Sau sự việc 52 người dân ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bị chó lạ cắn suốt 1 tháng nay, UBND TP Hà Nội đã thành lập tổ công tác kiểm tra, tiêu diệt số chó lạ, chó thả rông.
Theo phó chủ tịch xã Bắc Sơn, ông Nguyễn Đức Việt, đến ngày 10/8, xã đã có 97 trường hợp bị chó lạ cắn và số nạn nhân chưa dừng lại ở con số đó.
Điều khó khăn đối với người dân và tổ tiêu diệt chó lạ là họ không thể phân biệt được đâu là chó nhà, đâu là chó lạ, bởi người dân nơi đây có thói quen nuôi chó theo đàn, mỗi nhà ít cũng phải có 3, 4 con chó, và thường thả rông, không nhốt, xích.
Người dân Bắc Sơn thấy con chó này khác với chó địa phương nên nghi ngờ chó này có thể từ nơi khác nhập khẩu vào Hà Nội. Có thông tin những con chó này từ khu vực các xã giáp ranh với Bắc Sơn như xã Vạn Phá, xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) chạy sang, nhưng cũng có thông tin chó lạ chạy từ Tam Đảo, Vĩnh Phúc theo đường đồi núi về địa bàn. Sau khi bị người dân đuổi đánh dữ dội, chúng bỏ Thành Công chạy sang Bắc Sơn
Mô tả về con chó lạ này, ông Dương Văn Bảy, phó chủ tịch xã Thành Công (Huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết: “Giống chó này cao, gầy, lông ngắn, có màu xám tro hoặc vàng nhạt, đôi khi có những con lông loang 2 màu xám và đen. Mõm chó dài, tai dựng. Đặc biệt chúng nặng hơn các giống chó Việt Nam ở trên địa bàn, thường nặng từ 20 – 30 kg và rất khỏe, hung dữ”.
Một con chó bị tổ công tác tiêu diệt chiều 23/8 |
Do khó phân biệt chó nhà với chó lạ, nên thống kê trong 1 ngày (23/8), tổ công tác đặc biệt của xã Bắc Sơn mới tiêu diệt được một con chó đi hoang, cắn chó nhà và đuổi cắn người. Còn tính chung trong khoảng 1 tháng qua, xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) "đánh được hơn 10 con chó lạ, gửi nhiều mẫu bệnh phẩm về sở y tế Hà Nội và có kết quả dương tính với bệnh dại”.
Nếu so sánh với con số hàng chục con chó bị 1 nhóm cẩu tặc ở miền Trung hạ gục chỉ trong một đêm thì kết quả trên đây quả là nhỏ nhoi. Từ lâu, nạn cẩu tặc đã là nỗi lo lắng của mỗi gia đình nuôi chó, là vấn đề nhức nhối của chính quyền nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh. Dù chó to khỏe, hung dữ cũng không thể vượt qua được "sức mạnh" của cẩu tặc.
Nạn cẩu tặc tiềm ẩn dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra. Có lẽ, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vì câu chuyện ở huyện Yên Thành, Nghệ An xảy ra vào đầu tháng 6 khi hàng ngàn người dân vây đánh cẩu tặc và kiên quyết chặn xe cấp cứu khiến 1 cẩu tặc thiệt mạng, còn 1 đối tượng khác bị trọng thương. Câu chuyện gióng lên tiếng chuông cảnh bảo về tình người nghĩa chó, khi người ta chấp nhận coi mạng chó hơn mạng người.
Để tránh làm người dân Thủ đô mất ăn, mất ngủ thêm nữa vì chó lạ, có lẽ thay vì để tổ công tác đau đầu không biết cách trấn áp cho lạ như thế nào, chúng ta nên "mời" những cẩu tặc có tiếng ở các vùng về truy quét chó lạ giúp. Với "chuyên môn" và thành quả trong nghề săn chó, những con chó lạ kia chẳng còn đường thoát thân.
Đặc biệt, đây còn là phương cách tạo công ăn việc làm cho cẩu tặc, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội, lập công chuộc lại những lỗi lầm trong suốt những thời gian qua. Họ vừa có việc làm, có thu nhập, không phải đi ăn trộm, bị đe dọa đến tính mạng và làm nhiễu loạn làng xóm.