Âu rằng cũng một phận fan cuồng nhưng chỉ vì một chữ tiền mà những fan âm nhạc Hàn Quốc bị lên án gay gắt còn fan bóng đá Anh là những người hùng. Xin mượn một câu nói của một văn sĩ tài hoa nổi tiếng, rằng fan K-pop bị bất công cũng chỉ vì "sinh nhầm thế kỉ" - thế kỷ mà bóng đá mới là anh hùng.
Có lẽ, ngoài những đặc sản về ẩm thực, văn hóa... thì người Việt còn một đặc sản rất nổi tiếng khác đó chính là fan cuồng. Có lẽ, không ở một quốc gia nào lại có số lượng người hâm mộ đến cuồng nhiệt như ở Việt Nam. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để thể hiện tình yêu của mình với thần tượng. Trong số đó, fan K-pop và fan bóng đá được đáng được xếp vào hạng dẫn đầu.
Trong đó, fan K-pop ở đây chủ yếu là âm nhạc với số lượng các bạn trẻ thần tượng các nhóm nhạc, ca sĩ xứ kim chi với số lượng cực khủng. Không chịu kém cạnh chính là lượng fan hâm mộ các câu lạc bộ bóng đá đến từ đảo quốc sương mù. Có thể thấy, giữa họ có những điểm rất chung nhưng lại được đặt những "mỹ từ" hoàn toàn trái ngược.
Tình yêu bóng đá Anh và nhạc Hàn của người hâm mộ Việt Nam hình thành ngay từ khi những làn sóng văn hóa, giải trí ngoại quốc tràn ngập tới Việt Nam. Đón nhận làn gió mới mẻ đó, người hâm mộ Việt Nam nhanh chóng trở thành những fan hâm mộ cuồng nhiệt và thể hiện tình yêu của mình bằng cả trái tim nhiệt huyết.
Thay vì nghe nhạc Việt, xem bóng đá Việt thì rất đông người lại hướng mình ra ngoại quốc. Những chương trình ca nhạc, cửa hàng đĩa nhạc... tràn đầy các ca khúc Hàn Quốc, poster của các sao Hàn được bán khắp các khu chợ cho đến cửa hàng lưu niệm và dán đầy trong phòng của các fan K-pop.
Tình yêu bóng đá và nhạc Hàn của fan cuồng Việt Nam |
Cũng như vậy, những trận đấu bóng đá xứ sở sương mù thu hút người xem đông đến mức mà đến cả trận đấu của đội tuyển quốc gia còn mơ ước. Những bài báo, bản tin hay thông tin về giải đấu, câu lạc bộ cũng tràn ngập mọi nơi và biết bao người mơ ước được một lần xem đội bóng yêu thích của mình thi đấu.
Như để thỏa mãn niềm hâm mộ của fan Việt, những nhà kinh doanh hay những ông bầu lớn đã bỏ ra số tiền khổng lồ để mời các sao Hàn lẫn câu lạc bộ bóng đá Anh sang Việt Nam. Không năm ngoài dự đoán, fan Việt tiếp tục khiến cả thế giới phải choáng váng trước độ cuồng thần tượng của mình.
Các nhóm nhạc Hàn sang Việt Nam, để chào đón, fan Việt làm băng rôn, khẩu hiệu, động phục... chờ đón từ sân bay cho tới khách sạn. Và rồi, độ cuồng nhiệt được thể hiện khi những fan nam ôm nhau khóc khi thấy thần tượng, các fan đua nhau hôn chiếc ghế mà ngôi sao Bi Rain vừa ngồi rồi những cảnh chen chúc đến ngất xỉu, cào xé khi được nhìn thấy thần tượng đã làm chấn động cả dư luận.
Nhiệt tình không kém là những fan của câu lạc bộ bóng đá Anh Arsenal vừa sang Việt Nam vào tháng 7. Các fan hâm mộ của câu lạc bộ này cũng đón tiếp nồng hậu từ sân bay, trên các cung đường mà các cầu thụ ngoại đi qua và đặc biệt, một thanh niên chạy vài cây số theo xe buýt để nhìn thần tượng.
Vậy là, độ cuồng thần tượng của fan K-pop lẫn fan của câu lạc bộ bóng đá Anh đâu có hơn kém nhau là mấy. Đều rất cuồng nhiệt, chân thành và hết mình vì thần tượng. Bản chất những hành động thần tượng đó cũng không khác gì nhau là mấy. Thế nhưng, nếu như hành động của fan cuồng bóng đá được tung hô như người hùng thì những hành động cuồng của fan nhạc Hàn bị gọi là niềm xỉ nhục, nỗi đau của người hâm mộ nước nhà.
Xét cho công bằng, cả bóng đá lẫn âm nhạc đều thuộc về đời sống tinh thần của con người. Nó giúp chúng ta giải trí, có những phút giây thư giãn và có vô số điểm chung. Bản chất cuồng thần tượng của fan bóng đá lẫn âm nhạc cũng giống nhau. Vậy nhưng, giữa fan K-pop và fan bóng đá Anh lại nằm ở hai thái cực trái ngược, kẻ thiên đường người địa ngục.
Có thể lý giải điều này không quá khó khi mà bóng đá là một môn thể thao trí tuệ, nó giúp con người thư giãn và có những phút giây thăng hoa và trải qua đầy đủ cảm xúc của con người. Bên cạnh đó, bóng đá còn là một môn thể thao có thể kinh doanh và đem lại tiền cho người hâm mộ.
Ai cũng biết, bóng đá bên cạnh giải trí thì nó còn gắn với cả cá độ. Có không ít fan bóng đá thường xuyên tham gia trò chơi may rủi này (dù lén lút) và việc này đôi lúc cũng đem lại cho họ không ít tiền. Vậy là, bóng đá vừa là môn thể thao trí tuệ lại là môn thể thao đem lại tiền cho fan lẫn người kinh doanh tiền. Mê bóng đá là mê tiền và mê tiền là bản chất của con người. Thế nên, fan bóng đá vẫn được ca ngợi với những lời lẽ đẹp đẽ.
Còn mê sao Hàn, nhạc Hàn thì khiến fan phải tích cóp, nhặt chỗ này, xin chỗ nọ để mua bỏ vé, mua mĩ phẩm, mua đĩa ca nhạc, mua ca khúc, mua quần áo thời trang... và tiền thì vẫn chỉ đổ về tay những nhà sản xuất ở tận xứ kim chi xa xôi.
Âu rằng cũng phận fan cuồng nhưng chỉ vì bản chất mê một chữ tiền mà những fan âm nhạc Hàn Quốc bị lên án gay gắt còn fan bóng đá Anh là những người hùng. Xin mượn một câu nói của một văn sĩ tài hoa nổi tiếng, rằng fan K-pop bị bất công cũng chỉ vì "sinh nhầm thế kỉ" - thế kỷ mà bóng đá mới là anh hùng.
- Tony