Từ ngót hai chục năm về trước, khi mà bóng đá Việt Nam mới chân ướt chân ráo hội nhập đấu trường khu vực thì gã cổ động viên ấy đã trở thành tín đồ cuồng nhiệt nhất của đoàn quân áo đỏ nói riêng và những sân cỏ sôi động nhất thế giới nói chung. Có người không chỉ gọi Trần Văn Hoàn là Hoàn “say” mà còn gọi là Hoàn “hâm”, Hoàn “điên” vì tình yêu ngông cuồng chẳng giống ai mà Hoàn dành cho trái bóng tròn.
[links()]
Từ “chảo lửa” Lạch Tray của Thành phố Hoa phượng đỏ
Nếu hỏi tình yêu mà Hoàn “say” dành cho bóng đá bắt đầu từ khi nào và khởi nguồn từ đâu thì có lẽ chính Hoàn cũng không nhớ rõ. “Có lẽ từ khi sinh ra tôi đã mê bóng đá. Hồi bé tôi cũng mơ trở thành cầu thủ nhưng vì thể lực không cho phép nên chỉ đá bóng ở các sân phủi.
Không thể trở thành cầu thủ thì tôi trở thành một cổ động viên (CĐV), cũng được gắn bó, được buồn vui với bóng đá là vui rồi” - Hoàn tâm sự về lý do đến với bóng đá.
Hoàn “say” bảo rằng: “Muốn yêu được một cái gì đó lớn lao thì trước tiên phải yêu cái gần gũi, thân thuộc với mình nhất. Chính vì vậy, dù tôi đi cổ vũ bóng đá khắp năm châu, bốn bể nhưng đội bóng tôi yêu nhất vẫn là đội bóng quê nhà Hải Phòng”.
Hoàn say cổ vũ bóng đá từ thời Công an Hải Phòng giai đoạn bóng đá bao cấp rồi khi các doanh nghiệp Mitsustar hay Vạn Hoa bỏ tiền tài trợ cho đội bóng Đất Cảng, Hoàn “say” vẫn chung thuỷ một tình yêu với đội bóng quê hương.
Hoàn “say” trên SVĐ Lạch Tray |
Người Hải Phòng cuồng nhiệt với bóng đá bậc nhất cả nước, thế nên sân Lạch Tray của Đất Cảng Hải Phòng được gọi là “chảo lửa”. Tất cả CĐV bóng đá của Hải Phòng đều tin rằng một trong những người góp phần biến Lạch Tray thành chảo lửa chính là Hoàn “say”.
Người ta còn biết đến một biệt danh khác của Hoàn “say” là Hoàn “pháo sáng”, người khởi xướng những màn “thắp lửa” trên khán đài sân vận động Lạch Tray. Sau này, nhiều sân khác cũng học theo Lạch Tray đốt pháo sáng nhưng cứ nhắc đến chuyện “khói lửa” hay tài biến những sân bóng ở V-League thành những sân cỏ như ở SerieA (giải vô địch quốc gia Ý) thì Hoàn say luôn là số một.
Để kiếm được pháo sáng thì nhiều người làm được nhưng để mang được vào sân và tạo ra những màn ăn mừng rực cháy thì vừa cần bản lĩnh vừa cần cả… liều lĩnh. Cái này thì Hoàn “say” thừa nhận mình có cả hai.
Chỉ vì mong góp một thứ gia vị cho cuộc chơi và cho những màn cổ vũ trên sân Lạch Tray thêm thú vị mà Hoàn “say” từng nhận nhiều án phạt tiền của BTC sân, BTC giải. Thậm chí, có lần người ta còn dọa anh chàng CĐV nghịch ngợm nhất V-League này rằng nếu không dừng đốt pháo sáng thì sẽ cấm anh đến sân vĩnh viễn.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sân Lạch Tray luôn liệt Hoàn “say” vào diện CĐV cá biệt nhưng họ cũng phải thừa nhận hiếm có CĐV nào máu lửa và thú vị như Hoàn “say”.
Những CĐV nhiệt thành trong Hội CĐV Việt Nam phục Hoàn sát đất vì biệt tài đưa pháo sáng vào sân. Hàng rào an ninh dày đặc cỡ nào, Hoàn cũng có thể đưa ít nhất vài quả pháo vào sân “đốt chơi” cho những màn ăn mừng trên sân thêm xôm tụ.
Giá của mỗi quả pháo sáng cũng đâu có rẻ. Thời pháo sáng chưa bị cấm gắt gao, có những trận đấu của đội Hải Phòng, Hoàn “say” chi 10-15 triệu để mua pháo sáng cổ vũ đội nhà.
Thích nhất khoảnh khắc hát Quốc ca ở “thánh địa” Mỹ Đình
Hoàn “say” trên "thánh địa" Mỹ Đình |
Ở Lạch Tray, Trần Văn Hoàn là Hoàn “pháo sáng” thì trong các trận đấu của Đội tuyển quốc gia anh còn có một biệt danh khác: Hoàn “ảnh Bác”. Lý do là vì trong tất cả các trận đấu của Việt Nam, Hoàn luôn xung phong làm người cầm ảnh Bác Hồ, vị lãnh tụ hiện thân của chiến thắng và tinh thần tự hào dân tộc.
Cái thời bóng đá Việt Nam vừa hội nhập trở lại khu vực, Hoàn say đã lên đường đi cổ vũ đội tuyển. Đó là SEA Games 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan) khi Đội tuyển Việt Nam giành huy chương Bạc.
Kể từ năm ấy, Hoàn không bỏ lỡ bất cứ một giải đấu hay một trận đấu nào của Đội tuyển, dù là những trận giao hữu, những trận tổ chức ở sân Thống Nhất (TP.CHM), Hoàn say cũng mua vé máy bay để xem bằng được.
Có lần Hoàn “say” bị ốm đúng vào dịp ĐTQG thi đấu, anh vẫn quyết tâm ra sân. Thật kì lạ là khi được đứng trên khán đài cổ vũ, hò hét và nghe niềm tự hào về màu cờ sắc áo thổn thức anh lại thấy khoẻ ra và chẳng còn mệt nhọc gì.
Với Hoàn “say”, mỗi lần được cầm ảnh Bác Hồ trong những chuyến xuất ngoại xem đội tuyển thi đấu là một vinh dự không phải CĐV nào cũng có được. Thế nên, với lỉnh kỉnh những đồ đạc chuẩn bị cho chuyến đi cổ vũ xa nhà, nhưng Hoàn chỉ giữ đúng một mình ảnh Bác Hồ bên mình còn tất cả đồ đạc đều ký gửi hết.
Ngồi trên ghế máy bay những vẫn ôm khư khư ảnh Bác, nhiều lần Hoàn khiến tiếp viên hàng không phì cười vì mọi người nghĩ anh chàng CĐV này bị hâm, nhưng Hoàn bảo rằng:
“Có lẽ tôi hơi mê tín nhưng ảnh Bác là thứ thiêng liêng, là tinh thần dân tộc mà cái đó là mình phải trân trọng và lúc nào cũng mang theo bên mình. Có như thế thì đội tuyển mới gặp may mắn được nên mặc ai nghĩ gì thì nghĩ, ảnh Bác là vật bất ly thân của tôi”.
Hoàn “say” trong chuyến lặn lội sang Nam Phi xem World Cup năm 2010. |
Nhiều năm rong ruổi khắp các quốc gia cổ vũ cho đội tuyển, có những khi Hoàn “say” được tận hưởng sự thăng hoa của chiến thắng nhưng cũng có những thất vọng tràn trề. Vui nhất là những lần ĐTQG được vào chung kết SEA Games, AFF Cup, rồi vào tứ kết Asian Cup năm 2007.
Tuy vậy, gần 20 năm qua, Hoàn “say” cũng mới chỉ một lần được tận hưởng cảm giác của một “CĐV đội vô địch” khi ĐTVN vô địch AFF Cup 2008. Những kỉ niệm buồn cũng không ít, trong đó phải kể đến lần ĐTVN bị phát giác có nhiều cầu thủ bán độ năm 2005.
“Khi ấy, tôi có cảm giác niềm tự hào dân tộc đã bị bán rẻ, niềm tin của mình thì bị chà đạp. Tôi đã rất thất vọng và nghĩ sẽ chẳng bao giờ xem bóng đá nhưng đúng là cái gì đã yêu thì không bỏ được”.
Chỉ cần nghe thấy sự giục giã của những tiếng hò reo trên khán đài vang vọng trong lòng, Hoàn lại nhất quyết dù khó khăn thế nào cũng phải kiếm được cặp vé để vào “thánh địa” Mỹ Đình cổ vũ đội tuyển. Anh chàng tâm sự:
“Được cổ vũ đội tuyển ở Mỹ Đình vẫn là sướng nhất. Tự hào nhất là lúc hát Quốc ca. Có hàng trăm lần như thế rồi nhưng lúc nào tôi cũng sởn gai ốc. Khi tiếng Quốc ca vang lên ở Mỹ Đình có cảm giác như đang ở trong một thánh đường nhắc nhở mọi người về lòng yêu nước, về tinh thần tự tôn dân tộc”.
Mối tình đầu và mối tình duy nhất với… bóng đá
Khi yêu rồi đôi khi người ta chấp nhận tất cả dù phải nhận cả sự tổn thương hay đau đớn. Hoàn “say” lúc nào cũng dành cho bóng đá một tình yêu vẹn nguyên như thế bởi cho đến nay bóng đá vẫn là mối tình đầu và mối tình duy nhất của Hoàn “say”.
Hơn 40 tuổi đầu, Hoàn “say” vẫn chưa lo lập gia đình, dù anh tâm sự: “Cứ mỗi năm qua đi, thấy tôi chỉ lang thang với thú vui cổ vũ bóng đá là mẹ tôi lại sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Nhưng thú thực là có lẽ tôi chưa có duyên hay chưa đứng số để lấy vợ”.
Hoàn mải mê cổ vũ bóng đá quên cả chuyện yêu đương, anh bảo: “Để cổ vũ được thì phải có điều kiện tài chính nhất định nên ngoài những lúc dành thời gian cho bóng đá, tôi tập trung vào làm ăn đến quên cả giờ giấc nên chưa có thời gian yêu và tìm hiểu ai cả”.
Những thành viên nổi bật trong Hội CĐV bóng đá VN đều là những doanh nhân nhạy bén trong làm ăn. Hoàn “say” cũng là một trong số đó khi từ gần 20 năm qua anh thành công với ngành nghề kinh doanh vận tải bằng tàu biển.
Có tiền lại sẵn máu đam mê nên Hoàn “say” cũng không ít lần chơi ngông đến độ những “đại gia” cũng phải lác mắt. Từ năm 2002 khi World Cup được tổ chức ở hai nước Châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, Hoàn lên kế hoạch góp mặt trên các khán đài ở 10 kỳ World Cup.
Từ đó đến nay, Hoàn say tham dự được 3 kỳ World Cup, hai lần gần đây là ở Đức năm 2006 và tại Nam Phi vào năm 2010. Trong chuyến đi Nam Phi, hành trang của Hoàn “say” không khi nào thiếu ảnh Bác Hồ và lá cờ đỏ sao vàng.
Tại đất nước của mũi Hảo Vọng, Hoàn say đã “chơi trội” với việc bỏ tiền ra thuê máy bay trực thăng bay trên bầy trời Johanesburg để ngắm sân vận động Soccer City, nơi diễn ra trận khai mạc World Cup. Số tiền Hoàn “say” phải bỏ ra là 5000 USD cho 30 phút ngắm nhìn “thành phố bóng đá”.
Chuyến đi Nam Phi hai năm trước ngốn của Hoàn “say” tổng cộng hơn 600 triệu đồng nhưng cái Hoàn thu được là sự thoả mãn đam mê và đưa thêm vào bộ sưu tập kỉ niệm một kỳ World Cup.
CĐV nhiệt thành Đất Cảng bảo rằng: “Chắc chắn có nhiều người nhiều tiền hơn tôi và đam mê bóng đá cũng chẳng kém gì tôi nhưng để bỏ công, bỏ việc đi xứ người tham dự vào những sự kiện lớn như thế đôi khi cần một chữ liều”.
Nếu có gia đình, vợ con, chưa chắc Hoàn “say” đã được thoả nguyện với cái thú đi khắp năm châu bốn biển xem bóng đá thế nên “cậu bé 40 buổi vẫn còn ham chơi” này thừa nhận có lẽ đó là một trong những lý do khiến anh“lười lấy vợ” và cứ chung thuỷ mãi với mối tình dành cho bóng đá của mình.
Liên quan đến sự cố CĐV Hải Phòng hành hung trọng tài Võ Minh Trí đang làm Hội CĐV bóng đá Hải Phòng nhận nhiều chỉ trích, Hoàn say phân trần: “Người Hải Phòng yêu bóng đá quá.
Tình yêu của họ là thứ tình yêu vô tư, không vì một lý do gì cả. Tôi nghĩ nếu vắng các CĐV Hải Phòng trên những khán đài thì V-League sẽ bớt đi sức hấp dẫn rất nhiều”.
- Hải Minh