Một người bạn của tôi làm nghề biên tập tên là Tiểu Nghị, đã kể cho tôi một trải nghiệm của cậu ấy. Năm nay khi cậu ấy về quê ăn tết, có người họ hàng thân thích trong gia đình hỏi cậu ta, một tháng kiếm được bao nhiêu tiền?
Tiểu Nghị trả lời thật, nhưng không ngờ sau khi nghe xong, họ đã nói với giọng châm biếm rằng, sao học đại học ra trường mà thua một cậu học trung cấp ở trong thôn, mới đi làm mấy năm nay mà đã mua được nhà ở thành phố rồi, họ còn nói học nhiều như vậy thật là uổng phí.
Tiểu Nghị nói với tôi, hồi đầu năm một công ty truyền thông mà cậu ta rất thích đã đăng tuyển người, thế là cậu ấy đã nộp hồ sơ và trúng tuyển. Mặc dù công việc này lương khởi điểm không cao, lại còn thường xuyên phải tăng ca, nhưng mỗi ngày có thể làm việc với những người cùng chí hướng, cậu ấy cảm thấy cuộc sống của mình rất vui và có ý nghĩa.
Nhưng sau khi nghe họ hàng nói vậy, Tiểu Nghị thật sự muốn tranh luận, nhưng sau một hồi suy nghĩ lại thôi. Trong chuyện này, họ hàng của Tiểu Nghị đã dựa vào số tiền kiếm được làm tiêu chí để phán xét sự thành công của một người, mà Tiểu Nghị thì thì lại xem trọng giá trị và tiền đồ mà công việc đem lại. Hai cấp độ nhận thức khác nhau, thì thật khó đồng quan điểm.
Thế nên khi tiếp xúc với rất nhiều kiểu người khác nhau, nếu mọi chuyện đều muốn tranh biện minh bạch thì cũng tương đương với rước phiền não, rắc rồi vào thân.
Không tranh luận với người không hiểu lý lẽ, bởi vì chúng ta không thể cải biến tính cách và tố chất họ. Chúng ta chỉ có lựa chọn là nhường nhịn và tạo khoảng cách với họ. Nhún nhường không phải mềm yếu, không phải nhượng bộ, mà là lựa chọn tốt nhất cho chính mình.
Người ta vẫn thường cho rằng kẻ giỏi hùng biện mới là thông minh. Thường cho rằng một người có thể nói năng lưu loát trước đám đông thường là những người được mọi người yêu mến, cho dù có đi tới đâu cũng sẽ giống như cá gặp nước. Kỳ thực, bậc trí giả lại hiểu rằng, nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ.
Người trí tuệ, đối với sự thay đổi không ngừng nghỉ của vạn sự vạn vật, đều giữ trong tâm một thái độ trầm tĩnh, độ lượng, như vậy mới có thể dung nạp được nhiều hơn, xử lý mọi chuyện dễ dàng hơn.Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ… Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”.