Hạnh phúc của cô giáo ’thà bỏ chồng chứ không bỏ nghề’!

06:00, Thứ sáu 19/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Người phụ nữ ấy là một cô giáo vô cùng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, từng nổi tiếng với tuyên bố “một tấc không đi, một ly không rời” nếu không còn được làm nghề giáo.

Người phụ nữ ấy là một cô giáo vô cùng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, từng nổi tiếng với tuyên bố “một tấc không đi, một ly không rời” nếu không còn được làm nghề giáo. May mắn thay, bà có một người chồng tuyệt vời, hết mình ủng hộ cho lý tưởng và lòng yêu con trẻ của bà, để ngày nay, khi đã là những cụ ông cụ bà tóc bạc da mồi, họ có thể thanh thản mỉm cười vì cả một cuộc đời họ đã đấu tranh để sống sao cho đáng sống...

[links()]

Ông chính là Đại tá Trần Minh Vân, 1 trong số 6 sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô tu nghiệp. Còn bà là cô giáo Nguyễn Thị Như Liên - nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Cát Linh (Hà Nội).

Cô giáo yêu nghề

Chúng tôi tới thăm gia đình Đại tá Minh Vân - cô giáo Như Liên vào một ngày thu Hà Nội. Bà Như Liên ân cần tiếp chúng tôi trong căn phòng khách giản dị, xinh xắn. Màn hình chiếc máy vi tính được treo trên tường, cài đặt ở chế độ trôi.

Chầm chậm, những bức ảnh trôi trên màn hình, mang về bao nhiêu kỉ niệm của người giáo viên yêu nghề cũng như  những kỉ niệm của người chồng tâm đầu ý hợp.

Tính cho tới ngày nghỉ hưu vào năm 1994, bà Như Liên đã có 37 năm gắn bó với công việc dạy học. Mỗi một chặng đường trong sự nghiệp “trồng người” đều để lại trong bà những kỉ niệm đẹp đẽ. Sâu sắc nhất, khó quên nhất là những năm tháng khó khăn, vất vả mà tràn đầy niềm vui của một cô giáo trẻ ở vùng núi cao Tây Bắc.

Năm 1956, khi đó mới 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước vang lên trong mỗi người thanh niên trí thức lúc đó, Như Liên tình nguyện đi lên vùng cao Tây Bắc.

Vợ chồng Đại tá Minh Vân - cô giáo Như Liên trên miền núi phía bắc
Vợ chồng Đại tá Minh Vân - cô giáo Như Liên khi còn trẻ.

Biết tin con gái sẽ lên vùng cao dạy học, sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vất vả nơi “rừng thiêng, nước độc”, mẹ cô - người phụ nữ nội trợ có chồng là Nguyễn Như Hoàn từng tham gia phong trào yêu nước của cụ Nguyễn Thái Học, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất đã không tìm cách ngăn cản.

Bà hiểu con mình có chí hướng lành mạnh, đẹp đẽ của tuổi trẻ miền Bắc trong công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước. Đó không chỉ là hành động tiếp nối truyền thống cha anh. Ngày con gái lên đường, bà đã làm thơ tặng con.

Bài thơ cho tới ngày hôm nay, không chỉ Như Liên còn nhớ như in mà 9 anh chị em khác trong gia đình cùng gìn giữ như một kỉ vật tinh thần vô giá, thiêng liêng.

“Tiễn con gái lên Tây Bắc

Vì nhiệm vụ con lên Tây Bắc
Đoàn kết cùng dân tộc Thái, Mèo
Quản chi rừng núi cheo leo
Nặng lòng vì nước muôn đèo vượt qua
Đem văn hóa để mà giảng dạy
Phải tận tâm giữ lấy mực làm Thầy
Noi gương chiến sĩ hăng say
Phá xiềng xích để có ngày hôm nay
Yêu lao động dựng xây Tổ quốc
Người thanh niên tiến bước hàng đầu
Chia tay nhắn nhủ vài câu
Yêu dân, yêu nước ghi sâu tâm tình”

Thanh niên trí thức miền xuôi lên đường theo tiếng gọi xây dựng kinh tế, văn hóa miền núi hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Ngày mới lên Tây Bắc, Như Liên mới học hết lớp 10. Nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc cô nộp đơn tình nguyện, xung phong lên vùng miền núi Sơn La - một trong những địa danh mà đoàn quân Tây Tiến đã đi qua.

Trong thâm tâm người thiếu nữ trẻ, luôn có hình ảnh của anh trai - người lính Tây Tiến quả cảm, hào hoa đã hi sinh. Đến Tây Bắc, Như Liên theo học lớp Sư phạm Mường La một năm, tới năm 1957, Như Liên mới chính thức được phân công giảng dạy cấp tiểu học tại trường Chiềng Ve, nơi chân đèo Pha Đin.

Tên trường thì có nhưng trụ sở thì không. Vì vậy, trong suốt 1 năm đầu, cô cùng các giáo viên khác đã lăn vào với dân bản xây dựng trường lớp. Cô giáo người Hà Nội xinh xắn, tận tâm đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bà con dân tộc nơi đây.

5 năm gắn bó với tỉnh miền núi Sơn La với cương vị một giáo viên bám lớp, bám trường trong hoàn cảnh vất vả, khó khăn không hề khiến Như Liên nguôi vợi tình yêu nghề.

Lớp học tranh tre nứa lá, học trò cấp tiểu học nhưng không cùng một lứa tuổi, sống cùng điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn với dân bản, xa cách ánh điện nơi đô thị, càng khiến Như Liên thấy thương học trò, thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn với tư cách của một người thầy, như người mẹ thân yêu hằng mong đợi và căn dặn.

Bà Như Liên kể về những kỷ niệm ngày còn giảng dạy ở vùng cao Sơn La
Bà Như Liên kể về những kỷ niệm ngày còn giảng dạy ở miền núi phía Bắc.

Cuộc sống sinh hoạt và làm việc nơi đây phải nói là thừa khó khăn, thử thách. Nhưng khó khăn thử thách đó chính là thước đo lòng yêu nghề của những người giáo viên như cô giáo Như Liên. Câu chuyện hôn nhân gia đình vẫn được anh chị em trong nhà kể lại càng sáng rõ hơn tấm lòng yêu nghề của người giáo viên có hơn 30 năm đứng trên bục giảng.

Đó là vào năm 1961, người lính Trần Minh Vân tu nghiệp từ Liên Xô trở về Việt Nam. Mải mê theo đuổi con đường binh nghiệp và học tập nên đã ở vào tuổi 39 mà chưa lập gia đình. Duyên trời se nối đã giúp anh gặp người đồng đội với anh trai cô giáo Liên.

Biết anh Vân chưa lập gia đình, nhân có tấm ảnh của em gái đồng đội, anh Tuyển - người bạn của anh trai cô Liên đã đưa cho anh Vân. Biết nhau qua ảnh từ năm 1961, sau đó hai người gặp nhau ở tại vùng núi Tây Bắc rồi chính thức kết hôn vào năm 1962.

Do tính chất công việc, anh Vân sau đó về Hà Nội công tác. Để thuận cho công việc gia đình, anh Vân muốn đưa vợ là cô giáo Liên về Hà Nội, chuyển nghề làm công tác văn thư trong Quân đội.

Gắn bó với nghề dạy học từ một tỉnh miền núi cao Tây Bắc, cô Liên hiểu sâu sắc hơn ai hết về lòng yêu nghề của chính mình. Chỉ có lòng yêu nghề mới giúp cô trụ vững trước khó khăn, gian khổ. Nay về Hà Nội để gần chồng, để có cuộc sống sung sướng hơn nhưng phải chuyển nghề, cô Liên nhất mực từ chối.

Cô kiên quyết khẳng định: Nếu về Hà Nội thì cũng vẫn theo nghề dạy học chứ nhất định không chuyển nghề. Tôi thà mất chồng còn hơn mất nghề!

Hạnh phúc viên mãn

Khi còn là một thiếu nữ, Như Liên vẫn hằng tâm niệm: Nếu mình lấy chồng, người lấy mình nhất định sẽ được san bớt nỗi khổ. Chàng trai Trần Minh Vân sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chiêm trũng, lại sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ khi vừa mới lên 9 tuổi.

Biết anh bộ đội hơn mình 16 tuổi, thiệt thòi về tình cảm, ngay từ lần gặp đầu tiên, Như Liên đã cảm mến và hiểu rằng đó là người mà mình sẽ đỡ vợi nỗi buồn, bù đắp những yêu thương. Nhưng khi ấy có một nỗi băn khoăn lớn đối với Như Liên.

Cô đứng trước hai con đường: chọn nghề thì lại không chọn được chồng. Như thế chẳng phải mình không san bớt nỗi buồn cho người mình yêu thương mà còn chồng nặng thêm nữa hay sao? Tình cảm, lí tưởng của tuổi trẻ được trọn đời đứng trên bục giảng còn dang dở nên cô cũng không chọn chồng mà bỏ nghề được.

Lòng nặng trĩu băn khoăn, cô giáo Như Liên cũng vẫn trở lại Sơn La tiếp tục nghề dạy học. May mắn là một thời gian sau, cô giáo Liên đã được chuyển công tác về Hà Nội để sống gần chồng mà không phải bỏ nghề.

Tròn nửa thế kỉ trôi qua kể từ năm 1962, khi cô giáo Liên và anh bộ đội Trần Minh Vân kết hôn, bốn mùa qua đi trong ngôi nhà họ luôn tràn ngập tình yêu.

Đầu năm 2012, Đại tá Minh Vân đau ốm, mọi công việc sinh hoạt hầu như đều nhờ vào tay vợ. Hai người có 3 người con, 1 trai, 2 gái đều phương trưởng và sinh sống tại Hà Nội. Người con nào cũng muốn được cùng sống và chăm sóc bố mẹ.

Tục ngữ vẫn có câu: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, điều đó hẳn nhiên đúng với mọi thời đại. Trong căn hộ nhỏ, hai người bạn đời đã cùng nhau đi qua nửa thế kỉ đang và sẽ vui sống, cùng nhau ôn kể về những kỉ niệm đẹp.

Nào là chuyện lần đầu tiên gặp mặt, anh bộ đội tên Vân thấy cô giáo Liên trẻ hơn so với ảnh nhiều quá. Vào thời đó, hai người kết hôn chênh nhau nhiều tuổi (16 năm) còn khá hiếm. Khi nghe mọi người đùa rằng mình lấy được cô giáo “thiếu niên” đảm đang, ông mỉm cười - nụ cười hạnh phúc.

Anh bộ đội Trần Minh Vân năm xưa nay đã vào tuổi 89, gặp cơn đau ốm. Như những gì mình vẫn tâm niệm khi còn con gái, cô giáo Liên nay là bà lão ở tuổi thất thập lại trở thành cây gậy chống, san bớt khó nhọc bệnh tật cho chồng.

Nhìn hai người bạn đời già cả chăm sóc nhau ân cần, chu đáo, thể như ngày kết hôn của họ mới vừa hôm qua chứ không phải đã qua đi tới nửa thế kỉ.

Ngơi câu chuyện, cô giáo Như Liên dắt tôi đi tham quan căn nhà. Phòng của ông dưỡng bệnh có cánh cửa mở ra một ban công nhỏ. Ở đó, có treo những giò hoa Phong Lan rừng, để ông vui mắt khi nằm dưỡng bệnh, để bà nâng niu kỉ niệm với núi, với rừng thời còn ở Tây Bắc.

Phòng ăn gọn gàng, lãng mạn với những bình hoa cảnh. Mọi việc trong nhà đều một tay cô giáo Như Liên thu xếp. Hàng ngày, bà Như Liên đi chợ, tự tay chọn lựa thực phẩm, nấu cho chồng những món ăn ông ưa thích mà không cần tới người giúp việc. Đỡ chút gánh nặng cho người mình thương yêu là điều mà bà thấy mình đã làm tròn nhất.

Vậy là trở về Hà Nội, cô giáo Liên ngày nào vẫn theo đuổi được mong ước dành trọn vẹn tâm huyết cho nghề dạy học cũng như tận tâm lo lắng cho gia đình. Người lấy mình nhất định sẽ bớt khổ. Với cô, đó chính là hạnh phúc.

  • Vũ Nguyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc