Hậu phương ngọt ngào của vị Thiếu tướng phòng không uy danh

10:02, Thứ ba 14/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Phạm Ngọc Lan là cái tên mà cách đây gần 4 thập kỷ về trước đã từng vang vọng trên bầu trời thênh thang khi là người phi công đầu tiên bắn rơi máy bay địch.


Chuyện về Thiếu tướng, anh hùng Phạm Ngọc Lan gắn với những chiến công đã được người đời kể nhiều. Nhưng dường như, những câu chuyện đời thường của ông vẫn chưa được nhắc đến. Gặp ông, nghe ông nói mới biết được rằng, suốt trong những năm tháng ở quân ngũ, để ông vững cánh bay trên bầu trời, một người phụ nữ đã âm thầm hy sinh làm một hậu phương vững chắc.

Chặng đường oai hùng của vị tướng phòng không

Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan quê gốc của tỉnh Quảng Nam nhưng khi sinh ra lại ở Phú Yên. Vốn được là con trong một gia đình nghèo sống ven biển, tuổi thơ của thiếu tướng Lan gắn liền với cồn cát cháy nắng và những rặng rau muống biển dẻo dai. Sinh ra trong đúng thời kỳ loạn lạc, những năm đó, thực dân Pháp đang điên cuồng xâm lược đất nước, chính vì vậy gia đình thiếu tướng Lan đã phải đi tản cư.

d
Thiếu tướng, anh hùng Phạm Ngọc Lan

Từ khi mới chỉ lẫm chẫm biết đi, Phạm Ngọc Lan đã cùng gia đình dời bỏ quê hương đi khắp các nơi để lánh nạn. Phong trào cách mạng ngày một phát triển mạnh mẽ nên toàn dân đã tích cực tham gia đánh đuổi thực dân. Cho đến năm 1948, khi thiếu tướng Lan lên 13 tuổi, khi đó gia đình ông đang tản cư ở vùng Tây Nguyên thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Lúc này do phong trào cách mạng lên cao, dù còn rất ít tuổi cậu bé Lan đã rất mong muốn đứng trong hàng ngũ cách mạng để chiến đấu. Tuy nhiên, do chưa đủ tuổi nên ông không thể vào quân đội. Nhưng lòng mong mỏi vẫn thúc giục Phạm Ngọc Lan phải đứng lên chiến đấu. Ông đã xin tham gia vào lực lượng Công an xung phong của tỉnh Đắk Lắc.

Năm 1952, khi thiếu tướng Phạm Ngọc Lan vừa tròn 18 tuổi, ông chính thức đứng trong hàng ngũ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Được khoác trên mình màu áo lính Bộ đội cụ Hồ, thiếu tướng Lan đã cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Ngay khi mới được ra chiến đấu, ở trận đánh đầu tiên, thiếu tướng Phạm Ngọc Lan đã lập công lớn khi chính tay bắt sống 6 tên địch.

Những năm tiếp theo, thiếu tướng Lan chủ yếu chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

Với nhiệm vụ phân tán quân địch, giảm sức mạnh của địch tại Điện Biên Phủ, thiếu tướng Lan đã cùng với đơn vị tham gia rất nhiều trận đánh khác nhau và thu được nhiều thắng lợi vang dội. Cho đến năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, hiệp định Genève được ký kết, thiếu tướng Lan được tập kết ra miền Bắc để đạo tạo thành sĩ quan chuyên nghiệp.

Ra miền Bắc, thiếu tướng Lan được cử đi học bổ túc văn hóa ở Hải Phòng. Chỉ trong một năm, thiếu tướng Lan đã hoàn thành chương trình kiến thức từ lớp 3 cho đến lớp 10. Thậm chí ông đã nghiên cứu đến những nội dung của Toán, Vật lý đại cương của chương trình đại học.

Chính vì có khả năng học tập tốt nên thiếu tướng Lan đã được Bộ tổng tham mưu lúc đó quyết định đào tạo thành một cán bộ chỉ huy.

Ông được cử sang Liên Xô cũ học tập để sau này trở thành phi công lái máy bay chiến đấu. Suốt từ năm 1955 đến năm 1964, thiếu tướng Phạm Ngọc Lan xa quê hương để đi học tập ở nước ngoài. Sau khi về nước ông được nhận nhiệm vụ tại Binh chủng Phòng không Không quân và là một trong những người lái máy bay chiến đấu đầu tiên của Quân đội Việt Nam.

Với những kiến thức đã được học tập cộng với lòng quyết tâm, cái tên Phạm Ngọc Lan đã ngay lập tức đặt dấu ấn vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Mốc son đó được ghi vào ngày 3/4/1965, trong một trận đánh ác liệt với quân địch, thiếu tướng Lan đã dũng cảm lái máy bay chiến đấu của mình chống trả và tấn công mạnh mẽ.

Sau khi đã bắn hạ được một chiếc máy bay của địch, thiếu tướng Lan tiếp tục truy đuổi một chiếc máy bay khác. Trước sức chiến đấu dũng cảm và quyết liệt của phía ta, lực lượng địch đã phải rút chạy.

 Thấy vậy, thiếu tướng Lan quyết truy đuổi để tiêu diệt địch. Tuy nhiên, khi ra tới Biển Đông, do quá mải đuổi theo địch, thiếu tướng Lan đã không biết máy bay của mình gần hết nhiên liệu. Tình thế lúc đó buộc ông phải quay lại. Khi vào đến đất liền, lượng nhiên liệu trong động cơ máy bay lúc đó không đủ để hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

Trước tình huống đó, sở chỉ huy đơn vị đã ra lệnh cho thiếu tướng Lan nhảy dù khỏi máy bay để thoát thân. Ngay lúc đó trong đầu ông lại lóe lên một suy nghĩ rằng, không thể để một chiếc máy bay vừa lập chiến công lại bị phá hủy dễ dàng như vậy được.

Trước tình huống một mất một còn như vậy, thiếu tướng Lan quyết định tìm một bãi cát ven sông để hạ cánh. Ông quyết định cho máy bay hạ cánh xuống bãi cát của sông Đuống. Chiếc máy bay chao đảo khi tiếp xúc với mặt đất lao vùn vụt trên bãi sông. Khi máy bay dừng lại thì chỉ cách bờ đê sống Đuống chừng 15m, còn thiếu tướng Lan đã ngất lịm do đầu bị đập vào buồng lái.

d
 

Việc bắn hạ máy bay địch và cho hạ cánh ngoài sân bay của thiếu tướng Lan là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của không quân Việt Nam thời điểm đó.

Những năm tháng tiếp theo, trong những chiến dịch chống Mỹ, thiếu tướng Lan lại lập được rất nhiều thành tích hiển hách, trong đó trận bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những trận đánh vĩ đại, góp công lớn mang đến thắng lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Là lứa phi công quân sự đầu tiên của Việt Nam, thiếu tướng Lan đã một trong những nhân chứng hùng hồn cho sức mạnh, sự khôn trí của lực lượng Phòng không Không quân.

 Những năm tháng còn tham gia chiến đấu, mỗi khi bước vào buồng lái, ông luôn mang trong đầu một suy nghĩ “nhằm thẳng quân thù”.

Ông bảo rằng, là phi công quân sự, khi đi chiến đấu việc hy sinh có thể đến bây cứ lúc nào. Chính vì vậy những người phi công phải rèn cho mình một ý chí cứng rắn và luôn sẵn sàng hy sinh bất kỳ lúc nào.

Cho đến bây giờ, khi hòa bình đã lập lại được vài thập kỷ, khi nói về thiếu tướng Lan người ta vẫn thường nhắc đến những cống hiến không ngừng nghỉ của ông. Và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân là một bằng chứng nói về tầm vóc của vị thiếu tướng này.


Người ta vẫn thường nhắc đến những chiến công đánh trận lẫy lừng của thiếu tướng Lan qua các trận đánh trên bầu trời. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của vị thiếu tướng này, để có được một sự nghiệp quân ngũ lẫy lừng đó, có một người phụ nữ đã âm thầm hy sinh trọn cuộc đời mình để ông yên tâm chiến đấu.

Người phụ nữ đó chính là vợ, là tình yêu duy nhất của ông trong cuộc đời. Suốt những năm tháng chiến tranh rồi khi hòa bình, thiếu tướng Lan luôn triền miên trong công việc. Để ông vững tâm mỗi khi cất cánh, vợ ông đã âm thầm lo toan mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, nuôi dạy con cái. Cũng vì nhờ có một hậu phương vững chắc mà thiếu tướng Lan luôn có được tâm lý vững vàng nhất mỗi khi bay lên bầu trời.

Câu chuyện tình của thiếu tướng Lan bắt đầu vào năm 1965 khi ông từ nước ngoài trở về. Sau khi hoàn thành xong khóa học bên Liên Xô, trở về nước lúc này thiếu tướng Lan đã bước sang tuổi 32. Lúc đó, cả gia đình rất vui nhưng lại lo lắng vì lúc đó ông đã thuộc lớp “quá lứa nhỡ thì”. Trong thời gian ông đi học nước ngoài, người chị gái cũng nhắm trước vài “đám” cho cậu em trai nhưng không đám nào thành công.
Về nước hôm trước hôm sau ông đã ngay lập tức trở vào đơn vị để nhận nhiệm vụ nên cũng không có thời gian để tìm hiểu, yêu đương. Thiếu tướng Lan kể rằng, khi đó, phi công quân sự suốt ngày ở trong đơn vị tập luyện và trực chiến nên chẳng mấy khi có thời gian ra ngoài. Chính vì vậy mà việc giao tiếp xã hội cũng bị hạn chế. Suốt ngày túc trực làm nhiệm vụ khiến cho thiếu tướng Lan chẳng có thời gian để nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình.

Trong đơn vị, chỉ có duy nhất thiếu tướng Lan là chưa có gia đình mặc dù đã ngoài 30 tuổi. Lãnh đạo đơn vị cũng như anh em cùng chiến đấu cảm thấy lo lắng thay cho chàng phi công mải mê chiến đấu Phạm Ngọc Lan. Nhưng ông cũng chẳng có lấy cho mình một mảnh tình vắt vai để mà nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình, trong suy nghĩ của phi công Phạm Ngọc Lan chỉ có máy bay và chiến đấu…

Nhưng cơ duyên của tạo hóa đã dẫn lối cho thiếu tướng Lan gặp người phụ nữ của đời mình trong một sự tình cờ. Vào năm 1965, trong dịp một anh em trogn đơn vị có người thân đến thăm, thiếu tướng Lan đã cùng với người này ra tiếp chuyện ở phòng khác của binh chủng. Thật tình cờ, cô em gái của người bạn cùng đơn vị tướng Lan có dắt theo một cô bạn gái cùng tuổi.

Tên cô gái đó là Nguyễn Thị Kim Chung, sinh viên khoa Ngữ Văn, đại học Sư phạm Hà Nội. Khi gặp mặt, hiện ra trước mắt thiếu tướng Lan là một cô sinh viên dịu dàng, thùy mị. Nét mặt tươi trẻ, đôi mắt đen lấp lánh thể hiện một tâm hồn trong sáng và mộng mơ của cô gái đã gây ấn tượng rất mạnh với chàng phi công Phạm Ngọc Lan.

Ngược lại cô sinh viên Kim Chung cũng rất ấn tượng với anh bộ đội cùng đơn vị của anh trai bạn mình. Sau buổi gặp gỡ đó, nhờ sự giúp đỡ của anh em người bạn cùng đơn vị mà thiếu tướng Lan đã thường xuyên được gặp mặt Kim Chung mỗi khi đến ngày nghỉ. Tình cảm giữa hai người cũng theo thời gian lớn dần lên.

Do yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu nên chẳng mấy khi thiếu tướng Lan được ra ngoài vì vậy rất ít có cơ hội để đến thăm Kim Chung. Phương tiện liên lạc duy nhất của hai người lúc đó là những lá thư viết tay.

Sau mỗi giờ bay tập luyện hay chiến đấu, thiếu tướng Lan thường dành hẳn một khoảng thời gian vào cuối ngày viết thứ gửi đến người bạn gái thân yêu của mình. Nhớ lại khoảng thời gian đó, thiếu tướng Lan kể rằng, vì biết Kim Chung học ngữ văn nên khi viết thư mình đã rất cẩn thẩn từng câu chữ.
 

Cũng rất may trong thời kỳ sang Liên Xô học tập mình đã đọc rất nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: Sông Đông êm đềm, Thép đã tôi thế đấy… Chính vì vậy, câu chữ trong mỗi lá thứ đều hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, mang nặng suy  nghĩ từ đáy lòng mình.

 Kim Chung vốn là một người nhảy cảm, hiểu chữ nghĩa nên cô ấy đã rất hiểu những lời ý tứ mình gửi trong những lá thư… Và cũng nhờ những trang giấy đó mà thiếu tướng Lan đã “tán” đổ cô sinh viên Kim Chung lúc nào ông cũng chẳng hay. Ông chỉ biết rằng, sau khi gặp Kim Chung, trong suy nghĩ của ông đã có hình ảnh của một người con gái để thương, để nhớ.

Tình yêu đã đến với thiếu tướng Lan một cách tự nhiên và đầy bất ngờ. Nhân duyên đã đưa đến cho ông một người phụ nữ khiến trái tim ông đập loạn nhịp hơn. Suốt từ năm 1965 cho đến năm 1968, tình yêu của thiếu tướng Lan và cô sinh viên Kim Chung diễn ra một cách lãng mạn và đầy nhiệt huyết.

Nhưng cơ hội để gặp mặt nhau cũng không nhiều vì hai người vẫn còn vướng bận vào nhiệm vụ chiến đấu và học tập. Có những lần gặp mặt nhau, chưa kịp trò chuyện thiếu tướng Lan đã nhận được nhiệm vụ phải trở về đơn vị gấp để chiến đấu.

Tuy nhiên những khó khăn đó không làm tình yêu của hai người trở nên khô khan và đơn điệu. Họ luôn nghĩ về nhau, dành cho nhau những tình cảm nồng cháy nhất. Tình yêu đó là sự đồng điệu giữa hai con người có chung suy nghĩ, chung lý tưởng.

Cho đến bây giờ, thiếu tướng Lan vẫn còn nhớ như in lần mà ông đã “ghen” khi nghe tin có vài người đang theo đuổi người yêu mình. Kim Chung vốn là một cô sinh viên nổi tiếng ngoan hiền, xinh đẹp của trường Đại học Sư phạm. Chính vì điều này, thời đó có không ít những chàng trai vây quanh cô.
Nhưng trái tim của Kim Chung đã dành trọn tình yêu cho chàng phi công nên cô luôn mực từ chối những người đến với cô. Sự đời phức tạp, trong muôn vàn những giọng điều xã hội lúc đó đã có lời nói không chuẩn xác vấn đề. Thiếu tướng Lan vì rất ít cơ hội để ra ngoài nên nghe vậy lòng ông cũng cảm thấy xao động… Tuy nhiên, ông cũng không thể hiện một cách lộ liễu trước mặt Kim Chung mà chỉ âm thầm viết suy nghĩ của mình thành một bài thơ.

Vì Kim Chung là một người con gái chính trực thủy chung, đọc những câu thơ đó nên ngay lập tức đã hiểu nội tình của vấn đề. Để thể hiện tình yêu của mình, Kim Chung đã viết một lá thư rất dài gửi đến người yêu mình.

Trong đó, Kim Chung đã khẳng định rõ ràng rằng, trên đời  này  dù cho có bao nhiêu người đàn ông tìm đến nhưng với bà Phạm Ngọc Lan là người đàn ông duy nhất. Những lời nói đó khiến tâm trạng của tâm trạng của phi công Phạm Ngọc Lan rất hạnh phúc, từ đó trở đi ông luôn vững tin rằng mình đã có được tình yêu của Kim Chung.

Thời gian trôi qua, tình yêu của Ngọc Lan và Kim Chung ngày càng nồng cháy. Đến năm 1968, đám cưới giữa hai người đã được tổ chức bởi đơn vị và các đoàn thể. Cũng như bao nhiêu đám cưới thời đó, không cỗ bàn linh đình, không áo cưới xe hoa, nhưng đám cưới của đôi vợ chồng trẻ vẫn ngập tràn trong hạnh phúc.

 Thiếu tướng Lan kể lại, dạo đó, đồng chí Trần Duy Hưng đang là Chủ tịch Thành phố Hà Nội, biết được mình tổ chức đám cưới nên đã chỉ đạo một số đơn vị văn hóa, đoàn thể giúp đỡ. Bên cạnh đó, anh em trong đơn vị cũng nhiệt tình giúp đỡ nên đám cưới có rất đông người đến dự. Tuy chỉ có nước chè, bánh kẹo và thuốc lá nhưng mọi người đều tưng bừng trò chuyện ca hát suốt cả ngày…

Hồi ức của Thiếu tướng về 4 lần bị đồn đã hy sinh

Sau khi cưới vợ xong, thiếu tướng Ngọc Lan tiếp tục trở về đơn vị để làm nhiệm vụ. Do đã tốt nghiệp nên Kim Chung cũng được phân công về giảng dạy tại một trường phổ thông ở Hà Nội. Mặc dù hai vợ chồng cùng công tác tại Hà Nội nhưng cơ hội gặp nhau rất ít.

Có khi cả tháng liền thiếu tướng Lan không được về nhà thăm vợ vì trực chiến triền miên. Hơn nữa, nhiệm vụ chiến đấu của những người phi công luôn trong tình trạng có thể hy sinh bất kỳ lúc nào, thậm chí là “chết mất xác”, vì vậy mỗi khi có tiếng máy bay của địch đến, bà Kim Chung lại đứng ngồi không yên lo lắng cho sự an nguy của chồng.

Sau khi lập được nhiều chiến công hiển hách, rất người người dân đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vị anh hùng Phạm Ngọc Lan. Cũng chính vì lý do này mà đã không ít lần, khi máy bay của phía ta bị trúng đạn của địch, mọi người lại xôn xao đồn rằng đó chính là máy bay của Phạm Ngọc Lan và rằng người phi công anh hùng đó đã hy sinh.

Nhớ lại thời kỳ đó, lần đầu tiên khi nghe thấy người dân đồn rằng, phi công Phạm Ngọc Lan đã tử trận, bà Kim Chung ở nhà đã hết sức choáng váng. Dù đang đứng lớp những khi mọi người nói vậy bà đã mất bình tĩnh và cảm thấy như đất trời đang trao đảo.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của bà lúc đó lại tự nhiên bừng lên một niềm tin mong manh rằng, chồng mình vẫn còn sống. Bà đã chạy lên đơn vị của chồng nhưng lúc đó mọi người đã không cho vào vì đang trong thời điểm chiến đấu. Bà trở về mà suy nghĩ trong đầu rất rối bời.

Khi đã định vững được tinh thần bà lại nghĩ rằng, nếu như hy sinh thì phải có giấy báo tử, khi nào có giấy báo tử thì lúc đó lời đồn kia mới là sự thật. Rồi bà sống ngày này qua ngày khác trong sự thấp thỏm lo âu.

Mỗi khi có người lạ đến nhà bà lại rất hoảng hốt vì có thể đó là  người mang giấy báo tử của chồng đến. Một thời gian sau trôi qua, bà Kim Chung đã như vỡ òa trong vui  mừng khi thiếu tướng Ngọc Lan đã trở về. Người chồng bằng xương bằng thịt đang hiện ra trước mắt bà đã xóa bỏ đi mọi lo lắng vì lời đồn thất thiệt.

Sau lần đó, những năm tháng về sau, bà Kim Chung phải đón nhận thêm 3 lần dư luận đồn chồng mình đã hy sinh. Nhưng lần nào cũng vậy, bà luôn vững tin rằng ông vẫn còn sống. Từ khi yêu nhau cho đến khi trở thành vợ chồng bà luôn nghĩ ông là một người phi công rất giỏi, có thể vượt qua được tất cả sự ác liệt của chiến tranh.

Và niềm tin đó đã được đúng cho đến bây giờ hai ông bà đã sống với nhau cho đến khi đầu bạc răng long. Suốt chặng đường dài sống và chiến đấu, chính tình yêu và niềm tin của người vợ đã trở thành sức mạnh cho thiếu tướng Phạm Ngọc Lan lập rất nhiều chiến công.

Đi qua thời kỳ bom đạn, máu lửa của dân tộc, hai vợ chồng thiếu tướng Phạm Ngọc Lan vẫn luôn ở bên cạnh nhau cho dù điều kiện công tác có buộc họ phải xa nhau. Cả hai người đều sống bằng niềm tin và tình yêu nồng cháy dành cho nhau.

Câu chuyện tình của hai vợ chồng thiếu tướng Lan đã là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của tình yêu. Dù hoàn cảnh có khó khăn ra sao, bom đạn của địch có dữ dội đến mấy thì tình yêu vẫn luôn nồng cháy và trở thành sức mạnh chiến đấu.

Chuyện tình chàng phi công Phạm Ngọc Lan và nữ sinh viên Kim Chung đã khiến nhiều người xúc cảm. Cũng chính vì vậy mà nhà văn Như Mai khi viết cuốn tiểu thuyết Vùng Trời đã lấy cảm xúc từ câu chuyện tình để dựng lên câu chuyện tình lãng mạn của hai nhân vật Thủy và Nam.

Khi người ta đọc tiểu thuyết Vùng Trời sẽ thấy câu chuyện tình của đôi bạn trẻ thật đẹp, thật lãng mạn và đáng khâm phục. Nhưng câu chuyện gia đình của thiếu tướng Lan cũng chính là cuốn tiểu thuyết Vùng Trời ngoài đời thường mà chúng ta có thể nhìn thấy và trò chuyện được với những nhân vật đó.

Ngọc Cương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc