Đây là một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8.
Cụ thể, khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết thì UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Còn tại Điều 159, Luật Đất đai 2024 quy định, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định bảng giá đấtlần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026.
Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Trong khi hiện nay, theo quy định của Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được ban hành 5 năm/lần được xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá, khung giá đất và chỉ điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất/giá đất có biến động.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất. Bảng giá đất được ban hành, căn cứ phương pháp định giá, không căn cứ giá đất tối thiểu, tối đa của từng loại đất theo khung giá đất hiện nay. Do đó, bảng giá đất mới sẽ tiệm cận giá thị trường, có thể tăng lên so với hiện hành.
Khi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu, có ba khoản tiền phải nộp được tính theo bảng giá đất là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có) và lệ phí trước bạ. Trong đó, tiền sử dụng đất thường là khoản chi phí lớn nhất (trừ một số trường hợp không phải nộp).
Do dựa vào bảng bảng giá đất mới nên bảng giá đất tăng thì tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có) và lệ phí trước bạ đều sẽ tăng theo.