(Phunutoday) - Đúng 50 năm sau ngày chị Sứ - Phan Thị Ràng hi sinh, tỉnh Kiên Giang đã lần đầu tiên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm. Những câu chuyện về cuộc đời người nữ anh hùng đã được khắc họa đầy đủ, rõ ràng hơn.
[links()]
Từ trước đến nay, khi nhắc đến chị Phan Thị Ràng, nhiều người hay “bê nguyên” cuộc đời nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức. Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ giao lưu các nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu cùng Phan Thị Ràng diễn ra tại Khu di tích Ba Hòn tối 7/1/2012 vừa qua, nhiều sự thật về cuộc đời, sự hy sinh của chị dần được sáng tỏ.
Chị Sứ có chồng còn chị Ràng thì không
![]() |
Mộ chị Phan Thị Ràng |
Trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức, chị Sứ (được lấy từ hình tượng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng) đã lấy chồng và sinh được một bé gái, trong lúc chồng đi tập kết chị ở nhà tiếp tục hoạt động cách mạng và chăm sóc con thơ. Thế nhưng, ngoài đời thực, chị Phan Thị Ràng đính hôn với anh Lê Vinh Quang chẳng bao lâu đã vội tiễn biệt người yêu lên tàu ra Bắc.
Trong thời gian Phan Thị Ràng được rút về công tác tại Hòn Đất, Đảng bộ huyện vẫn chủ trương không sử dụng bạo lực cách mạng, lấy tuyên truyền, vận động làm nòng cốt, trong đó công tác thanh vận, phụ vận được quan tâm đặc biệt.
Trong khi người ít mà công việc nhiều nên mỗi đồng chí trong Ban Chấp hành Phụ nữ huyện phải phụ trách tuyên truyền, vận động ở nhiều cơ sở”. “Tôi nhớ rõ đồng chí Tư Phùng được giao phụ trách các địa điểm Vàm Rầy, Hòn Đất, Thổ Sơn, Lình Huỳnh. Tư Phùng cứ đi từ nơi này qua nơi khác theo dõi tình hình, thâm nhập quần chúng, có khi một tháng chúng tôi mới gặp nhau một lần.
Mỗi lần gặp được vài hôm, chị em cứ thay phiên nhau kể về các hoạt động, chuyện đời sống bà con các địa phương, rồi tình hình liên lạc với ban đấu tranh trực tiếp. Có lần, Tư Phùng bảo nhớ Quang, đem những kỷ vật khoe tôi rồi chợt im lặng, khiến tôi cũng mủi lòng.
Cho nên, việc cho rằng Tư Phùng đã có chồng, có con là “oan” cho người liệt nữ anh hùng”, cô Bùi Thị Ngần, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòn Đất, từng sống chung với cô Tư Phùng kể. Rồi cứ thế công việc chất chồng, ngày lại qua ngày nỗi niềm riêng cũng theo cô ràng đi vào lòng đất.
Không gì đau xót cho bằng khi tận mắt chứng kiến đồng chí, đồng đội mình bị sa vào tay giặc mà phải im lặng chờ thời cơ. Cô Ngần cho biết, khi Tư Phùng bị địch bắt, chúng dẫn chị đi quanh khắp làng xã hòng giăng bẫy cán bộ cách mạng sa lưới.
Nhưng dù tình thế có nguy nan, các chiến sĩ cách mạng động viên nhau không được manh động để làm việc lớn. Đặng Văn Sớm, cựu chiến binh, người bị chốt chặn trong hang Hòn cùng đợt với Phan Thị Ràng bị bắt (hiện đang sống tại phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá), cho biết:
“Lúc đồng chí Tư Phùng bị bắt, chúng tôi nghe tụi nó phát loa liên tục. Đồng đội ai cũng đau xót nhưng lúc đó tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch. Địch thì vũ khí hiện đại, tối tân, trong khi đó ta chỉ có công cụ thô sơ nên mọi người đều im lặng. Chị Tư Phùng hy sinh vì kiệt sức trước những đòn tra tấn dã man của địch.
Tôi là người biết rất rõ chị Tư Phùng, nên “oan” cho chị lắm khi mọi người đọc qua tác phẩm Hòn Đất rồi hỏi tôi: Con gái chị Tư Phùng bây giờ ra sao. Tôi bảo, đó là tiểu thuyết được phép hư cấu, dựng chuyện để nâng tầm tác phẩm lên thôi”.
“Sau khi chị Tư hy sinh chừng ba ngày, thằng em trong xóm đang học lớp cứu thương ở Hòn Đất về báo cho gia đình tôi hay, mẹ khóc ngất đi. Nhưng tình hình lúc đó ở Lương Phi cũng căng thẳng, mấy anh chị em chỉ biết thỏ thẻ truyền tai nhau cho họ hàng hay chứ không dám để nhiều người biết sợ giặc đến dò xét”, ông Nguyễn Bình Sơn, em cùng mẹ khác cha với chị Phan Thị Ràng kể lại.
Có lẽ xúc động nhất trong đêm giao lưu, là ông Sáu Mỳ (em ruột Phan Thị Ràng) run run đưa tấm ảnh, kỷ vật cuối cùng gia đình với chị Tư Ràng trước ngày tập kết. Ông xúc động, nghẹn lời làm cho hàng ngàn người có mặt tại đây sụt sùi, rơi lệ.
Những kỷ niệm với người chồng hứa hôn
Chị Tư Phùng chưa hề có con mà chỉ có một người hứa hôn khi ấy chị mới 16 tuổi. Nhiều nhân chứng kể lại rằng: Đầu năm 1953, ông Phạm Văn Hổ, Giám đốc Công binh xưởng của tỉnh Long Châu Hà đi lấy máy tiện và nguyên vật liệu, ông có ghé nhà chị Ràng nhờ nấu cơm. Qua những lần tiếp xúc, ông Hổ cảm mến tình cảm của má chị nên nhờ chính quyền địa phương làm mai mối và sau đó hai người được sống bên nhau.
Sau đó gia đình chị rời về nhà mới cất của ông Hổ tại cầu kinh Đạo Sáu. Nơi đây biến thành một tiền trạm với các chức năng nhận vũ khí hư, nhận nguyên vật liệu súng đạn, vừa là văn phòng dịch vụ phân phối vũ khí đạn dược cho các nơi và cũng là kho xay xát gạo và đồ ăn cung cấp cho xưởng.
Lúc bấy giờ, bộ phận hành chính của xưởng do anh Lê Vinh Quang là thợ đúc kiêm phụ trách văn phòng quản trị. Anh thường ra trạm để hướng dẫn công việc cho chị Ràng về sổ sách và tiếp xúc với khách hàng. Thấy tính tình anh Quang hiền lành, chịu thương chịu khó, một buổi tối sau mấy ngày tính toán, ba má chị đã cho biết ý định tác hợp với anh Quang.
Lúc đầu chị không đồng ý vì cho rằng mình còn nhỏ tuổi và anh Quang lớn hơn nhiều tuổi nên không thích hợp. Lúc này, ông Hổ nói rằng: “Ở cái xưởng thiếu gì người đẹp trai hơn thằng Quang, nhưng con lấy chồng là phải có tương lai sáng sủa hay lấy chồng đẹp trai mà không tiến bộ. Nếu tư cách thiếu là lại một trở ngại lớn cho đời con”.
Chị nghe ông Hổ nói nhiều ý hay nghe có tình, có lý. Lần lần chị tìm thấy ở anh Quang con người đức độ, khiêm tốn và hiền lành lại có duyên. Ông Hổ lại tiếp: “Hứa hôn chứ không phải lấy chồng liền, năm nay con 16 thì hai năm sau 18, tổ chức cưới được rồi”. Thế là ngay ngày lễ Quốc tế Lao động 1/5 năm đó, ông tổ chức ăn liên hoan toàn xưởng.
Nhân dịp này, ông kết hợp ngày lễ hứa hôn giữa Quang và Ràng trong tiếng vỗ tay vang dậy của các công nhân
Hứa hôn được 6 tháng, lòng chị lại quặn đau khi được biết là anh Quang cùng một số đồng đội, trong đó có ông Hổ sẽ đi tập kết ra Bắc. Lúc này chị Ràng nghĩ, chẳng lẽ bỏ lại mẹ yếu đuối để theo anh Quang, em Mỳ còn nhỏ quá. Suốt năm tháng chờ đợi để lên tàu ra Bắc, anh Quang đã nhiều lần đưa chị ra Chắc Băng (Vĩnh Thuận) - điểm tập kết tàu ra Bắc xem phim hay kịch vì điểm này rất vui nhộn.
Trên đường đi, hai người nhắc lại những kỷ niệm những ngày đầu mới quen nhau. Đó là lúc chị dạy anh Quang đan nệm, kết cà ròn, chằm nốp hoặc cùng anh giã bàng, phơi bàng… Có những tối. anh đi đào củ mì nấu cho cả nhà cùng ăn sau khi hai người giã gạo.
Tình yêu giữa hai người dần được kết lại. Những ngày gần nhau khắng khít bây giờ lại phải xa nhau tới 2 năm. Nghĩ đến đây, chị vội cúi xuống để giấu cảm xúc của mình.
Trước khi lên tàu để ra cửa biển, chị Ràng đưa cho anh Quang một gói nhỏ bên trong kết vải, bên ngoài bọc ni lông. Đó là một nắm đất Bình Sơn, Hòn Đất - nơi hai người quen nhau để ra Bắc anh sẽ nhớ đến Hòn Đất của miền Nam xa xôi, anh sẽ không quên những ngày cực khổ nhưng đầy kỷ niệm bên nhau…
Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòn Đất, kể: “Chú Quang đã mất cách nay hơn 2 tháng rồi, nhà ở TP Hồ Chí Minh, chứ không thì chúng tôi cũng mời chú ấy về đây để thắp hương nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày hy sinh của cô Tư Ràng vừa tổ chức vào ngày 9/1 này.
Trước đây, chúng tôi cũng có một lần lên TP Hồ Chí Minh rước chú Quang về để giếng mộ cô Tư ở Khu di tích lịch sử ở xã Thổ Sơn. Chú ấy cảm động lắm, vì chỉ mới hứa hôn thôi thì phải chia tay nhau vì chiến tranh mà. Chú nói, khi chia tay hai người hứa với nhau sau khi ra Bắc hai năm về sẽ cưới nhau, thế nhưng, đâu ngờ….”.
Còn chú Nguyễn Văn Tư, ngụ xã Bình Sơn (Hòn Đất), mấy ngày diễn ra lễ hội đều có mặt tại ngôi mộ Phan Thị Ràng để thắp hương, làm vệ sinh. Chú Tư cho biết, sinh ra lớn lên tại Bình Sơn, lúc lên 10 tuổi, chú đã được cô Tư Ràng dạy múa, hát cùng với chúng bạn tại đây. Lâu lâu cô Tư Ràng về dạy múa hát và hỏi những đứa học sinh ở đây rằng, bọn giặc ngoại xâm tàn sát dân lành, đốt nhà, cướp của dân có thấy căm thù không.
Lúc này cả nhóm đều hô to: căm thù. Tiếp tục, cô Tư hỏi, nếu căm thù thì lớn lên các cháu sẽ làm gì, mọi người đều nói sẽ tham gia đánh giặc. Thế là khi biết cô Tư Ràng hy sinh, chú Tư cùng với anh em địa phương mới 12-13 tuổi đều tham gia cách mạng.
Còn ông Chau Nhâm (89 tuổi), ngụ ấp Hòn Đất, xã Thổ Sơn, giọng xúc động: “Khi bọn thằng Khen (tức là thằng Sâm trong tác phẩm Hòn Đất) phản bội cách mạng ra hàng giặc đã bắt được cô Ràng, bọn chúng đánh đập rất tàn nhẫn cho đến chết.
Lúc ấy ai nghe tên thằng Khen cũng phải sợ vì những đòn tra tấn tàn nhẫn của nó. Sau khi nó giết cô Tư Phùng, mấy ngày sau tôi cùng với hơn 10 anh em địa phương mới đến tiếp cận thi hài và đem chôn. Lúc cô Tư bị bắt, tôi giả vờ đi mua nước mắm, thấy cô vẫn ung dung, không hề sợ sệt, nên khi chúng giết chết cô, chúng tôi cảm phục và quyết tâm chôn cất cô được toàn thây”.
(Kỳ II: "Giải oan" cho chị Sứ )
- Lam Sơn