Mất vàng SEA Games: “Giá mà ngày đó tôi không gật đầu…”

14:07, Thứ sáu 09/03/2012

( PHUNUTODAY ) - 9 năm trước, anh đã mắc một sai sót chết người trong trận chung kết SEA Games 22, khiến BĐVN mất vàng ngay trên sân Mỹ Đình.

9 năm trước, anh đã mắc một sai sót chết người trong trận chung kết SEA Games 22, khiến BĐVN mất vàng ngay trên sân Mỹ Đình. 9 năm trước, anh từng bị coi như một tội đồ và bị chính những người trong cuộc phủi tay ruồng bỏ. Mà lúc ấy anh - một cầu thủ ở tuổi 21 cũng đã tính tới chuyện bỏ bóng đá.

[links()]

Nhưng rồi vì bố, vì gia đình, vì danh dự của một người đàn ông mà anh lại gắng gượng chơi bóng, để rồi phải đối diện với cả một núi áp lực trong suốt một thập kỷ qua. Lần đầu tiên anh quyết định nói về nỗi đau cuộc đời mình…

Cái giá đắt của cú gật đầu liều lĩnh

“Trận chung kết SEA Games 22 ấy, cả nước chờ đợi U.23 Việt Nam lên ngôi vô địch, nhưng thực tế là chúng ta đã thua 1-2, và tôi đã để hệ thống tấn công của Thái Lan thoát cánh, qua đó trực tiếp dẫn đến bàn thua đầu tiên.…” - Đức Tuấn mở đầu câu chuyện về ngày định mệnh của cuộc đời cầu thủ với đôi mắt nặng trĩu nỗi buồn. Rồi Tuấn nói thêm: “Nếu tôi không để Sarayoot ghi bàn thì có thể mọi chuyện đã khác lắm rồi...”.

Sau sự cố tuổi 21, Lê Đức Tuấn đã phải rất khó khăn làm lại cuộc đời.

Có một sự thực là sau trận đấu, nhiều khán giả Mỹ Đình nghĩ  Đức Tuấn bán độ, và đã chửi bới, phê phán Tuấn nặng nề. Cái cảm giác của một cầu thủ tuổi 21 phải đối diện với những lời chửi bới từ 4 phía khán đài với Tuấn đến tận bây giờ vẫn là “một thứ cảm giác khủng khiếp”.

Tuấn bảo: “Lúc ấy cả một bầu trời trước mặt tôi sụp đổ, và tôi đã nghĩ rằng sáng hôm sau có thể không dám ra đường nhìn mặt mọi người nữa”. Sau đó, ngay cả khi HLV trưởng Riedl gọi Tuấn vào phòng riêng để khẳng định chắc nịch: “Yên tâm, tôi không nghĩ cậu bán độ” rồi dành cả tiếng đồng hồ để an ủi, sẻ chia với Tuấn thì cái cảm giác kinh hoàng kia cũng không vì thế mà giảm sút.  

Sau khi tâm sự về cái khoảnh khắc kinh hãi của cuộc đời cầu thủ, Lê Đức Tuấn   khẳng định phía sau việc anh ra sân đá chung kết là cả một câu chuyện dài uẩn khúc mà nếu người hâm mộ biết rõ, hiểu rõ, chắc chắn anh sẽ được thông cảm nhiều hơn.

Theo lời kể của Tuấn thì ngày đó, Văn Trương là hậu vệ trái số một của ĐT Việt Nam nhưng bị treo giò không thể đá chung kết. U23 Việt Nam chỉ còn duy nhất một hậu vệ trái là Lâm Tấn, nhưng cầu thủ này thậm chí nói rõ với HLV Riedl là mình không đủ tự tin để ra sân.

Ngay cả phương án đẩy Minh Phương sang đá hậu vệ trái, để Tuấn vào đá hậu vệ phải - vị trí sở trường của Tuấn cũng không thể thực hiện bởi Minh Phương không nhất trí. Sau hàng loạt những phương án bị phá sản, ông Riedl đã nhìn thẳng vào mặt Tuấn và hỏi:

“Cậu đá hậu vệ trái được không?”. Thấy Tuấn lưỡng lự, ông Riedl bảo đừng xem trọng việc thắng -thua, hãy cố hết sức vì màu cờ sắc áo Quốc gia là được. Tuấn rùng mình khi nói lại khoảnh khắc này: “Trong tình cảnh ấy, nếu tôi cũng từ chối ra sân nốt thì lấy ai lấp vào chỗ trống của Văn Trương? Nghĩ thế tôi liều lĩnh gật đầu”. Rồi Tuấn trải lòng thêm:

“Lần đầu đá hậu vệ trái, tâm lý có phần căng thẳng nên tôi không thể hiện được mình, và đấy chính là lý do dẫn tới sai lầm tệ hại. Tuy nhiên, tôi khẳng định mình không hề bán độ. Từ khi biết đến trái bóng, tôi chưa bán độ bao giờ”.

Khi được hỏi: “Nếu được chọn lựa lại, Tuấn có còn gật đầu đồng ý vào sân nữa không?” cầu thủ này cho biết: “Nếu ngày đó, tôi không liều lĩnh vào sân thì dù đội nhà thắng hay thua, danh tiếng tôi vẫn được đảm bảo và sau này vẫn có rất nhiều cơ hội.

Nhưng sự thực là nghi án bán độ đã giết chết đời cầu thủ của tôi. Nhiều HLV biết tôi là cầu thủ có chuyên môn hẳn hoi nhưng vì nghi án ấy mà không bao giờ gọi tôi lên Tuyển nữa…”.

Và hành trình gian nan chứng tỏ bản thân

Khi tôi hỏi tại sao ngay sau thời điểm xảy ra sự việc Đức Tuấn không lên tiếng minh oan cho mình thì anh thoáng im lặng rồi lắc đầu: “Không có cơ hội bạn ạ. Tất cả mọi người đều đã nghĩ tôi bán độ, tôi lên tiếng liệu họ có tin không? Bây giờ, sau 9 năm, mọi việc đã lắng xuống và người hâm mộ đã phần nào hiểu tôi, tôi mới dám nói ra những điều này…”.

Không thể trần tình về vụ việc với các phương tiện truyền thông, Đức Tuấn chọn một cách khó khăn hơn để “giải oan” cho mình, đó là chứng tỏ trên sân cỏ. “Phải mất tới hơn 2 năm tôi mới phần nào vượt qua cú sốc.

Trong 2 năm đó, tôi vẫn chơi cho CLB Hà Nội ACB và mỗi lần vào sân đều phải nhận tiếng la ó của các CĐV. Thậm chí nhiều người còn dùng lời lẽ thô tục để chửi mắng tôi, thoá mạ gia đình tôi. Thất vọng, nhiều tối tôi về nhà nằm  khóc một mình” - Tuấn nghẹn ngào cho biết.

Tuấn nói rằng trong 2 năm kinh hoàng ấy, đã có lúc anh định buông xuôi, nhưng rồi nghĩ đến bố - cựu danh thủ Lê Khắc Chính nổi tiếng một thời mà anh đã vượt qua cái ý định buông xuôi ấy. Đang nói chuyện, Tuấn đột nhiên chỉ vào tấm ảnh chụp chung với vợ để ở một góc phòng rồi thủ thỉ:

“Ơn trời, những ngày kinh hoàng đó cũng là những ngày tôi mới quen… bà xã. Chính cô ấy đã tâm sự, động viên tôi rất nhiều. Nhờ cô ấy mà tôi đã chín chắn hẳn lên”. Với sự động viên của vợ, với danh dự cần phải bảo vệ của cha, và với quyết tâm “chứng tỏ năng lực” của chính mình rốt cuộc thì Lê Đức Tuấn cũng đã chơi bóng một cách ổn định trong màu áo HN.ACB và bây giờ là CLB Thanh Hóa.

Nhưng Tuấn luôn bị ám ảnh bởi một ý nghĩ nếu 9 năm trước, ở cái tuổi 21 vụng dại, mình không liều lĩnh gật đầu HLV Riedl thì sự nghiệp sau này đã khác và rất khác, chứ không chỉ dừng lại ở mức thường thường bậc trung.

“Đau lắm, đau vô cùng mỗi khi rùng mình nhớ lại trận chung kết oan nghiệt ấy…” - Tuấn nghèn nghẹn với khóe mắt đỏ hoe.

Bố tôi nhiều đêm lặng khóc một mình…

“Sau trận chung kết SEA Games 22 ấy, bố tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước mặt tôi, ông cố giấu nỗi buồn, nhưng tôi biết nhiều hôm ông đã trầm ngâm suy nghĩ rồi lặng khóc một mình. Đó mới thực sự là nỗi đau lớn nhất trong lòng tôi”.

 

  • BĐTC
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc