Câu chuyện 2 ngôi làng "sát vách" nhau ở Hà Nam nhưng trai gái không được kết hôn khiến nhiều người biết đến đều thấy bất ngờ. 2 ngôi làng này là làng Quang Ốc và Nội Rối ở xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Liên quan đến câu chuyện kỳ này, ông Viết Văn Giòng (85 tuổi, làng Quang Ốc) cho biết: ‘Từ ngày xưa, trai gái của 2 làng Quang Ốc và Nội Rối dứt khoát không được kết hôn. Tương truyền có lời nguyền còn được lưu lại, đóng đinh trên cột đình của đình làng Quang Ốc về chuyện này’.
Được biết, nguyên nhân trai gái 2 làng này không được kết hôn xuất phát từ một câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa ở vùng đất này.
Theo đó, trước đây, hai làng thân thiết và không xảy ra xích mích gì, tuy nhiên, từ ngày lý trưởng làng Quang Ốc gả con gái cho con trai của lý trưởng làng Nội Rối thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
Trong một lần con gái lý trưởng làng Quang Ốc nhìn thấy quyển sổ địa chính của bố chồng thì có tiết lộ rằng cha mình cũng có một chiếc quyển giống như vậy. Nghe thấy vậy, người bố chồng đã bảo con dâu về nhà bên ấy lấy cho ông mượn xem. Không mảy may suy nghĩ gì, cô con dâu đã về nhà bố đẻ lấy quyển sổ đem cho bố chồng.
Sau khi có được quyển sổ địa chính của làng bên thì lý trưởng làng Nội Rối đã nảy sinh ý định chiếm đất và cho người cắm các cột mốc sang phần đất làng Quang Ốc.
Khi phát hiện bị lấn chiếm đất, dân làng Quang Ốc đi kiện nhưng bất thành. Sau đó, họ đã tiến hành đào một con đường ngăn đôi 2 làng để tránh việc bị làng bên chiếm đất. Cuộc tranh chấp đất giữa 2 làng Quang Ốc và Nội Rối đã có xung đột, đổ máu nên làng Quang Ốc vô cùng bất bình.
Sau đó, đã có một cuộc họp trong làng được tổ chức tại đình Quang Ốc. Các cụ trong làng cho rằng, nguyên nhân xảy ra sự việc này là do con gái trong làng được gả sang làng Nội Rối và vô tình gây tổn hại đến đất đai của làng. Để không xảy ra chuyện tương tự thì từ đó đã có lời nguyền con gái, con trai hai làng này không được kết hôn.
Đặc biệt, để chứng minh và dặn dò con cháu sau này thì các cụ đã dùng chiếc đinh gỗ đóng vào cột đình.
Câu chuyện cùng lời thề năm xưa đến này vẫn còn hiện hữu vào đời sống văn hóa, tâm linh của con cháu 2 làng này.