Lời kêu gọi phụ nữ vùng lên khỏi bữa cơm nhà của Lê Hoàng

15:36, Thứ ba 20/10/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, đạo diễn Lê Hoàng gửi tới tất cả chị em phụ nữ một lời kêu gọi bất ngờ.

Hỡi chị em!

Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Ai cũng có quyền đi dạo phố, đi xem phim, đi vào nhà hát, vào thư viện, tới chỗ chăm sóc da, chỗ gội đầu hoặc ngồi ung dung trong quán cà phê. Ai cũng có khả năng bay lên bầu trời, nằm trên bãi cỏ ngắm các vì sao hoặc vừa nhắm nháp ly nước cam vừa xem truyền hình trong phòng khách.

Muốn được như thế, điều đầu tiên, điều quan trọng nhất và khẩn thiết nhất, là chị em phải bình đẳng với đàn ông trong bữa cơm nhà.

Lời kêu gọi phụ nữ vùng lên khỏi bữa cơm nhà của Lê Hoàng 1
Lê Hoàng lai có một lời kêu gọi thật “kinh khủng” hướng đến chị em phụ nữ.

Cơm nhà?

Đó là hai chữ mà các nhà nghiên cứu (đa số là đàn ông) ca ngợi, cách nhà văn (đa số cũng đàn ông nốt) tán tụng và các công ty quảng cáo bột nêm cùng bột ngọt (do đàn ông làm giám đốc) trình bày một cách say sưa.

Cơm nhà?

Đấy là hình ảnh mọi người chỉ thấy trên tivi khi các món ăn bổ dưỡng và phong phú đã nấu xong, ánh lên những màu rực rỡ, được bày trên bàn trong bát đĩa hạng sang lấp lánh, múc ra từ tay bà chủ xinh đẹp má đỏ hồng, ngồi bên ông chủ mặt cũng hồng lại còn đeo cà vát đỏ, còn hai đứa con ngoan trên ghế thì hồng toàn thân. Cả gia đình ăn ít thôi nhưng cười và nhìn nhau nhiều lắm.

Nhưng chị em chúng ta biết thừa ngoài đời rất ít khi như thế. Cơm nhà là ngay từ sáng sớm đã khiến đa số các cô lảo đảo đứng dậy khỏi giường, đánh răng qua loa, chải tóc còn qua loa hơn nữa, mặc một bộ đồ xốc xếch vội vàng sau đó lao ra chợ, vật lộn với hàng cá, kéo co với hàng thịt và cười nhăn nhó với cả hàng rau, để hy vọng bớt được vài đồng ít ỏi.

Lời kêu gọi phụ nữ vùng lên khỏi bữa cơm nhà của Lê Hoàng 2
Lê Hoàng: “Nấu ăn không hề là lý do để phụ nữ ra đời”

Hoặc chị em sau mỗi buổi tan tầm, liêu xiêu tấp xe tại vỉa hè vơ vội con cá sắp ươn cùng với quả cà chua sắp nhũn, cộng thêm bó rau vừa héo vừa chảy lòng thòng, tất cả nhét bừa vào túi nilon đeo lủng lẳng vào thân xe máy rồi nhích từng mét đường trong khúc kẹt xe, khiến nát nhừ ra vài bìa đậu phụ.

Cơm nhà?

Đấy là mướt mồ hôi trên cái bếp ga ọc ạch. Chờ điên đầu khi vòi nước rỉ ra, tay mỏi nhừ trên con dao đã cũ và mắt cay xè khi quả ớt đang băm.

Cơm nhà?

Đó là bày các món lên bàn sau tiếng thở hắt ra chờ ông chồng về muộn, bụng sôi lên khi thét đứa con cứ ngồi cắm vào màn hình máy tính trên lầu, là con mèo nhảy phắt lên vồ mất ngay miếng cá còn không hiểu con gì cứ ve ve trong óc khi ta ngồi đếm lại ví tiền.

Cuối cùng, cơm nhà là đống bát đĩa chưa rửa còn kia, là ông chồng bất ngờ phone : “Tối nay anh bận họp” nhưng có trời biết họp với váy ngắn nào, là những món ăn cứ hâm đi hâm lại, cất vào cất ra trong cái tủ lạnh cũ xì.

Cơm nhà?

Lúc dọn xong chị em ta nằm vật, mở tivi phim Hàn Quốc đã xong rồi, phim Việt Nam cũng đã trôi qua hơn nửa tập, chị em nằm vắt mình trên nửa thân giường, tay chân rã rời, lòng uất ức nghĩ cách làm sao ngày mai đổi món, khi nước mắt rơi tí tách vào trong.

Nói tóm lại, hỡi chị em, cơm nhà là cái thùng không đáy, là quả tạ ngàn cân, là sợi dây vô tận vô hình treo chúng mình lên suốt ngày đêm năm tháng, thỉnh thoảng thắt cho bà vợ một cái nơ làm niềm vinh dự, sau đó níu chặt chân mỗi khi cô ấy muốn chạy ra đường.

Hỡi chị em

Hãy nắm chặt tay nhau, cùng bước ra từ bếp, cùng hô lên một tiếng hô vang dội “Cơm nhà không có nghĩa chỉ là cơm vợ” và “Nấu ăn không hề là lý do để phụ nữ ra đời”. Một xã hội không bình đẳng trước cơm nhà sẽ không khi nào bình đẳng trước cơm thế giới.

Con gái không phải chỉ là nhà. Con gái còn là đại dương, là bầu trời, là chị Hằng Nga ở tít trên cao. Bữa cơm gia đình sẽ chỉ tuyệt đẹp nếu nó được nấu lên bởi cả gia đình. Đấy là chân lý không có gì lay chuyển nổi. Chị em đừng tin vào những lời phong tặng của những đàn ông chưa từng vào bếp bao giờ. Nếu như trẻ con trên hành tinh đều đồng thanh cất tiếng ca “Trái đất này là của chúng mình” thì chị em cũng hãy cùng cất tiếng ca “Cái bếp này không  phải chỉ của chúng mình”. Nó còn là của con, của chồng dù chồng có là ông đại tướng.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link