Lực lượng chức năng TP.HCM đánh giá đối tượng mại dâm hoạt động công khai hơn, họ sẵn sàng nộp phạt và lại bán dâm tại địa bàn khác.
Tờ NLĐ dẫn Báo cáo của UBND TP. HCM gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho hay, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn đang có chiều hướng phức tạp trở lại, đối tượng mại dâm hoạt động công khai hơn.
Nguyên nhân là các đối tượng này biết nếu bị bắt quả tang thì chỉ bị xử phạt hành chính (theo Nghị quyết số 13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử phạt vi phạm hành chính) mà không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và không đưa vào cơ sở chữa bệnh như trước đây nên họ sẵn sàng nộp phạt và lại bán dâm tại địa bàn khác, dẫn đến công tác quản lý, giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Gái mại dâm sẵn sàng nộp phạt sau đó lại bán dâm tiếp. |
Trong nhiều bài viết trước đây vào thời điểm Nghị quyết 13 có hiệu lực, chúng tôi đã cảnh báo những trường hợp như vậy sẽ không tránh khỏi, và việc chỉ xử phạt hành chính chẳng khác nào khoản thu “thuế” của nhà nước với nghề này. Khi còn hình thức đưa vào cơ sở chữa bệnh, phục hồi nhân phẩm gái bán dâm, khi được thả không ít cô vẫn quay lại nghề cũ, thì việc chỉ phạt hành chính rồi thả ra chuyện quay lại nghề cũ là tất yếu.
Vì vậy, không ít ý kiến đề xuất nên công nhận bán dâm là một nghề, được pháp luật bảo vệ, và hình thành các khu “phố đèn đỏ” để quản lý và thu thuế như bao nghề nghiệp hợp pháp khác, như nhiều nước trên thế giới đã làm. Vừa tạo điều kiện cho việc quản lý, vừa có được một khoản thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước.
Vì bị cấm, nên các đối tượng hoạt động nghề mại dâm phải tìm đủ cách để lách luật, theo báo của TP.HCM, quy định pháp luật hiện chưa có biện pháp chế tài đối với người trực tiếp thực hiện các hành vi khiêu dâm, kích dục (chỉ quy định xử lý đối với chủ cơ sở) nên các hoạt động biến tướng của các đối tượng này ngày càng gia tăng và tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, karaoke, hớt tóc gội đầu, cà phê đèn mờ…
Chính việc không công nhận là một nghề đang làm cho mại dâm bị biến tướng, vì thực tế nhu cầu là có thì nguồn cung sẽ luôn tồn tại, dù có cấm đoán, quản lý thế nào đi chăng nữa, thậm chí tạo còn tạo điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng ở chính quyền, cơ quan quản lý.
- P.V (tổng hợp)