Bố vừa mất, thương mẹ ở nhà cô quạnh, Kiều Văn Loan (SN 1979, Khánh Nhi – Vĩnh Thịnh - Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) nhất định không chịu đi làm xa như trước. Nhưng lòng cha nào chịu thấu cảnh con ngày ngày quấy khóc vì thiếu sữa, buộc lòng anh Loan phải rời quê lên Hà Nội kiếm tiền mua sữa cho con. Nhưng do sơ ý khi thi công gần đường dây điện cao thế, anh đã bị điện phóng vào trúng đỉnh đầu làm bỏng nặng, có nguy cơ bị liệt vĩnh viễn…
[links()]
Đôi vợ chồng nghèo bất hạnh
Hơn 20 ngày nằm viện, tình hình sức khỏe của anh Kiều Văn Loan (SN 1979, Khánh Nhi – Vĩnh Thịnh – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) đã phần nào ổn định. Tuy nhiên, anh Loan vẫn chưa thể nói sõi và cử động tay chân cho dù những vết thương trên người đã bắt đầu bong tróc vẩy, lên da non.
Ngày ngày, mẹ đẻ anh vẫn kiên trì ngồi xoa bóp tay, chân cho con trai với hy vọng một ngày nào đó anh sẽ tự ngồi dậy và cử động được để bà bớt cực nhọc. Nhưng chính bà cũng không thể biết tới khi nào điều ước của mình mới trở thành hiện thực.
Đôi mắt khô cạn vì khóc quá nhiều trước bao nỗi đau cùng dồn về một lúc, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1960), mẹ anh Loan đau đớn tâm sự: “Đầu tháng 7 vừa rồi ông nhà tôi mất. Cháu nó đang làm ở Hà Nội vội về chịu tang. Sợ mẹ buồn, cháu không chịu rời làng nửa bước.
Nó bảo: “Con không đi nữa, làm ở nhà thôi cho có thêm người ra vào, nhà cửa thêm phần ấm cúng…”. Nhưng được hơn một tháng thì tôi động viên cháu xuống Hà Nội kiếm lấy đồng tiền về mua sữa cho con vì ở trên quê kiếm tiền khó quá.
Thấy con khát sữa, cháu không đành lòng mới ra Hà Nội tiếp tục làm thợ xây cho một gia đình ở Từ Liêm. Nào ngờ, chưa được vài ngày thì gặp tai nạn. Giờ tôi phải trông cháu ở đây, còn vợ nó chăm con nhỏ ở nhà, không biết làm thế nào để có tiền mua sữa cho con nữa…”
Mọi sinh hoạt của anh Kiều Văn Loan đều phải nhờ sự giúp đỡ của người thân |
Được biết vợ chồng anh Loan đã lấy nhau được 5 năm, nhưng họ mãi không có con. Biết là có thể chạy chữa bác sỹ, nhưng nhà nghèo, không có tiền chữa hiếm muộn, họ đành tìm con nuôi. Họ xin con của một cô gái người dân tộc mới 19 tuổi trên Lào Cai.
Do lỡ làng nên cô gái mang thai ngoài ý muốn. Sợ mang tiếng, gia đình cô gái đã bắt con mình đi phá thai. Nhưng vì thai to quá không phá được, buộc phải để đẻ. Thấy vậy, gia đình cô gái giấu mẹ con cô ở nhà cho tới khi sinh nở.
Người anh trai của cô gái trẻ đã từng tuyên bố: “Sau khi nó ra đời thì phải dìm xuống suối cho chết. Nhà không thể vác mo vào mặt mà sống được”. Biết chuyện, anh họ của anh Loan đang sống và làm việc ở Lào Cai gọi về, hỏi xem anh Loan có muốn nhận con nuôi không thì xin giúp đứa trẻ làm phúc.
Nhận thấy đây là cơ hội tốt để gia đình có tiếng bi bô của trẻ, về già lại có nơi nương tựa nên vợ chồng anh đã lựa lời xin phép mẹ già cho nhận con nuôi. Nghe con nói có lý nên bà Hồng cũng xiêu lòng.
Bà Hồng cho biết, ngay khi đứa trẻ chào đời, gia đình bà đã lên tận nơi đón hai mẹ con về ở với nhau khoảng nửa tháng để đứa trẻ được mạnh khỏe, cứng cáp. Nhà nghèo nên số tiền tầu xe, ăn ở của hai mẹ con cô gái kia đối với gia đình bà đã là một khoản chi phí lớn.
Đã vậy, không lâu sau chồng bà lại qua đời vì bệnh tật di chứng chiến tranh từ những năm 1974 khiến kinh tế gia đình càng trở nên kiệt quệ. Những món nợ cũ chưa kịp trả thì anh Loan lại gặp tai nạn bất ngờ.
Đôi mắt ngấn lệ, bà Hồng tâm sự, hôm Loan bị tai nạn, các chú trên Hà Nội gọi điện về báo đúng lúc bà đang đi làm đồng. Nghe tin con trai gặp nạn bà sợ lắm, hốt hoảng chạy theo đòi đi cùng. Nhưng không ai cho đi.
Có hỏi tình hình thế nào thì anh em, họ hàng đều nói dối “tai nạn sơ sơ, không sao cả vài hôm nữa thì về…”. Hôm sau, sốt ruột quá bà nhất định sắp xếp đồ đạc lên Hà Nội thăm con.
Gặp con, bà Hồng mắt hoa lên, hai chân bủn rủn không đứng vững. Trước mắt bà khi ấy là cơ thể của một người đàn ông teo tóp, khắp người quấn băng trắng toát, khuôn mặt thì sưng vù, mọng nước gần gấp đôi bình thường, mắt cũng vì thế mà híp lại, không mở ra được.
Bà Hồng đau đớn nói: “Tôi trông cháu lúc ấy giống như người vừa bị vớt từ dưới sông lên vậy”, Tấm lòng người mẹ
Bà Hồng rớt nước mắt xót xa cho đứa con trai bạc phận của mình. Bà xót xa vì con trai mình không được ông trời thương như những người đàn ông khác. Vừa có được đứa con thì lại gặp tai nạn, đẩy cả gia đình vào cuộc sống bế tắc không lối thoát.
Chăm sóc con trai ở bệnh viện, tâm trí bà lại để ở nhà, lo lắng cô con dâu không biết lấy đâu ra tiền mua sữa cho cháu nhỏ.
Hết thương con trai, thương cháu, bà lại thương tới cô con dâu sớm hôm tần tảo của mình. Bà Hồng kể, mẹ vợ anh Loan mất sớm, bố vợ Loan đi thêm bước nữa được một thời gian thì cũng mất luôn. Trước ngày cưới, vợ anh Loan vẫn ở với vợ hai của bố. “Nhà dì cháu nó cũng rất nghèo, nghèo lắm nên không giúp được gì cả”, lời bà Hồng.
Khi “nhà ngoại” biết chuyện anh Loan tai nạn lao động, bị liệt thì lo lắm. Họ đã gọi chị và bảo không nên tiếp tục níu kéo cuộc hôn nhân mờ mịt này. Tuy nhiên, chị đã không đồng ý mà rằng: “Vợ chồng một ngày nên nghĩa, lúc hoạn nạn mới cần tới nhau”. Thương chồng, chị gửi con, lên Hà Nội thăm anh Loan, cố động viên anh yên tâm chữa bệnh.
Người mẹ già nhìn đứa con trai trên giường bệnh, nhìn đứa cháu khát sữa, nhìn cô con dâu héo mòn mà muốn trào nước mắt. Giá như bà còn trẻ, còn khỏe bà sẽ tìm cách đi làm, đỡ đần kinh tế cho gia đình anh con trai. Nhưng giờ sức già không làm được gì nhiều.
Cả nhà bốn miệng ăn đều trông vào hơn một sào ruộng, thu hoạch cả năm khoảng 2 tạ thóc, số thóc ấy chỉ đủ cho gia đình bà ăn trong hơn 3 tháng, thời gian còn lại phải đi đong ngoài. Chính vì thế các con bà mới phải ra ngoài làm thêm, kiếm lấy đồng tiền duy trì cuộc sống.
Vì cảnh nghèo ấy mà vợ chồng anh Loan nên duyên khi cùng nhau làm phụ hồ của một công trình xây dựng ở Hà Nội. Cưới xong vợ chồng anh nhất trí để chị ở lại nhà chăm sóc cha mẹ già, còn anh tiếp tục ra Hà Nội kiếm tiền cho tới khi gia đình anh xảy ra chuyện…
Được biết, công trình anh Loan tham gia thi công là một ngôi nhà nằm ngay sát đường dây điện cao thế. Khi đang thi công tới tầng ba, anh đã nhìn thấy đường dây điện rất gần trước mặt nên không dám lại gần. Nhưng trong lúc mải làm anh đã không để ý tới đường dây điện nên đã bị điện phóng thẳng vào đầu, đường dây điện phát nổ, đầu anh Loan bị thương nặng.
Được đưa tới viện bỏng kịp thời, các bác sỹ đã phải đục phần hộp sọ, phần bị chấn thương, giúp anh thoát khỏi nguy hiểm. Song, sức khỏe anh Loan vẫn còn rất yếu và vẫn chưa thể tự cử động được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ tới người thân trợ giúp.
Hiện tại, gia đình anh Loan đang rất cần tới sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm để có kinh phí chăm sóc, chạy chữa hy vọng anh Loan có thể dần hồi phục một phần sức khỏe, để cháu bé có đủ sữa uống hằng ngày…
Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về theo địa chỉ: Anh Kiều Văn Loan (SN 1979, Khánh Nhi – Vĩnh Thịnh- Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) - Hiện đang nằm điều trị tại tầng 6, khoa Bỏng Người Lớn – Bệnh viện Bỏng Quốc Gia. Quỹ Bệnh nhân nghèo bị bỏng - Viện Bỏng Quốc gia Địa chỉ: Số 113 – Phùng Hưng - Hà Đông - Hà Nội ĐT: 84.0436884571 Fax:84.4.36883180 Tài khoản: 934.01.015 – Tại: Kho Bạc Nhà nước Thanh Xuân - Hà Nội. Hoặc liên hệ: Vũ văn Hiệp, Bí thư Đoàn cơ sở Viện Bỏng SĐT: 0914526808, nhờ chuyển giúp |
- Kim Hoa