Nhìn đôi vợ chồng già đang ngồi chơi quây quần cùng các cháu nhỏ, nghe chúng tíu tít gọi ông, đứa ôm cổ, đứa ngồi vào lòng, đứa đòi ông chơi trò. Dù mệt nhưng người đàn ông ấy vẫn cười và nô đùa như một đứa trẻ. Bởi với ông đó là niềm hạnh phúc lớn lao, niềm hạnh phúc mà ông đã không được hưởng khi những đứa con ông chào đời.
[links()]
Cuộc đời của anh kỹ sư gắn với chiến trường
Thiếu tướng Trần Ngọc Anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phủ Lý-Hà Nam, bố mất sớm từ khi ông chưa chào đời. Một mình mẹ ở vậy tần tảo nuôi con khôn lớn. Năm 1963 Thiếu tướng được đi học tại khoa chế tạo máy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến năm 1967.
Sau khi học xong, Thiếu tướng được cử về công tác tại trường Học viện kỹ thuật quân sự, tại đây ông tiếp tục học tiếp chuyên ngành của mình, cho đến năm 1969 Thiếu tướng Trần Ngọc Anh về công tác tại Sư đoàn 320-Quân đoàn 3.
Ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường Thiếu tướng Trận Ngọc Anh đã rất cố gắng phấn đấu và ông là một trong 3 người của khóa học ấy được kết nạp Đảng sớm nhất.
Thiếu tướng Trần Ngọc Anh |
Với tinh thần của một người Đảng viên, khi đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta và càng hung hăng ở chiến trường miền Nam. Là lính kỹ thuật, đáng ra phải về các viện hay các trường nghiên cứu nhưng ông đã tình nguyện ghi tên vào danh sách chiến trường B2 khốc liệt.
Những ngày đầu tiên vào chiến trường làm nhiệm vụ trinh sát của ban Hậu cần- kỹ thuật, không quen chiến trường nên ông đã gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói đó là những ngày thử thách đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông.
Ông còn nhớ như in, trận đầu tiên làm lính trinh sát năm 1971, cả sư đoàn của ông bị bom B52 đánh phủ đầu, trận ấy có đến mấy chục người hy sinh, bản thân ông cũng bị thương trong trận đánh này. Vết thương vừa lành thì ông lại cùng đơn vị đi làm nhiệm vụ trên đỉnh Chư trang – Ray, một đỉnh núi cao của Tây Nguyên.
Những ngày mùa đông trên đỉnh núi mịt mù, sương lạnh đến thấu xương. Càng buồn hơn khi đó lại là cái tết đầu tiên sau ngày ông lấy vợ nên cái lạnh, cái đói và nỗi nhớ nhà đến da diết càng thêm quặn thắt.
Có lẽ đó là những ngày tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, bởi đó là những kỷ niệm đầu tiên của một người lính vừa rời ghế nhà trường với bao mộng mơ và hoài bão. Sau này ông tham gia rất nhiều trận đánh lớn từ chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau khi đất nước thống nhất, Thiếu tướng Trần Ngọc Anh vẫn tiếp tục trên trận chiến chống quân thù, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Với Thiếu tướng Trần Ngọc Anh thì chiến trường Tây Nguyên là nơi ông gắn bó cuộc đời hoạt động của mình lâu nhất. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1987 ông lại được điều về Tây Nguyên công tác. Mãi đến năm 1994, Thiếu tướng mới trở về Hà Nội công tác tại Tổng Cục Kỹ thuật và sau đó công tác tại Thanh tra của Bộ Quốc Phòng.
Đến năm 2008 ông mới có thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc cho hạnh phúc riêng của mình. Dù không sớm, nhưng những ngày chăm cháu ông mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả mà người vợ đã hy sinh cho những ngày ông biền biệt công tác xa nhà.
Chặng đường gần 30 năm lẻ bóng
Nói về những ngày tháng xa chồng, cô Nguyễn Thị Ân chia sẻ: “Dù biết lấy chồng bộ đội là khổ, là phải chịu cách xa nhất là trong thời chiến, nhưng tôi không thể tưởng tượng được rằng thời gian xa cách và chờ đợi lại lâu đến thế”.
Cô quen và yêu thiếu tướng Trần Ngọc Anh từ năm 1967, khi đó cô chỉ là một cô gái công nhân trong nhà máy cơ khí Đống Đa mà sau này sáp nhập thành nhà máy cơ khí Mai Động.
Vốn sinh ra là con gái Hà Thành gốc nên cô sớm được nhiều người để ý tới, nhưng có lẽ duyên trời đã định sẵn cho cô được gặp anh kỹ sư gày gò có khuân mặt phúc hậu ấy. Khi đó thiếu tướng Trần Ngọc Anh là một chàng sinh viên khoa cơ khí của trường Học viện kỹ thuật quân sự.
Vợ chồng Thiếu tướng Trần Ngọc Anh |
Sau những lần về thực tập tại nhà máy, họ đã quen và yêu nhau từ đó. Dù ở hai cương vị khác nhau nhưng niềm đam mê với máy móc đã đưa họ lại gần nhau nhanh hơn. Sau mấy tháng thực tập ở nhà máy Thiếu tướng Ngọc Anh trở về trường và tiếp nhận công tác ở Quân đoàn 3.
Những ngày gặp nhau của giữa hai người cũng thưa dần, tình yêu chỉ được thể hiện qua những lá thư. Đến năm 1971 trước khi có lệnh điều động vào chiến trường B2 Tây Nguyên, Thiếu tướng Ngọc Anh khi ấy đã mạnh dạn về xin phép gia đình để được làm đám cưới.
Phải nói là mạnh dạn bởi vì khi ấy mặc dù thời gian quen biết lâu, nhưng ít được gặp nhau, thi thoảng cũng chỉ có vài dòng tâm sự qua thư và cả hai gia đình cũng chưa có điều kiện để gặp gỡ. Hơn nữa, vào chiến trường B2 là nơi đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt, một đi không biết bao giờ trở lại.
Đứng trước hoàn cảnh đó, mặc dù biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cô Ân đã chấp nhận làm vợ không phải một kỹ sư cơ khí như ban đầu cô gặp mà là một người lính sắp vào chiến trường.
Để đi đến quyết định đó, ngoài tình yêu với anh chàng kỹ sư có khuân mặt hiền khô và nụ cười hóm hỉnh, cô còn thương anh nhiều hơn tình yêu ấy, bởi cô biết anh là người sống rất tình cảm nhưng lại bị thiếu thốn tình cảm từ bé.
Gia đình thiếu tướng Ngọc Anh chỉ có mình ông là con, mẹ thì già yếu, bố lại mất sớm từ khi ông còn chưa lọt lòng mẹ, vì thế cô Ân đã nghĩ rằng, không có gì bằng việc có thể mang lại cho anh mái ấm gia đình hạnh phúc.
Cô đã hy vọng có thể nhanh chóng sinh cho bà một đứa cháu để lỡ có điều gì xảy ra thì mẹ anh cũng có chỗ mà nương tựa. Và anh cũng có một mái ấm để nhớ thương mà có thêm dũng khí chiến đấu vượt qua bom đạn của kẻ thù.
Thế là đám cưới của họ đã diễn ra một cách khẩn trương, giản dị mà đầm ấm, hạnh phúc.Không loa kèn, bánh kẹo, không có sự chứng kiến đầy đủ của hai gia đình, nhưng đó là động lực và là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người lính trước khi vào mặt trận.
Và không biết có phải tại thế không mà Thiếu tướng Ngọc Anh đã có thể vượt qua mưa bom bão đạn để trở về toàn tụ cùng gia đình lành lặn và cơ thời gian để ngẫm nghĩ,để tận hưởng niềm hạnh phúc đơn sơ mà trước đây ông không có được.
Sau mười ngày phép được đơn vị cho nghỉ để cưới vợ, ông lên đường vào chiến trường Tây Nguyên. Để lại người vợ trẻ và niềm mơ ước nhỏ nhoi là được làm mẹ, được thay chồng làm tròn bổn phận của người con để yên lòng người mẹ già đang ngày đêm mong ngóng.
Thế nhưng niềm mơ ước ấy đã không trở thành hiện thực, bà đã phải một mình lẻ bóng cho đến ngày đất nước thống nhất. Để vơi đi nỗi nhớ, ngày ngày bà vùi đầu vào công việc, làm thêm, làm tăng ca để thời gian nhàn rỗi không còn nữa và để tránh phải nghe những lời dèm pha.
Những lá thư từ chiến trường cũng ngày một thưa dần vì trận chiến đang đi vào giai đoạn ác liệt. Ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, những người lính từ chiến trường lần lượt trở về trong niềm vui của gia đình và bè bạn.
Nhưng Thiếu tướng Ngọc Anh thì mãi đến cuối năm 1975 mới được trở về. Sau 5 năm ròng chờ đợi và những ngày nóng lòng mong ngóng, vợ chồng gặp nhau còn chưa bén hơi thì ông lại tiếp tục lên đường sang chiến trường Campuchia giúp nước bạn giải phóng và ổn định biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Lại một lần nữa tiễn chồng ra tiền tuyến, một lần nữa một mình chờ đợi chồng, gần 5 năm sau ông mới trở về. Lần này hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình chúng tôi khi đứa con trai cất tiếng khóc chào đời vào cuối năm 1979.
Có con rồi cuộc sống cũng bớt cô đơn đôi chút, nhưng khó khăn thì lại nhân lên gấp bội. Mỗi năm ông về nghỉ phép một lần về thăm gia đình, còn lại một mình bà phải tự xoay xở lấy.
Vất vả là thế nhưng bà cũng như bao người phụ nữ khác khi phải trải qua chiến tranh, ngày ngày bà vẫn âm thầm làm việc để kiếm tiền lèo lái con thuyền gia đình cho vững, vừa nuôi dạy con khôn lớn nên người, chỉ mong sao chồng được khỏe mạnh và công tác tốt.
Và cuối cùng, cái ngày bà mong đợi cũng đã đến, cuối năm 1993, ông trở về Tổng cục kỹ thuật công tác. Vậy là kể từ khi yêu ông và lấy ông gần 30 năm gia đình mới được đoàn tụ, mới có thời gian để chăm sóc và chia sẻ cho nhau mọi việc trong cuộc sống gia đình.
Hạnh phúc buổi xế chiều
Ngôi nhà nhỏ trên đường 800A, phường Nghĩa Đô chiều nào cũng rộn vang tiếng cười. Giờ nó không còn là tiếng cười của riêng ai, mà nó hòa lẫn trong không khí ấm áp của gia đình 3 thế hệ.
Thiếu tướng Trần Ngọc Anh có hai người con trai, cả hai anh đều lập gia đình và tiếp tục con đường sự nghiệp của bố. Những phút nô đùa cùng đàn cháu nhỏ, ông thấy mình như trẻ lại, như được sống lại với tuổi thơ, với những ngày tuổi đôi mươi khi ông chờ đón đứa con đầu tiên chào đời.
Ông trân trọng những giờ phút ấy, bởi bản thân ông là người thiếu thốn tình cảm ngay từ bé, khi bố mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, dù mẹ dành cho ông rất nhiều tình yêu thương, nhưng một gia đình ấm áp thật sự luôn là điều mà ông mơ ước.
Vì thế, nhiều lúc dù rất mệt mỏi, hay những ngày trái gió trở trời vết thương lại tái phát nhưng khi chơi cùng con cháu không khi nào ông than phiền, nụ cười vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt của người đàn ông phúc hậu.
- TL