Trên những "cổng trời" Tây Bắc, đồng bào Mông "ăn sương, uống gió" có nhiều người lập kỷ lục về việc đông con, nhiều vợ. Có người ba, bốn vợ với gần hai chục đứa con mà xã vẫn phải cấp chứng nhận kết hôn vì… phong tục là thế.
[links()]
Với đồng bào người Mông, quan niệm có thể chịu được đói, được khổ nhưng không chịu được thiếu con trai, đã khiến nhiều người đàn ông vì “khát” con trai mà kéo thêm vài bà vợ về ở. Điều đặc biệt là dù tình cảm san sẻ nhưng các bà vợ ăn ở với nhau rất tình cảm, không chỉ chung nhà mà có gia đình còn cùng chung một giường.
Kéo thêm vợ để đẻ con trai
Xa Dung nằm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông khoảng 30km, chỉ có một con đường đất lầy lội nên mùa khô, nắng thì dân ở Xa Dung mới xuống núi, còn mùa mưa thì tuyệt nhiên không ai nghĩ tới chuyện rời bản.
Chính vì thế mà một năm đếm trên đầu ngón tay số lần người dân Xa Dung xuống núi. Con đường cấp phối đất đá lởm chởm, hết dốc lại đổ đèo, hai bên là vực sâu, chỉ những người ưa mạo hiểm mới dám lên đó cho biết.
Thấy chúng tôi xuất hiện với con "ngựa sắt" Win, hai bánh chằng chịt dây xích, ông Vừa Xô Dày, Chủ tịch xã vui vẻ: "Các chú khá đấy chứ. Người dân bản địa chúng tôi mỗi lần xuôi xuống huyện đã ngán lắm rồi vậy mà các chú lên được tận đây".
Ông Chá Già Lử tự hào “khoe” thành thành tích có 2 vợ và 10 đứa con của mình |
Sở dĩ ông Dày nói như vậy vì vào mùa mưa thì xã Xa Dung ít có người xuống xuôi lắm, bất đắc dĩ người ta mới phải xuống. Đến như ông Dung mỗi lần xuống huyện họp cũng ngao ngán.
Đường xá là vậy, đời sống kinh tế bà con xã thế nào? Ông Dày liền than: "Ở xã có 20 bản, trong đó có người Mông (chiếm 80%) và người Thái (20%) sinh sống. Nhưng tình trạng đẻ nhiều khiến cuộc sống các hộ gia đình thiếu ăn thường xuyên. Đặc biệt là phong tục "đa thê" của đồng bào Mông kéo tụt mọi thành quả, nỗ lực thoát nghèo của chính quyền xã".
Cầm tờ giấy, ông Lầu A Xá cán bộ tư pháp xã, miệng lẩm nhẩm thống kê từ năm 2008 đến nay, xã Xa Dung có hơn chục người đàn ông lấy hai vợ, ba vợ nhưng: "Biết lấy hai vợ là vi phạm pháp luật nhưng xã bất lực trong việc ngăn chặn.
Từ bao đời nay, người Mông có phong tục như vậy, bố lấy hai vợ thì con trai cũng phải giống bố. Trường hợp nào lấy hai vợ rồi mà vẫn chưa có con trai thì phải làm hơn cha, lấy thêm vợ nữa, rồi lại vợ nữa, tới khi nào đẻ được “thằng chống gậy” mới thôi.
Không được phép thì lén lút cưới, mà nếu bị ngăn cản quá thì cứ đến “ngủ buộm”, có con thì dẫn về. Nhiều người bị nhắc nhở thì bảo đông con để làm nương mà cái nghèo cứ bám mãi".
Để mục sở thị những người đàn ông nhiều vợ, chúng tôi tìm đến ông Chá Già Lử, sinh năm 1963 ở bản Xa Dung B. Gặp ông, chúng tôi đùa: "Bọn em đến bác học hỏi kinh nghiệm để về dưới xuôi lấy hai vợ".
Ông Lử đáp, giọng tỉnh bơ: "Mình ưng thì lấy thôi, ở đây mình lấy vợ công khai mà. Hai vợ ngủ chung, ăn chung, làm chung một nương hết".
Những đứa con Lử nheo nhóc vì thiếu ăn, thiếu mặc. |
Năm nay 48 tuổi, ông Lử còn rất phong độ. Theo lời ông, vào năm 1981 khi mới 18 tuổi, ông theo đám thanh niên trong bản đi chơi và kéo bà Mùa Thị Tùng, kém ông 3 tuổi ở bản Chua Ta, Mường Lạn, Tuần Giáo, Điện Biên) về làm vợ.
Ở với nhau 5 năm, bà Tùng sinh cho ông 3 đứa con gái thì chẳng hiểu sao "tịt đẻ". Để vợ sinh cho mình con trai, ông Lử chạy khắp nơi kiếm thuốc về cho bà Tùng uống nhưng 2 lần sinh tiếp vẫn là con gái. "Nếu tôi không có con trai, sau này sẽ không có người nối dõi và thờ cúng thì buồn lắm.
Vợ cả không đẻ được thì phải kiếm vợ hai về đẻ chứ. Người Mông không sợ đói, chỉ sợ không có con trai thôi. Mình đang khoẻ mạnh, đẹp trai, kéo vợ hai dễ lắm". Ông Lử tâm sự.
Một vợ, 5 con nhưng vì chưa có con trai nên ông Lử quyết tâm đi tìm người “biết đẻ” và sau một hồi tìm kiếm đã chọn bà Vừa Thị Khua, một góa phụ 2 con về làm bà hai. Trong vòng 15 năm, bà Khua sinh cho ông 5 đứa con, trong đó có 2 con trai khiến ông Lử vui như tết.
Ông bảo: "Lấy hai vợ khó một tí nhưng quen rồi thì dễ lắm. Hai vợ ở cùng một nhà nếu mình biết giáo dục, đừng để hai bà "lạnh nhạt" thì êm xuôi cả". Rồi ông thật thà: "Nếu lấy một vợ trẻ, một vợ già thì khó quản lắm, do vậy mình lấy hai vợ ngang tuổi nhau, đối xử ngang nhau nên hai bà không xích mích".
Lấy hai vợ, có được con trai nhưng gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè nặng lên vai ông Lử. Trước đây, ông là người giàu có nhất bản, nhưng nay ông "tụt hạng" do đàn con đông đúc, chưa hết mùa đã phải chạy ăn từng bữa.
"Trước đây nhà mình nuôi nhiều trâu lắm, lúa ngô không lúc nào thiếu nhưng cưới vợ hai về, đàn con thi nhau ra đời, chúng không có gì ăn, khóc cả ngày. Để có cái bỏ miệng, mình đã bán dần, nay đã hết. Nhà nghèo, thiếu ăn và 10 người con, trong đó có hai đứa con của vợ hai đang tuổi ăn học nhưng phải nghỉ dần để lên nương". Ông Lử buồn bã.
Thích nhau thì lấy?
Ở bản Thẩm Mín xã Xa Dung người dân nơi đây không nhớ đã mấy lần được ăn đám cưới của ông Lầu Tùng Pó. Theo thống kê của ông Lầu A Xá, cán bộ tư pháp xã, thì ông Pó đã có ít nhất 4 lần tổ chức đám cưới và hiện đang chung sống với hai người vợ.
Gặp ông Pó, khi hỏi về chiến tích "đa thê" ông cho biết: "Số mình đen lắm, cưới vợ đầu về sinh được 3 người con thì nó bỏ mình đi (vợ chết-PV). Cảnh gà trống nuôi con, mình đi kéo thêm bà nữa về, nhưng ở với nhau được 3 năm, sinh 2 người con thì nó cũng bỏ mình đi luôn. Một mình nuôi 5 con, buồn lắm nên kéo vợ nữa. Bà thứ 3 là Sầm Thị Nhà sinh cho mình 6 người con".
3 lần cưới vợ có 11 đứa con đủ nếp đủ tẻ nhưng cái tài đàn ca sáo nhị của ông Pó đã khiến cô Lầu Thị Nhánh (SN 1977) say như điếu đổ, tự theo về làm vợ.
"Nhánh xinh lắm nhưng bị chồng bỏ, nương lúa nhà Nhánh cạnh của mình nên mình chẳng cần tán tỉnh gì cả, chỉ hát vài câu là cô ấy phải lòng”, ông Pó tủm tỉm. Theo lời ông thì người Mông khó mà cũng dễ lắm. Khi cái bụng đã ưng thì dắt nhau về nhà ở.
Gần 5 năm chung sống, bà vợ trẻ này đã sinh thêm cho ông Pó ba người con nữa. Hiện đại gia đình ông có tất thảy 16 người con, trong đó có cả 2 người con riêng của vợ út.
Lấy nhiều vợ để có con trai, hay vì ưng nhau thì về ở với nhau nhưng một điều đáng ghi nhận là những người đàn ông "đa thê" ở Xa Dung rất giỏi trong việc giữ hoà khí trong gia đình.
Các bà vợ thường sống chung một nhà, cùng đi làm nương, cùng chăm con, thậm chí có gia đình hai bà còn cùng ngủ với chồng trong một buồng nhưng không có chuyện cãi cọ, đánh chửi hay bì tị nhau, mà theo như ông Pó là tại các ông biết cách “giữ lửa”, lên lịch “gần gũi” các bà vợ rõ ràng, không ai nhiều hơn ai.
Ông Pó cho biết: "Khi mình cưới vợ hai, xã có phạt 200 ngàn đồng. Mình biết là luật pháp không cho phép, nhưng nó ưng cái bụng mình rồi, không cho cũng cưới trộm.
Người Mông mình cưới hai vợ là chuyện thường, phụ nữ người Mông chịu đựng giỏi lắm, chồng có mấy vợ họ cũng chịu được. Cưới vợ cả thì tổ chức ăn to mời cả bản ăn mấy ngày liền, còn cưới vợ hai, vợ ba... làm mâm cơm cúng ma là được mà".
Trước tình trạng đàn ông "đa thê" nhưng trong sổ hộ khẩu vẫn được chính quyền ghi rõ là vợ một, vợ hai, ông Lầu A Xá, cán bộ tư pháp xã Xa Dung giải thích:
"Chúng tôi biết làm thế là sai nhưng đây là phong tục của người Mông. Khi đăng ký hộ khẩu mình phải ghi vào. Trong thời gian gần đây, số đàn ông lấy hai vợ thường rơi vào những người lớn tuổi hoặc những cặp vợ chồng không có con trai, họ thường cưới lén lút, không cho xã biết.
Hiện thông qua các chương trình tuyên truyền ma tuý, mại dâm... xã đã lồng ghép tuyên truyền một vợ một chồng và kế hoạch hóa gia đình đến tận các hộ dân"..
- Vĩnh Hà