Kinh nghiệm chữa hiếm muộn nghìn năm của Trung Quốc

19:17, Thứ sáu 10/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Với các gia tộc lớn, việc sinh con trai để kế thừa tài sản và sự nghiệp của dòng họ cũng vô cùng quan trọng. Còn các gia đình bình thường, sinh con trai là để có người làm lụng và sau đó là thờ cúng tổ tiên.

(Phunutoday) - Trung Quốc - lịch sử vài nghìn năm điều trị bệnh hiếm muộn- Ngày nay, nếu đến bất kỳ một bệnh viện, khoa, hay trung tâm điều trị vô sinh nào tại Trung Quốc, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe giới thiệu về phương châm điều trị ứng dụng các công nghệ và kĩ thuật tiên tiến nhất của phương Tây, nhưng vẫn kiên trì với hướng đi điều trị bệnh hiếm muộn theo kiểu của Trung Quốc, với việc bắt mạch, dùng thuốc Đông y và châm cứu. Người Trung Quốc có một niềm tin khá vững chắc vào lịch sử chữa trị bệnh hiếm muộn vài nghìn năm của mình.
[links()]
Khoa điều trị hiếm muộn của Trung Quốc có một lịch sử lâu đời. Trung Quốc thời cổ trung đại là một đế quốc hùng mạnh, và chế độ truyền ngôi cha truyền con nối khiến cho sự ổn định chính trị xã hội gắn liền với yêu cầu phải có con trai nối dõi. Vì thế, hiếm muộn trở thành mối đe dọa lớn nhất cho việc thừa kế ngai vàng.

Với các gia tộc lớn, việc sinh con trai để kế thừa tài sản và sự nghiệp của dòng họ cũng vô cùng quan trọng. Còn các gia đình bình thường, sinh con trai là để có người làm lụng và sau đó là thờ cúng tổ tiên.

Một người đàn ông không có con trai đồng nghĩa với việc anh ta không tồn tại! Do vậy, đàn ông Trung Quốc xưa kia có thể lấy bao nhiêu bà vợ tùy ý, để có thể sinh con. Nhưng tất nhiên điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu nguyên nhân việc hiếm muộn nằm ở anh ta, chứ không phải ở các bà vợ!

Muốn biết người Trung Quốc thời xưa điều trị bệnh vô sinh như thế nào, trước hết phải hiểu cách người Trung Quốc nhìn bệnh vô sinh của nam giới. Đông y cho rằng thận chính là nơi kết tinh và quyết định khả năng tình dục và sinh sản.

Đi cùng với thận là các cơ quan khác như gan, lá lách, tim... ảnh hưởng đến việc có con. Do vậy, uống các loại thuốc chế từ thảo dược hay động vật, đi châm cứu, hay làm gì đi nữa, với các thầy thuốc Đông y, chỉ có một mục đích duy nhất: bổ thận.

Chữa trị bệnh hiếm muộn ở phụ nữ tại Trung Quốc cũng đã có một lịch sử lâu dài.Vị trí của phụ nữ trong thời xưa rất thấp, một người phụ nữ chân chính Trung Quốc phải có "tam tòng": "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai). Một người phụ nữ không sinh được con trai cho chồng, tức không còn ai để "theo" nên bị xã hội và gia đình coi là kẻ bỏ đi.

Chữa bệnh vô sinh nữ, vì vậy, là vấn đề sống còn với họ. Người Trung Quốc cho rằng, đàn ông bản chất là Dương, đàn bà bản chất là Âm. Vì là Âm, nên tử cung người phụ nữ rất dễ bị nhiễm lạnh, một khi bị nhiễm lạnh, thận yếu, gan ướt, khí huyết trì trệ không lưu thông, sẽ dẫn đến vô sinh. Với người phụ nữ hiếm muộn, Đông y lấy điều trị gan làm căn bản, gan làm lưu thông khí huyết, và làm các cơ quan khác trở nên tươi mới.

Căn bệnh của thời "hiện đại" và phương châm Đông Tây y kết hợp

Thời cổ của Trung Quốc là cho rằng: Các loại rượu ngâm và bào thai hươu nai có tác dụng điều hòa khí huyết, tăng cường khả năng có con
Thời cổ của Trung Quốc là cho rằng: Các loại rượu ngâm và bào thai hươu nai có tác dụng điều hòa khí huyết, tăng cường khả năng có con

Mặc dù đã có lịch sử vài nghìn năm điều trị bệnh hiếm muộn, song ngày nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với bệnh này như một trong những vấn đề nan giải nhất của Trung Quốc hiện đại. 20 năm trước, tỉ lệ vô sinh của Trung Quốc là 3%.

Còn hiện nay, theo thống kê, cứ 8 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có 1 cặp phải đối mặt với các vấn đề về sinh sản. Tỉ lệ vô sinh hiện nay của Trung Quốc đã lên đến 12,5 - 15%, nghĩa là gần bằng tỉ lệ vô sinh 15%-20% của các nước phát triển.

Chính sách "mỗi gia đình có một con" của Trung Quốc hiện nay cũng làm tăng thêm áp lực với những cặp vợ chồng hiếm muộn. Vì mỗi gia đình chỉ có duy nhất một con, đứa con trở thành thứ vô cùng quý giá và ý nghĩa.

Và cho dù xã hội Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thì việc các thành phố hiện đại hóa với các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, các làn đường cao tốc chạy chằng chịt khắp nơi không có nghĩa là người Trung Quốc dễ dàng chấp nhận cuộc sống không có người nối dõi theo cách mà nhiều người phương Tây đang chấp nhận.

Hiện nay, phương hướng điều trị bệnh hiếm muộn tại Trung Quốc thường đi theo hướng Đông - Tây y kết hợp. Y học cổ truyền của Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến việc điều trị toàn diện, đến hoàn cảnh và tính chất riêng biệt của mỗi người bệnh. Còn y học hiện đại của phương Tây với những máy móc thiết bị công nghệ cao trong việc chẩn đoán được coi là công cụ bổ trợ cho điều trị Đông y.

Trung thành với truyền thống, chiếc chìa khóa vàng trong điều trị bệnh hiếm muộn của Trung Quốc vẫn là điều trị thận. Ngay cả đối với những vấn đề gây ra hiếm muộn của người vợ liên quan đến buồng trứng, ống dẫn trứng, dạ con... thì người Trung Quốc cũng chủ trương tăng cường các cơ quan nội tạng một cách tổng thể, chứ không điều trị một cách đơn lẻ.
 
Theo giáo sư Huang Yongquan, chuyên gia điều trị bệnh vô sinh với 20 năm kinh nghiệm, thì với hiếm muộn ở phụ nữ: "Bạn phải luôn bắt đầu từ thận, đến việc lưu thông máu, và sau đó là điều trị phục hồi chức năng buồng trứng".

Không còn gì phải tranh cãi, bệnh hiếm muộn giờ đây đã trở thành một loại bệnh "hiện đại" của xã hội Trung Quốc. Các bệnh viện chuyên khoa điều trị bệnh hiếm muộn thi nhau mọc lên tại các thành phố lớn. Tại các bệnh viện đa khoa, khoa Hiếm muộn cũng trở nên đắt khách hơn trước nhiều.
 
Bên cạnh đó là sự ra đời liên tục của các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ điều trị bệnh vô sinh. Các dịch vụ được phát triển đến mức hoàn hảo nhất để phục vụ cho yêu cầu của khách hàng thời hiện đại.
 
Với nhiều bệnh viện hay trung tâm, trước hết, bạn có thể vào trang web để tham khảo, và online đợi bạn là một đội ngũ các y, bác sĩ tận tình, sẵn sàng "chat" với bạn bất cứ lúc nào để giải đáp mọi thắc mắc. Và tất nhiên, sẽ có vô vàn các phương án điều trị để bạn lựa chọn. Chị Li Jing, 38 tuổi, hiện đang điều trị bệnh vô sinh tại Thượng Hải cho biết:
 
"Tôi cảm thấy đau đầu khi đứng trước quá nhiều các phác đồ thăm khám bệnh và điều trị. Tôi không biết phải chọn lựa phương án nào". Quả thật, các dịch vụ điều trị bệnh hiếm muộn đã và đang đặt người bệnh trước rất nhiều chọn lựa: chọn nơi chữa, chọn cách chữa, và tất nhiên, phải chọn lựa cả những chi phí “cắt cổ” nữa.

Thuốc trị hiếm muộn? Hãy tìm mua trên mạng...

Khi hiếm muộn ngày càng phổ biến, các phương pháp điều trị bệnh cũng trở nên ngày càng đa dạng hơn. Ngoài các phương pháp chữa bệnh mang tính chất khoa học, đã xuất hiện không ít các sản phẩm chữa bệnh kì quái lạ lùng.
 
Trang mạng taobao.com là trang bán hàng online lớn nhất của Trung Quốc, ở đây, bạn có thể tìm thấy mọi hàng hóa đủ kiểu, đủ loại. Vài năm trở lại đây, đã xuất hiện trên trang mạng này các sản phẩm tự nhận là thuốc điều trị vô sinh, trong đó, có cả các loại thuốc tự chế kiểu "cây nhà lá vườn".
 
Và người tiêu dùng tha hồ lựa chọn. Có điều, không biết tác dụng của các loại thuốc này đến đâu, bởi đó là điều không tổ chức nào kiểm nghiệm được. Thử lướt qua vài ba "sản phẩm", chúng ta sẽ thấy sự đa dạng phong phú không thể tưởng tượng nổi của thị trường thuốc hiếm muộn này:

Chẳng hạn, trong tác phẩm y học nổi tiếng thời cổ của Trung Quốc là "Bản thảo cương mục" có chép rằng: "Bào thai của hươu nai có tác dụng điều kinh dưỡng khí, làm tan khí trệ". Và thế là các sản phẩm từ bào thai hươu nai đương nhiên được coi như thuốc chữa hiếm muộn hiệu quả theo đúng phương châm của Đông y.
 
Trên trang taobao.com, chúng ta tìm thấy các sản phẩm như: Lộc Thai Cao (cao làm từ bào thai của hươu nai), trọng lượng: 200g, nơi sản xuất: Hắc Long Giang, giá bán: 45 tệ (khoảng 150 nghìn đồng Việt Nam); Lộc Thai Cao tự chế , trọng lượng: 50g, nơi sản xuất: Quế Lâm, giá bán: 18 tệ (khoảng 60 nghìn đồng Việt Nam).
 
Biện pháp Đông - Tây y kết hợp cũng được áp dụng triệt để: sản phẩm có tên Ích Nhân Đường, được giới thiệu là kết hợp kinh nghiệm lâm sàng với phương thuốc bí truyền, với giá bán 288 tệ (khoảng 900 nghìn đồng Việt Nam) một thang.
 
Thậm chí, người ta còn rao bán những phương thuốc mà mục "thành phần" chỉ ghi vỏn vẹn hai chữ: Bảo mật, như loại thuốc có tên Thiên Kim Chủng Tử Hoàn, được bán với giá 597 tệ (khoảng 1 triệu 900 nghìn đồng Việt Nam) 3 bình.
 
Bạn có thể tự hỏi, ai sẽ là khách hàng của các sản phẩm kỳ lạ không được kiểm chứng này? Tuy nhiên, nếu một cặp vợ chồng hiếm muộn đã thử nhiều cách chữa trị khác nhau mà không có hiệu quả, thì việc họ tìm đến một bài thuốc "dân gian" bán trên mạng với một niềm hi vọng mong manh, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Với tất cả những điều trên, quả thật, vấn đề hiếm muộn và cách chữa trị ở Trung Quốc vẫn là một câu chuyện nóng sốt chưa có lời giải đáp.
 
  • Việt Phương

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc