Nhiều người nghĩ rằng, trong xã hội ngày nay, khi nhân loại đã trở nên văn minh hơn, khi sự đói khổ ngày càng giảm đi thì chuyện phải ăn bùn đất để đỡ đói là chuyện không thể tồn tại nữa. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Ở châu Phi, trong một khu vực rộng lớn từ sa mạc Sahara trở xuống phía Nam, từ vịnh Guinea ở phía tây cho tới Ấn Độ Dương ở phía Đông, những người da đen châu Phi vẫn giữ tập tục ăn bánh bùn như một truyền thống văn hóa ẩm thực của họ.
Thơm ngon như sôcôla
Tôi được tận mắt chứng kiến tập tục khá kỳ quái của những người da đen châu Phi này trong thời gian còn làm việc ở Tanzania, một quốc gia thuộc Đông Phi. Ở gần trụ sở làm việc của tôi là một ngôi làng nhỏ của những người dân địa phương nên mỗi khi mọi người ở nơi làm việc ăn cơm tối xong thường đi vào trong làng, vừa tản bộ và cũng là vừa ngắm cảnh.
Trong những lần đi dạo vào làng như vậy, tôi thường thấy những đứa trẻ con trong làng cầm một chiếc bánh hồng hồng, giống như chiếc bánh đa quế ở ta nhưng to và dầy hơn một chút. Nhìn thấy những đứa trẻ da đen cầm những chiếc bánh này cắn ăn ngon lành, còn hơn một đứa trẻ phương Tây ăn một thỏi sôcôla béo ngậy, ban đầu cả bọn chúng tôi đều cho rằng, đây ắt hẳn là một món bánh đặc sản địa phương.
Vì vậy, tôi mới chặn một đứa trẻ lại hỏi đây là món đặc sản gì. Đứa trẻ ngây thơ vừa cười vừa nói: “Đây là bánh bùn!”, rồi chạy biến. Tôi đã thực sự rất ngạc nhiên, bánh bùn thì làm sao mà ăn được? Hay là đứa trẻ muốn giễu cợt tôi? Những người châu Phi quả thực là có những điều khiến người ta phải điên đầu nhức óc mà nghĩ không ra.
Mọi chuyện bẵng đi cho tới một hôm tôi ra chợ mua đồ ăn. Lúc bấy giờ, tôi mới biết rằng người dân nơi đây quả thực có tập tục ăn bùn đất như một món ăn. Trong chợ, ngoài những gian hàng xanh xanh đỏ đỏ của những thịt, những rau, những hoa những quả, có hẳn một gian riêng bán bùn, mà toàn là loại bùn màu đỏ.
Đất đai ở Tanzania đâu đâu cũng đều là loại dất có màu đỏ. Đây cũng là lý do những người Maasai thích mặc những bộ quần áo màu đỏ, vì tổ tiên của họ từ xa xưa đã dùng bùn đất để nhuộm quần áo, thành ra, với những người Maasai, màu đỏ là màu quần áo truyền thống, rất được ưa chuộng.
Vì tò mò không biết món bùn này sẽ được chế biến ra sao, tôi mới đánh bạo hỏi người chủ quán những giỏ bùn màu đỏ này dùng làm gì. Chủ quán nói, nó là thứ đồ ăn bổ dưỡng đối với những phụ nữ mang bầu. Bùn đất thì làm gì có dinh dưỡng gì mà là đồ ăn bổ dưỡng? Thấy tôi lộ vẻ mặt nghi ngờ, ông chủ quán bán bùn còn cười nhạo, nói tôi là kẻ ngu ngơ chẳng biết gì.
Để ý một vòng quanh chợ, tôi thấy những người mua loại bùn này thường là những người phụ nữ. Theo cách nói của ông chủ quán nọ thì có lẽ trong gia đình những người phụ nữ này ắt hẳn có người mang bầu.
Những người bán hàng nói, ngoài phụ nữ mang thai thì chỉ có trẻ con mới ăn bánh bùn chứ đàn ông thì chẳng ai ăn. Tuy nhiên, nếu tôi muốn thì cũng có thể thử một chiế. Nhận được lời đề nghị, tôi cũng do dự lắm.
Phần vì tò mò nên cũng muốn thử, nhưng phần vì biết chắc món bánh này làm từ bùn, thành ra chẳng dám ăn. Cuối cùng thì tôi cũng quyết định cắn thử một miếng nhỏ. Miếng bánh có một chút vị mặn của muối, một chút ngậy của bơ lại, vừa có một chút vị chát cũng có một chút vị tanh của bùn. Nói chung là với tôi, nó cực kỳ khó ăn.
Không còn cách nào khác, tôi đành nhổ ra, vẻ mặt nhăn nhó khiến mấy người bạn da đen được một trận cười nghiêng ngả. Tôi đưa miếng bánh còn lại cho một cậu bé đứng gần đó. Ngay lập tức, cậu bé cắn miếng bánh ăn ngon lành giống như ăn một thỏi sôcôla vậy.
Sau này, tôi biết rằng, không phải loại bùn nào người châu Phi cũng đem làm bánh ăn cả. Tôi từng tham gia một buổi đào bùn của những người dân nơi đây. Họ lấy bùn ở dưới những lớp đất sâu vài chục mét.
Ắt hẳn là họ nghĩ rằng, ở sâu dưới mặt đất, bùn sẽ sạch hơn. Những mẻ bùn đỏ này sau khi đào lên sẽ được mang về nhà đãi sạch sạn và các tạp chất, sau đó pha nước trộn đều và đánh lên cho nhuyễn và quánh lại. Tiếp đó, bùn được nắn thành các đoạn dài rồi dùng dao cắt thành từng khúc nhỏ. Công việc tiếp theo là dùng lửa để hong khô. Người dân nơi đây nói rằng, hong khô là cách để diệt hết vi khuẩn trong bùn.
Người ta nói rằng, ăn bánh bùn là một tập tục có từ lâu đời của người châu Phi, là kết quả của quá trình thích nghi với sự biến đổi của tự nhiên hàng trăm, hàng ngàn năm của tổ tiên họ.
Theo cách quan niệm của họ, bùn đất chính là tượng trưng cho người phụ nữ. Bởi vì bùn đất chính là thứ nuôi dưỡng vạn vật trên hành tinh này. Phụ nữ cũng vậy, trong gia đình, họ đảm nhiệm vai trò của người nuôi dưỡng và chăm sóc những đúa con, vì vậy trong thời kỳ mang thai, những người phụ nữ phải thường xuyên ăn bùn.
Nhiều người cho rằng, thực tế đây là một tập tục cổ hủ và lạc hậu, bởi vì bùn đất thì làm gì có chất dinh dưỡng mà bồi bổ cho những người phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy.
Các nhà khoa học người Nam Phi đã tiến hành một nghiên cứu và khẳng định rằng, trong thổ nhưỡng nơi đây có tới 65 loại nguyên tố có lợi cho cơ thể. Ngoài ra, trong đất còn chứa các hạt điện âm có thể ngăn chặn các chất độc xâm nhập vào máu khiến độc tố bị thải ra ngoài qua thận và ruột.
Ở một số nơi ở châu Phi, người ta còn dùng bùn đất để trị các bệnh như kiết lỵ hay tiêu chảy. Các nhà khoa học cũng đã tiến hành làm hóa nghiệm với những người phụ nữ mang thai ở Tanzania và họ đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng, người phụ nữ chỉ cần ăn nửa lạng bánh bùn mỗi ngày thì có thể cung cấp đủ 80% lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
Đó là chưa kể đến tác dụng giải độc của bùn đất có thể giúp bảo vệ thai nhi khỏi các loại vi khuẩn, vi trùng. Thêm vào đó, bùn đất thường có tính kiềm nên nó có thể trung hòa với axit trong ruột từ đó làm giảm nhẹ các phản ứng trong thời kỳ mang thai của phụ nữ, chẳng hạn như buồn nôn trong thời kỳ nghén…
Cũng có lẽ vì những lợi ích vô hình mà có lẽ bản thân những người da đen châu Phi cũng không ý thức được hết nên tập tục có phần kỳ quái này vẫn được duy trì cho tới tận ngày nay. Và cũng vì thế, việc tìm đất, trộn và chế biến đất trở thành một thứ bí quyết gia truyền đối với nhiều gia đình nơi đây.
Ở thời hiện tại, khi những kiến thức khoa học thường thức đã được phổ cập, ngoài những cái lợi nho nhỏ thì việc ăn bùn đương nhiên là không hợp vệ sinh chút nào. Vì vậy, hiện tại, những người châu Phi sống ở các thành thị ăn bánh bùn ngày càng ít đi.
Một là vì những người phụ nữ mang thai đã có đầy đủ các thứ đồ ăn bổ dưỡng mà không cần đến bùn đất nữa, hai là vì trẻ con cũng có đủ những món quà vặt khác nên cũng chẳng thiết tha gì món bánh bùn nữa. Thêm nữa, ở những thành phố đang được bê tông hóa, việc tìm ra được một mẻ đất thích hợp để làm bánh là chuyện cực kỳ khó khăn. Vì vậy, tục ăn bánh bùn gần như chỉ còn tồn tại ở một số làng quê ở những vùng hẻo lánh.
Kỳ thực thì không chỉ có những người châu Phi mới có tập tục ăn bánh bùn kỳ quái này. Một số địa phương ở Haiti, một quốc gia thuộc Nam Mỹ cũng có truyền thống này. Ban đầu là vì những người dân nơi đây không có nhiều lương thực, vì đói quá mới nghĩ ra món bánh bùn ăn cho đỡ đói. Dần dần, ăn bánh bùn trở thành một truyền thống ẩm thực. Những người dân Haiti cho rằng, con người từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đi không thể tách khỏi mặt đất được. Vì vậy, con người phải biết hấp thụ những dinh dưỡng cũng như tinh thần từ đất mẹ. Nguyên liệu đất tốt nhất ở Haiti có thể dùng làm bánh là đất lấy từ khu vực miền trung của quốc gia này. Sau khi nhào trộn đất và lọc thật kỹ cho sạch sạn người ta cho hợp chất bùn đất đặc quánh này vào trong các khuôn, làm thành những chiếc bánh hình tròn.
Khác với những người châu Phi ở Tanzania, người Haiti không nướng bánh mà đem phơi khô. Khi nào những chiếc bánh đất được nắng hong cho khô trắng ra là lúc ấy có thể ăn được. Một gia đình người Haiti mỗi ngày làm khoảng vài chục chiếc bánh. Ở chợ, người ta bán 10 đồng xu Mỹ cho 5 chiếc bánh như vậy.
Ngoài những người châu Phi và Haiti, ở một số quốc gia châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan hay Xibia, người ta cũng có tập tục ăn bánh bùn như vậy. Thành ra, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, không biết có phải vào một giai đoạn nào đó trong lịch sử toàn bộ nhân loại sinh sống trên trái đất đã phải ăn những chiếc bánh bùn để chống đói hay không?
Minh Minh