“Đuổi” mồ hôi chân và “mùi ” bất đắc dĩ...

05:47, Thứ hai 19/12/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dùng một lượng phèn chua vừa phải, pha với nước ấm, ngâm chân trước khi đi ngủ sẽ làm giảm được mồ hồi chân.

(Phunutoday) - Ngày mới yêu nhau, Na biết, bạn bè vẫn gọi đùa Đạo là Đạo “nước hoa”, là bởi “mùi thơm” từ đôi chân anh. Nhưng Na không quan tâm. Bạn bè bảo: Na quen với mùi ấy rồi nên không còn cảm nhận được nó nữa, mà có khi lại đâm ra “nghiện” cũng nên. Nhưng đến khi về sống với nhau rồi, mùa đông đến, Na thật không thể sống chung với “mùi thơm” ấy lâu hơn nữa...
 

[links()]

“Cặp đôi hoàn hảo”

 

Trong lớp văn hiếm hoi đàn ông ấy, Đạo nổi lên bởi vẻ trắng trẻo, thư sinh, điển trai, đa tài. Khác với suy nghĩ về con trai học văn là ẻo lả, là “đàn bà”, Đạo rất vui tính, hài hước, nhưng cũng rất đàn ông. Đạo thường chúi mũi vào máy vi tính, khi thiết kế cái này, lúc thiết kế thứ kia suốt ngày, nhưng cũng không bao giờ quên... làm thơ. Thơ là niềm vui, là nỗi buồn, là tâm sự của Đạo.

Lúc rảnh rỗi, Đạo lại mài mực tàu, viết thư pháp. Thật đúng là chàng trai lý tưởng của con gái Khoa văn. Con gái thích nói chuyện với Đạo, thích nhìn cặp môi đỏ thắm của Đạo nở nụ cười, khoe hàm răng có vết răng sâu đen giữa hai chiếc răng cửa, mà cô nào cũng thấy duyên lạ. Và cũng không ít cô trong số 40 thiếu nữ của lớp văn ấy thần tượng Đạo.

Giữa rừng hoa nhiều màu sắc ấy, Na chỉ là một cô gái bé nhỏ, tinh nghịch. Lúc đầu, Na gọi Đạo là “cha”, “cha Đạo” và xưng “con”. Nhưng rồi, không biết từ lúc nào, cô gái bé nhỏ, đôi mắt một mí tinh nghịch với mái tóc tém ấy đã bắt mất hồn Đạo. Ngày đầu đi chơi cùng nhau, Đạo run run lôi từ trong ba lô ra một chiếc vương miện được tết bằng hoa cỏ, rồi nhẹ nhàng đội lên mái tóc tém của Na và nói lời yêu đầu tiên.

Hai đứa xưng “mình - người ta” thật ngọt ngào và thường xuyên có những chuyến đạp xe vào buổi chiều dưới rừng thông, rồi cùng chúi mũi vào máy tính với những trang web về văn thơ suốt cả ngày không chán. Hai đứa cũng thường xuyên sáng tác, nào thơ, nào truyện ngắn và thỉnh thoảng lại có bài đăng ở báo Văn nghệ trẻ. Có những buổi chiều, Đạo viết thư pháp, Na ngồi bên cạnh, dẩu cái môi xinh xinh lên thổi phù phù vào những nét chữ mới được viết xong, cười nắc nẻ rồi treo lên tường.

Khắp tường nhà Đạo, chỗ nào cũng treo thư pháp. Có lần, Đạo còn viết cho Na mang về nhà tặng bố mẹ. Hầu như làm bất cứ việc gì, Đạo - Na cũng luôn có nhau. Cả lớp văn chỉ có 5 chàng trai, duy nhất chỉ có một đôi yêu nhau, mà lại rất hợp nhau, đi đâu cũng có nhau, dính lấy nhau như hình với bóng nên mọi người vẫn gọi đây là cặp trời sinh. Và mặc cho bao nhiêu con mắt thèm thuồng lẫn tiếc nuối, ghen tị nhìn theo mỗi khi sánh bước bên Đạo, Na ngẩng cao đầu hãnh diện.
    
Mùa đông và “mùi thơm” oái oăm

Yêu nhau suốt 4 năm đại học, Đạo và Na đã có bao nhiêu kỷ niệm gắn bó. Nhóm bạn thân của Đạo -  Na gồm 5 người sống chung một xóm trọ nên thường nấu cơm chung, phân công mỗi người một nhiệm vụ. Cuối bữa ăn cơm chiều hôm nay sẽ bắt thăm nhiệm vụ cho hôm sau. Nhiệm vụ cụ thể được ghi rõ trong mỗi tờ giấy gồm: chợ, bếp chính, bếp phụ, bát chính, bát phụ. Người đi chợ sẽ phụ trách mua thức ăn cho cả ngày, bếp phụ có nhiệm vụ nhặt rau, thái thịt, sơ chế đủ thứ, và cho lên nồi, bếp chính chỉ việc... đảo, nêm, chưa hết, bếp chính còn tha hồ sai bảo bếp phụ.

Tương tự, bát phụ cũng phải tha hồ để bát chính... sai bảo. Nhiệm vụ đã được phân công nên ít ai cãi lại. Nhưng Đạo và Na thì ngược lại, lúc nào Na cũng là bếp chính Đạo luôn lăng xăng chờ Na sai bảo, tiếng cười ríu rít khiến cả nhóm bạn phải thốt lên: “Tình yêu đúng là nước hoa, sức lên mình một chút thì người khác cũng thơm lây”.

Nhưng trong những bữa ăn cơm, khi trải chiếu ngồi ăn trên nền nhà, thỉnh thoảng, cô bạn thân lại phàn nàn về mùi “nước hoa” lan tỏa từ bàn chân của ai đó và truy tìm “nguồn gốc”. Mãi về sau thì cô bạn phát hiện ra thủ phạm chính là Đạo, nhưng lần nào cũng như lần nào, Đạo lại giơ chân của mình lên sát mũi, khịt khịt một cách hài hước và bảo: “Có thấy mùi gì đâu nhỉ!”. Cô bạn ấm ức lắm, nhất là mùa đông đến, vốn có chiếc mũi nhạy cảm, cô lại bị “tra tấn” nhiều hơn. Những lúc ấy, Na chỉ cười mà không bình luận gì thêm. Cô thấy những hành động của Đạo thật hài hước và dễ thương.

Nhưng một lần, trong một buổi học, Đạo không thể chối cãi được “mùi thơm” ấy nữa. Ấy là trong một buổi học mùa đông, Đạo ngồi gần Na và cô bạn thân nọ. Bất chợt, mấy cô bạn ngồi gần đó quay xung quanh tìm kiếm: “Mùi gì ấy nhỉ?”, có cô khe khẽ bảo: “Mùi giầy tất của ai ấy!”, các cô nhăn mặt rồi lại nhìn thẳng vào Đạo như dò xét, vì quanh ấy chỉ có mỗi một anh chàng ngồi. Đạo chẳng nói nói gì, mặt tỉnh bơ, cắm cúi vào quyển sách.

Ai đời, đường đường một chàng hào nhoáng, đẹp trai như Đạo lại để bị bẽ mặt vì vụ việc... lãng xẹt thế này được. Chỉ có Na và cô bạn thân là biết, tai của Đạo đang đỏ ửng lên. Nhưng thật lạ là trong khi mọi người đều phàn nàn thì Na lại không cảm thấy gì. Hay là Na quen với mùi ấy thật? Na suy tính, hay là mình tặng Đạo thuốc xịt chân, nhưng Na để ý thấy, hình như mỗi lần bị bạn bè phát hiện một cách bất đắc dĩ như thế, Đạo lại đỏ mặt ngượng ngùng nên suy đi tính lại mãi mà Na vẫn không dám tặng vì sợ Đạo tự ái.

“Đuổi” mồ hôi chân và “mùi thơm” bất đắc dĩ

Ra trường, hai người làm đám cưới, đó là một cái kết đẹp mà lớp văn được biết đến. Bởi dù biết hai người yêu nhau nhiều thế nhưng những mối tình sinh viên, không hiếm cảnh “trường tan, tình tan”, trong khi, Đạo và Na mỗi người lại một quê, lại cách xa nhau cả mấy trăm cây số. Nhưng Đạo và Na vẫn quyết tâm đến với nhau, Đạo đón Na về quê mình, đó là vùng cao nguyên trồng chè nổi tiếng, nhưng cũng nổi tiếng là lạnh và khắc nghiệt về mùa đông.

Công việc của Đạo thường xuyên phải đi nhiều, nhưng vẫn như thời sinh viên, Đạo giữ thói quen đi dép cho dù thời tiết khá lạnh. Na mua giầy, mua tất và động viên Đạo đi mãi nhưng hiếm hoi lắm, Đạo mới chịu đi. Đặc biệt, mùa đông lạnh thế mà Đạo cũng rất ít khi đi giầy. Anh bảo, mùa hè đi dép mãi không sao, vì có ra mồ hôi chân là có thể chạy ù ra rửa chân ngay, xua ngay lớp mồ hôi dinh dính, nguyên nhân của những “mùi thơm” không lấy gì làm dễ chịu ấy, nhưng mùa đông thì khác.

Mùa đông đi giầy, khiến đôi chân của anh bức bí, bí bách trong đôi tất dày cộm, đôi giầy kín mít khiến mồ hôi chảy nhiều hơn, và chính vì thế, “mùi thơm” kia lại càng có cơ hội hoành hành, khiến anh phải bao phen khốn đốn, đỏ mặt tía tai vì xấu hổ. Vậy nên, dù trời rất lạnh nhưng Đạo vẫn căm căm xỏ đôi dép mà theo Na là vừa quê, vừa xấu xí.

Để khắc phục, Na mua cho Đạo rất nhiều thuốc xịt khử mùi cho chân nhưng vẫn không ăn thua. Mỗi lần Đạo phải mặc comlê là mỗi lần Đạo khổ sở đi giầy. Mỗi lần cơ quan hội họp, hoặc phải đi đâu tiếp khách, Đạo ngao ngán xỏ giầy, mặt nhăn nhó, khó chịu. Trước kia chưa ở với nhau, thấy các bạn trêu đùa, Na chỉ thấy bình thường, nhưng sau này, khi đã về sống chung, thì Na thật sự phải phải hứng chịu “mùi thơm” không lấy gì làm dễ chịu ấy.

Có lần, có vị khách đến chơi, đôi giầy của Đạo để gần cửa, vị khách thỉnh thoảng lại chun mũi mà không tiện nói ra, chỉ có Na là hiểu. Chuyện cứ thế tiếp diễn, Đạo và Na vẫn cứ phải ấm ức sống chung với “nước hoa” mà không tìm ra lời giải. Hậu quả sau mỗi lần đi giầy luôn để lại ám ảnh cho cả Đạo và Na.

Có lần, Na than thở với cô bạn thân học cùng đại học, cô bạn phá lên cười, hóa ra, không phải Na có thể chung sống và làm ngơ với “mùi thơm” đó suốt đời được, rồi cũng đến lúc Na phát hiện ra, không thể chấp nhận nó và quyết tâm “tiêu trừ” nó. Sau một hồi nhắc nhớ kỷ niệm xưa, cô bạn bày cho Na một cách rất đơn giản:

Mùi hôi thường do các loại vi khuẩn, nấm ở chân sinh ra, nhất là ở những người có bệnh viêm da chân, mồ hôi ở chân nhiều mà thường xuyên đi tất, giầy kín, do vậy, dùng một lượng phèn chua vừa phải, pha với nước ấm, ngâm chân trước khi đi ngủ sẽ làm giảm được mồ hồi chân. Trước khi đi ngủ phải lau chân thật khô, tránh để phèn chua làm hư hại da. Sau đó, lấy một túi vải nhỏ, khô, sạch, cho một ít phèn chua vào trong túi, nhét vào giầy, để qua đêm thì sẽ giảm dần được mùi hôi khó chịu.

Ngoài ra, cũng có người mách Na nên đun nước lá lốt cho chồng ngâm chân cũng rất hiệu quả. Nhưng vì không có điều kiện tìm mua lá lốt nên Na quyết định dùng cách của cô bạn thân xem sao. Không ngờ, chỉ cần để túi phèn chua vào giầy, sáng hôm sau, mùi hôi của giầy đã giảm hẳn. Rồi sau một thời gian, đôi chân của Đạo cũng không nhiều mồ hôi như trước đây nữa.

Na kiên trì đun nước ấm, pha với phèn chua cho Đạo ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ, cũng như bỏ túi phèn chua vào giầy của Đạo. Và thật may mắn, hình như “hợp thầy, hợp thuốc”, chỉ sau một thời gian ngắn, mùi “nước hoa” của Đạo bay biến đi đâu mất. Bước vào mùa đông năm nay, Đạo đã có thể sung sướng thoải mái diện bộ comlê cà vạt sành điệu và đi giầy đen bóng. Anh vẫn trêu đùa vợ, biết đâu, nhờ có vợ khéo, chồng thơm mà chồng lại khiến nhiều cô chết mê chết mệt. Công của vợ lần này là to lắm. Còn Na thì hớn hở gọi điện cho cô bạn thân: “Đuổi được mồ hôi chân và “mùi thơm” bất đắc dĩ rồi!”.

  • Yến Nga
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc