Việt Nam có bao nhiêu họ?
Việt Nam là một trong số các quốc gia đa dân tộc trên thế giới với 54 dân tộc anh em. Trong quá trình phát triển, từ đặc điểm địa hình đến sự giao thoa văn hóa đã tạo ra sự đa dạng về họ ở Việt Nam.
Trải qua nhiều cuộc khảo sát, theo thống kê trong cuốn "Họ và tên người Việt Nam", nước ta có khoảng 1023 họ. Trong đó, tỷ lệ lệ họ của người Kinh chiếm nhiều nhất (vào khoảng 300 họ). Các họ còn lại thuộc về các dân tộc ít người và một số họ hiếm khác có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đa số các dòng họ lớn sẽ gắn với một triều đại, một dấu mốc lịch sử quan trọng của nước nhà.
Những dòng họ lớn ở Việt Nam
Như đã nói ở trên, nước ta có tới 1023 họ khác nhau. Trong đó, Họ Nguyễn chiếm 38,4% dân số Việt Nam. Sau đó là họ Trần 12,1%, họ Lê 9,5%, họ Phạm 7%; họ Hoàng/Huỳnh 5,1%; họ Phan: 4,5%, họ Vũ/Võ 3,9%; họ Đặng: 2,1%, Họ Bùi: 2%, họ Đỗ: 1,4%, họ Hồ 1,3%, họ Ngô 1,3%; họ Dương 1%; họ Lý 0.5%.
Họ Nguyễn là họ phổ biến nhất Việt Nam và cũng là họ đứng thứ 4 trong số những họ phổ biến trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc hầu hết dân số nước ta mang họ Nguyễn là do triều đại nhà Nguyễn chính là triều đại cuối cùng của phong kiến Việt Nam.
Đây là một điều khá dễ hiểu bởi những họ phổ biến ở Việt Nam thường có liên quan đến các triều đại phong kiến Việt Nam.
Bên cạnh họ Nguyễn, các họ Trần, Lê, Lý cũng là họ phổ biến khi nước ta cũng đã trải qua các triều đại nhà Trần, Tiền Lê – Hậu Lê, nhà Lý.
Họ nào là họ hiếm ở Việt Nam?
Theo thống kê, số lượng 14 họ phổ biến chiếm tới 90% dân số. 10% còn lại là những họ "hiếm có" ở Việt Nam.
Những họ hiếm ở Việt Nam có thể kể đến là họ Thạch, họ Khâu, họ Vi, họ Uông, họ Nông, họ Xa…
Tại một số địa phương, người ta có phong tục con gái sinh ra sẽ không mang họ cha mà lấy tên đệm của cha làm họ. Do đó, một số người sẽ mang họ khá hiếm thấy như họ Đắc, Đình, Sỹ, Tri, Ngọc, Tiếp, Doãn, Quế, Hữu... Phong tục này không áp dụng với con trai. Con trai vẫn mang họ cha.