Người ta biết nhiều đến ông với nghị lực vươn lên trong cuộc sống và có nhiều thành tích trong phong trào thể dục thể thao. Nhưng ít ai biết được rằng, thấp thoáng sau những thành công đó của ông luôn hiển hiện hình ảnh hai người phụ nữ, cũng chính là hai người vợ cùng ông vượt qua mọi gian lao, thử thách. Một người đi cùng ông trong những cuộc thi, một người âm thầm ở nhà chăm lo, vun vén cho gia đình để ông yên tâm trong những ngày xa nhà.
[links()]
Người thương binh đào hoa
Ông chính là Hà Quý Phiến, sinh năm 1940, tại làng Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), người giành huy chương bạc môn bóng bàn tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games) tổ chức tại Việt Nam năm 2003.
Gặp ông trong căn nhà gỗ đơn sơ, năm nay đã 70 tuổi nhưng ông Phiến vẫn tinh tường khỏe mạnh, cùng với chiếc nạng bên mình ông thoăn thoắt những thao tác cá nhân thành thục để đun nước, pha trà mời tôi.
Nhâm nhi chén trà đặc rồi ông cho tôi biết: Khi 25 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc ra chiến trường. Sau 6 tháng huấn luyện, ông được phân công về Đại đội 75, Binh trạm Bắc Tây Nguyên làm nhiệm vụ bảo vệ đường Trường Sơn. Năm 1972, trong một trận chiến không cân sức, ông Phiến đã bị trúng đạn pháo, phải cưa đứt chân bên trái mới bảo toàn tính mạng.
Ông bùi ngùi kể lại: "Hôm ấy, tiểu đội của tôi chỉ có 3 người ở lại trực chiến, số còn lại đi giúp các tiểu đội khác san lấp hố bom. Một đại đội pháo của địch bất ngờ đổ bộ xuống, chỉ có 3 anh em chúng tôi cầm cự với địch, khoảng nửa giờ sau đó mới được một tiểu đội khác sang hỗ trợ.
Ông Hà Quý Phiến bên vợ cả và người cháu. |
Giữa lúc đó, một mảnh pháo 223 rơi xuống chém đứt một thân cây to cách vị trí tôi đứng chưa đầy 2m, mảnh pháo bắn ra, phang trúng vào chân tôi. Toàn bộ phần xương chân trái bị gãy dập vụn, chân mềm nhũn chỉ còn lại phần thịt, không thể băng bó được.
Nhìn xung quanh không thấy ai, tôi gắng gượng hết sức bò vào hầm rồi lôi toàn bộ số thuốc dự trữ có trong người ra uống mà không cần biết đó là thuốc gì, tiếp đó lê người, kê chân lên một thân cây, dùng dao găm tự tay cắt đứt phần chân bị gãy, sau đó băng bó và nằm chờ đồng đội…".
Sau 17 ngày nằm tại trạm tiền phẫu, sức khoẻ dần hồi phục ông quay trở lại đơn vị làm nhiệm vụ thêm 6 tháng. Tháng 12/1972 ông ra Bắc điều dưỡng rồi trở về quê hương. Duyên số đã đưa ông gặp cô giáo đẹp người, đẹp nết Trần Thị Đông, vốn là người bạn gái cùng trường phổ thông năm xưa.
Năm 1973, anh thương binh và cô giáo trẻ nên vợ nên chồng. Ông bảo: "Lúc mới đầu tôi và bà ấy (bà Đông – PV) gặp nhau cũng chỉ nói chuyện như những người bạn thông thường, lâu ngày không gặp mặt. Do cùng xã nên chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Khi đó bà ấy làm giáo viên dạy tiểu học, có nghề nghiệp ổn định lại là con nhà gia giáo, nền nếp nên cũng không ít người theo đuổi.
Nhưng trong những câu chuyện hàng ngày tôi biết được bà ấy chưa có ai trong lòng. Thấy thế tôi mạnh dạn tỏ tình, tôi cũng chẳng hiểu sao ngày đó bà ấy lại đồng ý nhận lời cầu hôn của tôi, một anh thương binh mất một chân trong khi không ít chàng trai lành lặn vây quanh. Điều đó làm cho chính tôi cũng phải bất ngờ trong niềm hạnh phúc".
Bà Đông lúc đó ngồi cạnh chia sẻ: “Với người phụ nữa điều quan trọng nhất là lấy được người đàn ông thật thà, chất phác. Thấy ông ý (ông Phiến – PV) là bộ đội cụ Hồ lại bị thương binh về nhà một mình nên tôi cũng đem lòng thương mến. Hai chúng tôi cũng hợp tính nhau.
Ngày lấy ông ý về làm chồng nói thực là tôi cũng có tình cảm nhưng chưa đến mức được gọi là tình yêu, nhưng rồi sau đó tôi cảm phục tinh thần, ý chí vươn lên của ông ý”.
Những tấm bằng khen ông Hà Quý Phiến đã đạt được trong thi đấu bóng bàn. |
Cưới nhau xong, 3 đứa con lần lượt ra đời. Sức khoẻ của ông Phiến lại không được tốt. Mỏm xương chân trái liên tục chồi ra khiến ông phải phẫu thuật cưa đi, cưa lại đến 5 lần mới chấm dứt hẳn. Người vợ thì ngoài công việc trường lớp còn bận chăm sóc bố mẹ già và đàn con mọn nên chẳng làm thêm được việc gì.
Nhìn đàn con nheo nhóc và bố mẹ ngày càng già yếu trong ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo, ông thầm nghĩ: "Mình là thằng đàn ông, là trụ cột gia đình chẳng nhẽ cứ chịu cảnh đói, cảnh nghèo đeo đuổi mãi. Chiến tranh ác liệt là thế còn chẳng chết, chẳng lẽ giờ sống trong cảnh thanh bình lại chịu đầu hàng cái đói, cái nghèo".
Nghĩ vậy ông bắt tay vào xoay xoả đủ thứ nghề. Người lành lặn mưu sinh đã vất vả, đằng này ông chỉ còn một chân nên kiếm bát cơm manh áo càng khổ trăm lần. Chẳng còn thứ nghề nào mà ông không trải qua. Hết việc ruộng đồng lại làm thuê, làm mướn, đánh giậm.
Đến năm 1976, xã bên có cô thôn nữ tên Vũ Thị Mai năm ấy vừa tròn 28 tuổi, hàng ngày thấy ông “quần quật” đi làm qua nhà mình, hay ghé qua quán uống nước mà thấy có thiện cảm. Tuy nhiên, lúc ấy bà Mai chưa biết là ông Phiến đã có 1 vợ 3 con. Chỉ đến khi có tình cảm với ông, rồi tự bà tìm hiểu sâu xa mới biết.
Bà Mai bảo: “Lúc biết ông Phiến đã có gia đình tôi cũng thất vọng lắm, nhưng đã…trót có tình cảm với ông ấy rồi nên tôi quyết tâm theo đuổi”. Rồi đến một ngày, bà Mai mạnh dạn ngỏ lời với ông Phiến cho mình về làm “vợ lẽ” để cùng ông và bà Đông gánh vác công việc gia đình.
Lời đề nghị của cô thôn nữ làm ông Phiến sửng sốt, ông không giám quyết định ngay mà về “hỏi ý kiến người vợ cả”. Bà Đông nhớ lại: “Ban đầu khi nghe thấy thế tôi không đồng ý, chẳng có người phụ nữ nào muốn chia sẻ chồng mình cả.
Nhưng một thời gian trôi đi, cô Mai vẫn nuôi giữ ý định đó, kèm với việc ông Phiến hàng ngày đi làm vất vả từ sáng tới tối mà nhà vẫn không đủ ăn, cô Mai cũng là người con gái ngoan hiền. Nghĩ thương chồng, thương con và trân trọng tình cảm của cô Mai giành cho chồng mình nên tôi đã đồng ý”.
Ngày đầu mới về, ông Phiến cùng 2 bà vợ cùng ngủ chung giường. Nhưng sau đó, điều kiện kinh tế khá giả hơn thì ông đóng thêm một chiếc giường nữa rồi cho hai bà ra ngủ riêng. Sau những năm tháng chung sống, người vợ thứ 2 sinh thêm cho ông Phiến 2 người con nữa.
Tuy sống trong cùng căn nhà với cảnh chung chồng nhưng hai bà chẳng bao giờ to tiếng cãi vã hay có những điều bất bình cả. Nếu có điều gì chưa phải đều được ông Phiến phân xử rất công bằng.
Hiện tại, 3 ông bà đang sống ở 3 nhà khác nhau (mỗi người một nhà) nhưng đến bữa các bà lại đến nhà ông Phiến đang ở để chuẩn bị và ăn cơm cùng ông. Ông phiến tươi cười bảo: “Nhà tôi đang ở hai bà đều có chìa khóa, bà nào muốn thì đều có thể đến ở cùng tôi còn không thì lại ở nhà riêng”.
Người cùng ông “chinh chiến”, người ở nhà chăm con.
Ông Phiến bắt đầu đến với môn thể thao bóng bàn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ông kể: "Ban đầu cũng là tập theo phong trào, tập để giữ gìn sức khoẻ. Hàng ngày, cứ rảnh rỗi là ông lại đạp xe hàng chục cây số để đi tập.
Ban đầu tập cũng vất vả lắm, đã có lúc nghĩ mình không thể làm được. Vết thương trong người thỉnh thoảng lại "thức dậy", hành hạ cơ thể ông. Có lúc đang tập bên bàn bóng ông ngã vật ra đất, lăn lộn vì cơn đau chợt đến.
Những lúc ấy ông phải nằm ở nhà mấy ngày để dưỡng thương, 2 người vợ nhiệt tình chăm bẵm ông không một lời than vãn". Hình ảnh 2 người vợ cặm cụi bên giường bệnh luôn ám ảnh trong đầu ông, thôi thúc ý nghĩ từ bỏ môn thể thao mình yêu thích.
“Nhưng khi tôi khỏe lại, thấy mấy hôm tôi không đi đánh bóng bàn nữa thì hai bà gặng hỏi nguyên nhân. Khi biết được lý do, hai bà đã động viên tôi rất nhiều. Chính hai bà ý đã đưa tôi quay trở lại với cây vợt, quả bóng và niềm vui của mình”, ông Phiến nói.
Bà Mai tươi cười nói: “Nhớ lại những lần ông ấy không đi đánh bóng bàn mà ngồi ở nhà rồi mặt cứ đần ra, đi đi lại lại trong nhà như buồn bực điều gì ấy. Rồi hình ảnh những lúc ông ấy vui vẻ, thoải mái mỗi khi đi đánh bòng về cho tôi biết được rằng niềm vui của ông ấy chính là việc tham gia đánh bóng bàn. Vì thế, tôi luôn động viên ông ấy tham gia mặc dù trong nhà lúc bấy giờ cũng rất khó khăn…”.
Năm 2003, hơn mười năm kể từ khi ông bắt đầu làm quen với môn bóng bàn, Para Games 2 do Việt Nam đăng cai được tổ chức tại Hà Nội cũng là lúc ông tham gia thi đấu lần đầu tiên.
Lần đó, nghe tin Việt Nam được đăng cai tổ chức Para Games, ông Phiến đã khăn gói lên Hà Nội để tìm hiểu và đăng ký dự thi. Khó khăn mãi ông mới được ghi tên tham dự. Và lần đó dù không được tập luyện tập trung như các vận động viên khác, ông đã giành được chiếc huy chương Bạc.
Từ đó, ông Phiến trở lên nổi tiếng, chiếc huy chương bạc như càng thôi thúc ý chí của ông, giúp ông luyện tập hăng say hơn. Ông không bỏ một cuộc thi nào ở trong nước giành cho người khuyết tật.
Khi tham gia giải ông phải thường xuyên vắng nhà, đặc biệt có giải tổ chức ở trong Nam, ông phải xa nhà cả tháng. Chi phí tham dự giải đều do ông tự bỏ tiền túi ra.
Những lần như thế, bà Đông lại cùng chồng khăn gói lên đường tham dự các giải, còn bà Mai ở nhà chăm nom vườn tược, công việc đồng áng và nuôi dạy các con. Ông Phiến chia sẻ:
“Cuộc đời tôi gắn liền với hai người phụ nữ, hai người vợ mà ai cũng có công lớn trong bảng thành tích thể thao của tôi cho đến ngày hôm nay. Bà Đông luôn bên cạnh chăm sóc, động viên tôi trong mỗi giải đấu, còn bà Mai tảo tần việc nhà để cho tôi yên tâm mỗi khi xa nhà. Có được hai bà là niềm may mắn cũng là huy chương cao quý nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho tôi”.
Khi được tôi thắc mắc: Tại sao trong nhà chỉ thấy treo ảnh của ông chụp với bà cả? Ông Phiến trả lời: Vì bà cả luôn đi cùng tôi trong những giải đấu, khắp trong Nam ngoài Bắc còn bà hai thì luôn ở nhà nên không được chụp. Rồi ông Phiến còn dặn dò thêm:
“Nhưng không phải vì thế mà tôi coi thường bà hai đâu cháu nhé! Tính bà hai cũng không thích phô trương, nhiều phóng viên tới nhà muốn chụp ảnh 3 chúng tôi nhưng bà ấy nhất quyết không chịu vì nghĩ rằng mình có làm gì to tát đâu”.
Khi tôi có mặt tại nhà ông Phiến, cũng là lúc ông chuẩn bị lên đường tham dự giải bóng bàn cho người khuyết tật khu vực sông Hồng được tổ chức tại Hà Nội. Ông Phiến cùng hai bà đang tất bật chuẩn bị hành lý để cho ngày mai lên đường “chinh chiến”, mỗi người mỗi việc như đã được “lập trình” sẵn. Có lẽ họ đã quá quen với những việc như thế này.
- Đông Tẩu