Kí ức của gia đình có đám hỏi 9 người tử nạn tàu đâm

11:33, Thứ hai 04/04/2011

( PHUNUTODAY ) - Nghe đứa con trai gọi điện thoại nói, bố ơi, vừa có một vụ tai nạn tàu hỏa đâm ô tô giống như vụ nhà mình năm trước. Con đi qua sợ quá cũng không dám đứng lại xem, máu nhiều lắm, tôi rùng mình nghĩ lại cái cảnh nhà mình ngày xưa.

(Phunudoisong) - “Chiều hôm, nghe đứa con trai gọi điện thoại nói, bố ơi, vừa có một vụ tai nạn tàu hỏa đâm ô tô giống như vụ nhà mình năm trước. Con đi qua sợ quá cũng không dám đứng lại xem, máu nhiều lắm, tôi rùng mình nghĩ lại cái cảnh nhà mình ngày xưa. Kể cả trong mơ nhiều lần tôi vẫn thấy rõ chiếc đầu tàu hỏa lao sầm vào chiếc ô tô gia đình tôi đang đi”...

Sáng 22/11/2009,  xe ô tô 30 chỗ do Phan Xuân Năng điều khiển chở một đám hỏi đi đến xã Văn Tự, huyện Thường Tín. Trong khi điều khiển xe qua đường sắt ra QL1A (cũ), do đèn tín hiệu đường sắt bị hỏng, Năng không quan sát kỹ nên không phát hiện ra có tàu hỏa đang lao tới... Hậu quả của vụ tai nạn kinh hoàng này đã khiến 9 người tử vong và 18 người bị thương. Đám hỏi thành đại tang.

Gia đình có đám hỏi đó là ông Trần Minh Khánh (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội). Ông không khỏi xót xa cho những nạn nhân đang phải chịu nỗi đau mà ông đã từng nếm trải, khi ngày vui của gia đình trở thành ngày tang tóc.

Nỗi đau chưa nguôi

Ngày 21/11/2009 là một ngày kinh hoàng không thể nào quên đối với gia đình ông Khánh. Hôm đó là ngày ăn hỏi của người con trai út Trần Quốc Huy. Sau khi đến nhà gái tổ chức xong, gia đình ông trở về nhà. Đến khu chợ Tía, Phú Xuyên, thuộc địa phận thôn Nguyên Hanh, văn Tự, Thường Tín, vì là đoạn đường lên dốc, đi qua đường sắt để ra QL1A cũ, hai bên có nhà dân, lái xe đã tăng ga để lên dốc.

Cùng lúc đó, tàu Thống Nhất hướng Hà Nội – TP. HCM đi đến. Do cột đèn tín hiệu đường ngang bị hỏng, lái xe chủ quan không chú ý quan sát tàu hỏa vẫn điều khiển ôtô tiến về phía trước.

“Lúc ấy dân ở bên kia đường người ta cứ khua tay hét “tàu hỏa, tàu hỏa đến” nhưng lái xe vẫn lao sang. Sang được một phần thì tàu hỏa ập đến, đâm thẳng vào đuôi ô tô thì ô tô quay đầu lại 180 độ đập vào đầu tàu và bị lật nghiêng. Bốn cậu sinh viên bê tráp, 2 người bạn thân của cháu Huy cùng cậu em ruột của tôi chết ngay tại chỗ.

Diệp và mẹ cháu bị kẹt trong gầm ghế, tôi tay vừa run, vừa sợ, đầu óc không nghĩ được gì chỉ biết là cố gắng lôi cháu mình ra để đưa đi cấp cứu. Cũng tưởng hai mẹ con cháu bị thương thôi chứ đâu có biết cơ sự lại thế này. Đau đớn lắm cô à, may mắn là tôi và hai con trai chỉ bị nhẹ”. Nhìn di ảnh 2 mẹ con trên bàn thờ, đôi vai run run ông đưa tay quệt dòng lệ đang tuôn trào trên má.
 
Ông Khánh bên bàn thờ người con dâu và cháu gái
Ông Khánh bên bàn thờ người con dâu và cháu gái

Những hình ảnh kinh hoàng xưa cũ lại ùa về trong ông, nỗi đau mất đi người con dâu trưởng và cháu gái nội vẫn chưa nguôi ngoai nơi căn nhà ông cùng gia đình chung sống. Giọng nói đứt quãng trong tiếng thở gấp, ông bảo: “Thấy bố cháu gọi điện về mở cửa lấy quần áo thay cho cháu, mình chẳng còn hồn vía nào nữa, cứ thế chạy ra ngoài đường vừa khóc, vừa gọi: “Hương ơi, Diệp ơi”. Lúc ấy chả biết gì chỉ biết vừa khóc vừa kêu tên 2 mẹ con cháu thôi. May mọi người dân phố chạy ra giữ tôi lại. Tôi như người điên dại. Mọi người dìu tôi lên gác nằm chờ người ta đưa 2 mẹ con cháu về.

Bây giờ nhớ cháu, lúc nào nghỉ trưa thấy cánh cửa đập lại tưởng cháu về. Lắm hôm cứ vô thức chờ đến 12h trưa để cùng ăn cơm, không thấy cháu tôi lại hỏi bà nhà tôi. Nhưng rồi khi sực nhớ ra lại vội gạt nước mắt. Cả bà nhà tôi cũng vậy. Lúc nào lên đây dọn dẹp, trông thấy ảnh cháu lại khóc”.

Ngồi cạnh ông Khánh, em Trần Hồng Ly, chị gái của Diệp và cũng là người chứng kiến vụ việc xảy ra trên chuyến xe định mệnh ấy. Em cũng bị thương tích đầy mình, xương chậu bị giãn phải nằm một chỗ, 3 tháng sau mới đi lại được. Ly nhớ lại: “Lúc tai nạn em cũng đang lơ mơ ngủ, khi ngẩng lên đúng là lúc mũi tàu đâm thẳng vào em, mẹ em ngồi đằng sau. Rồi cảm giác quay quay choáng ngất, khi mở mắt ra thấy xe nằm nghiêng và mọi người nằm la liệt”.

Bình tĩnh và nén lại cảm xúc, em tâm sự: “Em cứ nghĩ nó chỉ xảy ra ở đâu xa xôi chứ không bao giờ em lại nghĩ nó xảy ra với gia đình mình. Và nhất lại là một nơi như Thường Tín em nghĩ nó không quá xa Hà Nội. Cho đến khi thấy mẹ và em Diệp nằm trong vũng máu em mới lờ mờ đoán ra. Đó là hình ảnh luôn đọng lại trong tâm trí. Và em cũng không bao giờ quên hình ảnh bố vừa khóc vừa thông báo mẹ và em Diệp mất. Đây là lần đầu tiên em thấy bố như vậy và em hiểu bố đau đớn đến nhường nào”.

Gia đình là điểm tựa để vượt qua nỗi đau

Trải qua biến cố, đó là một cú sốc tinh thần rất lớn đối với cô bé Ly, nhưng để tìm lại sự bình yên đã mất, em đã tìm đến điểm tựa nơi gia đình.

Ly chia sẻ: “Sau khi gia đình xảy ra chuyện, các thầy ở chùa cũng bảo không nên thắp hương, đốt vàng mã nhiều, chỉ ngày 15, mùng 1 thôi nhưng từ khi mẹ em mất cho đến tận năm nay, qua cả Tết ngày nào bố em cũng thắp hương, thay nước, vàng mã, hoa quả… Những ngày lễ, sinh nhật chưa năm nào bố không có quà dành cho mẹ và em gái. Bố em vẫn để nguyên đồ đạc các thứ của hai mẹ con. Kể cả ảnh, đồ chơi, sách vở chưa ai di chuyển cái gì đi cả. Qua cái cách bố em chăm sóc mẹ như vậy em có cảm giác mẹ và em gái như vẫn luôn ở bên cạnh bố con em. Em càng yên tâm hơn. Đêm em cũng thường hay mơ về mẹ và em gái nên cảm giác đau buồn, mất mát cũng vơi đi.

Em khâm phục bố lúc đau đớn nhất, chân bị thương nhưng lúc ấy bố em vẫn ngồi đây, trước bàn thờ 2 mẹ con và thiết kế mộ cho 2 người. Tính toán từng cm, xây làm sao cảm giác cho hai ngôi mộ nó ôm vào nhau, rồi chọn đá gì... bố em làm từ A đến Z. Tuần nào bố em cũng về quê, có tuần đi cả 3 – 4 lần chỉ để theo dõi việc làm mộ thì em mới biết tình cảm của bố dành cho hai mẹ con là thế nào”.

Ly bảo, khi mẹ mất, nghe mẹ nuôi nói sau này em sẽ rất thiệt thòi, lúc đó trong em chưa thực sự biết cảm giác ấy. Và khi đã trải qua hơn một năm thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, em mới biết mất mẹ là như thế nào.

“Những lúc nhìn người ta đi Tết, mẹ con người ta đi mua quần áo với nhau, đi với nhau như hai người bạn mình lại cảm giác thiếu thốn một cái gì đấy. Ngày trước khi em còn bé, ngày sinh nhật, buổi sáng thức giậy em đều nhận được một món quà và chiếc thiếp xinh xinh mẹ để sẵn trên giường. Lên cấp 3 lúc đấy lớn và không thích mẹ mua quà cho nữa nhưng bây giờ khi đi sinh nhật bạn, thấy mẹ bạn tặng quà lại thấy nhớ mẹ và mong được trở lại như ngày xưa.

Khi nghe vụ tai nạn tàu hỏa chiều 30/3, em rất bàng hoàng, thấy số lượng người ta mất cũng nhiều, em thực sự chia buồn với gia đình người bị nạn. Mình cũng trải qua cái cảm giác đấy, biết sự mất mát nó như thế nào nhất là những người đi cùng gia đình em nghĩ mọi người nên bình tĩnh để chấp nhận nỗi đau này. Cảm giác mất mát lúc đầu nó sẽ chưa quen nhưng mọi người cũng nên dần chấp nhận với nó, thời gian sẽ xóa đi tất cả những nỗi đau ấy.

Em cũng hy vọng những người lái xe nên có trách nhiệm hơn một chút. Bởi vì họ lái xe không chỉ vì mạng sống của chính họ mà còn là mạng sống của những người khác. Nếu có điều đáng tiếc xảy ra sẽ không có gì bù đắp nổi. Tài xế nên quan sát cẩn thận hơn nhất là khi qua những khu vực đường sắt như vậy. Em nghĩ những lúc ấy nên dừng lại ở một khoảng cách an toàn, không được cố. Và em cũng mong rằng không có tai nạn tương tự như vậy xảy ra nữa”. Em nói.

Nguyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc