(Phunutoday) - Hai người yêu thương nhau thật lòng, đã định ngày cưới hỏi. Pháp luật đã thừa nhận họ là vợ chồng bằng tấm giấy đăng ký kết hôn và cô gái cũng đã mang trong mình giọt máu của người mình yêu. Thế nhưng, xuất phát từ cái nghèo, do không hiểu biết pháp luật, trong cơn bí bách túng quẫn vì chưa nghĩ lấy đâu ra tiền đề làm đám cưới, gã trai ấy đã ra tay sát hại người hàng xóm tốt bụng.
Chị Lương Thị Hằng và con trai. |
“Cho đến khi anh ấy mang trọng tội giết người, em vẫn chưa được mặc áo cô dâu dù chúng em đã làm đăng ký và em đang mang trong mình giọt máu của anh”. Chị Lương Thị Hằng, 24 tuổi ở xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ mở đầu câu chuyện cuộc đời mình trong nỗi xót xa. Nỗi đau dường như vẫn còn trên gương mặt khắc khổ của người vợ trẻ.
Người chồng mà chị nhắc đến chính là Lê Trung Sơn (26 tuổi ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ), kẻ đã gây ra vụ án giết người, cướp của rồi giấu xác phi tang kinh hoàng xảy ra hồi cuối năm 2009 làm rung động dư luận lúc bấy giờ. Nguyên nhân rất vô cùng lãng xẹt, chỉ vì không có tiền cưới vợ, gã đã ra tay sát hại một người để rồi trong thoáng chốc, đẩy người con gái vào thế bỗng dưng nhận tin chồng giết người ngay trước khi lễ cưới diễn ra chưa đến hai tuần.
Bi kịch trước ngày cưới
Bi kịch trước ngày cưới
Hôm đấy là ngày 19/11/2009, trong khi đang từ chợ huyện về, sắm đồ đạc chuẩn bị cho ngày lên xe hoa, Lương Thị Hằng vừa bước chân vào sân nhà thì người chị dâu bước thấp bước cao từ trong nhà liêu xiêu đi ra, ghé vào tai chị Lương Thị Hằng nói nhỏ: “Thằng Sơn (tức Lê Trung Sơn, chồng sắp cưới) bị bắt rồi, nghe đâu nó giết người”.
Chỉ nghe đến thế, Hằng rụng rời chân tay, trời đất thoáng chốc tối sầm trước mặt. Tối hôm qua anh ấy còn ngồi đây, hai đứa bàn nhau sẽ đặt tên con, có lẽ nào mọi chuyện lại xảy ra nhanh như thế, hay có sự nhầm lẫn nào đây? Hàng tá câu hỏi được chị đặt ra mà không có câu trả lời. Cũng đúng lúc này, mẹ chị cũng chạy ra, xác nhận thông tin đấy là đúng hoàn toàn thì Lương Thị Hằng đã bải hoải thực sự, chị đứng không vững, mẹ và chị dâu phải rất khó nhọc mới đỡ được cô gái đang mang thai tháng thứ năm vào nhà.
Đêm đó, Hằng bỏ ăn, khóc sưng cả mắt. Cả nhà rất lo lắng bởi cái thai 5 tháng trong bụng cô. Theo đúng lịch thì ngày 19/11/2009, nhà trai sẽ sang rước dâu về. Tuy nhiên, vì gia đình chồng Hằng đi xem, ông thầy phán ngày đó xấu nên quyết định lùi thời gian lại hai tuần nữa. Giấy tờ thủ tục đã xong, gánh cưới cũng đã hoàn thành, chỉ chờ ngày tổ chức hôn lễ. Thế nhưng, số phận đã không chiều theo ý của hai gia đình cũng như cô gái trẻ dù chỉ một lần.
Cúi nhìn về phía con trai đang nằm trên chiếc phản ở góc nhà, Hằng cay đắng. Vậy là không còn một đám cưới, không còn những khát khao hạnh phúc lứa đôi cho cả đời người. Nếu như Sơn bị bắt vì tội gì thì còn mong ngày trở lại nhưng với tội danh giết người, hy vọng sống của Sơn thật mong manh. Cô cũng không nghĩ rằng cái đêm Sơn ngồi nghĩ tên con là cái đêm đầy bất an, lo lắng bởi lúc ấy Sơn vừa tước đi mạng sống của một người, một người rất tốt với gia đình Sơn.
Sau này ngồi nghĩ lại, Hằng bảo, lúc phóng xe vào nhà cô tối 19/11, Sơn hơi khác với bình thường. Giọng nói run run, cứ nghĩ vì chồng vừa đi đường xa, lại gặp hôm trời lạnh nên run như thế nhưng hóa ra hôm ấy Sơn vừa giết người nên đã không giữ được bình tĩnh. Ngồi bên vợ, Sơn kiếm đủ mọi chuyện để nói, toàn chuyện trên trời dưới biển, nói để không có một khoảng lặng nào của thời gian, như vậy Sơn sẽ không phải nghĩ về cái lúc bà Nguyễn Thị Lan (nạn nhân của Sơn) máu bắn tung tóe, mắt dại đi sau cú đánh mạnh của Sơn.
Nghĩ đến chồng, đến con, Hằng khóc nấc lên. Khóc vì xót xa cho thân phận mình, khóc vì nghĩ đến đứa con sắp ra đời không được nhìn mặt bố nữa.
“Giết người để lấy tiền cưới vợ”
Một ngày sau khi bị bắt, Lê Trung Sơn đã cúi đầu khai nhận hết mọi hành vi tội lỗi của mình. Theo lời khai của gã tại cơ quan điều tra, buổi chiều ngày 19/11, Sơn sang nhà bà Nguyễn Thị Lan xin thuốc. Lúc ấy bà Lan đang vo gạo chuẩn bị nấu cơm, Sơn ngồi hút thuốc lào còn bà Lan vừa hí hoáy làm việc vừa trò chuyện: “Hôm trước, bố cháu qua vay tiền chuẩn bị cho đám cưới của cháu nhưng cô không có tiền mặt nên mang đàn gà đi bán rồi đưa hết cho bố cháu”.
Nghe bà Lan nói, Sơn cứ ậm ừ. Rồi bất chợt đứng dậy cầm gạch đánh thẳng vào đầu bà Lan mà chẳng cần suy nghĩ. Sau đó, Sơn kéo xác bà Lan ra giếng phi tang rồi lục trong nhà lấy được 400 ngàn đồng. Buổi tối, Sơn phi xe sang nhà Hằng để tạo bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên, tội giết người của Sơn đã không thể qua mặt được cơ quan điều tra.
Lúc Sơn bị bắt, Hằng có thai ở tháng thứ năm. Vì hai đứa đã làm đăng ký kết hôn nên bố mẹ Sơn sang nói chuyện với thông gia xin cho Hằng về bên này. Lúc đầu, gia đình cô và hàng xóm ngăn cản. Gạt mọi đau khổ, đắng cay, dèm pha và dè bỉu của người đời, Lương Thị Hằng khăn gói sang nhà chồng trong dòng nước mắt. Từ ngày Sơn bị bắt, Hằng chỉ được gặp lại Sơn hai lần. Một lần là khi Sơn bị đưa về nhà cô Lan để dựng lại hiện trường và một lần là khi Sơn được xử sơ thẩm lưu động tại UBND xã.
Hôm ấy, bụng Hằng đã rất lớn, mọi người trong gia đình không cho Hằng đến vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi nhưng chị nhất định đòi đến vì biết đó là cơ hội gặp chồng hiếm hoi. Khi tòa tuyên Lê Trung Sơn án tử hình, người vợ trẻ như người rơi xuống vực thẳm, khóc nấc. Vì một phút không làm chủ mình mà mang cả một bi kịch cho vợ và cho con.
Trong ký ức của người vợ trẻ, người mẹ trẻ chưa một lần được lên xe hoa này, hình ảnh người chồng vẫn luôn đọng lại những ký ức ngọt ngào. Chị Lương Thị Hằng cho biết, chồng chị rất hiền, lúc nào cũng nghĩ cho gia đình. Trước khi hai người quyết định làm đám cưới, anh ấy cứ phân vân cái nghề thợ xây bấp bênh thì em sẽ khổ. Cả năm trời yêu nhau, Sơn chưa một lần cãi cọ hay làm Hằng phật ý.
Đoạn, chị hướng đôi mắt đỏ hoe về phía cậu con trai: “Giờ đây, em chỉ cố gắng để chăm con thật tốt, đó chính là niềm an ủi duy nhất của cả nhà. Chị nguyện sẽ cố hết lòng chăm sóc bố mẹ chồng và con thật chu đáo để ngày Sơn ra đi được bình yên và thanh thản.
Hạnh phúc nhỏ nhoi
Giờ đây, trong căn nhà cũ dưới chân ngọn đồi nhỏ, mỗi ngày, Hằng cùng bố mẹ chồng thay nhau chăm sóc cậu con trai. Nhìn Hằng, không ai nghĩ cô vừa đón sinh nhật lần thứ 24. Trên tấm phản đặt ở góc nhà, cậu con trai đang huơ chân múa tay nói chuyện với “bà mụ”. Trông cậu bé khá cứng cáp. Hằng bảo: “Có lẽ thấy mẹ vất vả nên con trai lớn nhanh và không quấy mẹ bao giờ” - nói rồi Hằng quay mặt đi, giấu giọt nước mắt xót xa vào sau tấm áo bạc màu.
Lương Thị Hằng kể, chị quen Sơn qua lời giới thiệu của người anh họ. Hai người đi làm thợ xây cùng nhau. Sơn nhẹ nhàng, ân cần thăm hỏi, những cử chỉ yêu thương cứ vậy làm cho lòng người con gái ngoài đôi mươi xao xuyến. Rồi chẳng có gì phải giấu giếm nữa, Hằng trao thân cho người đàn ông của đời mình. Ngày Hằng báo tin mình mang bầu, Sơn nhảy cẫng lên sung sướng. Anh vội vàng thông báo cho bố mẹ và đám cưới được chuẩn bị cho đôi trẻ.
Gia đình làm nông vất vả, con đông (ông bà có 3 gái và Sơn là con trai duy nhất) nên mọi sự chuẩn bị chưa đến đầu đến đũa. Sơn cũng từng có thời gian đi làm thợ xây nhưng ở quê, tiền công rẻ lắm nên bao năm lăn lộn, tiền tích cóp chẳng được là bao. Vì muốn cậu con trai có một đám cưới đàng hoàng, tử tế nên bố mẹ Sơn chạy khắp các gia đình trong xóm vay mượn. Người thì bán lợn cho vay, người bán gà, có người cho vay thóc.
Cô Lan ở ngay cạnh nhà, rất thương Sơn nên khi bố Sơn sang mượn tiền, cô bán ngay một đàn gà để “ông bạn hàng xóm đón dâu con cho chu đáo”. Sau này nghe nhiều người bảo rằng Sơn đã giết cô Lan để “có tiền cưới vợ”, Hằng vừa giận Sơn vừa cảm thấy thương chồng. Hơn ai hết, Hằng hiểu Sơn nhất vì bình thường Sơn rất hiền. Ngay cả lúc này, khi ngồi nghĩ lại về khoảng thời gian hạnh phúc vừa qua, Hằng vẫn không lý giải được vì sao người đàn ông vốn hiền lành như cục đất lại có thể giết người.
Sau này, Lương Thị Hằng được một cán bộ trại giam Công an tỉnh Phú Thọ chuyển lời tâm sự của Sơn, rằng: “Tội của Sơn quá lớn và không thể tha thứ. Điều an ủi nhất đối với anh lúc này là đã có sự hiện diện của đứa con, sợi dây tình cảm nối kết trái tim của anh và Hằng. Anh ra đi không nuối tiếc nhưng luôn mang cảm giác có lỗi với vợ và con. Sơn sẽ phải đền tội nhưng anh mong dư luận xã hội sẽ rộng lòng với vợ và con mình” thì chị đã phần nào bớt chút buồn hoang hoải mỗi khi nghĩ về chồng. Bất luận ở thế giới nào, tự sâu thẳm lòng mình, vẫn mong Sơn được bình yên.
- Thúy Nhi