Báo Dân Trí dẫn thông tin từ một phát thanh viên của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, một cậu bé đã bị đánh thuốc mê và bất tỉnh trước khi kẻ bắt cóc lấy cắp đôi mắt.
Vụ việc diễn ra vào hôm 26/8, khi cậu bé đang chơi một mình trước sân thì bị một kẻ buôn bán nội tạng bắt cóc. Sau đó cậu bé được người thân phát hiện thấy ở một cánh đồng gần nhà trong tình trạng mặt đầy máu. Đôi mắt của cậu bé cũng được tìm thấy ở khu vực gần đó nhưng giác mạc thì không còn.
Bố cậu bé kể lại: “Máu phủ khắp mặt thằng bé. Mí mắt thì lộn ra ngoài, còn bên trong tròng mắt không còn nữa”.
“Khi phát hiện ra con, chúng tôi không để ý là đôi mắt đã bị lấy đi. Tôi chỉ nghĩ cháu bị ngã từ trên cao và bị rách mặt”.
Cậu bé đang được điều trị tại bệnh viện. |
Hiện giờ cậu bé đang được điều trị tại bệnh viện. Nhiều người tỏ ra rất phẫn nộ trước vụ việc này. Một người viết trên mạng xã hội cho biết: “Chuyện này thật quá tàn ác, làm sao ai đó lại có thể tàn nhẫn như vậy?”.
Cảnh sát Trung Quốc đã thông báo sẽ trao thưởng 100.000 nhân dân tệ (16.300 USD) cho ai bắt được kẻ tình nghi. Cảnh sát cũng cho biết thêm rằng kẻ bắt cóc là một phụ nữ.
Trước đó, năm 2012 cũng diễn ra một vụ án kinh hoàng. Tân Hoa xã vào ngày 27/5/2012 lần đầu tiên xác nhận vụ bắt giữ Zhang Yongming 56 tuổi, nghi can giết người hàng loạt ở tỉnh Vân Nam rồi đem nội tạng ra chợ bán. Kết quả điều tra cho biết trong 4 năm, Zhang đã giết 11 thanh thiếu niên trong tổng số 17 người được thông báo mất tích tại làng Nanmen, nơi y sinh sống. Dân làng đều gọi Zhang là "Quái vật ăn thịt người".
Cũng trong năm 2012, một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc và 6 người khác đã bị bỏ tù vì tội buôn bán nội tạng bất hợp pháp và tội cố ý làm phẫu thuật lấy thận của một thiếu niên, vốn đồng ý bán thận để có tiền mua iPad và iPhone.
Theo thống kê từ Bộ Y tế Trung Quốc cho thấy khoảng 1,5 triệu dân cần được cấy ghép cơ quan nội tạng mới, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 10.000 ca được thực hiện do thiếu nguồn hiến tặng. Tình trạng này dẫn tới "chợ đen" buôn bán nội tạng người. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, thận chiếm 75% các thương vụ mua bán nội tạng trên toàn cầu. Trong năm 2010 có 106.879 ca ghép nội tạng ở 95 quốc gia thành viên, cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Nhu cầu thực tế ngày càng tăng, nguồn cung lại bị cắt giảm nghiêm trọng đã thúc đẩy sự ra đời của một "ngành kinh tế", "thị trường nội tạng chợ đen". Ở thị trường này, người bán, người mua, môi giới, bệnh viện đều có lợi, họ phối hợp chặt chẽ với nhau và mỗi thành phần phụ trách một khâu tạo thành dịch vụ trọn gói hoàn chỉnh.
Du lịch ghép tạng ở Trung Quốc phát đạt
Một trong những nguồn cung cấp nội tạng lớn ở Trung Quốc là tử tù. Một điều tra bí mật của BBC cho biết, việc kinh doanh nội tạng tử tù tại Trung Quốc đang rất “phát đạt”, đáp ứng nhu cầu của nhiều bệnh nhân nước ngoài.
Theo một quan chức, tử tù tự nguyện hiến nội tạng của họ như là “quà tặng cho xã hội”. Tại Hội nghị ghép gan quốc tế tháng 7/2005, Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Huang Jiefu cũng thừa nhận phần lớn ca ghép gan ở Trung Quốc là nhờ nguồn từ tử tù.
Chỉ cần lên mạng tìm kiếm là thấy ngay nhiều trung tâm ghép tạng Trung Quốc đua nhau quảng cáo: chỉ chờ từ 1 đến 4 tuần với chi phí ghép thận khoảng 62.000 USD, ghép tim 140.000 USD...
Do nhu cầu thúc đẩy, nhiều người có tiền từ các nước phương Tây, từ Nhật, Hàn Quốc... kéo sang Trung Quốc để được ghép tạng.
Như ở Anh, dù 1/5 dân, khoảng 13 triệu người, đã ký giấy hiến tặng sau khi chết nhưng mỗi năm chỉ có thể ghép được không tới 3.000 ca trong số hơn 8.000 ca có nhu cầu, do đó Trung Quốc là điểm đến “du lịch ghép tạng” lý tưởng.