Hạnh phúc ngắn ngủi của Cô Thúy trong tranh Trần Văn Cẩn

07:09, Thứ tư 26/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Bà nói rằng: "Hạnh phúc của người phụ nữ là được hy sinh cho sự nghiệp của chồng. Tôi không hối hận khi tự nguyện đứng sau cuộc đời anh ấy, đó là hạnh phúc của tôi mà không phải ai cũng hiểu vậy".

Ngồi trước mặt tôi bây giờ không phải là cô Thúy của 50 năm trước trong bức tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ tặng. Cô Thúy của ngày hôm nay đã tóc bạc da mồi, đôi mắt mờ đục rưng rưng kể lại cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình hơn 40 năm về trước. Cô Thúy ấy chính là nữ thi sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, ái nữ của nhà phê bình, đồng tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam - Hoài Chân.

 

Do sơ suất của tác giả bài viết và khâu biên tập nên đã dẫn tới nhầm lẫn về nhân vật trong bài viết.

Chúng tôi đính chính rằng tên bức tranh được nhắc đến trong bài là Cô Thúy, vì vậy hình minh họa "Em Thúy" (đã được gỡ bỏ) gây nhầm lẫn không đáng có.

Thành thật xin lỗi gia đình cố họa sĩ Trần Văn Cẩn và cáo lỗi cùng độc giả

 

Tiếng sét ái tình làm nên tình phu thê

Nữ thi sĩ Phương Thúy sinh ra trong một gia đình trí thức, cha bà là nhà phê bình Hoài Chân, cháu gọi nhà phê bình Hoài Thanh là bác ruột. Ngay từ nhỏ, Phương Thúy đã có một thiên bẩm về nghệ thuật cộng với sự giáo dục cẩn thận của cha mẹ nên bà biết làm thơ và chơi đàn Tam thập lục từ rất sớm.

Sau này, Phương Thúy được giữ lại làm giảng viên lớp đàn Tam thập lục của Học viện âm nhạc Việt Nam. Khi còn trẻ, Phương Thúy đã được Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh đánh giá cao.

Bà là một trong những tác giả được in trong tập "thơ chống Mỹ cứu nước 1965-1967", tập sách "200 năm kỉ niệm ngày sinh thi hào Nguyễn Du". Không phải ai cũng biết rằng, Phương Thúy còn là người viết lời cho ca khúc "Người con gái sông La" nổi tiếng được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Doãn Nho.

Những tưởng cuộc đời của người con gái ấy sẽ trôi êm đềm khi làm vợ của vị giáo sư là Viện trưởng viện vật lý Việt Nam bấy giờ. Tuy nhiên, sống với nhau vài năm, hai trái tim ấy không cùng nhịp đập nên cuộc hôn nhân của cặp đôi ấy đã tan vỡ trong sự tiếc nuối của nhiều người.

Cũng trong thời gian ấy, có một người đàn ông, một giáo viên, một thi sĩ người Huế tên Tuân Nguyễn (tên thật là Nguyễn Tuân) đột ngột xuất hiện trong cuộc đời Phương Thúy như một định mệnh làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bà.

Tuân Nguyễn tuy không có những đóng góp đặc biệt cho nền văn học nghệ thuật nước nhà nhưng ông được giới văn nghệ sĩ đánh giá là có tâm hồn mơ mộng, một tài năng văn chương và rất giỏi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, Tuân Nguyễn làm cho chương trình "Tiếng Thơ" của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Do vị trí công tác và có tính cách thẳng thắn, làm việc nghiêm túc nên ông có mối quan hệ rộng rãi với nhiều văn nghệ sĩ sống ở Hà thành bấy giờ như Cao Xuân Hạo, Hữu Loan, Bùi Xuân Phái, Dương Tường… đặc biệt là phải kể tới mối thâm tình với nhà văn Phùng Quán.

Cuối năm 1973, sau 10 năm trong chốn lao tù do án văn chương, Tuân Nguyễn trở lại cuộc sống và với 2 bàn tay trắng. Ông xin ở nhờ trong một cái lều lợp tạm dưới gầm cầu Long Biên của một người bạn làm công nhân.

Để kiếm sống, ông phải đi làm thợ đánh véc ni và quét dọn vệ sinh tại nhà ga Hàng Cỏ. Một lần nhà thơ Thúy Bắc (tác giả Sợi nhớ sợi thương, Phương Thúy gọi là cô ruột) mời Tuân Nguyễn và một số bạn bè văn chương tới chơi, Tuân Nguyễn thấy ngôi nhà có treo bức họa một cô gái mặc áo dài tím bên hoa phong lan tím, đề tên là Cô Thúy do danh họa Trần Văn Cẩn vẽ.

Tuân Nguyễn vô cùng tò mò về người con gái ấy nhưng thật không ngờ buổi hôm ấy Cô Thúy trong tranh ấy cũng góp mặt.

Lại nói về thi sĩ Phương Thúy, sự xuất hiện của một chàng thanh niên gầy, đôi mắt sáng, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng lại đọc thơ rất hay đã làm bà tò mò. Bà cũng đâu ngờ rằng chính người thanh niên ấy cũng đang để ý đến mình.

Sau lần gặp ấy, Phương Thúy thêm ngưỡng mộ về khí tính và tài năng nghệ thuật của Tuân Nguyễn. Tình yêu sét đánh đến nhanh chóng ngay lần đầu đã khiến cho cả hai trái tim trẻ khao khát được gặp nhau những lần sau đó.

Thi sĩ Phương Thúy.
Thi sĩ Phương Thúy.

Tình yêu nhanh chóng của hai con người nảy nở và được công khai trước sự ngạc nhiên của rất nhiều bạn bè, giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nhưng chuyện tình của bà lại vấp phải sự phản đối của gia đình.

Bởi dù coi trọng Tuân Nguyễn nhưng gia đình Phương Thúy sợ con gái có tình cảm nhất thời, sợ con gái không quen sống trong kham khổ thì dễ xảy ra chuyện đổ vỡ.

Tình yêu đã khiến cho Phương Thúy sự chín chắn và lòng can đảm để chấp nhận những sóng gió và thiệt thòi cho phận mình. Ngày cưới của Tuân Nguyễn và Phương Thúy diễn ra sau đó vài tháng.

Bạn bè, kể cả học sinh của Phương Thúy mỗi người gom góp cho đôi vợ chồng trẻ một chút, người cho cục xà bông, người cho cái chậu, người cho cái màn…

Sau đám cưới, Phương Thúy buộc phải nghỉ dạy ở học viện Âm nhạc. Phương Thúy không ngờ tình yêu đã giúp bà bỏ qua được lòng mặc cảm và cả nỗi vất vả để đồng cam cộng khổ cùng chồng qua những ngày gian khó.

Câu nói: "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" quả đúng với trường hợp vợ chồng thi sĩ Phương Thúy, Tuân Nguyễn. Mặc dù hai vợ chồng phải đi bắt cóc, đi hót phân người, hót rác… bán lấy tiền trang trải qua ngày nhưng đôi vợ chồng thi sĩ ấy không hề mặc cảm hay than vãn gì cả.

Tới đầu năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, nhiều người ở miền Bắc vào Nam lập nghiệp trong số đó có vợ chồng Phương Thúy. Do đất nước mới thống nhất nên tình hình phức tạp, chưa kể một người từng vào vòng lao lý như Tuân Nguyễn thì việc đi vào miền Nam rất khó khăn.

Phương Thúy giành phần đi trước vào Nam trước để xem xét tình hình. Sau khi quay về Bắc, nhờ mối quan hệ bạn bè bà xin được giấy giới thiệu phóng viên, để bảo lãnh dẫn Tuân Nguyễn vào Sài Gòn.

Vào Sài Gòn, ông bà lại mướn tạm căn nhà để ở. Phương Thúy mở một sạp báo và xin vào làm việc ở hãng phim Giải Phóng. Còn Tuân Nguyễn nhờ biết tiếng Nga tự học được khi còn trong tù cũng dịch sách và đi dạy thêm tiếng Nga.

Do có mối quan hệ rộng rãi với các văn nghệ sĩ 2 miền nên chuyện tình của Phương Thúy và Tuân Nguyễn đã khiến cho các văn nghệ sĩ Sài Gòn khâm phục và ái mộ.

Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng Phương Thúy mướn tạm trở thành nơi tụ họp, bình văn thơ, nhạc họa của văn nghệ sĩ 2 miền Nam Bắc như Cao Xuân Hạo, Phùng Quán, Hữu Loan, Trịnh Công Sơn…

"Rằng nơi sắp tới có mình em thôi"

Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Tuân Nguyễn trong tâm tưởng của Phương Thúy vẫn thật đẹp và lung linh mà không có người đàn ông nào có thể thay thế nổi. Tuân Nguyễn là một người điềm đạm nhưng luôn hiếu khách, sôi nổi với bạn bè và văn chương.

Trong cuộc sống vợ chồng, Tuân Nguyễn là người chồng tâm lý biết chăm chút cho vợ. Biết vợ được cưng chiều từ bé nên chuyện nhà cửa có phần còn vụng về nhưng ông luôn tâm lý giúp vợ chuyện nhà cửa, nấu nướng, còn chuyện ăn uống cũng dễ tính xuề xòa.

Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng mỗi khi Phương Thúy bước chân ra khỏi nhà bà đều được Tuân Nguyễn khuyến khích diện những bộ quần áo đẹp, đặc biệt là áo dài.

Cuộc sống của đôi vợ chồng ấy dù có vất vả nhưng vô cùng hạnh phúc. Mặc dù trong suốt 10 năm sống chung, ông bà không sinh được một người con nào nhưng không bao giờ ông bà than vãn hay nhắc tới chuyện con cái. Bởi vì với họ được sống, được ăn một mâm, ngủ một giường, được làm thơ tặng nhau đã là hạnh phúc.

"Cuộc sống của chúng tôi chỉ có những tiếng cười, có thơ. Chúng tôi có thể nói chuyện cả đêm, hết chuyện này đến chuyện khác. Chúng tôi có thể ngẫu hứng xướng thơ đọc cho nhau nghe suốt đêm mà không biết chán", thi sĩ Phương Thúy nhớ lại.

Thế nhưng, giữa lúc cuộc sống của ông bà đã có phần tươi sáng hơn, tài năng của Tuân Nguyễn bắt đầu được công nhận, ông được đi dạy học ở trường lí luận nghiệp vụ Thành phố Hồ Chí Minh 1 tháng thì ông đột ngột qua đời.

Buổi sáng 24/5/1984, Tuân Nguyễn đang trên đường đạp xe đi lấy báo cho vợ bán thì gặp một tai nạn giao thông. Vì viết thương quá nặng nên chỉ mấy ngày sau ông đã từ trần.

Tuân Nguyễn vẫn sống đẹp tới khi chết, trước khi nhắm mắt ông còn dặn lại rằng: "lỗi tại tôi, đừng bắt tội người lái xe, ông ấy còn phải nuôi các con nhỏ".

Ngày Tuân Nguyễn ra đi có rất nhiều người bạn thân là văn nghệ sĩ hai miền Nam Bắc trong đó phải kể tới Trịnh Công Sơn, Trần Tiến…, rất nhiều những tà áo trắng của những nữ sinh từng là học trò của Tuân Nguyễn tới tiễn đưa ông về đất mẹ.

Phương Thúy mất một thời gian dài để vượt qua sự ra đi đột ngột của người chồng, người tình nhân và tri kỉ cuộc đời. Giờ đây chỉ có mình bà lặng lẽ trong căn nhà đầy ắp kỉ niệm. Mỗi bài thơ bà viết, bà đọc chỉ mình bà nghe trong sự vắng lặng mà không có lời đáp lại của chồng:

"Không anh đường bỗng dài ra/ khởi đầu là chỗ chúng ta quay nhìn/ càng đi càng thấy khó tin/ rằng nơi sắp tới có mình em thôi".

Sau một thời gian vượt qua cơn khủng hoảng, bạn bè, người thân khuyên bà ra Hà Nội để vơi nỗi nhớ Tuân Nguyễn và cũng để có dịp chăm sóc bà. Nhưng khi ra tới Hà Nội bà lại không biết nên đi về đâu vì chồng mất, con không.

Mặc dù có những người họ hàng thân thích bên cạnh sẵn sàng đón bà về chăm sóc đủ đầy nhưng bà từ chối vì không muốn làm phiền tới.

Cuối cùng, nhờ những người bạn tốt, những người từng biết tới tài năng Tuân Nguyễn, trong đó có PGS Mai Tất Tố, đã bảo lãnh cho bà vào Viện dưỡng lão Phật tích, Bắc Ninh để an dưỡng cho tới hết tuổi già còn lại.

Sau khi Tuân Nguyễn ra đi, Phương Thúy dành toàn bộ tâm huyết và công sức cùng những người bạn từng yêu mến Tuân Nguyễn, trong số đó có người chồng cũ cũng cùng bà hoàn thành nên cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn.

Cũng chính bà đã minh oan cho những gì chồng mình đã phải gánh chịu bao nhiêu năm qua. Cũng chính bà đã lấy lại bút danh Tuân Nguyễn mà nhiều năm trời ông không được phép dùng. Tôi hỏi bà có hối hận khi không đi thêm bước nữa, có một mụn con để phụng dưỡng tuổi già.

Bà ngước lên đôi mắt mờ đục nói rằng: "Hạnh phúc của người phụ nữ là được hy sinh cho sự nghiệp của chồng. Tôi không hối hận khi tự nguyện đứng sau cuộc đời anh ấy, đó là hạnh phúc của tôi mà không phải ai cũng hiểu vậy".

 

 

 

 

  • Sao Chi

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc