Tết là mùa đoàn viên, thế nên ai cũng mong mỏi đến kỳ nghỉ dài ngày để được về nhà quây quần bên gia đình. Tuy nhiên, đối với một số nam nữ thanh niên đã đến "tuổi cập kê" ở Trung Quốc, về quê ăn Tết lại là khoảng thời gian vô cùng áp lực khi đi đến đâu, bất kể là gặp ai cũng đều bị hỏi: "Bao giờ lấy vợ/chồng?"
Nhằm thoát khỏi kiếp nạn bị giục lấy vợ/chồng, hay nói cách khác là bị "bức hôn", nhiều bạn trẻ đã chọn cách thuê người đóng giả làm bạn gái/bạn trai của mình để qua mắt bố mẹ và có thể an tâm ăn một cái Tết thật thoải mái bên gia đình thân yêu.
Từ trào lưu hot trở thành ngành dịch vụ không thể thiếu trong dịp tết Nguyên Đán
Nhằm thoát đi nỗi lo lắng của cha mẹ cũng như khỏi kiếp nạn bị giục lấy vợ/chồng từ cô dì chú bác gần xa, nhiều bạn trẻ đã chọn cách thuê người đóng giả làm bạn gái/bạn trai của mình để qua mắt bố mẹ và có thể an tâm ăn một cái Tết thật thoải mái bên gia đình thân yêu.
Mở đầu là trào lưu thuê bạn gái về quê ăn tết tại quốc gia đông dân nhất thế giới thì giờ đây, nó đã trở thành loại hình dịch vụ "hot" cho cả thuê bạn gái lẫn thuê bạn trai với đầy đủ mức giá và vô vàn lựa chọn khác nhau.
Trên các trang web hay mạng xã hội nổi tiếng xứ Trung Quốc như tongcheng, Wechat... khi bạn tìm từ khóa "thuê người yêu" sẽ có hàng trăm ngàn kết quả được đưa ra với hàng loạt những bức ảnh kèm thông tin liên quan như tên, tuổi, chiều cao, cân nặng, trình độ học vấn... để mọi người có thể tự do lựa chọn.
Trung bình, để thuê được một cô "bạn gái" về quê ăn Tết trong vòng 6-7 ngày, các nam thanh niên sẽ phải bỏ ra khoảng 3.000-4.000 tệ (tương đương 10-13 triệu đồng) và phải tuân thủ chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng như: cấm động chạm, không ở chung phòng, không tiếp xúc quá thân mật với gia đình khách hàng...
So với dịch vụ thuê bạn gái thì mức giá thuê bạn trai cao hơn một chút, bởi các nữ khách hàng thường có yêu cầu cao hơn nam khách hàng khi thuê người yêu về ra mắt gia đình.
Mỗi ngày, các cô gái sẽ phải chi ít nhất là 600-1.000 tệ (tương đương 2-3,3 triệu đồng) cho một anh chàng bạn trai hờ, và càng giáp Tết thì giá cả sẽ càng leo thang, có những nơi đã tranh thủ nâng mức giá lên đến 1.000-1.500 tệ (tương đương 3,3-5 triệu đồng)/ngày. Bên cạnh đó, nữ khách hàng còn phải chi trả mọi khoản tiền phát sinh ngoài hợp đồng, từ vé tàu xe, khách sạn, cho đến chi phí ăn uống hay đi thăm thú, du lịch...
Những thỏa thuận ngặt nghèo giữa đôi bên
Để thuê được một "người yêu hờ" cùng mình về quê, những người đi thuê phải sử dụng chứng minh thư, số điện thoại... để xác nhận. Sau đó, họ có thể chọn tìm "món hàng" mình muốn theo từng loại dịch vụ khác nhau như chỉ về nhà ra mắt, ở qua đêm tại nhà khách hàng, ứng phó với các vị trưởng bối... Họ cũng có thể nêu ra những yêu cầu riêng của mình như biết ca hát, ăn nói khéo léo, biết nấu ăn... để có thể lựa chọn người phù hợp nhất cho bản thân.
Để tránh bị bại lộ, khách hàng và người yêu hờ sẽ phải tìm hiểu các thông tin từ cơ bản đến phức tạp của đối phương. Bên cạnh đó, họ còn phải thảo luận trước cách ứng đối hợp lý mỗi khi phụ huynh nhắc đến vấn đề hôn nhân.
Quách Nghĩa, người Hồ Bắc, một anh chàng "bạn trai hờ chuyên nghiệp" tiết lộ, bản thân thường ký "hợp đồng xanh" với khách hàng, có nghĩa là chỉ đóng giả bạn trai về mặt hình thức chứ tuyệt đối không ngủ chung phòng hay có những hành vi thân mật. Anh chàng sinh viên Luật vô cùng tự tin vào khả năng diễn xuất, cũng như kinh nghiệm phong phú của bản thân.
Hầu hết những người đóng vai bạn trai/bạn gái hờ đều khẳng định họ không cho thuê thân thể của mình. Có những người chỉ về nhà khách hàng ăn một bữa cơm, một số khác diễn tròn vai hơn khi thường xuyên điện thoại hay tỏ ra quan tâm khách hàng để giúp họ che mắt phụ huynh, thậm chí có người còn nhận hợp đồng kết hôn giả nhưng vẫn giữ nguyên tắc không động chạm đối phương...
Cạm bẫy lừa đảo ẩn giấu bên trong những kẻ đi thuê
Tuy nhiên, do khởi nguồn là nhiều trào lưu của giới trẻ tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, "cho thuê người yêu" đã trở thành dịch vụ không thể thiếu trong các kỳ nghỉ lễ tết Nguyên Đán. Nhưng dù trải qua nhiều khâu kiểm duyệt, trao đổi đi đến đôi bên cùng tin tưởng lẫn nhau, đây vẫn là ngành dịch vụ đầy những mối nguy hiểm tiềm tàng dành cho người chấp nhận cho thuê bản thân, đặc biệt là đối với các cô gái trẻ.
Ngày 12/1, báo Trung Quốc đưa tin, một cô gái đến từ Quý Châu đã quyết định cho thuê bản thân sau khi nhìn thấy thông tin về một người đã kiếm được 10 nghìn NDT (khoảng 36 triệu đồng) trong 20 ngày đóng giả làm người yêu. Sau đó, cô gái nhanh chóng được một chàng trai trẻ thuê và đưa quê nhà theo thỏa thuận đặt ra giữa 2 người. Khi đến nơi, cô phát hiện ra mình đã bị lừa đến 1 nơi ít người qua lại và suýt bị xâm hại bởi chính người thuê mình, may mắn là cô gái trẻ đã kịp thời bỏ chạy và nhờ bạn bè báo cảnh sát giải cứu kịp thời.
Trên thực tế đây không phải là trường hợp duy nhất người cho thuê bị lừa gạt vào bẫy, thậm chí bị xâm hại tình dục hay bắt cóc hay thậm chí là mua bán dâm... Hơn nữa, tất cả các hợp đồng thuê mướn người yêu đều không nhận được sự bảo trợ của pháp luật, thế nên khi phát sinh tranh chấp, đôi bên sẽ khó lòng giải quyết một cách êm đẹp. Tất cả những điều này đều khiến cộng đồng càng dấy nên nỗi lo về ngành dịch vụ đầy tiềm năng mà cũng tiềm tàng quá nhiều mỗi nguy hiểm như vậy.
Áp lực gia đình đè nặng lên vai "gái/trai ế"
Các chàng trai, cô gái ở Trung Quốc khi bước đến ngoài độ tuổi 25 thường phải chịu rất nhiều áp lực từ phía bố mẹ về vấn đề gia đình, vợ chồng con cái. Đặc biệt, dịp Tết nguyên đán năm nay chỉ cách ngày Lễ Tình yêu có 2 ngày, nên các bậc phụ huynh càng ráo riết hỏi con cái hơn. Để giảm được áp lực này, họ đã lựa chọn cho mình giải pháp thuê bạn người yêu dịch vụ, dù giá không hề thấp.
Lily Li, 26 tuổi, một nhân viên văn phòng chia sẻ: "Tôi không tìm một người để làm chồng, tôi chỉ cần tìm mẫu đàn ông theo ý của bố mẹ tôi để họ cảm thấy hài lòng. Bố mẹ tôi thích người cao, trung thực, ít nói và tôi cũng đã tìm được đúng mẫu người này từ trang web T.B về để giới thiệu với bố mẹ".
Hơn nữa, một khi "cặp đôi hờ" bị gia đình phát hiện sẽ khiến quan hệ giữa con cái và các bậc cha mẹ căng thẳng hơn bao giờ hết. Dù không ít phụ huynh đã biết rõ việc con dắt người yêu "hờ" về ra mắt như một cách nỗ lực chống đối lại mong muốn lấy vợ/chồng của họ nhưng vẫn không thể ngăn được bản thân dồn ép con cái sớm đi đến hôn nhân.
Trong vài năm gần đây, dịch vụ thuê người yêu về quê ăn Tết ngày càng ăn nên làm ra tại Trung Quốc. Tuy mỗi khách hàng tìm đến với các trung tâm môi giới này đều có hợp đồng đàng hoàng với những điều khoản rõ ràng và tỉ mỉ, thế nhưng nếu lỡ có xảy ra điều bất trắc thì tất cả những điều khoản trong bản hợp đồng ấy đều không nhận được bất kỳ sự bảo hộ nào của pháp luật.