Interpol Việt Nam và những cuộc truy bắt tội phạm nước ngoài

06:21, Thứ ba 20/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Đối tượng Pandey Prakask được coi là ông trùm của thế giới ngầm tại Ấn Độ, gây ra nhiều tội ác không thể dung thứ, bị cảnh sát nước này truy nã gắt gao. Pandey đã thực hiện một cuộc trốn chạy sang các nước Châu Á trước khi dừng chân ở Việt Nam.

(Phunutoday) - Theo tài liệu của Văn phòng Interpol Việt Nam, từ năm 2005 trở lại đây, tội phạm nước ngoài “thâm nhập” vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trong số đó có không ít những đối tượng cộm cán trong giới tội phạm quốc tế. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam để trốn sự truy nã của Cảnh sát quốc tế.

Tại đây, nhiều đối tượng che giấu thân phận bằng cách cưới vợ ở các vùng quê hẻo lánh, hoặc trốn chui lủi ở nhiều vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, cũng có đối tượng vẫn tham gia các hoạt động "đen" như bảo kê sòng bài, trộm cắp, cờ bạc… Do vậy, các chiến sỹ Interpol Việt Nam thêm vất vả trong công tác truy quét tội phạm quốc tế đang lẩn trốn tại Việt Nam.
    
Bắt ông trùm thế giới ngầm người Ấn Độ

Đến giờ, các chiến sỹ Cảnh sát Interpol Việt Nam vẫn còn nhớ như in ngày tên trùm xã hội đen đặc biệt nguy hiểm người Ấn Độ bị sa lưới tại Việt Nam. Đối tượng Pandey Prakask được coi là ông trùm của thế giới ngầm tại Ấn Độ, gây ra nhiều tội ác không thể dung thứ, bị cảnh sát nước này truy nã gắt gao. Pandey đã thực hiện một cuộc trốn chạy sang các nước Châu Á trước khi dừng chân ở Việt Nam.

Theo hồ sơ của Cảnh sát Ấn Độ, thì ông trùm thế giới ngầm Pandey Prakask (còn có biệt danh là Bunty Pandey), sinh năm 1970, tại bang Uttar Pradesh - Ấn Độ.

Ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, hắn đã tỏ rõ là một tay côn đồ hạng nặng, khi thường xuyên tham gia vào những nhóm đánh lộn gây hấn trên đường phố và giao du với thành viên của những băng đảng ở địa phương. Mẹ mất sớm, cha dượng bỏ đi, hắn nhanh chóng rời nhà và giã từ cuộc sống lương thiện để bước chân vào thế giới đường phố. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Pandey Prakask gia nhập các băng đảng tội ác từ rất sớm và nhanh chóng trở thành một nhân vật cộm cán của thế giới ngầm Ấn Độ.

 Pandey Prakask bắt đầu sự nghiệp tội ác của mình tại chính quê nhà - bang Uttar Pradesh bằng việc gia nhập các băng nhóm buôn rượu lậu kiếm lời. Sau một thời gian ngắn hoạt động thì Pendey đã bị bắt và bỏ tù. Nhưng trong quãng thời gian sống trong tù, tiếp xúc với đủ các thành phần, Pandey ngày càng trở thể hiện rõ bản chất lưu manh, côn đồ sặc mùi xã hội đen của mình.

Được các tiền bối trong tù truyền đạt lại các kinh nghiệm nghề nghiệp, ngay sau khi ra tù, Pandey đã đến Mumbai và đặt chân vào thế giới ngầm ở thành phố này.
Interpol Việt Nam kiểm tra hành lý và giao nộp David Lai cho FBI, Mỹ
Interpol Việt Nam kiểm tra hành lý David Lai

Ở Mumbai, trùm xã hội đen nổi tiếng nhất là Chhota Rajan - kẻ được ví như "Ông vua thế giới ngầm Mumbai" - người thống trị thế giới tội phạm ở thành phố này - kẻ giết người không ghê tay và đang bị truy nã với nhiều tội danh khác nhau.

Sau khi gia nhập các băng đảng tội phạm ở Mumbai, chỉ trong một thời gian, với bản chất tàn bạo của mình, Pandey đã nhanh chóng ghi được số má trong giới tội phạm Mumbai, được ông trùm Chhota Rajan ngày càng tin tưởng và nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực nhất của "Ông vua thế giới ngầm Mumbai".

Dưới sự chỉ đạo của Chhotan Rajai, băng nhóm do Pandey cầm đầu chủ yếu thực hiện việc bảo kê, ép buộc các doanh nghiệp, các nhà thầu ở Mumbai phải nộp tiền cho chúng nếu muốn được yên ổn làm ăn. Không chỉ thế, băng nhóm của Pandey Prakash còn thực hiện các vụ bắt cóc tống tiền với nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi.

Lợi dụng việc có nhiều cô gái mơ ước được bước vào kinh đô điện ảnh Ấn Độ Bollywood, hắn thường cho đàn em đăng những mẩu tin quảng cáo trên báo với nội dung "tìm các gương mặt mới cho các bộ phim điện ảnh chuẩn bị quay" để "tuyển diễn viên".

 Nhiều cô gái trẻ xinh đẹp ôm mộng nổi tiếng đã dễ dàng mắc mưu các đối tượng này và trở thành con mồi của chúng. Sau khi lừa được những cô gái trẻ này, bọn chúng nhốt họ lại rồi buộc gia đình phải nộp một khoản tiền chuộc lớn nếu không muốn con gái mình có một kết cục bi thảm.

Pandey Prakash đã gây ra 30 vụ bắt cóc tống tiền và nhiều vụ án nghiêm trọng khác. Băng nhóm do Pandey Prakash cầm đầu là nỗi ám ảnh thực sự không chỉ với người dân Mumbai mà còn với những người dân ở nhiều vùng khác. Sự hung tàn của hắn đã khiến hắn trở thành trùm xã hội đen cộm cán của Mumbai, chỉ sau Chhotan Rajan.

Ngày 3 -7-1995, tại Bombay, Ấn Độ, Pandey Prakask đã cùng đồng bọn bắn chết một quan chức ngành hàng không vì ông này từ chối nộp tiền bảo kê như các doanh nghiệp khác. Đúng với bản chất hung ác của mình, hắn đã xử lý nạn nhân bằng luật rừng mà không hề run tay. Nạn nhân chết sau đó hai ngày tại bệnh viện. Không chỉ giết người, sau khi gây án, thấy sự có mặt của nhân viên cảnh sát ở khu vực đó, Pandey Prakask còn dùng súng uy hiếp, đe dọa các nhân viên cảnh sát rồi bỏ trốn. Hắn đã chạy trốn sang Nepal, Bangladesh, Thái Lan, Singapore, Campuchia trước khi đến Việt Nam.

Ngay sau khi Pandey Prakask gây ra vụ giết người nghiêm trọng này, Tòa án Ấn Độ đã ban hành lệnh truy nã với Pandey Prakask và lập tức phát lệnh truy nã quốc tế với hắn khi nhận được những nguồn tin cho thấy hắn đã tẩu thoát ra nước ngoài.

Để che giấu hành tung tội ác của mình, tên tội phạm Pandey Prakask đã sử dụng những cái tên khác nhau và dùng hộ chiếu giả tại các quốc gia mà hắn đã đi qua. Vì thế, dù Cảnh sát Ấn Độ cùng với lực lượng cảnh sát của nhiều quốc gia Châu Á đã phối hợp truy bắt tên tội phạm này một cách gắt gao, nhưng đều chưa thành công. Kết cục là trong 10 năm, hắn vẫn sống ung dung ngoài vòng pháp luật dưới vỏ bọc hoàn hảo của mình, trước khi đến Việt Nam.

Tên trùm xã hội đen nguy hiểm của Ấn Độ đã bị Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an) bắt giữ khi đang sống cùng với vợ con trong một căn hộ chung cư ở TP HCM. Sau 10 năm trốn truy nã, chạy hết quốc gia này sang quốc gia khác, Pandey Prakask đinh ninh rằng hắn đã thoát khỏi sự truy đuổi của pháp luật. Vì thế, khi bị tra tay vào còng số 8 tại nhà riêng ở Việt Nam, Pandey hoàn toàn ngỡ ngàng vì không thể tin mình lại có thể bị sa lưới ở xứ sở này.

Vượt qua mọi khó khăn

Theo Tãnh đạo Văn phòng Interpol Việt Nam thì tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài xảy ra tại các địa phương ngày càng phức tạp, tiềm ẩn những diễn biến khó lường và hiện có chiều hướng gia tăng, có dấu hiệu một số băng, nhóm tội phạm người nước ngoài có ý định chuyển địa bàn sang Việt Nam hoặc móc nối với các đối tượng hình sự trong nước để hoạt động phạm tội.

Cụ thể, vào tháng 10/2010, lực lượng Công an Thành phố Hà Nội đã bắt khẩn cấp hai đối tượng là Teddy Wijaya và Aldy Prayoga, đều mang quốc tịch Indonesia về hành vi trộm cắp tài sản trên ô tô, xảy ra vào trưa 12/4/2010. Nạn nhân vừa rút tiền tại ngân hàng, khi ô tô về đến đường Láng, phường Thịnh Quang, Đống Đa thì phát hiện xe bị xịt lốp sau, khi xuống thay lốp thì bị kẻ gian mở cửa trước lấy cắp túi tiền, trong có hơn 2,2 tỷ đồng.

Qua nắm thông tin Công an Thành phố đã khẩn trương điều tra, xác định xe ô tô của nạn nhân bị bọn tội phạm chủ động bắn đinh làm xịt lốp. Tổ chức truy xét cho đến cuối tháng 10/2010, khi các đối tượng vừa nhập cảnh lại vào Việt Nam thì Cơ quan Công an phát hiện và bắt giữ. Hai đối tượng trên khai nhận đã gây ra vụ trộm hơn 2,2 tỷ đồng nói trên.
 
Cũng có không ít những tên tội phạm bị truy nã ở nước ngoài, khi chạy đến Việt Nam, chúng đã cố tình che giấu tung tích của mình bằng cách sống trong một vỏ bọc khác. Cụ thể như trường hợp của đối tượng David Lai Van Mai, người Mỹ gốc Việt bị truy nã về tội hiếp dâm trẻ em. Theo lệnh truy nã của Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI, thì David phạm tội "lạm dụng tình dục trẻ em nhiều lần, có dấu hiệu nguy hiểm".
d
Interpol Việt Nam giao nộp David Lai cho FBI, Mỹ

Khi tiếp nhận lệnh truy nã của FBI, Văn phòng Interpol Việt Nam đã tiến hành xác minh về đối tượng. Qua đó được biết, cuối năm 2007, David đã về Việt Nam ở hẳn. Trước kia anh ta từng có tiền án về tội trộm cắp  tài sản bên Mỹ, rồi anh ta tiếp tục phạm tội hiếp dâm trẻ em, sau đó trốn về Việt Nam.

Qua xác minh được biết, hồi đầu về Việt Nam, David hay ở một số tỉnh trong Nam. Anh ta cộng tác với một người quen mở một một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ. Mặc dù là ông chủ doanh nghiệp, nhưng David rất ít xuất hiện trước các nhân viên. Được một thời gian, làm ăn thua lỗ, David chuyển ra Hải Phòng, nhưng chuyên ở ẩn trong nhà người quen. Lần theo thông tin của David ở Hải Phòng, cuối cùng lực lượng Công an cũng đã tìm được nơi ở của anh ta.

Theo đó, việc bắt giữ David đã được triển khai. Bản chất của tội phạm đang trốn truy nã khá "nhạy" nên vào thời điểm cơ quan Công an truy bắt, David đã trốn khỏi nhà người quen, đến thuê phòng ở tại một khách sạn thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên. Ngày bắt giữ và trao trả David về Mỹ, có 2 sỹ quan của FBI đã đến Việt Nam. Họ nói đã truy tìm David Lai từ rất lâu mà chưa được, bây giờ khi Công an Việt Nam đã bắt được anh ta, họ vô cùng cảm ơn.

Trong một thời gian ngắn, lực lượng Cảnh sát Interpol Việt Nam đã xác minh, phối hợp truy bắt được nhiều đối tượng truy nã người nước ngoài đang lẩn trốn và làm "ông chủ" kinh doanh tại Việt Nam. Khi tiếp nhận các đối tượng truy nã nói trên do Cảnh sát Việt Nam trao trả, lực lượng Công an các nước đã cảm ơn chân thành các bạn đồng nghiệp bởi tinh thần tận tuỵ, nhiệt tình trong việc phối hợp truy bắt tội phạm…

Có tiếp xúc với các cán bộ Văn phòng Interpol Việt Nam thì mới thấu hiểu được những khó khăn mà các anh đã và đang trải qua. Không kể chuyện thường xuyên phải đi xác minh, tiếp cận thông tin về đối tượng truy nã người nước ngoài, thì việc chuyển hoá thông tin từ lệnh truy nã của Cảnh sát các nước cũng đã chiếm rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với lòng tận tụy yêu nghề, các cán bộ Văn phòng đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo bình yên cho cuộc sống người dân.

Minh Hà
[links()]
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc