Đời sống) - Trước thông tin gần 900 người từng bán dâm trên cả nước sẽ được thả theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó Hà Nội có 200 người, ngày 15/10, trao đổi với Phunutoday, ông Hoàng Thành Thái, PGĐ Sở LĐTBXH cho biết đơn vị đang xây dựng lộ trình để đưa các đối tượng này trở về với cộng đồng.
[links()]
Sở đang chờ của Bộ
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 toàn bộ gái mại dâm đang quản lý tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội sẽ được trả về cộng đồng.
Ông Hoàng Thành Thái cho biết, hiện Sở đang xin ý kiến chỉ đạo của Bộ LĐ TBXH, Cục phòng chống tệ nạn xã hội rồi báo cáo ủy ban TP, từ đó đưa ra phương án thời điểm thích hợp để thả gái bán dâm ra ngoài.
Theo Luật mới, thời gian tới gần 900 gái bán dâm sắp được thả |
"Thời gian thả ra lúc nào tôi đang làm báo cáo gửi Bộ để xin chỉ đạo. Khi nào Bộ chốt thời gian chúng tôi sẽ báo cáo với ủy ban TP việc đó và xây dựng phương án. Đưa ra, rồi thả người ta ra ngoài đường hay như thế nào thì đó là cả một vấn đề, phải có hẳn một lộ trình và phải có kế hoạch.
Những người đó chủ yếu ở địa phương khác, còn địa bàn Hà Nội là rất ít. Tất cả đều phải báo cáo phương án với TP, TP chấp thuận rồi trên cơ sở lộ trình đó chúng tôi mới xây dựng. Một số tỉnh hiện nay đang làm là hơi vội vã. Tất cả mọi việc phải có sự thống nhất, chỉ đạo của cấp trên".
Ông Thái khẳng định thêm: "Bây giờ phải có sự phân loại các đối tượng gái bán dâm này như: Ở tỉnh nào? Họ có bệnh gì? Có được công bố với địa phương hay không? Và đưa trả về địa phương hay trả về chỗ nào? Hay thả ra ngoài đường thì đó là cả một vấn đề phải bàn tính.
Chúng tôi đang đợi sự hướng dẫn chính thống từ bên Bộ LĐTBXH để đặt ra phương án, lộ trình cho mình để giải quyết trường hợp với 200 gái bán dâm đang quản lý tại trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2".
Về chính sách hỗ trợ thực tế, ông Thái cho biết: "Chúng tôi cũng đã giao cho Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội xây dựng nội dung giới thiệu việc làm cho các đối tượng gái bán dâm và đang chờ báo cáo của Chi cục để xem xét việc đó. Còn bây giờ mọi vấn đề chỉ mới ở mức đang chuẩn bị, đang bàn và hướng đến chuyện đó trong thời gian sớm nhất có thể thực hiện Nghị quyết của QH.
Đối với chúng tôi, việc giới thiệu việc làm cho các đối tượng gái mại dâm là việc làm thường xuyên của Sở. Nếu đối tượng ở Hà Nội, chúng tôi đã đề nghị các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương phải có những chính sách quan tâm vấn đề hỗ trợ việc làm.
Và chúng tôi đang trình thành phố tới đây phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể để họ có điều kiện trở về với cộng đồng".
Được biết, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã giao các ngành chức năng nghiên cứu những mô hình về hoạt động mại dâm trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam, trong đó có nghiên cứu về quy định coi hoạt động này là một nghề hợp pháp. Về điều này ông Thái khẳng định:
"Chúng tôi chưa nhận được điều đó. Chúng tôi cũng chưa bao giờ coi đó là một nghề mà chỉ coi nó như những căn bệnh, như nghiện ma túy hay mại dâm mà người ta phải vào đó để chữa trị, điều trị khỏi để trở về cộng đồng.
Những đối tượng mà chúng tôi đang quản lý đều là những đối tượng thực sự hoàn cảnh và không có điều kiện nên bắt buộc họ phải làm việc đó".
Cũng theo ông Thái, mại dâm không nên được hợp thức hóa, coi đó là một nghề bởi điều này phi đạo đức, phi truyền thống.
Vừa yếu vừa thiếu
Trước đây, khi bị bắt, gái mại dâm được đưa vào các trung tâm giáo dục, họ sẽ được kiểm tra về sức khỏe, tâm sinh lý. Qua đó sẽ được chữa trị nếu có vấn đề sức khỏe, đồng thời được dạy nghề để sớm hòa nhập cộng đồng.
Còn với quy định mới, gái mại dâm bị bắt chỉ bị xử phạt hành chính. Quy định này đang gây băn khoăn cho các nhà quản lý. Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng quy định mới mang tính nhân văn, nhưng lại làm khó cơ quan quản lý vì mạng lưới dịch vụ hỗ trợ chị em bán dâm tại cộng đồng hiện vừa yếu lại vừa thiếu.
Bởi qua kiểm tra, Cục nhận định số chị em từng được đưa vào trung tâm giáo dục, hầu hết đều bị mắc các bệnh xã hội, nghiện ma túy, thậm chí số nhiễm HIV cũng không ít.
Đại diện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng cho rằng sự thay đổi này cũng gây khó khăn trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm. Hiện tổng số người bán dâm trên cả nước vào khoảng 30.000 người, trong khi cơ quan chức năng mới quản lý được gần 50%.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Minh - nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho biết điều ông lo lắng khi gái bán dâm được thả tự do là tỷ lệ gái mại dâm trong các trung tâm giáo dục có tỷ lệ nhiễm HIV khá cao, còn gọi là “gái 3 trong 1” (vừa bán dâm, nghiện hút, vừa nhiễm HIV).
Vì thế, khi bắt được rồi, nếu phát hiện họ bị bệnh nặng, có cho họ vào bệnh viện chữa hay không, ai sẽ phải trả viện phí.
"Với những người vừa bị nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS mà còn có sức khỏe, liệu có giải quyết việc làm cho họ hay không... Tất cả những vấn đề này, nếu các bộ, ngành và cơ quan chức năng liên quan không quán triệt thì sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho họ lây bệnh ra cộng đồng. Hết sức nguy hiểm. Do đó, cần có chính sách hợp lý để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng". - Ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh việc chỉ xử phạt mà không có biện pháp khác để răn đe sẽ rất phức tạp cho xã hội. Nếu không đưa vào trung tâm giáo dục lao động xã hội, gái mại dâm sẽ được tự do hoạt động, tạo ra khả năng gia tăng các cơ sở kinh doanh nhạy cảm.
“Bắt gái bán dâm rồi thả ra nghĩa là phạt rồi cho tồn tại” Trước đó, liên quan đến dự luật Xử phạt vi phạm hành chính, đề xuất bỏ quy định cưỡng chế gái bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thậm chí thiết tha đề nghị Quốc hội cân nhắc việc bỏ quy định này. Ông Minh tán thành phân tích, người bán dâm hiện nay nên được coi là nạn nhân, là một vấn đề xã hội, cần được tạo điều kiện giúp đỡ để hoàn lương. Đại biểu cũng nhận định, không nên bắt buộc áp dụng biện pháp xử lý hành chính là đưa vào cơ sở chữa bệnh. Tuy nhiên, ông Minh không đồng ý quan điểm cho rằng hành vi của những người này không gây nguy hiểm cho xã hội; cũng không đồng tình ý kiến cách ly gái mại dâm một thời gian là quá nghiêm khắc. “Thử hình dung nếu bỏ quy định này, người bán dâm khi bắt, bị phạt rồi thả ra, thả ra là tiếp tục vi phạm. Việc đó trái với mong muốn và quyết tâm dẹp tệ nạn của nhà nước, người dân cũng không mong muốn. Theo tôi áp dụng kiểu “phạt rồi cho tồn tại” ở đây là không nên”. |
- Khải Nguyên