Gặp lại Đại tá Hứa Hòa Hưng- nguyên mẫu ’Anh Ba Hưng’

06:18, Thứ hai 21/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Anh đi khắp nơi, hễ nơi nào có bóng quân thù là có mặt của anh. Đảng ghi nhận chiến tích hào hùng của anh, anh được tặng thưởng nhiều bằng khen, huân, huy chương cao quý.

Vào thời điểm những năm 1950, khi tinh thần giác ngộ cách mạng của nhân dân Nam bộ đang phát triển thì bài hát “Anh Ba Hưng” ra đời cùng giai điệu hài hước, vui nhộn, dễ thuộc có tác dụng thôi thúc trai làng ra tiến tuyến, quyết chí đánh giặc bảo vệ quê hương. Cuộc đời anh Ba Hưng chân thật giống như lời ca, tiếng hát trong bom rơi, đạn nổ.
[links()]
Bài hát ra đời quá sớm khi cuộc đời anh còn cả một trang truyện kí về sự hy sinh, mất mát và nỗi đau duyên tình. Vậy anh Ba Hưng là ai? Vào một ngày đầu đông se lạnh, tôi đã may nắm được diện kiến nguyên mẫu anh Ba Hưng trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Kiết Tường viết về anh.

Có bài hát mang tên anh

Chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm, những người lính cầm súng năm nào đều trở về với cuộc sống đời thường cầm cuốc cầm cày xây dựng kinh tế mới. Người chiến sĩ là nguyên mẫu trong ca khúc “ anh Ba Hưng” năm xưa cũng không ngoại lệ.

Hòa bình lập lại, ông hăm hở bắt tay xây dựng cuộc sống gia đình từ con số không. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, giờ đây anh Ba Hưng là một ông lão 85 tuổi đang sống những năm tháng cuối đời hạnh phúc bên gia đình tại Tp. Biên Hòa – Đồng Nai.

Anh Ba Hưng tên thật là Hứa Hòa Hưng nguyên quán tại xã Long Điền  Đông – (Giá Rai – Bạc Liêu). Sinh ra trong một gia đình bần nông, học hết lớp 3 trường làng, anh phải nghỉ vì không có nổi 60 đồng đóng tiền lên lớp 4.

Anh Ba Hưng cùng với niềm vui khi mới đây anh được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Anh Ba Hưng cùng với niềm vui khi mới đây anh được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Tuổi hai mươi anh lấy vợ, nhưng sống đời vợ chồng chưa được bao lâu thì Ba Hưng tham gia hoạt động Cách mạng. Anh vác ba lô đi biền biệt, hết mặt trận này đến tiền tuyến khác.

Năm 1947, trong một trận đánh Pháp do tiểu đội trưởng Ba Hưng chỉ huy ở Bạc Liêu, đơn vị đã giết được nhiều giặc, phá hủy nhiều xe cơ giới trở thành lá cờ đầu lập chiến công của huyện Giá Rai, được cấp trên khen ngợi.

Vào thời điểm này có một đoàn văn công trên đường đi lưu diễn cho bộ đội có ghé qua đơn vị anh. Nhạc sĩ Trần Kiết Tường khi ấy đã hỏi các chiến sĩ trong đội anh Ba xem ai là đánh giặc giỏi nhất, lập được nhiều chiến công nhất.

Các anh em trong đơn vị đề cử Ba Hưng. Anh được nói chuyện, được trải lòng và tâm sự hết cuộc đời mình với người nhạc sĩ. Sau buổi giao lưu ấy, Trần Kiết Tường đã nhanh chóng viết lời và phổ nhạc bài hát gửi tới Đài phát thanh Nam bộ.

Giữa cuộc chiến đấu ác liệt với quân thù, giữa sự sống và cái chết, trong cánh rừng sâu của vùng U Minh, một ngày nọ, vang lên giọng hát âm hùng, sảng khoái, vui nhộn của một nam ca sĩ khiến cho tất cả đều ngỡ ngàng xen lẫn mừng vui, tự hào:

“Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân, lưng lớn ba vùng mà hổng chịu đầu quân. Thằng Sáu thấy anh nó cười. Thiệt thằng nhỏ xíu mà khôn. Nó trêu nó trêu anh hoài. Nó nói cái lưng anh dài, nó nói cái mặt anh chai, thanh niên sao không đi lính, cũng không cấy cày.

Anh Ba đỏ mặt tía tai. Về nhà xin đi lính đã hơn năm trường vừa mới được huân chương. Thằng sáu thấy anh nó mừng. Láng giềng hỏi thăm sự tình. Tôi nói có anh Ba Hưng…”

Nói về bài hát ấy, anh Ba Hưng bảo, tôi có biết lúc đó ông Kiết Tường viết về mình đâu. Trong đơn vị còn nhiều anh dũng cảm, kiên cường, đánh giặc giỏi lắm. Cứ nghĩ là buổi giao lưu, nói chuyện cho thỏa nỗi nhớ mong quê nhà, ai ngờ hôm sau thấy có bài hát về mình.

Khi mà bài hát nổi tiếng khắp vùng giải phóng thì anh Ba Hưng không dám nhận mình là nhân vật trong bài hát ấy vì sợ ảnh hưởng đến tổ chức, và sự nguy hiểm cho chính bản thân anh.

Anh bảo, mình cũng thấy khoái lắm vì bài hát viết đúng về mình nhưng lúc ấy mà nhận giặc lùng bắt được, chúng tra khảo thì lộ hết bí mật nên mãi khi về hưu năm 1988 anh mới chính thức nhận mình là nguyên mẫu trong bài hát nổi tiếng năm xưa.

Duyên tình nghiệt ngã của anh Ba Hưng

Sống, chiến đấu và sả thân vì Tổ Quốc, không một mặt trận nào thiếu dấu chân của người chiến sĩ Hứa Hòa Hưng. Anh đi khắp nơi, hễ nơi nào có bóng quân thù là có mặt của anh. Đảng ghi nhận chiến tích hào hùng của anh, anh được tặng thưởng nhiều bằng khen, huân, huy chương cao quý.

Thế nhưng, lật giở vào phía sau cuộc đời anh là nỗi đau duyên tình thật nghiệt ngã. Năm 1962, khi đang chiến đấu thì anh nghe được hung tin, người vợ ở nhà đã bị ép lấy tên xã trưởng khét tiếng trong vùng.

Gia đình anh Ba Hưng
Gia đình anh Ba Hưng

Để đích sở thị, anh xin tổ chức cho về để giải quyết chuyện gia đình. Vừa nhìn thấy anh, người dân đã thông báo ngay thông tin động trời mà anh từng nghe được.

Sau khi vợ đi lấy chồng khác, bà mang đứa con gái cho ông bà ngoại nuôi. Anh Ba Hưng buồn bã, chới với lại mang ba lô lên đường vào chiến trường.

Năm 1963, được tổ chức mai mối, anh kết duyên với người phụ nữ thứ hai trong vùng giải phóng. Vì nhiệm vụ thời chiến, vợ chồng chẳng được gần nhau là bao anh lại phải chia tay. Khi đưa con trai chào đời, mừng vui khôn tả, anh được về thăm vợ con, được ôm con vào lòng với niềm hạnh phúc vô bờ.

Bom giặc cày xới quê hương, máy bay thả bom mịt mù bầu trời, mặt đất. Ngôi nhà của anh cùng vợ, con và cha mẹ vợ bị một quả bom vùi chôn. Vậy là tất cả trong phút chốc đã vĩnh viễn rời bỏ anh. Anh Ba đau khổ tột cùng, đứa con trai mới bập bẹ được tiếng gọi ba ơi đã bị chiến tranh vùn lấp.

Khi anh tìm về thì mộ vợ, con, đã xanh cỏ. Anh ba Hưng lặng lẽ thắp nén nhang cho người đã khuất mà nỗi buồn chất chứa ngất trời không gì bù đắp được. Anh khóc cho nhân tình thế thái, khóc cho sự đau khổ mất mát, khóc vì hận thù chiến tranh.

Một người đàn ông phải khóc khi mà nỗi đau đã tới tận cùng. Bao nhiêu năm cầm súng ra chiến trường, giết nhiều tên giặc ác ôn bảo vệ quê hương, làng xóm đến khi trở về anh mất tất cả. Anh Ba bơ vơ, chới với giữa cuộc sống một thân một mình.

Nhưng trong tháng ngày đau buồn nhất, một người con gái đã đến với anh. Cô ấy là bạn thân của người vợ bất hạnh của anh, cô hiểu được hoàn cảnh cũng như nỗi đau của anh. Được tổ chức mai mối, cô ấy chính thức về làm vợ anh Ba Hưng.

Cưới nhau được 7 ngày, anh Ba lại ra đi không hẹn ngày về. Là người phụ nữ cam chịu hy sinh để chồng đi đánh giặc, cô Mai Thị Hường, cố vùi nén nỗi đau, nỗi nhớ vào tim vì hơn ai hết, cô là một Đảng viên, một chiến sĩ cách mạng cơ sở, cô hiểu và cảm thông được cho chồng mình.

Dù tuổi đã cao nhưng Đại tá Hứa Hòa Hưng vẫn tham gia sinh hoạt trong các tổ chức văn hóa xã hội tại địa phương.
Dù tuổi đã cao nhưng Đại tá Hứa Hòa Hưng vẫn tham gia sinh hoạt trong các tổ chức văn hóa xã hội tại địa phương.

Sau những ngày đầu ấp tay gối ngắn ngủi, cô Hường có thai. Cô làm công nhân cạo mủ cao su ở Dầu Tiếng nhưng thực chất là một cở sở Cánh mạng, thường xuyên tải đạn, tải thương cho bộ đội. Lúc bấy giờ, giặc đánh phá ác liệt ở vùng giải phóng, chúng càn quét và gây ra biết bao tang tóc cho dân làng.

Một mình, vừa lao động, vừa hoạt động Cách mạng vừa nuôi con, vợ anh Ba Hưng đã phải trôi dạt về tận Hố Nai để lánh nạn. Tại đây, bà đã phải đi làm thuê, làm mướn vất vả để nuôi con. Bà kể: “ Lúc ấy. không ai nghĩ đến cái sống đâu vì nó rất mỏng manh.

Chỉ biết rằng mình sống được giây nào hay giây đó thôi. Anh ba đi đánh giặc cũng biền biệt không có tin tức gì. Tôi không dám mơ ngày đoàn tụ càng không dám ước anh ấy còn sống mà quay trở về vì chiến tranh quá khốc liệt".

Hành trình đi tìm vợ con

Năm 1975, tức 9 năm sau ngày cưới, anh Ba Hưng quay trở về quê tìm vợ con. Anh có nghe thông tin cô Hường chạy giặc lên Hố Nai và tức tốc tìm tới. Nhưng có đến 4 Hố Nai thì biết đâu mà lần cũng không có một manh mối gì khả quan.

Anh chợt nhớ ra là Hố Nai mà ở gần hai cái chợ. Sàng lọc thông tin, địa điểm, nhưng vẫn mênh mông quá. Anh đi lang thang, thất thểu, anh đã từng nghĩ tới sự thất bại thì gặp được một người đàn ông.

Anh hỏi thăm về người bên Dầu Tiếng qua đây sống. Sau một hồi lục tìm trí nhớ, người đàn ông chỉ cho ông cứ đi mãi theo lối mòn này cũng có một vài nhà của người Dầu Tiếng nhưng ở tận trong rẫy cơ.

Vừa mừng, vừa lo, ông thẳng tiến. Tiếp tục hỏi thăm vài chỗ, được người ta chỉ tay vào tận các rẫy tít trong rừng may ra có người Dầu Tiếng qua làm thuê.

Anh gặp được một em bé rửa chén mướn cho một quán ăn, không ngờ cô bé này lại ở ngay gần nhà của người Dầu Tiếng nên cô dẫn anh tới tận nơi.

Vừa bước vào cửa, anh Ba nhận ra ngay người cha vợ đang đun nước trong nhà, anh lên tiếng gọi, ông cụ quay ra nhưng không nhận ra anh là ai. Anh hô to, “Con là Ba Hưng nè, Ba Hưng trong bài hát Anh ba Hưng nè”.

Lúc này ông cụ mới sững sờ: “ Thằng Hưng đó hả, mày còn sống sao”? Hai cha con ôm nhau mừng vui khôn xiết. Cha vợ chỉ đứa bé gái 8 tuổi đang rụt rè ngoài cửa nói: “ Con gái mày đó, nó lớn chừng này rồi, qua nhận con đi”.

Anh Ba nhìn con, muốn lao đến ôm hôn mà nựng nịu nhưng con bé thấy lạ không dám tới gần. 8 năm trời, cha không được nhìn mặt con và con cũng không biết được cha mình là ai, một niềm vui vỡ òa trong hạnh phúc. Không biết từ bao giờ, hàng xóm đã chạy đi chở cô Hường về xum họp với gia đình.

Sau những tháng năm xa cách, ngày gặp lại họ không nói thành lời, chỉ nhìn nhau qua ánh mắt. Sau khi gia đình hội ngộ, Ba Hưng tiếp tục tham gia mặt trận biên giới Tây Nam, lại đi biền biệt không hẹn ngày về để lại vợ con ở nhà mỏi mòn chờ đợi trong nỗi lo âu thấp thỏm.

Đời anh là thế, khi đất nước hết sạch quân thù, anh mới cho phép mình gác súng. “Đời mình đã được người ta viết thành bài hát, hát khắp nơi vì thế mà mình phải sống và chiến đấu sao xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”- Đại tá Hứa Hòa Hưng chia sẻ.

Đúng vậy, dù thời gian đã cách xa bài hát, cỏ cây đang xanh tốt phủ đầy trên những hố bom và lòng người cùng dịu lại sau những buồn đau mất mát, "Anh Ba Hưng" những tưởng chỉ tồn tại trong khói lửa chiến tranh nhưng nào ngờ cho đến tận bây giờ, giai điệu hùng tráng vẫn còn nguyên giá trị.

  • Ngọc Thiện
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc