồng chéo, phức tạp.

Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền. Chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội quản. Như vậy là chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ” - bà Tiến trình bày.

Bà Tiến nói: “An sinh xã hội của ta cũng tốt hơn nhiều nước. Vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá”.

Ông Nguyễn Bá Thanh: Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế

Trong khi vấn đề giáo dục, y tế được phản ánh rất gay gắt như vậy thì hoạt động chống tiêu cực cũng có những đánh giá khiến người dân không khỏi giật mình.

Ngày 11/9, làm việc với TAND Tối cao, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, đặt vấn đề phải làm rõ những vướng mắc của các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, biện pháp khắc phục.

Đoàn công tác do ông Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu là một trong bảy đoàn công tác được thành lập theo kế hoạch kiểm tra giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, đề ra từ hồi đầu tháng 8.

Đề cập đến nội dung làm việc của đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao đưa ra những vướng mắc cụ thể trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng. Theo ông Thanh, một trong những vướng mắc lớn trong việc truy tố xét xử án tham nhũng là còn thiếu các chế tài cơ sở pháp lý về giám định.

“Hiện nay khâu giám định tư pháp đang tắc vô cùng, các ngành đã gắng rồi nhưng nó vẫn dở dở ương ương, đến bây giờ đôn đốc các cơ quan rất là khó khăn. Nhiều vụ án giám định không biết bao giờ kết thúc, thích thì làm mấy tháng, không thích thì làm năm nọ qua năm kia cũng không ai làm gì được, đây là những sơ hở phải khắc phục”, ông Thanh nói.

Vấn đề trên, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng Tổng bí thư đã kết luận nhưng cuối cùng vẫn chưa chuyển biến và bản thân ông cũng thấy rất sốt ruột.

“Mấy bữa trước thấy kiểu này là tôi oải luôn, kiểu này chắc bay tiêu cả năm 2013. Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế. Năm 2013 còn mấy tháng nữa làm sao mà làm cho kịp”, ông Thanh nói tiếp.

Ông Trương Hòa Bình (trái, Chánh án TAND Tối cao) và ông Nguyễn Bá Thanh (phải, đứng phát biểu) tại buổi làm việc - Ảnh: TNO

Ông Thanh dẫn ra vụ việc cụ thể là vụ “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn...” xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là Vifon): “Trong vụ này hai ông là Bộ Công thương và Bộ Tài chính không chịu làm nguyên đơn dân sự. Các ông đều có cái lý của mình. Tôi đề nghị anh Trương Hòa Bình cho triệu tập cả hai ông đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự được không? Triệu tập đây không phải là có tội gì đâu mà để làm rõ lấy lại tiền cho Nhà nước cả mấy chục tỉ đồng, nên làm choo dứt điểm vụ này đi, một vụ nhỏ như thế này mà đẩy lên Bộ Chính trị thì tốn thời gian quá”.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến: Họp hành nhiều, tai nạn giao thông... tăng!

Chiều 10/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban An toàn giao thông TP và lãnh đạo các quận huyện, các sở ngành hữu quan để sơ kết 1 tháng triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn. 

Phản ảnh tại cuộc họp, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho hay: "Chỉ trong mấy ngày vừa qua tôi đã tham dự đến 3 cuộc họp về vấn đề trật tự an toàn giao thông do TP tổ chức!". Tuy nhiên theo ông Văn Hữu Chiến: "Thời gian qua chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc họp về ATGT, lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều hành, đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên kết quả là vẫn còn nhiều vấn đề, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn cứ tăng!".

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông Đà Nẵng, tính chung 8 tháng qua, trên địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra 158 vụ TNGT (trong đó có 105 vụ TNGT đường bộ, 3 vụ TNGT đường sắt) làm chết 90 người, bị thương 130 người, thiệt hại tài sản trị giá 835,9 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ TNGT giảm 6,5% (11 vụ), số người bị thương giảm 16% (25 người). Tuy nhiên số người chết vì TNGT lại tăng 9,8% (8 người).

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban An toàn giao thông TP chiều 10/9 (Ảnh: HC)

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng:  “Bộ Xây dựng chả làm gì”

Trong khi đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng, vị lãnh đạo nổi tiếng với những quyết định mạnh mẽ và các phát ngôn thẳng thật cũng đã có phát biểu khiến dư luận quan tâm vào ngày 11/9, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến bàn việc thực hiện Nghị quyết số 16 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP.Hà Nội và TPHCM. 

Tham gia cuộc họp, đại diện Bộ Xây dựng - Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn - cho biết, ông “rất ngỡ ngàng” bởi đây là lần đầu tiên “được mời tham gia” phiên họp về giao thông. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đánh giá báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông (UBATGT) “kỹ, tổng hợp” nhưng không cụ thể. “Ví dụ tai nạn giao thông thường xảy ra ở đâu, lý do tại sao để nghiên cứu và xử lý tại chỗ, chứ cứ nói chung thế này chả biết lần từ đâu”. 

Ông cũng khuyến cáo về thực trạng các thành phố lớn “đang bằng lòng với một số hệ thống cầu vượt nhẹ”, mà nguy cơ chỉ 2-3 năm nữa sẽ tiếp tục ùn tắc nếu không thực hiện nút giao thông lập thể. Ông Nguyễn Đình Toàn cũng nêu câu hỏi về việc đặt hướng, tuyến cầu vượt. “Ví dụ Bắc Thăng Long - Nội Bài sao không đi thẳng mà đi ngang?” - ông chất vấn.

Ông Nguyễn Đình Toàn kể về một dự án quy hoạch TP.Hải Dương do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. “Phía JICA điều động đến 40-50 người Nhật đứng ở các ngã 3, ngã 4 để đếm lưu lượng giao thông. Khi tôi hỏi vì sao không nhờ các nhân viên Việt Nam, họ cho biết “không tin, mà phải tự đếm” để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất” - ông nói. 

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng bình luận việc “đại diện Bộ Xây dựng ngỡ ngàng khi đi họp”, cho thấy hóa ra lâu nay... “Bộ Xây dựng chả làm gì” trong lúc, vai trò của Bộ Xây dựng cực kỳ quan trọng trong việc phê duyệt quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, mọi tính toán quy hoạch giao thông như xây cầu vượt đều đưa công nghệ mới nhất vào, chứ “không ai làm bừa, làm ẩu”. Song, ông cũng thừa nhận mọi tính toán dù là máy hay công nghệ hiện đại đến đâu vẫn là do con người điều khiển, nên không tránh được khiếm khuyết. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận trách nhiệm Bộ GTVT rất lớn, nhưng cũng ở mức độ theo chức năng nhiệm vụ được giao, chứ không phải “cứ ùn tắc giao thông là lại gọi “Bộ Giao thông”! Theo ông, đó trước hết phải là trách nhiệm của thành phố và của cả các bộ, ngành liên quan. 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn