Cứ vào ngày 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, hàng ngàn người dân lại kéo về làng Ném Thượng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) dự cảnh chém lợn hiến tế, sau đó lấy tiền quết máu heo với hy vọng mang đến nhiều may mắn trong năm mới. Cũng như vậy, đến hẹn lại lên, hai làn sóng tư tưởng trái ngược lại nổi lên để quyết định: Nên hay không nên chém lợn?
Trước tiên, để trả lời câu hỏi “Nên hay không nên”, thiết nghĩ chúng ta cũng cần biết vì sao lại có lễ hội chém lợn tại Ném Thượng hàng năm.
Tương truyền một vị tướng cuối đời Lý tên là Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hàng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này. Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, huyết lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu, vật nuôi sinh sản nhiều...
Người được chọn nuôi lợn đều là những người khoẻ mạnh, gia cảnh sung túc, tuổi tầm 49-50. Những chú lợn hàng tuyển ban đầu chỉ nặng khoảng 25kg, được vỗ béo tới đúng lễ là khoảng 150kg. Đến ngày hội, lợn được nằm trong cũi, rước đi quanh làng rồi vòng về cửa đình. Tại đây, ông thủ đao sẽ chú lợn thờ đứt đôi, máu văng đầy sân. Vì máu này tượng trưng cho may mắn, nên những người dân làng thi nhau cầm những tờ tiền lẻ chấm vào máu “cụ ỉn” rồi mang về đặt lên ban thờ, cầu cho một năm sung túc.
Được gì từ lễ hội chém lợn?
Cái được lớn nhất từ một lễ hội làng là niềm vui rộn ràng của những người dân dự hội. Quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; nay những người dân có tụ tập cùng nhau, nói cười hỉ hả. Dân làng được dịp vui, người nuôi lợn được dịp nở mày nở mặt, các ông thủ đao được phô diễn tài nghệ, các bô lão trong làng được dịp cúng kính linh đình. Những điều đó hẳn là khởi đầu tuyệt vời cho một năm sung túc thuận hòa.
Lễ hội chém lợn là phong tục lâu đời, được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ Lý thành hoàng - người có công khai khẩn đất hoang. Đây là dịp để con cháu khắp nơi tụ về, cùng nhau nhắc lại chuyện xưa, để giáo dục truyền thống anh dũng, bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc của dân tộc. Tục nuôi lợn tế thánh còn khuyến khích người dân đua nhau chăn nuôi để mỗi năm có những “ông ỉn” tốt.
Nhìn ở khía cạnh này, lễ hội hoàn toàn là nét đẹp truyền thống, khơi gợi tự hào dân tộc, có tính giáo dục truyền cho hậu thế. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì hẳn tổ chức Động vật châu Á đã không gửi thư đề xuất hủy bỏ lễ hội vào năm 2012. Dường như đằng sau những truyền thống đáng quý này còn ẩn chứa những điều đau lòng khác.
Thứ "chém" đi không chỉ là lợn
Cũng có một câu hỏi đặt ra còn bỏ ngỏ về 2 chữ "phong tục". Và một tục lệ ở cách hiện tại quá xa trên trục thời gian, chúng ta còn chẳng thể nào tự trả lời được với bằng ấy tháng năm và đổi thay thời cuộc, hành vi cho một tục lệ có bị biến tướng gì hay không. Thật vậy, dưới góc nhìn của cá nhân tôi, "chém lợn" mới đang là một phong tục, có thể đã từng là mỹ tục ở một giai đoạn lịch sử khác, và đang dần dà thành hủ tục trong xã hội hiện đại.
Mỗi ngày trên thế giới có cả ngàn con lợn bị giết. Người ta từ lâu đã quen dùng thịt lợn như một thực phẩm thông dụng. Tuy nhiên, khi lợn được mang ra giữa hội, giữa làng, dùng đao xẻ phây thành hai mảnh, giữa sự phấn khích của đám đông (khi một sinh vật bị giết) và đổ xô ra nhúng những đồng tiền lẻ vào mớ máu đỏ lòm tanh tưởi, lại là việc khiến người ta không khỏi rợn người.
Chúng ta có thể biện minh cho việc giết hại và ăn thịt các loài động vật khác nhằm mục đích thỏa mãn dạ dày của mình. Nhưng chúng ta sẽ lấy gì để biện minh cho sự vui thú, reo hò của những con người khi trực tiếp chứng kiến cái chết thảm khốc của một con vật. Cách đó dùng để dẫn chứng cho "tinh thần thượng võ"?
Nếu luận điểm của những người ủng hộ giữ lại “tiết mục” chém lợn trong lễ hội làng Ném Thượng là “giữ gìn văn hóa dân tộc, giáo dục con cháu về truyền thống hào hùng” thì thật khó để nhìn thấy những điều như vậy trong ngày 6 tháng giêng hàng năm. Văn hóa ở đâu khi người dân chỉ mong cầu thứ tiền nhuốm máu tanh kia sẽ mang lại cho họ tiền tài lợi lộc? Giáo dục ở đâu khi những đứa trẻ lớn lên với ý nghĩ vui vẻ về giết chóc, thậm chí phấn khích khi nhìn thấy máu tanh?
Mỗi năm một lần, hai con lợn được chăm bẵm núc ních được mang ra “xử trảm”. Nhưng thứ thực sự chém đi không chỉ có vậy. Những mâm cỗ đầy ắp thịt lợn được soạn lên không thể đáng sợ bằng những điều đau lòng nay bỗng trở thành hiển nhiên lộ liễu. Nhiều người cũng mạnh dạn nói những ai phản đối tục lệ này là "đạo đức giả". Tuy nhiên tôi lại sợ rằng ở một xã hội toàn những người "đạo đức thật" đó, người ta thực sự tin rằng mình có toàn quyền sinh sát với những sinh thể trong tự nhiên; rằng giết một con trâu, con lợn cũng dễ dàng như ngắt đi một nhành cây, trái quả; vạn vật xung quanh đều được sinh ra để phục vụ con người.
Ở một thời đại mà mọi thứ đều cần nghiên cứu khoa học, thống kê số liệu, tôi không thể võ đoán rằng những người giết con vật không ghê tay thì cũng sẽ giết người. Nhưng hiện thực cuộc sống cho tôi thấy những con người có thể đối xử tử tế với các giống loài khác (cỏ cây, muông thú) thì nhiều khả năng họ cũng yêu thương và tử tế với đồng loại của mình hơn.
Đương nhiên, một hội làng lớn đến thế từ ngàn năm nay, không thể nói đơn giản là "bỏ", là "cấm" - vì cũng không ai có cái quyền đó cả. Giá mà cuộc vui ấy có thể biến đổi cho hợp thời hơn. Giá mà triết lý giáo dục “uống nước nhớ nguồn”, “truyền thống hào hùng của dân tộc” được thể hiện theo cách mềm mại hơn, bớt đi yếu tố bạo lực và ám ảnh, nhất là trong dịp đầu xuân mới.
70% ông đồ thi trượt: Chuyện đâu chỉ mấy con chữ Chả nên trách các cụ khi mà xu thế "Trưởng giả học làm sang" đang khiến cho các giá trị có nguy cơ bị lệch chuẩn. |