Rắn là loài bò sát không chân. Thân rắn bao giờ cũng được bao phủ bởi một lớp vẩy sừng và không có tuyến da. Lưỡi rắn dài, phân làm hai thùy mảnh và khá linh hoạt, vừa là cơ quan vị giác vừa có chức năng xúc giác.
Trong thế giới động vật, có rất nhiều loài sở hữu chất độc để làm vũ khí bảo vệ chúng khỏi những kẻ thù cũng như để chúng có thể tiêu diệt con mồi một cách dễ dàng. Song các chất độc vốn là một loại hóa chất rất phức tạp và một khi tiết ra nó các con vật cũng sẽ phải mất rất nhiều năng lượng.
Tuy nhiên, tự nhiên kỳ thú lại có những câu chuyện rất khó tưởng tượng. Có những loài vật không tốn một công sức đầu tư tự thân nào mà vẫn có thể chiếm được chất độc của những con khác. Một trong những loài trộm chất độc nổi tiếng trong thế giới động vật là rắn Tiger Keelback (tên khoa học Rhabdophis tigrinis).
Tiger keelback sống ở Nhật Bản và sử dụng chất độc của nó chủ yếu để phòng thủ. Khi bị đe dọa, nó sẽ phình gáy lên, nơi có hai tuyến chứa đầy hóa chất bufadienolides, một loại hóa chất có thể gây khó thở và tác động mạnh đến cơ tim. Song ở hai tuyến gáy này lại không hề có bất cứ cơ quan sản xuất độc tố hay tế bào sản sinh độc tố nào.
Đi tìm lời giản cho vấn đề kỳ quặc này của loài rắn Tiger keelback, nhóm nhà khoa học tại Đại học Old Dominion, Virginia, Mỹ đã thu thập các con rắn từ các đảo ở Nhật Bản. Sau khi nghiên cứu, nhóm đã phát hiện ra chất lỏng chứa đầy độc tố bufadienolides ở gáy của rắn Tiger keelback hóa ra lại có nguồn gốc từ chính chế độ ăn uống của loài rắn này.
Rắn Tiger keelback sống ở Nhật Bản và sử dụng chất độc của nó chủ yếu để phòng thủ. |
Tiger keelback ưa thích ăn thịt cóc, một loài động vật lưỡng cư có các mụn da nổi trên lưng chứa đầy chất độc bufadienolides. Khi rắn ăn những con cóc đầy chất độc này, nó sẽ tải chất độc lên cơ thể để chống lại những kẻ thù khi cần thiết. Thậm chí trong quá trình hấp thụ chất độc, rắn Tiger keelback còn có thể chuyển đổi để làm cho chất độc này mạnh hơn ban đầu.
Không chỉ vậy, sau khi hấp thụ được loại chất độc này, những con rắn Tiger keelback vỗn nhút nhát lại trở nên lì lợm đối mặt với kẻ thù hơn những con rắn thiếu chất độc có khả năng bỏ chạy khi đối mặt với nguy hiểm. Những con rắn mẹ tích trữ được nhiều lượng chất độc còn có thể truyền lại một phần dự phòng cho con non. Điều đó cũng giống như con người, khi bố mẹ giàu có có thể sẽ chuyển lại phần “di sản” cho con cái.