Tên tuổi của vua Quang Tự gắn liền với phong trào Duy Tân nổi tiếng bị thất bại trong lịch sử Trung Quốc. Quyền lực hầu hết vẫn bị Từ Hy Thái Hậu với tư tưởng bảo thủ nắm giữ. Ngay cả hoàng đế Quang Tự cũng bị Từ Hy giam lỏng trong đào Doanh Đài, sống như một kẻ tù tội "muốn bay nhưng không có cánh, muốn đi nhưng không có thuyền".
Ngày 14/11/1908 Hoàng đế Quang Tự băng hà ở đảo Doanh Đài sau 10 năm bị cầm tù, hưởng thọ 38 tuổi. Chưa đầy một ngày sau khi ông mất, Từ Hy thái hậu cũng qua đời . Điều trùng hợp này làm cho mọi người phải suy nghĩ. Dường như có uẩn khúc trong cái chết của Hoàng đế.
Ý kiến cho rằng vua Quang Tự bị Từ Hy thái hậu hại chết
Vị vua này không phải là con ruột của Từ Hy thái hậu. Ông là em họ của Hoàng đế Đồng Trị, là cháu của vua Hàm Phong và là con của em gái Thái hậu.
Sống trong cung, Quang Tự như chim lồng cá chậu, không được làm điều mình thích, mọi sự phải tuân theo sự sắp đặt của bác gái nên tâm trạng trở nên u uất, phiền muộn.
Bản thân ông muốn một ngày thoát khỏi vòng kìm hãm của Thái hậu nên đã bày tỏ rõ thái độ chống đối ra mặt.
Khi chiến tranh Giáp Ngọ nổ ra, Quang Tự chủ trương đánh nhau với Nhật song Từ Hy lại e dè, sợ hãi. Cuối cùng, cuộc chiến này vẫn không thể tránh khỏi và nhà Thanh phải ký “Hiệp ước Mã Quan”.
Sự kiện này khiến mối bất hòa giữa vua Quang Tự và Từ Hy thái hậu ngày càng gia tăng. Quang Tự kể từ đó càng nỗ lực làm cách mạng, sát lại gần những trí thức như Khang Hữu Vi, Lương Khởi Siêu.
Lẽ tất nhiên, Từ Hy không thể vui. Sau thất bại của Duy Tân biến pháp, ông vua này đã bị Thái hậu khét tiếng của Thanh triều giam lỏng, không cho phép bất cứ ai được tiếp xúc.
Cái chết của Quang Tự có liên quan rất lớn đến Từ Hy. Bản thân người phụ nữ này đã nhiều lần muốn phế “con trai hờ”, nhưng vì người phương Tây không đồng ý.
Phải chăng, bản thân bà ta khi ý thức được rằng mình sắp chết, sợ rằng Hoàng đế đương nhiệm sẽ lên nắm quyền nên đã đi trước một bước, ra tay sai người tiêu diệt “cái gai trong mắt”.
Quang Tự bị Lý Liên Anh hại chết
Cách nói này cũng tồn tại song song với nghi vấn Từ Hy giết Quang Tự trong một thời gian dài.
Trong Từ Hy ngoại truyện của tác giả người Anh Poland và Doanh Đài khấp huyết ký của Đức Linh cho rằng: “Bọn quan lại trong triều, đứng đầu là đại thái giám Lý Liên Anh thường ngày ỷ thế chủ là Từ Hy hay làm nhiều chuyện tổn thương Quang Tự.
Bọn họ sợ rằng Từ Hy qua đời, Quang Tự nắm quyền sẽ trừng phạt, vì thế “Tiên hạ thủ vi cường”, hạ độc cho Quang Tự đi trước”.
Ông Bị trúng độc cấp tính
Các giám định pháp y đã lấy 2 nhúm tóc, một ít xương và mẫu y phục của Quang Tự để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, trong tóc của Quang Tự có nồng độ thạch tín khá cao và có sự chênh lệch hàm lượng rất lớn giữa các đoạn tóc.
Đồng thời với việc xét nghiệm, các chuyên gia khoa học cũng thông qua những tư liệu lịch sử về tình hình 10 ngày trước khi Quang Tự băng hà để chứng minh rằng vị vua này bị trúng độc cấp tính do sử dụng thạch tín quá liều trong thời gian ngắn.
Việc phát hiện một lượng lớn chất độc asen trong quan tài của Hoàng đế Quang Tự giúp làm sáng tỏ những đồn đại xung quanh cái chết của ông.
Như vậy, lý do bí ẩn cái chết của vua Quang Tự cũng như những “đối tượng có liên quan” đều đã được giải mã. Tuy nhiên, điều khiến hậu thế “vò đầu bứt tai” là tại sao Từ Hy lại có thể chết ngay sau Quang Tự 1 ngày?
Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là sự sắp xếp của con người, điều này cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích nào thỏa đáng.