Geisha cuối cùng và điệu múa say mê vượt qua thảm họa kép

06:04, Thứ ba 26/04/2011

( PHUNUTODAY ) - Cô bé Ito chưa kịp dậy thì đã được đưa vào thế giới của các geisha để học và theo nghề này, giúp mẹ kiếm tiền để nuôi sống gia đình và bản thân.

(Phunutoday) - Khoảng 80 năm trở về trước, một trận sóng thần cuồng nộ ập vào Nhật Bản. Người mẹ trẻ cõng cô con gái nhỏ trên lưng, chạy bằng hết sức bình sinh để tìm đường sống sót. Cô con gái còn quá bé, chưa thể tự chạy được nhưng đã kịp ghi lại trong ký ức mình cảm giác biến động khắp chung quanh, những gương mặt hoảng loạn, những đôi mắt thất thần, những ngôi nhà đổ sập, nổi trôi. Cô bé gái thoát khỏi cơn sóng tử thần và sống sót ngày ấy đã trở thành một Geisha ở tuổi 12.


Ở tuổi 84, trải qua hàng loạt cuộc oanh kích của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và cả cơn sóng thần động đất dữ dội hồi tháng 3 vừa rồi, bà vẫn dự định tiếp tục hành nghề và luôn mỉm cười sau muôn hình vạn trạng những vui buồn đến khủng khiếp của cuộc sống.

Geisha hơn bảy chục năm tuổi nghề

Sau khi thoát khỏi thảm họa sóng thần đầu tiên trong đời, Ito may mắn vẫn còn đủ cả cha lẫn mẹ. Thế nhưng những di họa của thiên nhiên nổi giận đã để lại bao nhiêu khó khăn chồng chất cho các gia đình bị cuốn đi tất cả những gì họ đã tích lũy suốt bao đời. Nhà của Ito cũng vậy, không một thứ gì mảy may còn lại. Cha của Ito từ một người đàn ông khỏe mạnh giờ phải lăn lưng làm lụng để vực dậy cả gia đình, xây lại tất cả từ số 0.

Chẳng bao lâu, vì lao lực mà ông đâm ra đổ bệnh. Cô bé Ito chưa kịp dậy thì đã được đưa vào thế giới của các geisha để học và theo nghề này, giúp mẹ kiếm tiền để nuôi sống gia đình và bản thân.

Thành phố Kamaisha là nơi Tsuyako Ito bắt đầu sự nghiệp geisha. Đó là một thành phố phát triển ngành công nghiệp thép, cách Tokyo 450 km về phía bắc, ở đây tập đoàn thép khổng lồ Nippon Steel hiện vẫn còn những lò luyện kim.

Mặc dù nơi đây không phải là thành phố lý tưởng của giới ăn chơi, nhưng cũng không vì thế mà các geisha trẻ như Ito vắng khách. Vẫn có những người tìm đến với họ để thưởng thức những lễ nghi tinh tế của geisha, những khúc đàn, điệu múa đầy quyến rũ. Từ chỗ ban đầu chỉ nhằm mục đích đi làm để kiếm tiền phụ mẹ, Ito đã tìm thấy niềm vui trong công việc đặc biệt của mình.

Ito được ban cho nghệ danh là Chikano Fujimage để tiện gọi và giao lưu trong và sau khi tiếp khách. Cái nôi của nghề geisha là cố đô Kyoto, sau thế kỷ 18 nghề này mới lan khắp Nhật Bản. Là một ca sĩ, vũ công và nhạc công giỏi nghề, Ito là một trong khoảng 100 geisha hành nghề ở Kamaishi. Thành phố này là nơi phát triển phồn thịnh sau chiến tranh, nhưng bị suy giảm kể từ những năm 1980 do các nhà máy thép gặp khó khăn vì suy thoái và cạnh tranh từ nước ngoài.

Chính vì hoàn cảnh bi đát ấy mà tất cả các geisha khác đều đã ra đi. Ito là người cuối cùng và duy nhất làm geisha ở đây với một lòng kiên định không rời nơi mình đã bước vào nghề và gắn bó với nó. Ito không tiếc gì trong cuộc đời.

Tsuyako  là geisha cuối cùng của Nhật. Ảnh AFP
Bà Tsuyako Ito.  Ảnh AFP

Những người chủ không tiếc lời khen ngợi sự chăm chỉ, tính chịu thương chịu khó hết mực của Ito. Đó chính là phẩm chất đáng quý, là thứ mà bà tự hào là không ai có thể lấy đi được của bà. Từ bấy đến nay, đã có không biết bao nhiêu khách đến nghe và xem bà đàn, hát múa. Có không ít người trong số họ đã giã biệt cõi đời, vĩnh viễn không còn được nghe bà tấu lên một khúc nhạc nào hãy yểu điệu trong một điệu vũ nào nữa. Tuy nhiên, đừng quên Nhật Bản là nước có dân số già, vì thế mà Ito thỉnh thoảng vẫn còn có thể gặp lại được một vài cố nhân trong những ngày hành nghề ở tuổi ngoài 80 này.

Các geisha hiện đại vẫn sống trong những ngôi nhà geisha truyền thống gọi là okiya tại các khu vực gọi là hanamachi ("hoa nhai" - khu phố hoa), đặc biệt trong thời gian học việc của họ. Thế giới thanh lịch và văn hóa cao mà các geisha là một phần trong đó được gọi là karyūkai ("hoa liễu giới" - thế giới của hoa và liễu). Tuy nhiên, nhiều geisha giàu kinh nghiệm lại chọn cách sống trong những căn hộ của chính mình. Ito là một trong những geisha cao tuổi nhất còn sống hiện nay, và là geisha cao tuổi nhất còn đang làm việc đúng nghĩa. Bà đương nhiên cũng sống trong căn hộ của mình thay vì một khu phố hoa nào đó, bởi vì ở thành phố nơi bà sống, chẳng geisha nào còn muốn ở lại.

Cô đơn trong thế giới nội tâm là cảnh trí không tránh khỏi đối với một geisha suốt đời như bà, nhất là ở một nơi đã quá lâu bà không có đồng nghiệp. Thế nhưng bà Ito chưa bao giờ bi quan, chưa bao giờ mảy may muốn từ bỏ con đường mà bà đã lựa chọn và yêu thích ngay từ tuổi chơm chớm vào thì con gái.

Không gục ngã, kiên trì bước tới

Bà Ito thành thạo những nhạc cụ truyền thống như shamisen, shakuhachi (sáo trúc), và trống, cũng như những bài hát truyền thống, múa cổ điển Nhật, trà đạo, ikebana (cắm hoa Nhật), văn học và thơ ca. Bà rành rõ truyền thống phức tạp xung quanh việc lựa chọn và mặc kimono, cũng như hết sức khéo léo và điêu luyện trong cách cư xử với khách hàng. Sóng thần xảy đến lúc bà Ito đang chuẩn bị hát và chơi cây đàn ba dây cổ truyền shamisen tại một nhà hàng sang trọng của thành phố. Con sóng nuốt chửng tất cả, nhà hàng sang trọng cũng như căn nhà nhỏ chứa đầy ký ức và không khí geisha của bà, cuốn phăng mọi thứ dụng cụ hành nghề quý giá của geisha có hơn 70 năm thâm niên này.

Áo kimono, các dải thắt, hai cây đàn shamisen, đồ làm tóc, đồ trang điểm - tất cả mọi thứ của bà đều đã bị mất. Những lá thư, những món quà của khách, chiếc khăn thơm mà người đàn ông hào hoa nào đó đã tặng bà… tất cả những gì bà lặng lẽ gìn giữ đều bị cuốn phăng trong chốc lát dưới cơn sóng dữ. Ngôi nhà suốt đời gắn bó của bà giờ tan hoang không thể cứu vãn. Bà phải ngủ đêm trên một tấm chiếu trong phòng học thể dục ở trường học, cùng khoảng 100 người cao tuổi trong khu vực lân cận đến trú ẩn.

Với bà Ito, dù đã trải qua không chỉ 1 trận sóng thần, đó vẫn là "một trải nghiệm kinh hoàng". Bà nhớ nhất cái khoảnh khắc bà nhìn thấy một cái ô tô và một người chết ngay bên trong nhà mình. Những bức tường nước khổng lồ trồi lên nhấn chìm một vùng đông bắc Nhật Bản, trong đó có thành phố Kamaishi, tỉnh Iwate nơi bà sinh sống. "Điều đau buồn nhất là có rất nhiều người bạn của tôi đã chết", Ito nói. "Tim tôi tưởng như vỡ ra".

Một phần lớn trong số các khách hàng của bà Ito – hầu hết là những người đàn ông kém xa tuổi bà - có tên trong danh sách hàng ngàn người chết hoặc mất tích sau động đất và sóng thần.

Thế nhưng, Ito có một tinh thần kiên cường hiếm thấy. Bà bất chấp cảnh hoang tàn vây quanh, bất chấp việc đã mất hết áo kimono và đồ hành nghề, bất chấp những gì tích cóp bao lâu đã mất, bất chấp những nỗi đau buồn mất mát những người bạn, Ito mỉm cười nói bà vẫn sẽ biểu diễn, vẫn sẽ làm công việc của một geisha mà bà chưa bao giờ ngừng say mê. "Tôi thậm chí còn muốn đàn hát và múa phục vụ cho mọi người ở đây, trong nơi tạm trú này. Tôi vẫn còn kỹ năng và mong muốn đàn hát. Đấy là niềm tự hào của tôi. Cho dù sóng thần cũng không thể tước niềm tự hào ấy".

Ito nói bà sẽ làm việc cho đến hạn nghỉ hưu mà bà tự xác định cho mình - ở tuổi 88. Như thế nghĩa là còn ít nhất 4 năm nữa, Ito sẽ tiếp tục đến tham dự các buổi tiệc và tụ họp, ở các quán trà hay tại các nhà hàng Nhật Bản truyền thống. Những “giá ngọc” (theo thời gian một cây hương cháy hết) sẽ tiếp tục được đốt lên, giống như tình yêu cuộc sống và yêu nghề trong người đàn bà ấy chưa bao giờ tắt.

"Tôi muốn làm mọi người vui khi thành phố hồi phục dần trở lại", bà nói. "Tôi muốn sống tích cực. Dù tôi không còn bạn đồng nghiệp geisha nào, tôi vẫn sẽ múa và đàn hát. Và nếu tôi còn sống được ba hay bốn năm nữa, khi tôi 88 tuổi, và nếu khách vẫn muốn tôi biểu diễn, tôi sẽ tiếp tục biểu diễn", Ito nói. "Tôi sẽ tiếp tục cuộc sống như thế."

Tinh thần của bà Ito – geisha cao tuổi nhất còn làm việc ở Nhật Bản – cũng là một ví dụ cho tinh thần bất khuất của con người trước sự đe dọa của các thảm họa. Nhìn vào tinh thần của một con người cụ thể như bà Ito, những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả của động đất sóng thần ở đất nước Mặt trời mọc ắt sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những ngày khó khăn này.

Chỉ có tình yêu và niềm lạc quan mới giúp cho con người đứng vững và kiên cường đến thế.

Phong Châu
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc