Kết nối mở rộng văn hóa biển

07:11, Thứ tư 13/02/2013

( PHUNUTODAY ) - Khi nghiên cứu về vai trò của biển đảo trong diễn trình lịch sử Việt Nam, giáo sư Hà Văn Tấn đưa ra khái niệm “đường viền văn hóa biển” để bàn về mối giao lưu văn hóa xuyên đại dương giữa cư dân Việt với các nước.

Khi nghiên cứu về vai trò của biển đảo trong diễn trình lịch sử Việt Nam, giáo sư Hà Văn Tấn đưa ra khái niệm “đường viền văn hóa biển” để bàn về mối giao lưu văn hóa xuyên đại dương giữa cư dân Việt với các cộng đồng cư dân láng giềng.
[links()]
Biển đảo không chỉ là không gian sinh tồn, là chủ quyền muôn đời của dân tộc Việt Nam mà còn là “hành lang” để người Việt truyền bá văn hóa của mình ra bên ngoài và tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài vào Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia biển, với hơn 3.260km bờ biển và gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ tọa lạc trong một không gian biển rộng lớn. Không chỉ có một không gian biển rộng lớn, Việt Nam còn ở vào một vị trí đắc địa khi nằm cạnh các luồng hải thương quan trọng của thế giới, từ thời cổ đại đến ngày nay. Vì thế, không gian biển Việt Nam không chỉ là môi trường sống mà còn là mạch nguồn giao lưu chính trị, kinh tế và văn hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

gom-Chu-Dau-Hai-Duong-ket-noi-van-hoa-Phunutoday.vn.jpg
Đĩa gốm Chu Đậu (Hải Dương), thế kỷ 15, khai quật từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm.

Xét trên khía cạnh “truyền bá văn hóa”, biển đảo chính là “đường dẫn” để văn hóa Việt Nam “nối thông” với thế giới bên ngoài và lưu lại những dấu ấn và ảnh hưởng mạnh mẽ ở những nơi mà văn hóa Việt “cập bến”. Trống đồng Đông Sơn và đồ gốm Việt chính là những “sứ giả” xuất sắc trong hành trình truyền bá văn hóa Việt này.

Trống đồng là biểu tượng của những thành tựu về kỹ thuật, kinh tế và văn hóa của cư dân Việt cổ sống vào thời đại kim khí, mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Trống đồng cũng là biểu tượng của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta: nhà nước của các vua Hùng. Chính vì thế, trống đồng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt, trở thành “linh vật của dân Giao Chỉ” như ghi nhận của Hậu Hán thư.

Tuy nhiên, trống đồng không chỉ hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn được phát hiện ở phía nam Trung Hoa, ở Nhật Bản và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Nam Á liên quan đến trống đồng trong những năm qua cho thấy những dòng sông và những tuyến giao thương đường bộ xuyên quốc gia chính là những lộ trình để trống đồng Việt thâm nhập vào các quốc gia Đông Nam Á lục địa, trong khi đường biển là con đường duy nhất để trống đồng Việt “cập bến” Nhật Bản và các nước Đông Nam Á hải đảo.

Những trống đồng Đông Sơn phát hiện trong các di chỉ ở vùng cận duyên, vốn là những cảng thị cổ, ở Philippines, Malaysia và Indonesia là những bằng chứng sống động cho điều này. Đặc biệt, những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Indonesia là những trống đồng có kiểu dáng đẹp nhất, hoa văn tinh xảo nhất và kích thước lớn nhất trong di sản trống đồng Đông Sơn.

Nhiều nhà dân tộc học và văn hóa học đã xác quyết hình thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn chính là hình mẫu của kiểu nhà mái cong và là totem của nhiều tộc người sống trong vòng cung Thái Bình Dương, điển hình là cư dân vùng Batak và vùng Tongkonan ở Indonesia.

Thậm chí, nhà dân tộc học người Áo Robert Von Heine Geldern (1885-1968), khi nghiên cứu về những điểm tương đồng trong văn hóa của một số dân tộc ở châu Mỹ với văn hóa của cư dân Đông Sơn, đã cho rằng những cư dân đi biển ở Đông Nam Á đã mang văn hóa Đông Sơn tới châu Mỹ trước khi Christopher Columbus đặt chân đến vùng đất này.

Sau trống đồng trong thời Việt cổ chính là đồ gốm trong thời đại đại thương mại hàng hải (thế kỷ 16-17) của thế giới. Sự kiện Christopher Columbus đặt chân đến châu Mỹ vào năm 1492 đã đưa chủ nghĩa tư bản vượt khỏi phạm vi châu Âu và tạo ra một cục diện thương mại mới trong kỷ nguyên đại hàng hải của nhân loại.

Quá trình tìm kiếm thị trường và nguồn hàng hóa mới cho thị trường châu Âu, đặc biệt là hàng gia vị, tơ lụa, đồ gốm sứ... của các quốc gia ở bờ tây Cựu lục địa như Bồ Ðào Nha, Hà Lan, Anh..., đã dẫn đến việc hình thành các con đường tơ lụa, con đường chè, con đường gốm sứ, con đường hồ tiêu... xuyên qua Trung Á, Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương, Ðịa Trung Hải, nối liền các quốc gia Ả Rập, các nước Ðông Á và Ðông Nam Á với châu Âu.

gom-Chu-Dau-Hai-Duong-Phunutoday.vn.jpg
Ấm hình chim phượng, gốm Chu Đậu (Hải Dương), thế kỷ 15, khai quật từ tàu đắm ở Cù Lao Chàm.

Trong thời kỳ này có một sự kiện đáng chú ý, đó là lệnh cấm vận hàng hải do triều Minh ban hành từ năm 1371 đến năm 1567 đã khiến một số mặt hàng thông thương truyền thống giữa Trung Hoa với Nhật Bản và một số nước phương Tây như tơ lụa, gốm sứ... bị cấm vận. Do đó, thương thuyền của Nhật Bản và các nước phương Tây phải tìm mua những mặt hàng thay thế ở các nước khác như Việt Nam, Ấn Ðộ, Xiêm La, hoặc dùng hải cảng của các nước này để trung chuyển hàng hóa giữa Nhật Bản và Trung Hoa.

Ðiều này đã khiến các cảng thị ở miền Trung Việt Nam như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn... trở thành những nơi “trung chuyển” hàng hóa trong vùng biển tây nam Thái Bình Dương và là mắt xích quan trọng trong mạng lưới hải thương từ Á sang Âu và ngược lại.

Thực tế, việc “bế môn tỏa cảng” của Trung Quốc trong thời kỳ này đã tạo điều kiện cho đồ gốm Việt Nam từ các trung tâm gốm ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ “vượt biển” đi đến các nước trong khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản. Một học giả Nhật Bản khác là giáo sư Hasebe Gakuji cho biết “kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở Nhật Bản vào thế kỷ 14 còn kém xa so với kỹ thuật Việt Nam”.

Vì thế, cho đến đầu thế kỷ 16, người Nhật vẫn nhập khẩu nhiều đồ gốm sứ Việt Nam, trong đó ngoài nhu cầu sử dụng còn có mục đích tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm sứ của người Việt Nam. Vì chưa sản xuất được gốm sứ chất lượng cao nên các tàu buôn Nhật Bản đã mua nhiều sành sứ từ Trung Quốc và Việt Nam.

Nhiều thương nhân người Nhật đã tìm mua những đồ gốm Việt Nam để sử dụng trong nghi thức trà đạo. Và con đường để du nhập đồ gốm Việt Nam vào Nhật Bản chính là tuyến hải thương xuyên biển Đông trong thời kỳ thương mại shuinsen (châu ấn thuyền) do Mạc phủ Tokugawa Ieyasu ban hành và thực thi từ năm 1602 đến năm 1635.

Đó chính là lý do giải thích về sự hiện diện của những món đồ gốm Việt Nam hoàn hảo nhất, toàn mỹ nhất trong các bảo tàng hàng đầu ở Nhật Bản như: Bảo tàng Quốc gia Fukuoka, Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Bảo tàng Machida ở Tokyo.

Vậy là biển đảo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển và xác lập chủ quyền quốc gia, mà còn là con đường để truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới bên ngoài và là cửa ngỏ để Việt Nam tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại. Bảo vệ chủ quyền biển đảo còn là để bảo vệ hành lang tiếp nhận và trao truyền văn hóa ấy.

  • (Theo TT Xuân)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc