Yêu cầu cán bộ trực Tết phải báo cáo hằng ngày; phối hợp cùng đài phát thanh - truyền hình tỉnh theo dõi, kiểm tra và ghi hình công chức vi phạm quy định về giờ giấc làm việc rồi phát sóng; kiểm tra đột xuất tất tần tật công chức ở các sở, ban, ngành... Đó là rất nhiều cách để các tỉnh quản lý giờ làm việc của công chức.
[links()]
Nhiều cán bộ công chức "giết" thời gian công sở bằng cách chơi game |
Cán bộ trực Tết báo cáo hàng ngày, không được chơi game, lục sách của sếp
Tỉnh Hậu Giang yêu cầu cán bộ trực Tết không được tự tiện mở máy vi tính chơi game và không được lục tủ sách tài liệu, sách báo đã được phân cho lãnh đạo.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, văn phòng vừa ban hành kế hoạch trực Tết nguyên đán Quý Tỵ của lãnh đạo UBND tỉnh và cán bộ thuộc Văn phòng ủy ban từ 29 âm lịch đến mùng 8 Tết.
Theo đó, cán bộ trực Tết không được tự tiện mở máy vi tính chơi game và không được lục tủ sách tài liệu, sách báo đã được phân cho lãnh đạo. Cán bộ trực phải ghi nhận thông tin báo cáo từ các Sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo về hằng ngày. Cuối giờ trực phải báo cáo tình hình trực về Vụ Địa phương Phía Nam (Văn phòng Chính phủ), Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.
Ghi hình, phát sóng công chức vi phạm trên đài truyền hình
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành chỉ thị 02 (ngày 10/1/2013) về việc tăng cường công tác quản lý thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Theo đó, Sở Nội vụ sẽ phối hợp cùng đài phát thanh truyền hình tỉnh theo dõi, kiểm tra và ghi hình những trường hợp công chức vi phạm quy định về giờ giấc làm việc, tập trung vào các hành vi đi muộn, về sớm, chơi games, uống rượu bia, cà phê… trong giờ làm việc.
Những trường hợp bị ghi hình sẽ được phát sóng trên đài truyền hình tỉnh. Các cá nhân, tập thể và lãnh đạo đơn vị có vi phạm sẽ không được xem xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Tỉnh Đồng Tháp cũng phối hợp với đài truyền hình tỉnh để ghi hình công chức. Ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từng tuyên bố ở tỉnh này có không ít cán bộ, công chức thuộc diện “nếu không có họ thì cũng không ảnh hưởng gì đến công việc”.
“Chúng tôi có quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu say buổi trưa và tin rằng họ có ý thức tốt và chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lâu lâu không ai nói gì thì xé rào, tôi vừa chỉ đạo Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp cử các nhóm phóng viên bất ngờ đến quay phim các công sở vào đầu giờ sáng và chiều. Thủ trưởng cơ quan phải giải trình nếu ở các phòng có tình trạng thiếu cán bộ, công chức làm việc không rõ lý do”.
Sở Nội vụ Ninh Thuận lại áp dụng phương pháp kiểm tra đột xuất tất tần tật các công chức làm việc tại các sở, ngành, địa phương của tỉnh kèm theo nghiệp vụ có camera quay phim, làm chứng cứ cụ thể để kiểm điểm, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Theo báo cáo gửi UBND tỉnh Ninh Thuận ngày 29/1, sau khi kiểm tra đột xuất, Sở Nội vụ phát hiện 224 công chức... "ăn gian" giờ làm việc.
Tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra con số 30% công chức "có cũng như không".
“Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
- Diệu Linh (Tổng hợp)