"Tôi đột nhiên thấy rất bất an. Tôi tìm khắp trên các con phố, gọi cho bạn bè và gia đình. Nhưng chẳng ai thấy con gái của tôi cả" - chị kể - "Con tôi đi vào một nhà vệ sinh công cộng mà chẳng mang theo gì cả. Không tiền bạc, không điện thoại, không quần áo... Chúng tôi nghĩ rằng con mình đã bị bắt cóc."
Cả ngàn người mất tích chỉ trong vòng một năm
Karen mất tích vào tháng 4/2013, khi mới 14 tuổi. Cô bé chỉ là một trong số hàng ngàn bé gái và phụ nữ mất tích suốt mấy năm gần đây ở bang Mexico, một khu vực hành chính rộng lớn bao gồm cả thủ đô Mexico City.
Riêng trong giai đoạn 2011 - 2012 đã có 1.238 bé gái và phụ nữ mất tích. Trong số đó, có 53% là các cô gái trẻ, tuổi từ 17 trở xuống.
Không ai biết rõ có bao nhiêu trong số đó được tìm thấy còn sống, đã chết hay vẫn mất tích. Có điều chắc chắn rằng đây là bang nguy hiểm nhất đối với phụ nữ Mexico- với ít nhất 2.228 nạn nhân là nữ giới đã bị sát hại trong thập kỷ qua.
Gia đình Syama bên một tấm poster chứa thông tin tìm kiếm cô bé. |
Trở lại trường hợp Elizabeth, chị đã báo cáo vụ mất tích của con gái sau 3 giờ tìm kiếm trong hoảng loạn. Nhưng ở Mexico, cảnh sát sẽ không điều tra việc ai đó mất tích, trừ phi họ đã biến mất suốt 72 giờ đồng hồ.
Vì thế Elizabeth và chồng, anh Alejandro, đã tự lần theo các dấu vết. Họ bắt đầu bằng cách kiểm tra các tài khoản của con gái trên nhiều mạng xã hội. "Khi vào Facebook, chúng tôi nhận ra rằng con gái có một tài khoản mà mình không biết, với hơn 4.000 người bạn. Chuyện thật giống như mò kim đáy bể, nhưng rồi chúng tôi đã chú ý tới một gã đàn ông. Gã thường chụp ảnh với những cô gái ăn mặc thiếu vải, những khẩu súng lớn và có khá nhiều bạn bằng tuổi con gái tôi" - chị Elizabeth kể.
Anh Alejandro cho biết qua một số thao tác kiểm tra, hai vợ chồng biết chắc rằng gã này đã dụ dỗ Karen. Gã nói chuyện như một tay buôn ma túy, về các vùng lãnh thổ, về các chuyến đi, rằng gã sẽ sớm tới gặp Karen.
Chính gã này đã liên lạc với Karen, vài ngày trước khi cô bé mất tích. Gã còn trao cho cô bé một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Và dĩ nhiên gia đình anh Alejandro chẳng hề biết về những chuyện này.
Theo Tổ chức Di trú quốc tế, mỗi năm có gần 20.000 người bị buôn lậu ở Mexico. Đa số là phụ nữ và các bé gái, bị buộc phải tham gia bán dâm. Nhà chức trách nói rằng có một lượng lớn nạn nhân bị dụ dỗ qua mạng Internet và xu hướng này đang tăng lên.
Gia đình Karen nhận ra rằng họ chẳng có nhiều thời gian để chống lại việc con mình bị bán khỏi đất nước. Họ gây sức ép với cảnh sát và dán poster tìm người mất tích ở khắp nơi. Họ còn đưa trường hợp của con mình lên TV và bản tin phát thanh.
Nỗ lực của họ đã được đền đáp. 16 ngày sau khi Karen mất tích, cô bé được phát hiện bị bỏ rơi tại một bến xe buýt, cùng một cô gái khác cũng đang bị mất tích. Nỗ lực của gia đình Karen khiến những kẻ buôn người từ bỏ kế hoạch đưa cả hai tới bán tại New York.
Tuy nhiên gã đàn ông lừa cả hai cô gái đã không bị bắt. "Gã đó hứa hẹn con tôi về việc được đi lại, về tiền bạc, một sự nghiệp âm nhạc và sự nổi tiếng. Gã thao túng con tôi khá tốt và con tôi đã không nhận ra sự nguy hiểm mà cháu đang vướng phải" - anh Alejandro chia sẻ.
Thi thể của vài cô gái mất tích đã được tìm thấy tại con kênh Grand Canal ở bang Mexico. |
Kiên trì nuôi hy vọng
Kể từ khi Karen trở về, chị Elizabeth và anh Alejandro đã giúp đưa 21 cô gái về đoàn tụ với gia đình của họ. Nhưng nỗ lực của cả hai vẫn chưa dừng lại ở đó và họ vẫn còn một tập tài liệu dày, chứa thông tin về các cô gái mất tích, với một số nạn nhân chỉ mới 5 tuổi.
Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên hãng tin BBC, chị Elizabeth nhận được tin báo nhờ giúp tìm hai chị em gái, với một bé mới 14 tuổi và bé còn lại 3 tuổi. Cả hai đã mất tích khi đang chơi bên ngoài nhà của các em. Nhưng lần này, Elizabeth chẳng giúp được gì nhiều, vì cả hai bé gái được phát hiện đã chết chỉ một hôm sau.
Phóng viên cũng được nghe câu chuyện về một bé gái có tên Syama Paz Lemus, đã mất tích một cách bí ẩn khi mẹ cô bé đi làm. Syama thường dành rất nhiều thời gian ở trên mạng xã hội. Ngày Syama mất tích, hàng xóm nói rằng họ đã thấy cô bé ra mở cửa cho một gã đàn ông trùm kín đầu và sau đó cả hai cùng nhau lên một chiếc xe màu trắng rồi ra đi.
Khi biết con gái mất tích, mẹ Syama là chị Neida đã lên Facebook tìm kiếm dấu vết của con. Nhưng tài khoản của cô bé đã bị khóa lại. Chỉ sau khi lục lọi kỹ hơn, chị mới tìm thấy một thư mục chứa đầy những lời đe dọa do một gã đàn ông gửi tới Syama, ép cô bé phải đi cùng gã.
Ngày ra đi, Syama có để lại một số lá thư cho mẹ và ông bà, với nội dung nói rằng mọi người đừng nên lo lắng, rằng cô bé rồi sẽ ổn thôi. Nhưng 10 tháng kể từ khi Syama mất tích, đã chẳng có ai nhìn thấy cô bé trở lại nữa.
Tháng 7 vừa qua, thống đốc bang Mexico lần đầu thừa nhận rằng bạo lực giới là vấn đề nghiêm trọng tại một số khu vực của bang. Ông cũng đã ban hành "báo động giới tính" tại 11 trên 125 khu vực địa phương thuộc bang, gồm vùng Ecatepec, nơi Syama từng sống.
Điều này có nghĩa nhà chức trách địa phương phải điều tra nguyên nhân xuất hiện tình trạng bạo lực giới tính, đồng thời ban hành các biện pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Vụ việc liên quan đến Syama hiện vẫn đang được cảnh sát điều tra và gia đình cô bé vẫn giữ hy vọng lạc quan. "Câu chuyện của Karen cho chúng tôi hy vọng rằng ngày nào đó con mình có thể trở lại. Nhưng đây là điều rất khó xảy ra, bởi tình trạng mất an toàn. Thậm chí dù đã ở trong nhà mình, anh vẫn không được an toàn" - mẹ của Syama chia sẻ.
Thanh Hóa: Xôn xao 1 người phụ nữ mất tích đầy bí ẩn trong đêm Khi bố mẹ đẻ của chị Hiền mang cơm và thuốc đến cho con gái thì bất ngờ phát hiện chị đã mất tích trong tình trạng khóa cổng, khóa nhà, xích …của chị đều bị phá. |
Giăng dây điện ngang đường cướp xe máy trong đêm Khi anh Thọ bị té ngã nằm gục dưới đường, cả 5 đối tượng liền chạy lại cướp xe rồi bỏ trốn |