Hãy dành chỗ cho niềm tin được sống

10:49, Thứ hai 26/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (PhunuToday)- “Ba mẹ ơi con xin lỗi... Con làm việc này để chứng minh rằng con không lấy 5 triệu của bác N. Con xin cám ơn ba mẹ đã nuôi nấng con..."

Mẹ của Khang đang thắp hương trước di ảnh của con trai - ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Mẹ của Khang đang thắp hương trước di ảnh của con trai. Ảnh: Tuổi trẻ.

Câu chuyện về cái chết vì tự vẫn của cậu bé Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi, ở thôn 12, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) khiến nhiều người nặng trĩu lòng mỗi khi nhớ tới. Chỉ vì nghi ngờ Khang lấy cắp 5 triệu đồng, một vài công an xã đã đưa em về trụ sở để hỏi cung mà không có người giám hộ, không báo cho cha mẹ em biết. Vì quá sợ hãi, Khang đã ký vào biên bản nhận tội lấy trộm số tiền, thế nhưng vì không lấy, không có tiền để trả lại, các công an viên lại dọa sẽ đưa Khang lên giam ở công an thành phố và báo với nhà trường.

Đứa trẻ bị dồn đến chân tường, đã chọn cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình, trong lá thư để lại, cậu bé đáng thương viết: “Ba mẹ ơi con xin lỗi... Con làm việc này để chứng minh rằng con không lấy 5 triệu của bác N. Con xin cám ơn ba mẹ đã nuôi nấng con từ nhỏ đến bây giờ. Mong ba mẹ đừng buồn và tiếp tục cuộc sống bình thường như chưa có con sinh ra… Ba mẹ nuôi và dạy em Khoa nha! Để nó thành con người tốt không giống như con... Con yêu ba mẹ nhiều lắm”. Chuyện xảy ra vào ngày 19/8.

Tôi đã khóc khi đọc những dòng thư đó, bởi nó chứng tỏ một điều cậu bé thực sự không còn chỗ nào để bấu víu, đã tuyệt vọng khi không có ai tin rằng mình không lấy trộm số tiền. 5 triệu đồng, những hành xử ngu xuẩn, độc ác và vô cảm của một vài công an viên ở cấp xã và một mạng người, có đáng để chuyện xảy ra như thế không?

Trẻ vị thành niên là đối tượng cần được đối xử đặc biệt, chúng mong manh và dễ bị tổn thương, vậy mà những công an viên ở xã Đam B’ri kia- những người đang thay mặt luật pháp để thi hành pháp luật sao lại ngu dốt tới mức không biết điều quy định không được phép tra hỏi một đứa trẻ vị thành niên khi không có người giám hộ?

Đến bây giờ khi câu chuyện đau lòng đã xảy ra, đứa trẻ đã chết, cha mẹ Khang đau như chết nửa phần đời, thì công an viên Đinh Quang Vinh- người trực tiếp hỏi cung Khanh vẫn một mực cho rằng các quy trình lấy lời khai là đúng trình tự:  “Tôi không làm gì sai ở đây cả thì không có gì phải áy náy với ai”.

Tại sao những nhân viên công vụ thiếu hiểu biết, vô cảm và độc ác như vậy vẫn tồn tại trong bộ máy chính quyền cấp xã ở các địa phương? Đó là một câu hỏi cần có sự vào cuộc của những người nắm trọng trách ở những đơn vị đầu ngành như Bộ Công an, Bộ Tư pháp. Ở khu vực nông thôn, nơi mà kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế, những công an viên như ông Vinh kia thực sự có rất nhiều, và họ, bằng sự thiếu hiểu biết của mình có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào mà trường hợp của cậu bé Khang là một ví dụ đau lòng nhất.

Chúng ta đang dùng tiền thuế của mình để nuôi những nhân viên công vụ thiếu hụt kiến thức và hành xử vô cảm như vậy, hỏi có đáng không? Dư luận yêu cầu phải đưa công an viên Đinh Quang Vinh ra điều tra, để quy rõ trách nhiệm về ai, sai ở khâu nào, còn nếu không, vụ việc sẽ chìm vào im lặng và rồi sẽ vẫn còn mãi những cái chết oan uổng đau lòng.

Mới hay trong cuộc sống này, niềm tin vào lòng tốt và sự trung thực của con người mới thật mong manh biết bao. Những người lớn chúng ta, hàng ngày tiếp cận với quá nhiều những thông tin đen đúa độc hại nên đã chai sạn, đã ít nhiều mất đi niềm tin vào sự trung thực và tấm lòng ngây thơ của bọn trẻ. Đã có nhiều trường hợp như thế, cô giáo bị mất tiền, đổ ngay cho học sinh, rồi sau đó lại tìm thấy ở một ngăn túi khác, nhưng tấm lòng thiện lương của những đứa trẻ đã bị vấy bẩn, và niềm tin của chúng vào sự công minh của cuộc đời đã sụp đổ hoàn toàn.

Nếu trên cõi đời này, chúng ta tin ở nhau nhiều hơn, độ lượng với nhau nhiều hơn và dành chỗ cho niềm tin được sống, thì cậu bé Khang tội nghiệp không phải chọn cái chết tức tưởi ở tuổi 15. Nếu tất cả những nhân viên công vụ làm đúng trách phận của họ, không hành xử ngu dốt và vô cảm, những bi kịch sẽ bớt đi nhiều lắm. Nếu các vị đang ngồi cao cao ở trên Bộ, hàng tháng, hàng năm quan tâm sâu sát xuống tới tình hình ở các địa phương, để thanh lọc và cho ra khỏi ngành những nhân viên dốt nát, xử cho đến nơi đến chốn những vụ oan sai để đòi lại công bằng cho người lành, thì cuộc đời này tốt đẹp biết bao nhiêu.

Từ cái chết oan khuất của một đứa trẻ, có biết bao nhiêu điều cần phải sửa chữa, cần phải điều chỉnh lại, nhưng rồi không biết có ai sẽ đứng ra để làm rõ việc này?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tin nên đọc