HN trả lương gấp 20 lần để tránh công chức ’cắp ô’?

( PHUNUTODAY ) - Hà Nội dự kiến ra Nghị quyết về chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ với những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động.

(Đời sống) - Sau tình trạng ì ạch của bộ máy công chức, Hà Nội kiên quyết thu hút nhân tài, cải thiện trình độ công chức khi đưa ra một dự thảo về thu hút nhân tài cho thành phố và hứa trả lương gấp 20 lần.

Báo Tiền phong đưa tin Hội đồng Nhân dân (HĐND) Hà Nội dự kiến ra Nghị quyết về chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ với những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động.

Theo đó, nhân tài mà Thủ đô nhắm đến là các thủ khoa ĐH xuất sắc các ngành Hà Nội đang cần, các tiến sĩ có công trình, đề án đáp ứng nhu cầu của thủ đô, các bác sĩ nội trú, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II.

Các giáo viên, giảng viên có học sinh, sinh viên đạt giải cao trong nước và quốc tế, các huấn luyện viên có vận động viên đoạt giải cao, và các vận động viên, văn nghệ sỹ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia, khu vực và thế giới, cũng thuộc đối tượng được thành phố ưu tiên.

Các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng sẽ được trọng dụng.

Thi công chức Hà Nội
Thi công chức Hà Nội


Họ sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; hưởng lương gấp 20 lần mức tối thiểu; được ưu tiên cử đi đào tạo sau ĐH trong nước hoặc nước ngoài; được cung cấp thông tin và hỗ trợ kinh phí nghiên cứu; được hỗ trợ phương tiện đi lại, làm việc...

Nhận được những ưu tiên này, họ sẽ phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội ít nhất 7 năm.

Mới đây, theo báo cáo của TP Hà Nội, mặc dù thành phố đã có chính sách tuyển dụng đặc cách không qua thi đối với một số đối tượng theo qui định của pháp luật như thủ khoa xuất sắc, người tốt nghiệp đại học loại giỏi ở nước ngoài.. nhưng số lượng tuyển dụng được ít. Trong ba năm tuyển dụng được 143 người, chiếm 10% tổng số tuyển đầu vào của các cơ quan thành phố. Nguyên nhân được thành phố chỉ ra là do chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý, chế độ tiền lương áp dụng theo quy định chung của Nhà nước…

Trong khi đó, tình trạng công chức ì ạch, hậu quả của việc "chạy chức" diễn ra từ rất lâu khiến bộ máy hành chính cồng kềnh, không làm được việc. Điều đáng buồn hơn khi Hà Nội tụt 15 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) so với các tỉnh thành khác khiến dư luận không khỏi bất ngờ và cười trừ vì cho rằng đây là hệ quả của việc chạy chức, lạm dụng "ô dù". Ngay say đó, ông Phạm Quang Nghị - bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thừa nhận việc có chạy chức chạy quyền và ông còn dẫn chứng những câu chuyện rất điển hình của sự ì ạch, thiếu trách nhiệm của một số đơn vị của TP.

Ông Nghị kể: “Kỷ niệm Quốc khánh và là năm chẵn về mối quan hệ với nước bạn Lào, thủ đô Vientiane gửi cho tôi một bức thư. Mình cũng phải gửi thư lại cảm ơn, nhưng việc chuẩn bị thư cảm ơn đến tay tôi chỉ kém một ngày nữa là tròn một tháng.
 
Việc tham mưu không chủ động cảm ơn người ta trước đã là lỗi, làm sau mà chỉ mỗi lá thư thôi nhưng cấp Sở Ngoại vụ làm chậm tám ngày, sang Văn phòng UBND TP làm chậm thêm 22 ngày, thế thì còn cảm ơn gì nữa”.

Mặc dù, UBND Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2013. Ngoài đề án thi tuyển lãnh đạo, thành phố giao Sở Nội vụ thực hiện nhiều đề án, như: thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, áp dụng thống nhất từ năm 2013 trở đi; nghiên cứu xây dựng một số khung năng lực đối với chức danh lãnh đạo, quản lý (từ cấp phòng trở xuống) tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, kết quả còn phải trông đợi nhiều.

Không chỉ ở riêng Hà Nội, mà ngay các cơ quan nhà nước trực thuộc trung ương cũng đang đau đầu với nạn "ô dù". Mặc dù đã thay đổi hình thức thi tuyển nhưng chất lượng thực vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Anh Tuấn thì trong kỳ thi tuyển cán bộ, công chức tại Bộ Nội vụ vừa qua đã áp dụng hình thức thi trực tuyến trên máy tính. Có 600 người đăng ký dự thi, chỉ tiêu chỉ lấy 59, nhưng kết quả chỉ có khoảng 30/600 người đạt yêu cầu (chiếm 5%).

Có 5 môn thi, thì có 3 môn được thực hiện trên máy tính. “Mặc dù kết quả không đạt của thí sinh là không cao, nhưng điều quan trọng là mở ra hướng mới trong công tác tuyển dụng cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm báo tính công khai, khách quan” – ông Tuấn nói.

Riêng tại Bộ Nội vụ có 22 công chức dự thi có 9 người không đạt yêu cầu. Theo ông Tuấn sau khi thi trượt việc đăng ký thi lại diễn ra bình thường nếu đủ tiêu chuẩn.

Hiện Bộ Nội vụ đang chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mong muốn xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
 
Tuy nhiên, đây là một việc lớn và khó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Bộ Nội vụ mong muốn rằng có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, sự hưởng ứng của nhân dân để thực hiện thành công.

  • Trúc Lâm
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn