Bởi, suy cho cùng, chính từ cách cư xử có phần “hoang dã” của người chồng đã đưa đẩy người vợ cũ đến tận cùng sự quẫn bách và mù quáng. Chỉ có một điều chắc chắn, là ai cũng thấy thương cho những đứa trẻ - là con của hung thủ và nạn nhân. Trước mắt chúng là những ngày tháng dằng dặc không hình bóng mẹ cha, trước những sóng gió phong ba của cuộc đời…
Khoảnh khắc mù quáng của người đàn bà
Cao Thị Huy Hồng, sinh năm 1974, ngụ ở thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn. Học hết lớp 9, Hồng bắt đầu buôn bán kiếm sống như bao người phụ nữ thôn quê. Năm 1992, Hồng hết hôn cùng Phạm Đình Sang, người ở cùng thôn. Cuộc mưu sinh của đôi vợ chồng tuy gặp không ít khó khăn nhưng họ vẫn cùng nhau tạo dựng được một tổ ấm hạnh phúc, nhất là khi họ lần lượt có với nhau hai cậu con trai Phạm Vũ H. (SN 1994) và Phạm Vũ K. (SN 1995).
Trong cuộc sống thường nhật, những mâu thuẫn vợ chồng là điều không tránh khỏi. Tuy vậy, Hồng và Sang đã không hóa giải được những chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, để rồi họ đường ai nấy đi sau 14 năm trời chung sống, cùng chia ngọt xẻ bùi. Do chủ động ly hôn, nên Hồng chấp nhận ra khỏi nhà chồng với bàn tay trắng, cùng đứa con trai lớn sống nhờ căn nhà mượn của mẹ ruột.
Hai mẹ con bị cáo được phép trò chuyện trong thời gian Hội đồng xét xử nghị án |
Từ đó, mỗi người nuôi một đứa con và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới cho riêng mình. Nhưng dù không hợp tính cách nhưng về khoản “chăn gối” thì Sang vẫn chưa thể quên được “tình cũ”. Thế nên, nhiều đêm người đàn ông ấy đã tìm cách lẻn vào nhà riêng của vợ cũ để “tòm tem”. Ban đầu, Hồng cũng tỏ thái độ không đồng tình, tuy nhiên mọi việc lại “đâu vào đấy”.
Cuối năm 2010, ông Sang “đi bước nữa” với Trần Thị Thanh H. ở cùng địa phương, rồi đưa người vợ mới vào lập nghiệp tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ngày 15/4/2011, ông Sang về quê cũ để dự đám giỗ của một người thân. Khoảng 0 giờ ngày 16/4, “nhớ lại tình xưa”, Sang lại tranh thủ lẻn đến “thăm” vợ cũ.
Sau phút mặn nồng với Hồng, ông Sang lăn ra ngủ. Nằm thức một mình, Hồng trằn trọc suy tư và nhận thấy mình chẳng khác nào một thứ công cụ để chồng cũ giải quyết nhu cầu sinh lý. Hồng càng cảm thấy tủi nhục hơn khi nghĩ đến chuyện ông Sang đã cưới vợ mới rồi mà vẫn muốn “bắt cá hai tay”. Trong phút chốc Hồng nảy sinh ý định giết chết chồng cũ cho hả cơn giận đang dồn nén trong lòng bấy lâu nay.
Hồng khai trước vành móng ngựa: “Tối đó, sau khi cho heo ăn, bị cáo đau đầu, đi nằm sớm và dặn con nhớ chốt cửa sau khi học bài xong. Đang trằn trọc, bị cáo nghe có tiếng động sau lưng, quay lại thấy có người ở trần từ đằng sau tiến lại và cởi đồ bị cáo. Bị cáo không dám la vì sợ con nghe thấy. Xong việc, ông ta ngủ quên, bị lay dậy nhưng vẫn không tỉnh.
Bị cáo nằm, càng nghĩ càng ấm ức, ly hôn xong tài sản không còn gì, giận ông ta không có trách nhiệm với con cái. Đã vậy, mới cưới vợ mà lại còn mò đến đây, cũng không được một lời nói.
Bị cáo nghĩ, kêu hoài dậy không dậy nên bị cáo lấy dây riết thử xem ông có dậy hay không? Bị cáo đã lấy sợi dây dù vòng một vòng quanh cổ ông ta rồi siết mạnh, cho đến khi thấy máu trào ra mặt thì hoảng sợ vô cùng. Khi biết ông ta đã chết, bị cáo mới sự tỉnh, viết thư tuyệt mệnh gởi cho chị gái và con trai, sau đó kiếm hai chai thuốc sâu uống cho chết nhưng lại nôn mửa hết…”.
“Hung khí” Hồng dùng gây án chỉ là một sợi dây dù dài 5,8m. Tuy nhiên, những ấm ức dồn nén trong phút quẫn bách đã biến sợi dây trong tay người đàn bà trở thành một hung khí đáng sợ. Gây án xong, tự tử bằng hai chai thuốc trừ sâu không thành, Hồng tiếp tục tìm đến cái chết ở con sông gần nhà. Nhưng do nước sông quá cạn, Hồng vẫn không thực hiện được ý định quyên sinh và đành phải quay về. Tại đây, Hồng được người thân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Sáng ngày 16/4, không thấy cha về, Phạm Vũ K đến nhà mẹ để tìm. Kinh hoàng khi thấy xác cha, K. đã quay về báo với nhà nội. Ngày 17/4/2011, Cao Thị Huy Hồng bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp về hành vi giết người. Tại cơ quan điều tra, Hồng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình…Ngày 18/4/2011, tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Định kết luận: Phạm Đình Sang chết do tắt đường hô hấp trên gây ngạt. Gia đình nạn nhân đã lo toàn bộ chi phí mai táng với số tiền 20 triệu đồng và không có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Phiên tòa đẫm nước mắt và nỗi tủi buồn của những đứa con
Phiên tòa xét xử vụ án giết chồng cũ “có một không hai” diễn ra tại TADND tỉnh Bình Định, đó là một buổi sáng trời trong, nắng đẹp, sau những ngày mưa kéo dài. Theo lịch làm việc của tòa án, phiên tòa sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 30. Tuy nhiên, chưa tới 8 giờ, căn phòng xử án nhỏ đã không còn một chỗ trống. Những chiếc ghế gỗ dài đặt hai bên hành lang cũng chật kín người. Có những gia đình mang theo cả con nhỏ. Họ là người thân, hàng xóm, thông gia của nạn nhân Phạm Đình Sang lẫn bị cáo Cao Thị Huy Hồng, người can tội “giết người”.
Phải đến gần 9 giờ, chiếc xe chở phạm nhân mới chậm rãi tiến vào khoảng sân của trụ sở tòa án. Hôm ấy, ngoài vụ án giết chồng cũ, TAND tỉnh Bình Định còn xử một vụ án gây rối trật tự công cộng có 12 can phạm ở tầng 1. Bước từ trên chiếc xe kín mít xuống, Cao Thị Huy Hồng như lạc lõng với xung quanh. Những phạm nhân khác đều mặc áo sọc đặc trưng, chỉ mình Hồng là nữ, mặc áo trắng, quần tây đen. Hồng rảo bước theo chân người công an dẫn phạm, không hề cúi gằm mặt như những thanh niên phạm tội đi cùng. Khuôn mặt sáng sủa của người đàn bà vừa ở tuổi 37 tĩnh lặng đến lạ kỳ.
Tại phiên tòa, khi đại diện Viện KSND tỉnh Bình Định hỏi: “Khi bị chồng cũ nhiều lần ép buộc quan hệ tình dục, sao bị cáo không báo cáo chính quyền địa phương hay tìm sự giúp đỡ người thân?”, Hồng trả lời: “Tôi có báo một lần song không thấy chính quyền xã giải quyết nên nghĩ chắc là số mình vậy nên cam chịu. Vả lại, nếu chống cự thì thể nào ổng cũng đánh mẹ con tôi, đập phá đồ đạc…”. Lời khai rời rạc như tâm trạng rối bời của hung thủ đứng trước vành móng ngựa, của người mẹ đứng trước tòa án lương tâm của chính mình.
Lời khai của Hồng được con trai lớn - Phạm Vũ H. xác nhận: “Cha cháu chỉ đến nhà vào ban đêm. Có khi một tháng một lần, lúc 5-7 ngày một tuần. Nếu mẹ không chịu thì ba đánh hai mẹ con, đập phá đồ đạc…”.
Sau khi cha mẹ ly hôn, H. ở với mẹ nên hơn ai hết, em là nhân chứng thuyết phục nhất. Có lẽ, khi nói lên sự thật ấy, trong lòng H. cũng chẳng thể trút được gánh nặng bấy lâu. Và, cũng như anh mình, Phạm Vũ K. cũng là một người đau khổ. Tại phiên tòa, hai thiếu niên này vẫn còn mặc trên mình đồng phục học sinh và khuôn mặt luôn lăn dài nước mắt. Cả hai đều là nhân chứng của vụ án giết người mà bị hại chính là cha, còn bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa - thật oan trái lại là mẹ của chúng.
Cao Thị Huy Hồng và con trai lớn Phạm Vũ H. lúc trả lời những câu hỏi của HĐXX. |
Trong thời gian HĐXX nghị án, bị cáo được phép trò chuyện với hai con trai. Đây là lần đầu tiên mẹ con họ gặp nhau kể từ khi Hồng bị bắt giam. Họ vừa nói vừa mếu máo khóc. Nước mắt của người mẹ len lén ứa ra, nước mắt của cậu con trai đầu cứ rơi trên băng ghế dài. Trong phút giây hội ngộ quý giá ấy, người mẹ đã dặn con phải bảo ban em trai, mong các con cố gắng học hành cho thật tốt.
Phiên tòa khép lại với bản án 10 năm tù cho Cao Thị Huy Hồng. Mất cha, giờ lại không có mẹ, phải đối mặt với những lời thị phi của bạn bè và người đời, quãng thời gian sau phiên tòa chắc hẳn sẽ vô cùng khó khăn cho anh em H. và K. Năm nay, H. vào lớp 12, K. học lớp 11. Từ ngày cha mất, mẹ đi tù, H. về nhà ông bà nội ở cùng với em. Đôi vai bé nhỏ của chúng đã phải gánh nặng những tủi buồn từ mẹ cha...
Và chỉ vì một phút thiếu kiềm chế, Cao Thị Huy Hồng đã ra tay tước đoạt mạng sống của người đàn ông mà gần 14 năm trời mình đã gọi là chồng. Đến khi tỉnh ra thì đã quá muộn, với người đàn bà ấy, tất cả giờ chỉ là nỗi đớn đau dằn vặt.
Những người dự phiên tòa hôm ấy vẫn thầm tiếc nuối. Giá như, người chồng cũ biết kiềm chế dục vọng, biết ứng xử đúng mực luân thường đạo lý thì tấn bi kịch này đã không xảy ra. Giá như người vợ dứt khoát, mạnh mẽ chối từ những cuộc “viếng thăm” của chồng cũ thì cơ sự đã không đến nỗi bất hạnh cho những đứa con. Hai tiếng “giá như” oan nghiệt, thốt ra nghe có vẻ rất đơn giản nhưng sự đời lại hoàn toàn không như thế. Nếu ai cũng nghĩ tới hai tiếng “giá như” trước khi thực hiện hành vi thì làm gì có tiếc nuối…
Mức án tù mà Cao Thị Huy Hồng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật không quá dài nhưng cũng không quá ngắn đối với một người phụ nữ còn phải nuôi hai đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Vụ án khép lại nhưng nỗi đau và dư âm của nó có lẽ phải một thời gian dài nữa mới phôi phai trong tâm trí của hai anh em Phạm Vũ K., Phạm Vũ H., những người thân trong gia đình và ngay cả với những người từng biết vụ án lạ đời này...
Tiêu Sơn