Đứng trước vành móng ngựa là một cô gái dáng người nhỏ nhắn, nước da xanh xao, trắng bệch, đôi mắt to tròn với hàng mi cong vút nhưng thật đáng tiếc trên gương mặt của “cô” luôn đầm đìa nước mắt khi trình bày về hành vi phạm tội hay hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến một cô gái đang ở độ tuổi đôi mươi đã phải vào nghề “kiều nữ” để làm kế sinh nhai cũng từ các nghề ấy đã dẫn cô vào vòng lao lý.
[links()]
Hệ lụy của việc cha mẹ ly hôn
Phan Thị Kiều Vân, sinh năm 1991, cư ngụ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, sinh ra trong một gia đình không được khá giả mấy.
Hằng ngày, cha mẹ phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống nhưng vẫn cố lo cho hai chị em Kiều Vân ăn học. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng cuộc sống của chị em Kiều Vân luôn được vui vẻ hạnh phúc bên vòng tay yêu thương, nuông chìu của cha mẹ.
Thấy cha mẹ Kiều Vân yêu thương nhau, minh chứng cho tình yêu ấy là hai chị em Kiều Vân đã ra đời. Mọi người trong gia đình cứ ngỡ cuộc đời của họ sẽ hạnh phúc hơn, bởi vì cả hai đều có một lần đó và mỗi người đều có một đứa con riêng.
Nhưng rồi niềm hạnh phúc ấy chưa được bao lâu, tất cả cũng bởi ”Cơm áo gạo tiền” và cảnh “làm dâu”, cha mẹ Kiều Vân một lần nữa đã chia tay.
Bị cáo Phan Thị Kiều Vân trước tòa |
Tuy mới 11 tuổi một độ tuổi chưa đủ lớn nhưng em vẫn nhận thức được thế nào là gia đình tan vỡ, thế nào là sống thiếu tình thương của mẹ hoặc cha, trong khi giữa cha và mẹ em chỉ được quyền chọn chung sống với một người.
Vốn mẹ ở tận vùng quê sông nước miệt vườn, nước ngập mỗi khi mùa mưa đến hay lũ đổ về. Đó là vùng quê Đồng Tháp một trong những tỉnh của Đông bằng Sông Cửu Long nổi tiếng với hoa thơm trái ngọt quanh năm nhưng thật đáng tiếc những thứ ấy cộng với tình thương của mẹ vẫn không lai chuyển được chị em Kiều Vân.
Rồi từ đó hai chị em Kiều Vân đã chọn ở với cha vì cha ở tại Thành phố biển Nha Trang việc đi lại học hành cũng như vui chơi giải trí được dễ dàng thuận lợi hơn.
Ngày một lớn, mỗi khi đi học trông thấy bạn bè có cha mẹ đưa rước nhìn lại mình chỉ có cha, còn mẹ lâu lâu mới điện thoại một lần thăm hỏi sức khỏe của con.
Vả lại, đôi lúc bạn bè lỡ lời: “Cha mẹ bạn Kiều Vân đã ly hôn, Kiều Vân sống với cha”, từ những câu nói vô tình ấy như ngàn mũi kim châm vào tim cô bé.
Cũng từ ấy, cô bé Kiều Vân đã bỏ bê chuyện học hành, vướng thân vào con đường ăn chơi của tuổi học sinh lúc bấy giờ đó là chứng bệnh “nghiệm game online”. Từ đó, việc học của em ngày càng sa sút nên khi học đến lớp 11, Kiều Vân đã quyết định nghĩ học.
“Dù hoàn cảnh của mình không bằng chúng bạn và đôi lúc chợt buồn khi nhớ đến mẹ nhưng khi nghĩ đến cha đang làm thuê, làm mướn nuôi con”, Kiều Vân đã quyết định xin vào làm thuê cho một quán ăn để có thêm thu nhập phụ giúp cha.
Tuy vậy, nhưng bản tính “ham chơi hơn ham làm” vẫn còn trong cô bé nên không bao lâu Kiều Vân đã nghỉ việc. Cũng chính lần nghĩ việc ở Thành phố Nha Trang ấy đã xô đẩy cô bé vào bờ vực thẳm.
Kiều Vân trở thành “kiều nữ”
Sau khi nghỉ việc, Kiều Vân quyết định về quê ngoại để tìm đường lập nghiệp cho mình. Về quê ngoại được một ngày, Kiều Vân biết được chị gái cùng mẹ khác cha với mình đang bán quán “bia ôm” ở thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Biết được sự việc Kiều Vân không ngần ngại, liền điện thoại nhờ chị tìm giúp quán nào có cần tiếp viên để Kiều Vân được vào làm việc “giống như chị”.
Khi chị trả lời: “Đã có nơi làm việc cho em”, tức tốc ngày hôm sau Kiều Vân đã khăn gói lên đường từ Đồng Tháp đến thành phố Vĩnh Long làm tiếp viên cho quán “Làng Việt” một quán khá nổi tiếng về “em út phục vụ tươi mát” ở chốn đô thành này.
Làm tiếp viên ở quán Làng Việt được hơn tháng, lúc ấy có một anh chàng tên là Đỗ Hữu Nhân (sinh năm 1985, cư ngụ xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) thường xuyên lui tới quán để nhậu được “phục vụ tươi mát” chính những lần “tươi mát đó” Nhân luôn được cô kiều nữ mới có tên Kiều Vân phục vụ tận tình.
Được phục vụ mãi rồi cũng quen, sau một thời gian thì tình yêu giữa cô kiều nữ trẻ với anh chàng “hai lúa” “chân lấm tay bùn” sống bằng nghề làm thuê, làm mướn đã chớm nở.
Bị cáo Phan Thị Kiều Vân cùng bố mẹ trước tòa |
Yêu nhau được vài tháng, Kiều Vân nghĩ: “Vốn đời mình đã buồn, đã khổ với mong ước tìm được một người yêu thương mình thật lòng để chia sẻ”.
Trong khoảng thời gian đầu quen biết, Kiều Vân nhận thấy: “Nhân rất yêu thương mình, rất lo và quan tâm mình” nên Kiều Vân cứ nghĩ: “Đó chính là một tình yêu thật sự mà mình cần tìm và anh ấy rất yêu thương mình nên mới đối xử tốt với mình.
Vả lại, mối tình đầu của mình, mình đã chia tay vì người yêu phản bội có nhân tình mới. Có lẽ đây mới là tình yêu thật sự của mình” nhưng Kiều Vân đâu ngờ rằng đó chính là “cạm bẫy của cuộc đời”.
“Đến đất khách quê người chưa được bao lâu, vả lại Nhân cũng không xem thường mình với xuất thân của mình, ngược lại còn đối xử tốt với mình” với những suy nghĩ ấy, Kiều Vân đã đem trọn tình yêu của mình trao cho anh chàng “hào hoa, hai lúa không nghề nghiệp”.
Vốn rất thương “người yêu” Kiều Vân cũng không ngần ngại trao cả cuộc đời con gái cho anh ta. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bi kịch trong cuộc đời Kiều Vân.
Khi kiều nữ nổi cơn ghen
Sau những lần yêu nhau và làm chuyện “vợ chồng” tại nhà của Nhân, Nhân bắt đầu lộ nguyên hình là một tên “sở khanh”. Cái quý giá nhất của đời con gái đã “ăn xong” và “ăn nhiều lần” nên Nhân đã chán và luôn miệng đề nghị Kiều Vân chia tay, cho đến một hôm:
Vào khoảng 18 giờ ngày 07/9/2011, Kiều Vân gọi điện thoại cho Nhân, qua nói chuyện giữa Kiều Vân và Nhân xảy ra cự cãi về việc Nhân không muốn tiếp tục quan hệ tình cảm với Kiều Vân nữa.
Từ đó làm cho Kiều Vân tức giận nên nảy sinh ý định lấy con dao thái lan mà Kiều Vân đã mua sẵn để đâm Nhân cho hả giận.
Với ý định đó, trong lúc ngà ngà say Kiều Vân đã điều khiển xe môtô đến đến nhà tìm Nhân. Đến nơi, Kiều Vân trông thấy Nhân đang ở trần nằm trên võng ở vườn nhãn cạnh nhà liền hỏi: “Tại sao anh chửi tôi”, Nhân trả lời: “Chỉ giỡn chơi thôi”.
Do có ý định từ trước nên khi nghe Nhân trả lời, Kiều Vân lợi dụng lúc Nhân quay mặt đi hướng khác đã dùng dao mang theo đâm một nhát vào vùng bụng bên trái của Nhân.
Sau khi bị đâm, Nhân ôm bụng chạy vào nhà của người hàng xóm nói: “Con đã bị Kiều Vân đâm rồi”, nói xong Nhân ngã khuỵu xuống ngất và được mọi người đưa đi cấp cứu. Sau khi đâm Nhân xong, Kiều Vân đã bị hàng xóm giữ lại và báo Công an xã Long Mỹ đến xử lý.
Kết quả giám định pháp y số 205/GĐPY ngày 08/12/2011 của Phòng pháp y Bệnh viên Đa khoa tỉnh Vĩnh Long kết luận thương tật của Đỗ Hữu Nhân: Vết thương thủng cơ hoành, thủng gan trái, thủng dạ dày, vết thương ngực phải mổ dẫn lưu và lấy máu cục. Tỷ lệ chung là 59%.
Phiên tòa đầy nước mắt
Vào ngày 15/5/2012, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án giết người ra xét xử sơ thẩm. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo là Phan Thị Kiều Vân đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Khi vị chủ tọa hỏi: ”Quan hệ giữa bị cáo và bị hại như thế nào?”, bị cáo trình bày: “Sau khi vào làm tiếp viên của quán không được bao lâu thì Nhân thường hay tới lui quán của bị cáo và được bị cáo phục vụ. Từ đó, hai người có quan hệ tình cảm với nhau và đã chung sống với nhau như vợ chồng nhiều lần”.
Chủ tọa hỏi tiếp: “Bị cáo có yêu thương Nhân thật lòng không? Nếu yêu thương thật lòng sao có hành động như thế đối với người bị hại”, bị cáo trả lời: “Thưa chủ tọa, bị cáo yêu thương Nhân thật lòng còn anh Nhân đùa cợt với tình cảm mà bị cáo đã dành cho anh.
Bị cáo và bị hại đã nhiều lần “làm chuyện tình yêu” đã vậy bị hại còn muốn bỏ bị cáo tìm người phụ nữ khác. Nhiều lúc bị cáo thấy bị hại nhắn tin và điện thoại nói chuyện rất ngọt ngào với người con gái khác, bị cáo hỏi thì Nhân trả lời chỉ là bạn bè thôi.
Chủ tọa hỏi tiếp: “Nhân có phải là mối tình đầu của bị cáo không?”, bị cáo trả lời: “Thưa chủ tọa không, mối tình đầu của bị cáo ở Nha Trang, trong lúc yêu bị cáo anh ấy lại bắt cá hai tay có người phụ nữ khác nên bị cáo đã chia tay.
Khi đến Vĩnh Long anh Nhân đối xử với bị cáo rất tốt nên bị cáo đã trao trọn đời con gái cho anh nên khi bị anh đòi chia tay bị cáo mới ức lòng”....
Đứng trước tòa cô kiều nữ trẻ đã nhiều lần rơi nước mắt khi kể lại quá trình phạm tội cũng như tình yêu mà bị cáo đã dành cho Nhân. Dù vậy, đứng trước vành móng ngựa bị cáo vẫn thừa nhận hiện nay bị cáo vẫn còn yêu thương Nhân, tình yêu mà bị cáo dành cho Nhân là tình yêu chân thật xuất phát từ con tim.
Những lời nhận tội ấy, làm cho mẹ bị cáo lẫn mẹ người bị hại không cầm được nước mắt nhưng rất tiếc trong quá trình xét xử dù tòa có triệu tập đến nhưng Nhân đã cố tình vắng mặt với lý do đi làm xa để cho mẹ ruột phải chứng kiến cảnh đau lòng này.
Thấu hiểu nổi đau lòng của người con gái nên trước tòa, bà Võ Thị Hiền – mẹ của người bị hại Nhân cho biết: “Khi nghe sự việc cháu Kiều Vân đâm con tôi tôi tức lắm nhưng khi nghe bị cáo trình bày cũng rất đáng thương nên tôi yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Thay mặt HĐXX phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán-Chủ tọa phiên tòa ông Lê Thành Tân nhận định: “Giữa bị cáo và bị hại là những người đã thành niên, có đầy đủ nhận thức về lời nói và hành động của mình là đúng hay sai.
Lẽ ra bị hại với tư cách là người yêu của bị cáo nên có những lời nói dễ nghe hơn và có trách nhiệm khi đã sống chung như vợ chồng với bị cáo; về phía bị cáo lẽ ra khi có mâu thuẫn nên bình tĩnh xem xét lại sự việc còn có nhiều cách giải quyết khác có kết quả tốt hơn, có thể nhờ đến cha mẹ hai bên can thiệp thì có thể sự việc cũng không đến nỗi như ngày hôm nay.
Xét bị cáo là một người phụ nữ mà có hành vi dùng dao là hung khí sắc bén đâm bị hại với tỷ lệ thương tật 59% cho thấy hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất côn đồ hung hăng mà cáo trạng đã truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.”.
Tuy nhiên, HĐXX xét thấy bị cáo bản thân bị cáo chưa tiền sự, tiền án; sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị hại cũng có một phần lỗi, sau khi nhận tiền khắc phục hậu quả của bị cáo xong, phía gia đình bị hại đã có đơn xin bãi nại cho bị cáo.
Đồng thời bị cáo phạm tội chưa đạt nên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 08 năm tù về tội giết người.
- Trà Ôn