Đường trên cao vượt tiến độ lún do xe quá tải

( PHUNUTODAY ) - Trong khi các chủ đầu tư đổ lỗi cho xe quá tải làm mặt đường cứ sửa lại nứt, lún thì Bộ trưởng GTVT lại có lý giải khác.

(Đời sống) - Ban Quản lý Dự án Thăng Long (đơn vị chủ đầu tư) tuyến đường vành đai 3 vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Cục Quản lý xây dưng và Chất lượng công trình giao thông về tình trạng lún mặt đường cầu cạn.
TTXVN dẫn nguồn tin theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long, vị trí lún đường vành đai 3 là phần mặt đường bê tông nhựa tại gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa-Thanh Xuân) do nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui thi công.
 
“Việc lún như trên đã được tư vấn và nhà thầu thường xuyên theo dõi, quan sát và tiến hành sửa chữa”, Chủ đầu tư dự án cho biết.
 
Đề cập đến thiết kế bề mặt tuyến đường, Ban Quản lý Thăng Long cho rằng, toàn bộ thiết kế thành phần cấp phối của lớp bê tông nhựa này áp dụng theo quy trình tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8819:2011, mặt bê tông nhựa nóng được yêu cầu thi công và nghiệm thu mới ban hành.
 
“Đây là dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA do tư vấn Công ty tư vấn Oriental Consultants giám sát thi công và thường xuyên được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đảm bảo tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế cũng như quy trình, quy phạm thi công,” Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết.

 

Đường trên cao sử dụng chưa được 1 năm đã lún
Đường trên cao sử dụng chưa được 1 năm đã lún
 
Tuy nhiên, theo Chủ đầu tư tuyến đường, hiện nay, một số đoạn cục bộ vẫn có hiện tượng biến dạng nhỏ lớp bê tông nhựa nhưng không làm ảnh hưởng cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường.
 
“Với thiết kế, thi công tuân thủ đúng quy trình hiện hành thì hiện tượng lún là do ảnh hưởng của tình hình các xe quá tải thường xuyên lưu thông qua tuyến vành đai 3,” Ban Quản lý Dự án Thăng Long khẳng định.
 
Để khắc phục một số vị trí cục bộ trên tuyến bị biến dạng nhỏ, Ban Quản lý Dự án Thăng Long cùng với tư vấn Nhật Bản và nhà thầu chỉ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra và tiến hành sửa chữa những vị trí cục bộ bằng kinh phí nhà thầu do toàn bộ dự án vẫn trong giai đoạn bảo hành. Đường trên cao vành đai 3 được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2012. Đây là đoạn đường vượt tiến độ nhiều tháng này được chính Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long đã dùng vị trí tổng giám đốc của mình để “đặt cược” tiến độ với Bộ trưởng GTVT (nếu không hoàn thành sẽ xin từ chức). Đổi lại, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng hứa thưởng lớn nếu vượt tiến độ.
 
Với lý do do xe quá tải cày mặt đường, người ta lại nhớ đến cái lý giải thuyết phục của mặt cầu Thăng Long cũng được xem như một nơi đầy tai tiếng bởi sửa chữa không được bao lâu thì mặt cầu lại nứt. Mọi lý do do công nghệ, do kỹ thuật đều được đưa ra nghiên cứu nhưng cuối cùng vẫn không tìm được ra nguyên nhân gây sụt lún, nứt mặt cầu. Để lý giải cho những điều dư luận đặt dấu hỏi về nguyên nhân cuối cùng, ban quản lý dự án cũng cho rằng do lượng xe ô tô lưu thông trên cầu quá tải dẫn đến mặt cầu cứ sửa xong lại nứt.
 
Theo khảo sát của Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải cho thấy nhiều vị trí trên một số tuyến đường bộ xuất hiện chất lượng lớp mặt bê tông nhựa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đường sụt lún gây hư hỏng mặt đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Cụ thể, dọc tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 3, Đại lộ Đông Tây...đều xảy ra tình trạng lún vệt bánh xe, có điểm sâu tới 30 - 50cm. Ngay cả những tuyến đường mới được đưa vào sử dụng năm 2012 như tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An cũng bị sụt lún nghiêm trọng.
 
Trong khi các chủ đầu tư đổ lỗi cho xe quá tải làm mặt đường cứ sửa lại nứt, lún thì Bộ trưởng GTVT lại có lý giải khác. Ngày 8/8 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BGTVT về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông.

Nhằm kiên quyết loại bỏ các loại nhựa đường kém chất lượng ra khỏi công trường để đảm bảo chất lượng công trình giao thông, Bộ trưởng GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT, các Sở GTVT, các đơn vị tham gia dự án xây dựng công trình giao thông kịp thời hướng dẫn và đưa vào hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với các công ty nhập khẩu, cung ứng vật liệu nhựa đường nghiêm túc thực hiện các quy định về chỉ tiêu kỹ thuật đối với các loại nhựa đường nhập khẩu đáp ứng yêu cầu quy định tại tiêu chuẩn TCVN 7493:2005 “Bi tum - Yêu cầu kỹ thuật”.
  • Thanh Minh (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn