Rau đay là loại rau quen thuộc trong bữa cơm người Việt. Trong những ngày hè nóng bức, được thưởng thức một bát canh rau đay nấu với cua ăn kèm cùng vài quả cà thì còn gì tuyệt vời bằng.
Không chỉ là loại thực phẩm giá rẻ, dễ mua, rau đay còn nhiều dưỡng chất quý báu, có lợi cho sức khỏe con người.
Theo sách Nam dược thần hiệu, rau đay có vị cay, tính lạnh, không độc, có nhuật tràng, thông kinh, giải nhiệt... Rau đay thường được dùng để chữa bệnh cho người bị suy nhược cơ thể, táo bón, kiết lỵ, ho đàm, an thần, trợ tim, lợi tiểu và lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.
Trong y học cổ truyền, rau đay được dùng như một phương thuốc an thai và cực kỳ lợi sữa giúp sữa về nhiều hơn và nhanh hơn.
Phụ nữ sau sinh ít sữa, trong tuần đầu tiên sau sinh mỗi ngày ăn từ 150-200g rau đay nấu canh vào các bữa ăn chính. Các tuần sau mỗi tuần ăn 2 lần, mỗi lần ăn từ 200-250g rau đay sữa sẽ về đều và nhiều hơn.
Về phương diện y học hiện đại, rau đay là loại rau tương đối giàu dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, trong rau đay có Ca 498mg%, P 93mg%, Fe 3,8mg%, K 650mg%, acid ôxalic 870mg%, vitamin B1 0,24mg%, vitamine B2 0,76mg%, vitamin C 168mg%, vitamin A 7,940 đơn vị, vitamin E 141.
Với những chất dinh dưỡng như vậy, rau đay rất tốt cho trẻ em, bà mẹ mang thai, bà mẹ sau sinh. Các mẹ nên thêm rau đay vào các bữa ăn dặm cho trẻ bên cạnh các loại rau củ quả thông thường. Khi nấu, mẹ chỉ nên dùng phần lá, bỏ cuống lá.
Để chữa trúng nắng, người ta lấy một nắm rau đay tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống, còn bã đắp vào hai bên thái dương, lấy băng vải buộc lại để hút hết nóng độc ra ngoài sẽ khỏi bệnh. Cũng có thể lấy 10-20g hạt rau đay, sắc lên lấy nước cho bệnh nhân uống nóng, mồ hôi sẽ toát ra hết nóng độc.
Rau đay cũng được dùng làm rau thuốc chữa ho và một số bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Dùng hạt rau đay sắc lấy nước hơi đặc, uống chặn cơn hen suyễn có kết quả tốt. Hoặc dùng hạt rau đay 12g, giã nát (sao), xơ mướp 20g, cắt nhỏ (sao). Đem hai thứ sắc lấy nước chia làm hai lần uống trong ngày.
Chữa tràn dịch màng phổi: Lấy hạt rau đay 8g, ý dĩ 16g, tỳ giải 12g, mộc thông 12g, huyền sâm 12g, thổ phục linh 12g, bách bộ 12g, hạt bìm bìm biếc 8g, rễ cỏ tranh 8g, hạt mã đề 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 - 3 lần.
Rau đay có chứa nhiều nhớt, đây là một tổ hợp chất sinh học rất tốt cho sức khỏe có công dụng kích thích ruột vận động, đồng thời có tác dụng làm nhờn phân, do đó giúp nhuận tràng, rất tốt để chữa táo bón. Trong rau đay có chứa nhiều polysaccharid giúp tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân.
Để nhuận tràng, chữa táo bón bạn có thể lấy rau đay nấu canh ăn 1 lần/ngày trong 5-7 ngày. Có thể nấu rau đay cùng với các loại rau khác như rau mồng tơi, mướp. Một bài thuốc nhuận tràng khác là lấy 20g lá rau đay sắc lên lấy nước uống làm 2-3 lần trong ngày, liên tục trong 5-7 ngày.
Ngoài ra, loại rau này còn thường được dùng để chữa bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu ra máu.
Để chữa bí tiểu tiện, dùng hai nắm rau đay cho vào ấm nấu lên lấy nước uống nhiều lần trong ngày, mỗi lần một chén sẽ có tác dụng tiêu nhiệt, lợi tiểu.