Tiền điện tăng vọt 3-5 lần
Chị Thanh (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, tiền điện tháng 5 của gia đình chị bất ngờ tăng gần gấp 3 lần so với những tháng trước, lên gần 3 triệu đồng.
"Vợ chồng tôi vẫn đi làm, con nhỏ vẫn cho đi gửi trẻ, các thiết bị không tăng, điều hòa có dùng nhiều hơn chút ít nhưng không hiểu sao tiền điện lại tăng đột biến như vậy?", chị Thanh thắc mắc.
Chị Thanh cho biết, khi thấy số điện tăng đột biến, chị đã yêu cầu nhân viên điện lực đến kiểm tra lại, nhưng thấy số điện vẫn trùng khớp với hóa đơn.
Trên các mạng xã hội, nhiều thành viên cũng có chung thắc mắc khi tiền điện tháng 5, 6 bất ngờ tăng đột biến.
Trên diễn đàn dành cho cha mẹ, thành viên So Close cho biết, tháng 4 tổng tiền điện gia đình chị chỉ có 1,3 triệu, nhưng tháng 5 vọt lên 2,9 triệu.
Trong khi đó thành viên Misubumbum cho biết, tiền điện tháng 5 của gia đình bất ngờ tăng gấp 5 lần so với những tháng trước. Nickname Emminhmeo thông báo tiền điện nhà chị cũng bất ngờ tăng gấp 3...
Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi của một khách hàng tại Hoàng Mai |
Thành viên Nguyễn Thanh trên diễn đàn Otofun cho biết, tiền điện kỳ trước (từ giữa tháng 4 - giữa tháng 5) là 1,2-1,3 triệu thì sang kỳ tháng 5-6 bất ngờ nhảy lên 2,3 triệu.
Giữ lại hóa đơn cũ, anh Phạm Hoài Nam (Cầu Giấy) mang ra so thì tá hỏa khi thấy tiền điện tháng 5 tăng gần gấp đôi, từ 1,4 triệu lên thành 2,3 triệu.
Cá biệt, khách hàng Tô Thái Bảo (Trương Định, Hoàng Mai) còn cho biết tiền điện tháng 6 tăng gấp 10 lần so với trước.
Cụ thể, số điện tháng 5 là 113 kWh, tương đương 176.000 đồng. Sang tháng 6, số điện bất ngờ tăng lên thành 746 số, tương đương hơn 1,7 triệu đồng.
Không chỉ hộ gia đình, tiền điện tại nhiều cơ quan cũng tăng đột biến. Thành viên nhoc57 cho biết, tháng trước tiền điện của văn phòng chị hết có 2,6 triệu, tháng này hết 4,1 triệu. Một thành viên khác cho biết, tiền điện văn phòng cũng tăng gấp 5 lần, từ 400.000 đồng lên 2,2 triệu.
Một thợ sửa chữa điện cho hay, việc trời nóng, sử dụng điều hòa có thể nhiều hơn nhưng rất khó có chuyện tăng gấp 5 hay 10 lần.
Cũng theo người này, không loại trừ khả năng nhân viên ngành điện ghi bớt số đi trong những tháng trước, sau đó cộng dồn vào tháng cao điểm để nhân hệ số gia tăng lấy chênh lệch.
Do vậy khách hàng nên đề nghị cùng được xem đồng hồ khi chốt công tơ hoặc đề nghị nhân viên điện lực chụp lại ảnh mỗi khi chốt.
Vào năm ngoái, nhiều khách hàng tại Hà Nội cũng phản ánh việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến vào giữa năm và cuối năm.
Tăng... do dùng nhiều?!
Trước những ý kiến của khách hàng, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) cho hay đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra lại hệ thống đo đếm, quá trình tính toán hóa đơn.
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Phó chánh Văn phòng EVN Hà Nội cho biết, sau quá trình kiểm tra, kết quả cho thấy cả 2 khâu trên đều không có sai sót.
Cụ thể, 2 khách hàng Trần Ý Khuyên (24 Phan Chu Trinh) và Phạm Duy Quân (Tây Hồ) nghi ngờ công tơ chạy nhanh hơn bình thường, Điện lực Hoàn Kiếm và Tây Hồ đã xuống tận nơi kiểm tra hệ thống dây vào ra.
Kết luận, công tơ có đủ niêm phong theo quy định, đĩa nhôm quay thuận chiều, các sai số đều trong chuẩn cho phép.
Riêng đối với trường hợp khách hàng Tô Thái Bảo (31E, ngõ 206 Trương Định, Hoàng Mai), việc tiền điện tăng gấp 10 lần là do từ tháng 12/2013 đến tháng 4/2014, nhà không có người ở, khách hàng mới mua nhà và dọn về ở từ tháng 5/2014 nên chỉ số tăng.
Theo bà Hoàng Anh, nguyên nhân chính khiến tiền điện nhiều hộ gia đình tăng vọt trong tháng 5, 6 là do Hà Nội có những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ có khi lên tới 43 độ, học sinh lại được nghỉ hè ở nhà nên nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, trên 10 giờ/ngày.
“Với chu kỳ làm hoá đơn tiền điện từ 5 – 25/5 đến 5– 25/6 là thời điểm bao gồm cả 3 đợt nắng nóng cao điểm do vậy hoá đơn tiền điện ở thời gian này càng hội tụ các yếu tố đột biến làm sản lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao”, bà Hoàng Anh cho hay.
Theo EVN Hà Nội, trong tháng 6, sản lượng điện sinh hoạt tiêu dùng đã tăng từ 40 đến trên 60% so với tháng 5.
Đơn cử như ở quận Hoàng Mai mức tăng sản lượng điện sinh hoạt tháng 6 so với tháng 5 là 57%; Quận Đống Đa là 55%.
"Trong quá trình vận hành cung cấp điện nếu có sự cố sai sót kỹ thuật, nghiệp vụ dẫn đến sai lệch về hoá đơn (sản lượng, tiền điện) khách hàng có thể tự kiểm tra và gửi đơn đề nghị kiểm tra chỉ số công tơ. Các Công ty Điện lực sẽ tiến hành kiểm tra thực tế. Nếu có sai sót sẽ tiến hành lập lại hoá đơn đúng cho khách hàng, nếu sai do chất lượng công tơ thì sau khi kiểm định lại công tơ sẽ thực hiện truy thu hay thoái hoàn sản lượng, tiền điện cho khách hàng", EVN Hà Nội khẳng định.