Dương Văn Dương, vị Tướng đầu tiên của chiến trường Tây Nam Bộ (I)

07:15, Thứ tư 28/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Ở giữa ruột vùng Đồng Tháp Mười có một con kênh lớn, dài gần 50 cây số. Trước đây, người Pháp cho đào con kênh này để làm tuyến vận tải huyết mạch của vùng Đồng Tháp Mười với tên Lagrange. Từ năm 1947, nó#160; được Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ đặt tên Dương Văn Dương, tên của một vị tướng quê Bến Tre.

(Phunutoday) - Ở giữa ruột vùng Đồng Tháp Mười có một con kênh lớn, dài gần 50 cây số. Trước đây, người Pháp cho đào con kênh này để làm tuyến vận tải huyết mạch của vùng Đồng Tháp Mười với tên Lagrange. Từ năm 1947, nó  được Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ đặt tên Dương Văn Dương, tên của một vị tướng quê Bến Tre. Tuy cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi nhưng ông được nhiều tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam tôn xưng là bậc đàn anh của các tướng lĩnh Nam bộ.

Người khai sinh Bộ đội Bình Xuyên
Vị Tướng đầu tiên của chiến trường Tây Nam Bộ- Tướng Dương Văn Dương
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, một trong 24 vị tướng của đất cù lao Bến Tre kể rằng thiếu tướng Dương Văn Dương (thường gọi là Ba Dương) sinh năm 1900 ra trong một gia đình nghèo ở cù lao Minh, tỉnh Bến Tre. Ông là con của ông Ngô Văn Mà và bà Dương Thị Biểu, nhưng do thời cuộc và mồ côi cha từ nhỏ nên Dương Văn Dương mang họ mẹ rồi theo mẹ bỏ xứ tha phương cầu thực khắp nơi.
 
Lúc mẹ ông tái giá, người cha dượng không rẻ rúng hắt hủi Ba Dương mà thương ông như con ruột và nuôi dưỡng, đùm bọc ông suốt thời niên thiếu ở khu vực cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy, huyện Nhà Bè (nay là quận 7, T.P. Hồ Chí Minh).
 
Sinh thời, ông Ba Dương có tính tự lập rất cao và thích ngao du khắp các vùng miền. Do nhà nghèo nên Ba Dương chỉ được học hết bậc tiểu học thì nghỉ. Thôi học, Ba Dương rời gia đình đi ngao du khắp nơi, quyết chí tìm học thêm những kinh nghiệm sống, những cách đối nhân xử thế ở trường đời và sẵn sàng làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Trong những năm sống lăn lộn ở khắp đồng ruộng từ Nhà Bè qua Cần Giuộc, Cần Đước xuống đến Gò Công, Bến Tre, làm nghề chăn vịt chạy đồng, Ba Dương không hề ngại gian khổ, lúc nào cũng lạc quan vui sống, dù cuộc đời người chăn vịt chạy đồng đầy khổ cực.
 
Trên bước đường ngao du cùng bầy vịt chạy đồng, đến đâu, hễ nghe có ông thầy võ nào có miếng võ gia truyền “độc chiêu” là Ba Dương liền tìm tới làm quen, rồi xin làm đệ tử để học cho bằng được ngón võ nổi tiếng của thầy. Nhờ thế, Ba Dương giỏi võ nghệ, tinh thông nhiều môn quyền cước và giỏi sử dụng roi. Chính vì vậy, khi quay về Sài Gòn, sống cuộc đời giang hồ hảo hán mã thượng, nghề võ của Ba Dương nổi trội hơn nhiều tay anh chị ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
 
Ba Dương còn được họ nể phục vì đối xử rất quân tử. Có miếng nghề nào hay, độc đáo là ông sẵn lòng truyền lại cho các thanh niên trong vùng, không hề giấu giếm. Vì thế,hàng trăm người mến vì tài, nể vì đức mà quy phục dưới trướng của Ba Dương, dù  ở Nam Bộ lúc bấy giờ có rất nhiều tay “anh chị” chọc trời, khuấy nước ngang dọc . Vậy nên, những tay anh chị này rất kính phục ông.
 
Vào năm 1936, Ba Dương trở về khu vực cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy đóng đô, mở lò dạy võ giúp những người dân lương thiện sức yếu, thế cô có được vài miếng võ phòng thân, tự vệ và ngày càng nổi tiếng trong giới giang hồ Sài Gòn - Chợ Lớn vì luôn bênh vực, giúp đỡ người nghèo, nhiều lần tung quân đi lấy của cải của những nhà giàu bất chính đem chia lại cho dân nghèo quanh vùng.
 
Năm 1940, Nam Kỳ khởi nghĩa, dù cuộc khởi nghĩa này thất bại và bị giặc đàn áp dã man nhưng những dư âm của cuộc khởi nghĩa đẫm máu và nước mắt đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của Ba Dương và là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời ông. Chỉ trong năm 1941, Ba Dương bị Pháp bắt 2 lần và bị tra trấn dã man trong nhà tù của thực dân. Nhưng trong những ngày lao tù, Ba Dương đã gặp gỡ, làm quen với nhiều tù chính trị và được họ cảm hóa, giác ngộ  cách mạng.
 
Mãn hạn tù, Ba Dương tạm lánh mặt ở một vùng quê hẻo lánh trên biên giới Việt Nam - Campuchia, đến năm 1943 mới quay trở lại vùng Tân Quy, tiếp tục cuộc sống giang hồ hảo hán nhưng trong lòng đã quyết chí hướng theo cách mạng. Để có bình phong hoạt động, Ba Dương nhận thầu bảo vệ bãi chứa gỗ của hãng đóng tàu Nichinan (Nhật Bản) để xây dựng nơi này thành điểm tập hợp, cảm hóa các nhóm giang hồ và thu thập vũ khí chờ thời cơ. Nhưng một lần nữa, Ba Dương lại bị bắt.
 
Đầu tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tại Nhà Bè, được sự hướng dẫn của các Đảng viên Cộng sản, Ba Dương nhanh chóng vận động, tập hợp và thống nhất nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động thu thập vũ khí để tự trang bị bằng cách lập tiệm cơm, quán nhậu, lôi kéo lính Pháp, lính Nhật đến ăn uống và chủ động gạ mua súng ống. Nếu mua không được, Ba Dương cho đàn em dùng mưu và sức mạnh đón đường, tước vũ khí của giặc.
 
Từ tháng 5/1945 đến tháng 8/1945, bọn giặc khi nghe nhắc đến tên Ba Dương là tên nào, tên nấy sợ xanh mặt vì chỉ trong một thời gian ngắn, người của ông đã phối hợp với lực lượng Thanh niên tiền phong và các nhóm giang hồ hảo hán khống chế, tiêu diệt hàng trăm mật thám, chỉ điểm, cảnh sát ác ôn, có nợ máu với nhân dân. Lúc này lực lượng của Ba Dương là nhóm giang hồ hảo hán được vũ trang mạnh nhất vùng Sài Gòn - Chợ Lớn với 70 anh em giỏi võ nghệ, thiện chiến và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, được trang bị 50 súng, có cả trọng liên 13,2 li và đại bác nòng đôi 20 li. Cái tên Ba Dương trở thành nỗi khiếp sợ triền miên của bọn giặc.
 
Khi Cách mạng tháng Tám diễn ra, được lệnh của Xứ Ủy Nam Kỳ về Tổng khởi nghĩa, Ba Dương tập họp toàn bộ thủ lĩnh các băng nhóm giang hồ ở Nhà Bè, phổ biến kế hoạch và phân công phối hợp chiếm lĩnh toàn bộ các mục tiêu được phân công như Tòa án, Khám lớn Sài Gòn, Bót số 6… giải thoát được hàng trăm tù nhân bị Pháp, Nhật giam giữ. Sau đó, Ba Dương thành lập Thanh niên cảm tử đoàn bao gồm toàn dân anh chị giang hồ mã thượng tại Tân Quy (Nhà Bè).
 
Với tư cách là một đàn anh có uy tín, tiếng tăm trong vùng, Ba Dương tiếp xúc với các nhóm vũ trang giang hồ tứ chiếng lân cận và nhanh chóng thống nhất lực lượng lại thành một khối hùng mạnh. Lúc bấy giờ, mọi người bàn nhau lấy tên gọi cho đội quân hùng hậu này là “bộ đội Xóm Cỏ”, đồng thời thống nhất tôn Ba Dương làm thủ lĩnh. Nhưng Ba Dương chọn tên ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng làm tên chính thức của lực lượng mới.
 
Theo lý giải của mọi người, “Bình là dẹp bằng, Xuyên là ngang dọc”, rất phù hợp với tôn chỉ của dân giang hồ hảo hán và nghe có uy danh hơn tên “bộ đội Xóm Cỏ”. Danh xưng “bộ đội Bình Xuyên” ra đời từ ngày đó và xóm cầu Rạch Đỉa trở thành Tổng hành dinh của bộ đội Bình Xuyên do Ba Dương làm thủ lĩnh. Ngay sau khi thành lập, bộ đội Bình Xuyên của Ba Dương đã chủ động liên kết với bộ đội Thủ Thiêm của Mười Lực, liên quân với bộ đội Hai Vĩnh đánh nhiều trận thắng lợi giòn giã, gây được tiếng vang. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của các cán bộ cách mạng, lực lượng Bình Xuyên của Ba Dương đã phát triển thành nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn.
 
Nhiều thủ lĩnh Bình Xuyên như Dương Văn Dương (Ba Dương), Huỳnh Văn Trí (Mười Trí), Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh), Dương Văn Hà (Năm Hà, em ruột của Ba Dương)… là những người có uy tín, chân thành học hỏi các chiến sĩ cách mạng và quyết tâm phục vụ đất nước. Đã là bộ đội cách mạng thì hoạt động phải theo quy củ nghiêm ngặt, không còn giang hồ ngang dọc như ngày xưa, nên Ba Dương kêu gọi binh sĩ Bình Xuyên: “Hãy luôn luôn tỏ rõ mình là người chiến sĩ cách mạng trong mắt nhân dân, kẻ thù”, sau đó tước khí giới của những nhóm giang hồ nào chưa chịu vào khuôn phép, thực hiện nhiều hình phạt nặng nề đối với những người rượu chè, bê tha, ức hiếp quần chúng.
 
Ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng tái đánh chiếm Sài Gòn. Toàn Nam bộ vùng lên kháng chiến. Phối hợp với hoạt động của các lực lượng vũ trang trong nội thành, xung quanh Sài Gòn hình thành 4 mặt trận bao vây quân địch. Cuối tháng 9/1945, mặt trận phía nam Sài Gòn - Chợ Lớn (Mặt trận số 4) được thành lập do Đảng viên kỳ cựu Nguyễn Văn Trân làm Ủy trưởng quân sự. Ba Dương trực tiếp chỉ huy bộ đội Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông và kiêm trưởng ban do thám của mặt trận.
 
Đến tháng 11/1945, Ba Dương được cử làm chỉ huy trưởng mặt trận số 4, nhưng do binh lực quá chênh lệch so với quân đội Pháp nên Mặt trận số 4 bị vỡ trận, các lực lượng như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn kéo nhau chạy dài. Trong lúc nguy cấp đó, Ba Dương chỉ huy bộ đội Bình Xuyên tạm thời rút về Phước An, Long Thành để chấn chỉnh lực lượng. Sau đó, Ba Dương thống nhất các đơn vị bộ đội Thủ Thiêm, Tân Thuận, Nhà Bè, Phú Nhuận… về Rừng Sác (Cần Giờ) lập căn cứ kháng chiến chống Pháp.
 
Giữa lúc đó, tướng Nguyễn Bình từ chiến khu Đông Triều - Hải Phòng được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp tốc hành quân ngày đêm không nghỉ vào Nam thống nhất các lực lượng vũ trang. Vào đến chiến trường Nam Bộ, tướng Nguyễn Bình rất vui mừng khi nghe tin bộ đội Bình Xuyên là một lực lượng rất mạnh trong số các lực lượng vũ trang ở miền Đông Nam Bộ. Tướng Nguyễn Bình đã nghe tiếng tăm của thủ lĩnh bộ đội Bình Xuyên Ba Dương từ lâu và lập tức tìm cách liên kết với Ba Dương để củng cố lực lượng.
 
Sau khi liên kết và nhận được chỉ thị từ tướng Nguyễn Bình, Ba Dương đã vạch kế hoạch và chỉ huy bộ đội thực hiện chiến thuật đột kích đánh nhanh, rút nhanh chớp nhoáng vào nhiều vị trí quan trọng của địch trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn khiến bọn giặc điên đảo không biết đường nào mà lần. Đến tháng 10/1945, thực hiện chủ trương của Đảng bộ, Ba Dương dùng uy tín của mình thuyết phục các nhóm vũ trang thống nhất lại thành lực lượng vũ trang Nhà Bè do đích thân ông làm chỉ huy trưởng, Đinh Văn Nhị làm ủy viên chính trị, Từ Văn Ri tham mưu trưởng, quân số lên đến 2.000 người, trang bị 1.300 súng, có 2 đại bác, 7 trọng liên 13,2 li, 15 trung liên.
 
Sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của Ba Dương, bộ đội Nhà Bè chủ động đánh nhiều trận, trong đó nổi tiếng nhất là trận Ba Dương trực tiếp chỉ huy phối hợp với bộ đội Tám Mạnh phục kích đánh địch trên kênh Cây Khô, tiêu diệt gọn đoàn tàu của giặc, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu một tàu kéo, một xà lan và 4 ghe chài chở đầy ắp lương thực, thực phẩm.
 
Trận đánh này đã được Khu bộ trưởng Nguyễn Bình gởi thư khen bộ đội Bình Xuyên xứng đáng với tên Giải phóng quân Nam Bộ và được tặng số tiền 3.000 đồng. Đến giữa tháng 12/1945, Tướng Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu 7 đến thăm sở chỉ huy bộ đội Bình Xuyên tại Phước An và quyết định bổ nhiệm Dương Văn Dương làm Khu bộ phó Khu 7.

Thường Dân
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc