Giận vợ theo trai, chồng thành kẻ sát nhân

06:47, Thứ sáu 23/12/2011

( PHUNUTODAY ) - “Nghe thấy tiếng súng nổ phát ra từ lán nhà nó (Sài), biết có chuyện chẳng lành nên chúng tôi chạy đến. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt, Đớ nằm dưới đất, mặt bê bết máu với hàng chục mảnh đạn còn găm trên mặt. Sài thì đang chĩa họng súng vào đầu mình khi khói vẫn từ nòng súng vẫn bốc lênhellip;”.

(Phunutoday) - Rượu đã lấy đi nhân tính và bản tính vốn hiền lành của người chồng. Trong chốc lát, sau chầu rượu ngà ngà say với bè bạn, Sình A Sài (SN 1989) vẫn không thể xóa bỏ được những câu nói đầy khích bác của đám bạn về những nghi ngờ cho người vợ của mình. Rượu vào lời ra, về đến nhà, Sài cãi nhau với vợ, khi cơn tức giận lên đến đỉnh điểm, thấy vợ không những chịu nhường nhịn mà còn cố tình thu xếp quần áo bỏ về nhà mẹ đẻ, Sài đã không ngần ngại gí khẩu súng săn vào mặt vợ. Cái bóp cò trong phút nóng giận đã khiến vợ Sài chết, đứa con trai mới bảy tháng tuổi bơ vơ.

[links()]

Cuộc tình đẹp và ngày định mệnh

Phút nông nổi đã khiến Sình A Sài thành kẻ giết người
Phút nông nổi đã khiến Sình A Sài thành kẻ giết người

Sáu tháng đã trôi qua, nhưng vụ án chồng nã đạn vào mặt vợ ở bản vùng cao Thà Giàng Chải (Xã Tả Ngảo, Sìn Hồ, Lai Châu) khiến người dân nơi đây còn chưa hết bàng hoàng. Bởi bao nhiêu năm qua, người dân nơi đây chưa bao giờ chứng kiến một vụ án khủng khiếp đến như thế... Tuy người chồng đã phải đền tội cho những sai lầm của mình gây ra, người vợ ra đi cỏ đã xanh mồ, nhưng câu chuyện tình yêu của đôi vợ chồng trẻ và cái chết của người vợ do chính bàn tay người chồng sát hại thì người dân vùng Thà Giàng Chải này vẫn còn nhớ mãi.

Những người bạn của hai vợ chồng Sình A Sài kể lại, Sài và Sùng Thị Đớ gặp nhau tại một phiên chợ vùng cao đã gắn kết hai con người với nhau chỉ hơn một tháng quen biết. Đớ là chị cả trong gia đình có 4 anh chị em. Cuộc sống lam lũ ở bản không lấy đi được cái duyên của người con gái dân tộc H'Mông. Còn Sài, là một bộ đội phục viên, khỏe đẹp và hiền lành.

Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người nhanh chóng được tổ chức thành đám cưới trong sự hân hoan của hai bên gia đình và bè bạn. Niềm vui đơm hoa kết trái chỉ sau đó mấy tháng, đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc khi một bé trai kháu khỉnh chào đời.

Cứ ngỡ rằng cuộc sống của họ không lấy làm no đủ nhưng sẽ hạnh phúc vì ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Thế nhưng định mệnh của số phận đã khiến cái gia đình bé nhỏ ấy tang thương. Ngày 14/6/2011 là một ngày tang tóc khiến giữa bản làng heo hút nơi miền sơn cước hoang vu này vốn đã buồn nay còn thê lương hơn.

Ngôi nhà nơi vợ chồng Sài và Đớ từng sống hạnh phúc
Ngôi nhà nơi vợ chồng Sài và Đớ từng sống hạnh phúc

Khi những người dân bản đang lo chăm nương rẫy ở bản Nậm Khăn thì một tiếng súng nổ đã xé toạc cả không gian khiến ai cũng giật mình hoảng hồn. Tiếng kêu thất thanh và mùi đạn khét lẹt ấy vang lên ở lán vợ chồng Sài - Đớ. Sau tiếng súng, mọi người chạy đến, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt, Sùng Thị Đớ nằm bất động dưới đất, mặt bê bết máu, Sài đứng thất thần bên cạnh, tay cầm khẩu súng săn, nòng vẫn còn khói bốc.

“Tôi giết vợ rồi. Mong các chú, các bác tha lỗi cho. Cháu đáng chết...” những lời sám hối muộn mằn cuối cùng của Sài với bà con dân bản cũng trở thành vô ích. Tiếng la hét làm náo loạn cả một vùng bản nghèo xưa nay vẫn yên ắng và thanh bình. Thấy sự việc quá nghiêm trọng, mọi người ho hoán nhau đưa Đớ lên trung tâm y tế xã cấp cứu. Nhưng than ôi đã quá muộn! Một vài người khác gọi điện cho cán bộ xã, ít phút sau, Sài bị công an huyện Sìn Hồ bắt tạm giam.

Gia đình Đớ phẫn uất trong đau đớn, gia đình Sài không tin vào đứa con mà bấy lâu nay cả nhà vẫn nuôi hi vọng lại làm cái việc tày trời như thế. Sài được đi học, được biết lấy cái chữ và là anh bộ đội phục viên. Vậy mà… đắng lòng phận làm cha làm mẹ.

Đến bây giờ, hơn nửa năm đã trôi qua, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, những người dân trong bản Thà Giàng Chải đều bày tỏ sự thương cảm với hoàn cảnh éo le hiện tại của gia đình Sài, cũng như không thể lý giải được vì sao cậu thanh niên hiền lành như Sài lại có thể dùng súng bắn chết vợ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sình A Sài được sinh ra trong gia đình có ba anh em, người dân tộc H’Mông, nghèo khó, nên học đến lớp 5 đã phải nghỉ học để làm nương rẫy. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Sài trở về quê hương, với mong muốn kiếm cho mình được cô vợ, rồi sinh con đẻ cái như bao đứa bạn cùng trang lứa khác. Và tiếng sét ái tình đã kết duyên giữa Sài và Đớ (sinh năm 1990 ở xã Xà Dề Phìn bên cạnh) trong một lần đi chợ huyện.

Thấy vợ chồng trẻ sống với nhau hạnh phúc, siêng năng làm ăn, ai cũng mừng cho họ. Nhưng gần đây, Sài thấy vợ mình cứ ăn mặc chải chuốt, làm dáng mỗi khi chồng vắng nhà nên càng tin những lời đàm tiếu của đám bạn về người vợ trẻ.

Có điều, Sài vẫn luôn tin vợ mình chung thủy, Sài nghĩ, cứ yêu thương vợ và chăm chỉ làm ăn, rồi còn đứa con trai mới sinh rất kháu khỉnh thì chẳng có lý do gì mà Đớ bỏ mình đi theo người khác. Và đỉnh điểm của sự việc sau buổi lên nương, trong men say, bi kịch đau lòng đã xảy ra... Vợ chết, chồng vào tù, con trẻ bơ vơ cùng người ông nay đã đã già yếu.
 
Nỗi đau con trẻ

Theo những người chứng kiến sự việc, trước khi xảy ra bi kịch, sáng ngày 14/6/2011, Sài vẫn cùng vợ lên nương làm rẫy. Hôm ấy, Sài đi làm trả công cho anh Sùng A Cao (người cùng bản). Nhưng đến trưa, Sài cùng người anh họ với khoảng chục người bạn nữa ngồi uống rượu. Trong mâm rượu, mọi người nhắc Sài phải chú ý đến vợ mình hơn, nếu không sẽ "mất vợ như chơi"… Uống cạn ba bát rượu, Sài trở về lán nương tại bản Nậm Khăn, xã Tả Ngảo để hỏi vợ cho rõ trắng đen…

Cuộc nói chuyện trở thành cuộc cãi vã om sòm… Đớ cũng không kém cạnh, và càng tỏ ra ấm ức chồng. Đớ nghĩ mình bị xúc phạm và không thể nào phân trần, không thể nào chối bỏ được hết những lời gán tội của chồng và càng xấu xa hơn nếu những lời đó loan đi khắp bản. Đớ đành bỏ mặc chồng khi đang chửi bới, thu xếp quần áo trở về nhà mẹ đẻ.

Để ngăn vợ không bước ra khỏi cửa, Sài đã vào đầu giường lấy khẩu súng kíp và hét lên: "Vậy thì tôi và cô cùng chết". Đớ chẳng nói gì, vẫn đùng đùng nhất quyết chuyển đồ đi, bảo không muốn ở Sài nữa. Thấy vợ kiên quyết, Sài điên tiết gí súng vào mặt vợ như con thú và lạnh lùng bóp cò. Vợ ngã vật xuống đất, Sài đứng cứng như trời trồng, nhiều người dân bản chạy đến. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Bà Sùng Thị Sung hàng xóm của Sài nhớ lại: “Nghe thấy tiếng súng nổ phát ra từ lán nhà nó (Sài), biết có chuyện chẳng lành nên chúng tôi chạy đến. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt, Đớ nằm dưới đất, mặt bê bết máu với hàng chục mảnh đạn còn găm trên mặt. Sài thì đang chĩa họng súng vào đầu mình khi khói vẫn từ nòng súng vẫn bốc lên…”.

Thấy vậy, mọi người đều khuyên can Sài đừng dại dột bởi còn nuôi con nữa. Khi thấy Sài phân tâm, ông Súa (bố Sài) đã lao đến giằng được cây súng từ tay cậu con trai. Công an huyện Sìn Hồ nhanh chóng có mặt. Trong đám tang của Đớ, ai nấy đều thương cảm khi thấy đứa trẻ cứ ngằn ngặt khóc hết nước mắt đòi sữa mẹ. Nó còn quá bé để nhận thức nỗi đau mình phải gánh chịu.

Chỉ vì chút nóng giận nông nổi, Sài đã giết chết người vợ mà anh yêu thương nhất, con trai ít tháng tuổi phải chịu cảnh mồ côi, bản thân cũng phải ngồi tù. Tuy nhiên, cái giá đắt không chỉ có việc mất tự do, mà cái đớn đau hơn nữa Sài phải nhận đó là tòa án lương tâm.

Ngày ra tòa, bố đẻ Sài, ông  Sình Trù Súa không nói được tiếng Kinh, ông trình bày thông qua phiên dịch viên có mặt tại phiên tòa. Nghẹn lòng, ông Súa mong tòa có thể xử phạt nhẹ nhất cho Sài để Sài sớm được về bên con nhỏ. Do mất mẹ, bố lại vào tù nên hoàn cảnh cháu bé hiện nay ai cũng xót thương. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử đã cân nhắc một số tình tiết giảm nhẹ như bị cáo phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự. Bản thân bị cáo lại không hiểu biết pháp luật do học hành không đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng cho rằng, việc làm của bị cáo Sài là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người khác nên cũng cần có hình phạt thích đáng để răn đe. Hội đồng xét xử áp dụng Điểm n, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự, tuyên phạt bị cáo Sài tù chung thân.

Kết thúc phiên tòa, hình ảnh ông Súa cõng đứa cháu chưa tròn tuổi khiến những ai có mặt chứng kiến buổi hôm đó cũng phải ứa nước mắt. Giá như Sài bình tĩnh và biết kiềm chế bản thân, có biện pháp giải quyết hợp lý vẹn cả đôi đường thì có lẽ đã không có cảnh chia ly, từ biệt như thế này. Hai từ “giá như” giờ có muốn thì cũng đã quá muộn mằn. Giờ đây, người ta đi qua nhà Sài vẫn thấy một ngôi nhà gỗ thấp lè tè nằm chênh vênh trên mô đất, cửa vẫn đóng cửa im ỉm, với những lễ vật để tang dán khắp nhà, phơ phất treo trước gió.

Ngày chúng tôi lên, cái rét lạnh cóng giữa mùa đông khiến cho cái bản Thà Giàng Chải này còn heo hút hơn nữa. Trong làn sương mù dày đặc và lạnh cóng, đứa em gái của Sài mới 12 tuổi cõng đứa cháu chưa tròn một tuổi đi đốn củi về. Đứa trẻ khóc rất nhiều, hình như nó khát sữa.

Mất đi người mẹ, người cha rồi đây cũng phải trả giá cho tội lỗi của mình, không biết đứa trẻ có đủ sức để chịu đựng cái rét cắt da cắt thịt ở cái chốn thâm sơn cùng cốc quanh năm mây mù bao phủ này không? Tôi giơ chiếc máy ảnh định chụp vội một bức về đứa bé đáng thương nhưng chợt nhói lòng, tay tôi không run nhưng không thể nào bấm máy được.

  • Ngọc Anh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc