"Lương một Thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp 3 lần", đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nhận xét.
[links()]
Ngày 16/4, đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý kiến của các cơ quan ban ngành về dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Tờ VNN dẫn lời Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, luật hiện hành không có nhiều ý nghĩa vì mới chỉ mang tính kêu gọi chứ chưa có chế tài xử lý, không có biện pháp gì để buộc người ta phải tiết kiệm. Như cán bộ sử dụng xe nhà nước vào việc riêng rất nhiều.
“Thứ 7, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê… cán bộ đều dùng xe nhà nước hết. Ai chống được cái này? Giờ phải làm từng cái cụ thể đi, tiết kiệm từng cái một. Tôi nghĩ, luật phải quy định cụ thể điều này, không phải chung chung nữa”, ông Lịch nói.
Xe công xuất hiện tại lễ Đền Trần (Nam Định) đầu năm 2013. Ảnh TPO. |
Ông đưa ra ví dụ, lương của một ông thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp 3 lần. Đó là những chi phí trả lương tài xế, phí bảo trì, bảo hiểm…
Vì vậy, theo ông Lịch: “Tất cả những cái này đều giải quyết được nếu hy sinh lợi ích cá nhân. Như Văn phòng Quốc hội có vị đề nghị phát 7,5 triệu đồng/tháng thì không lấy xe, tự đi đến nơi làm việc bằng phương tiện của mình. Rõ ràng, ngân sách tiết kiệm được”.
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan nêu thực tế, để mua được xe các cơ quan, đơn vị phải nói dối để tăng mức tiền mới mua được xe. “Phải sửa đổi, bổ sung kịp thời chứ không tự mình kéo nhau nói dóc với nhau rồi cũng quyết toán được. Bất hợp lý quá”, bà Lan đề nghị.
Trên phương diện là một công dân nêu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật, người tổng hợp bài này xin đề xuất tất cả xe công nên tập trung về một mối để quản lý, phân cấp ở Trung ương, tỉnh và huyện, khi cán bộ có nhu cầu đi công tác cần sử dụng xe công thì có thể đăng ký, hoặc đơn giản chỉ cần một cuộc điện thoại như gọi taxi, sẽ cho xe tới đưa đi. Như vậy vừa quản lý được việc sử dụng xe, vừa giám sát được thời gian, công việc của cán bộ, lời cả đôi đường. Thậm chí có thể gắn biển là taxi công, để không phân biệt xe của quan to khác xe của sếp nhỏ.
Như tại Đà Nẵng, tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP ngày 6/12, Bí thư Thành ủy, kiêm Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng thời điểm đó là ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra kế hoạch thành lập đội xe công vụ, tập trung toàn bộ xe công vụ mang biển số xanh về một đầu mối, theo ông: “Sở nào cần đi đâu, chỉ cần ới một tiếng, không quá 5 phút là có xe phục vụ cho các anh…”
Theo ông Thanh, việc tập trung xe công chắc chắn sẽ tiết kiệm chi phí và quản lý được cán bộ đi công tác. “Các anh muốn đi Hội An cũng được, đi Huế, Hà Nội, Sài Gòn cũng xong, nhưng đi đâu thì có sổ ghi lại hết. Anh nào đi ít, đi nhiều, anh nào đi việc riêng là biết liền. Các anh các chị thông cảm cho, giai đoạn các sở có ôtô riêng qua rồi, giờ là tập trung vào một đầu mối”, ông Thanh nói.
Đấy là một hướng tốt để quản lý tình trạng sử dụng xe công bừa bãi như hiện nay.
Cũng đóng góp cho dự thảo luật sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Trần Sỹ Quang, phòng Pháp chế Công an TP. HCM đề nghị bổ sung trường hợp “sửa chữa trụ sở, phòng làm việc”. “Vì đã xảy ra trường hợp, khi một giám đốc được đề bạt lại có chuyện sửa chữa phòng làm việc, xây lại cổng cơ quan theo phong thủy tuổi của ông ta. Điều này gây ra rất nhiều lãng phí tiền bạc của Nhà nước”, ông nói. Các đại biểu cho rằng, để xảy ra lãng phí do lỗi của người đứng đầu. Do đó, lần sửa đổi này, luật cần có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu, công khai kết quả xử lý, thậm chí xử lý hình sự. |
- P.V (tổng hợp)