Mẹ cháu bé bị bẻ răng, cắt tai: Bố mẹ nào lại không thương con?

06:28, Thứ sáu 17/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Giữa khoảng sân không quá rộng, không một bóng cây, cái nắng trai trải hắt lên như đốt cháy cả da thịt. Vậy mà hai đứa trẻ một lên 10, một 13 tuổi vẫn ngay ngắn đứng giữa sân vẻ mặt thản nhiên đến đáng sợ.

(Phunutoday) - 12h trưa ngày 11/06, nắng oi nóng quay quắt khiến ai cũng ngại ra đường. Giữa khoảng sân gạch không quá rộng, không bóng cây cái nắng hắt lên như đốt cháy cả da thịt, hai đứa trẻ một lên 10, một 13 tuổi vẫn ngay ngắn đứng giữa sân vẻ mặt thản nhiên đến đáng sợ.

[links()]

Sau khi theo dõi những thông tin liên quan đến vụ việc của Nguyễn Văn Thuyên, là bố đẻ của cháu Nguyễn Thị Thúy, cháu bé đã phải liên tiếp hứng chịu những trận đòn roi liên tiếp xảy ra trong nhiều năm liền. Câu hỏi khiến phóng viên trăn trở nhất là lại ngay sao giữa Hà Nội mà vẫn còn có người bố dã man, nhẫn tâm đến vậy?. Tại sao những hành động đó lại có thể qua mặt được chính quyền địa phương, qua mặt hàng xóm để nhiều lần tái diễn?. Tại sao, khi thấy con bị hành hạ mà chị Miện không có động thái can ngăn, không dám đứng ra bảo vệ tố cáo hành vi hung bạo của chồng?

Có quá nhiều khúc mắc, đã buộc phóng viên phải lặn lội tìm về thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, Sóc Sơn, HN nhiều lần. Vừa vào đầu ngõ, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh 2 đứa trẻ một trai, một gái lai nhau trên chiếc xe đạp chạy thẳng vào một quán nước đầu ngõ, vừa hỏi thăm bà chủ quán đã bảo "hai đứa con nhà Thuyên - Miện đấy, cái đứa con gái lớn là đứa mà báo chí bảo bị bố nó đánh đấy nhưng không phải đâu, nó vẫn ra đây mua kem ăn mà. Tôi có thấy gì đâu". Thấy bà chủ nói chuyện về mình, bé gái người còm nhom, đen nhẻm ngước lên nhìn hỏi tôi: Sao cô lại hỏi cháu?

Câu hỏi của Thúy khiến chúng tôi hiểu, dường như những ngày qua đã có quá nhiều người tìm về đây, có quá nhiều người hỏi Thúy, nên khi thấy có người lạ hỏi mình Thúy đã nhìn tôi với vẻ dò xét. Sau khi lấy 2 que kem, đưa cho cậu em trai một que, mình một que hai chị em lại leo lên xe lao vút đi. Bé trai cầm lái một tay vừa cầm que kem, một tay cầm lái lượn lách rất điêu luyện.

Sẵn sàng phơi nắng, chịu đòn...

Ngày 11/6, có mặt tại nhà anh Thuyên chị Miện, 12h trưa thời tiết oi nồng, nắng gắt, cái nắng quay quắt, bỏng rát khiến ai cũng ngại ra đường. Giữa khoảng sân không quá rộng, không một bóng cây vậy mà hai đứa trẻ một lên 10, một 13 vẫn ngay ngắn đứng giữa sân vẻ mặt thản nhiên đến đáng sợ.

Hai chị em Thanh và Thúy đứng giữa sân nắng để khẳng định mình không lấy trộm tiền

 

Tiếng chị Miện quát con vẫn vang lên, "đứa nào lấy tiền của ông, mau trả ông nếu không thì đừng có trách. Con cái nhà này giờ không thể bảo nổi nữa rồi..." vừa nói, chị vừa bước lên bước xuống lục tìm mọi ngóc ngách, từ tủ quần áo, đến cặp xách, túi ví để tìm kiếm tờ 100.000 đồng trả cho ông thợ đang đảo dở mái ngói.

Phía bên ngoài, Thanh khóc lóc thanh minh "con không lấy...", còn Thúy đứng bên cạnh gằn giọng nói từng câu rành rọt "con... đã... bảo... là... con... không... lấy...". Thấy thái độ kiên quyết của hai đứa trẻ, khiến chúng tôi e ngại quay lại nhìn bác thợ cả (khoảng ngoài 60 tuổi) mồ hôi nhễ nhại: Hay bác có đánh rơi đâu không?. Bác thợ khẳng định, sáng đến làm bác để trong túi áo treo trên cửa, bảo để trưa nghỉ thì đi ăn cơm. Ra đến quán ăn cơm xong lục túi lấy tiền để trả tiền cơm thì không thấy đâu nữa.

Trong nhà, chị Miện vẫn tiếp tục lục tung tủ quần áo, lần này dường như chị không kiềm chế được nữa, tiếng quát tháo có vẻ gay gắt hơn "đứa nào lấy, thằng Thanh hay cái Thúy mau mang trả ông, nếu không thì đi ra phơi nắng". Cứ tưởng chỉ là câu nói đùa, sau khi quay lại gằn giọng nhắc với mẹ một lần nữa "con... đã... bảo... là... con... không... lấy...", cả hai chị em không ai bảo ai cùng bước xuống sân đứng ngay ngắn mặc cho đồng hồ đã chỉ 12h trưa, ngoài trời nhiệt độ lên đến 37-38 độ C.

Ngồi trong nhà, nhìn cái nắng đã thấy hoa mắt, chóng mặt huống hồ bọn trẻ cứ đứng chong chong như vậy. Chúng tôi gượng gạo bảo chị, chắc các cháu không lấy đâu chị ạ, lập tức chị Miện nói ngay "cô không biết được đâu, con cái nhà này hư lắm, chúng tôi cũng khổ vì chuyện này nhiều lần rồi". Nói rồi, chị lại tất tả đi xuống bếp lục tìm, Thanh đứng ngoài sân nói với theo mẹ giọng đầy thách thức: "mẹ cứ tìm đi, cho mẹ tìm thoải mái cũng không thấy đâu mà".

Có lẽ sợ bọn trẻ đứng mãi ngoài đó thì chúng sẽ ngất xỉu vì say nắng, bác thợ cả cầm cái điếu cày chạy ra nói như ra lệnh: Mất rồi thì thôi, nhưng hai đứa phải vào ngay, đứa nào không vào tao nện cho mỗi đứa một cái. Mặc cho bác nói đến hai ba lần, Thanh và Thúy vẫn đứng yên không trả lời. Quá bực mình, bác lại quát lên, "chúng mày có vào không, không vào tao nện cho bây giờ", cả hai chị em lại gằn giọng "nhưng con đã bảo con không lấy của ông, sao ông cứ đổ cho con", nói xong hai đứa trẻ mới chịu đi vào nhà.

Cũng đúng lúc này, từ trong bếp chị Miện gọi với theo ra lệnh cho 2 đứa con vào trong bếp. Từ trong bếp cầm tờ 100.000 đồng màu xanh chị Miện bước lên nhà nói như sắp khóc "cháu xin lỗi ông, con lớn nhà cháu chót dại lấy trộm của ông, ông cầm lại hộ cháu". Đứng dưới bếp Thúy nhất định không lên nhà, dù mẹ và em có nhắc đi nhắc lại nhiều lần bắt Thúy lên xin lỗi ông.

Tiếp xúc với hàng xóm mới biết, đây không phải là lần đầu Thúy có tính tắt mắt như vậy, chuyện ăn cắp vặt đã từng nhiều lần xảy ra kể cả với hàng xóm. Chị T (vợ anh Đức chủ quán nước đầu ngõ) bảo: con cái như thế không ai chịu nổi, ai lại hàng xóm xảy ra tí là nó lại lẻn vào. Kể cả giò, chả, bánh kẹo ở cửa hàng người ta bán nó cũng lẻn vào lấy cắp. Anh Đ. còn bảo mới hôm vừa rồi đây, nó còn lấy trộm cả tiền của cô giáo chủ nhiệm, bị cô giáo phản ánh với bố, Thúy chỉ biết van xin bố tha thứ.

Chỉ đến khi, tiếng chị Miện hét lên, tiếng Thanh khóc lóc kêu gọi bố, mọi người mới bàng hoàng lao qua cánh cổng gỗ chạy sang sân nhà hàng xóm theo chị. Nằm trên hiên hè, anh Thuyên cố dốc nốt gói thuốc diệt ốc vào miệng, bên cạnh chai rượt vứt lăn lóc. Chị Miện vội vàng giằng lấy gói thuốc vứt ra ngoài sân, vừa móc thuốc từ miệng anh, chị gào thét mọi người lấy nước rửa miệng anh xối xả. 2 đứa con chỉ biết bu quanh bố vừa khóc vừa van xin: “Bố ơi, bố cho thuốc ra đi!”

Ngay sau khi sơ cứu, chị mệt mỏi, đứng chết lặng nhìn về phía khác. Còn chồng chị, anh nằm lả dưới đất, giọng thều thào nói như thở hắt ra: “Em ơi, cho anh đi đi, cuối cùng thì anh cũng đi mà. Con ơi, rồi bố cũng đi thôi mà...".

Cho con vào TT BTXH vì quá thương con?

Dáng vẻ tiều tụy mệt mỏi chị Miện tâm sự: Mấy ngày nay, ngày nào cũng có người về đây hỏi, rồi công an họ cũng vào làm việc tôi chả hiểu tại sao họ lại làm như vậy. Theo sau chúng tôi, còn có rất nhiều người bên Sở thương binh xã hội, cả thành phố cũng về tận nơi để tìm hiểu tư vấn cho gia đình cách giải quyết những khó khăn.

Rất thắc mắc, nhà có 2 vợ chồng, có 2 đứa con không đến nỗi cơm không đủ ăn, áo không có mặc nhưng ông Nguyễn Văn Nhượng, cán bộ phòng Lao động Thương binh xã hội xã Đức Hòa lại liên tục nhắc đi nhắc lại bảo gia đình cân nhắc việc cho Thúy vào một Trung tâm bảo trợ xã hội để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Theo tìm hiểu, Thúy đã từng được một lần đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng không hiểu vì sao lại quay về. Đem thắc mắc này hỏi chị Miện, và đại diện chính quyền xã, mọi người chỉ nói nhỏ: vì cháu hư, hay bỏ nhà đi. "Thấy cháu cứ bỏ nhà đi, vài ba hôm hai vợ chồng lại phải đi tìm con nên các bác ấy tư vấn như thế để cho gia đình bớt khổ. Với lại, nó cứ một mình lang thang như thế làm sao lường hết được chuyện gì sẽ xảy ra", chị Miện giải thích.

 

 

Ngồi gọn dưới cuối giường Thúy chỉ im lặng lắng nghe. Chỉ vào những vết thương cũ Thúy bảo "bố đánh em đấy, nhưng từ lâu rồi khi em còn nhỏ. Giờ bố không đánh em nữa". Thúy nói rất nhỏ, thi thoảng đưa mặt đảo qua đảo lại quan sát phản ứng của bố mẹ rồi Thúy lại thẽ thọt kể lại sự việc một cách rành rọt, trơn tru. Từng câu một, Thúy kể lại những tháng ngày tuổi thơ bị bố đánh đập bạo hành không thiếu một chi tiết như vụ việc chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

Nhìn đứa trẻ đen đúa, còm nhom ngồi nem nép vào góc giường hẳn ai cũng động lòng thương cảm. Hai tay Thúy vò vào nhau, em kể lại lần đầu tiên bị bố giật tay làm em bị trật khớp, hỏi em có đau không Thúy gật gật. Chỉ vào vết thương ở tai, và hai chiếc răng bị gãy Thúy bảo bố dùng kìm bẻ răng em đấy, bố bẻ 2 lần còn tai là bố nhét cao su vào nên bị nhiễm trùng đứt tai. Bị bố đánh đau là thế, nhưng hỏi em có thương bố không, Thúy cũng chỉ gật gật mà không trả lời thành tiếng.

Thúy bảo, bố đánh tại vì em hư, em hay đi chơi mà không xin phép bố nên mới bị bố đánh. Thúy kể, có lần đi theo cô Lan (Thúy gặp ở bến xe buýt) nghe con kể hoàn cảnh cô thương lắm, có bác bán bóng dạo còn cho 40.000 đồng vì thương quá. Sau lần đó, thi thoảng Thúy lại bỏ nhà đi tìm cô Lan. "Con chả biết nhà cô ấy ở đâu, nhưng cô ấy bảo cô thương con, muốn nhận con làm con nuôi và hứa sẽ cho con ra Hà Nội chơi nữa", Thúy nhớ lại.

Cậu em trai đứng bên cạnh xen vào "tại chị Thúy con hay bỏ đi, bố đi tìm không được thì bố mới đánh", thấy em nói vậy Thúy ngước lên nhìn Thanh ra lệnh: "Không ai hỏi Thanh thì Thanh đừng có nói". Cậu bé 10 tuổi vẫn đứng sụt sịt khóc, Thanh bảo "con thương bố lắm, vì bố cũng thương chị em con.  Chị Thúy bị đánh từ lâu rồi, giờ bố không còn đánh chị em con nữa", em Nguyễn Hữu Thanh nói.

Cả chị Miện và đại diện lãnh đạo xã đều cho rằng đó là những vết thương cũ, chuyện đã xảy ra cách đây 7-8 năm rồi. Ngay cả hai chị em Thúy cũng khẳng định đó là vết thương cũ. "Chuyện xảy ra từ lâu rồi, mấy năm nay rồi giờ có đánh nữa đâu. Con cái hư thi thoảng bố mẹ có vụt một vài roi cũng là bình thường. Mà nói thật, cái cháu này nó cũng có tính tắt mắt, hay ăn cắp vặt." - Ông Nguyễn Văn Nhượng, cán bộ phòng Lao động Thương binh xã hội xã Đức Hòa chen ngang.

Chia sẻ với phóng viên, anh Thuyên liên tục xoa tay vào bụng vẻ đau đớn, thều thào nói: Khổ lắm em ạ, mỗi lần như vậy hàng xóm lại đến mách, em bảo như vậy thì sống làm sao được.

Ngồi bên cạnh, chị Miện nước mắt ngắn nước mắt dài than thở: Làm bố làm mẹ tôi cũng thương con chứ, nhưng con cái như vậy là mẹ tôi cũng đau lòng lắm. Bố thì bệnh tật, mẹ đi mua đồng nát tận Gia Lâm 2-3 ngày mới về nhà một lần, nhưng có đi làm cũng không yên tâm về nhà lại không thể bảo nổi con. Có nhờ con việc gì nó cùng ngồi ì ra không làm, việc gì cũng đến tay mẹ. Con cái bướng bỉnh, nó chẳng biết sợ gì cả nhiều lúc không có bố nó còn bắt nạt cả mẹ nữa đấy. Nghĩ thương con, nên cũng làm ngơ chẳng lẽ giờ bố đánh mà mẹ cũng lại đánh nữa.

Nhưng khổ lắm cơ, cứ thỉnh thoảng nó lại bỏ nhà đi tìm người phụ nữ tên Lan, được cô Lan cho số điện thoại, Thúy thường xuyên gọi điện rồi được cô Lan chỉ dẫn tự bắt xe buýt, có hôm còn đi sang tận Long Biên để gặp cô này. Mỗi lần đi gặp ai Thúy cũng kể chuyện mình bị bố đánh đập thế nào, bỏ nhà đi thế nào. Mà gia đình có quen biết cô này đâu, có khi cô này còn tìm về tận nhà, nhiều khi đêm hôm cũng gọi điện rủ cháu đi. Cứ mỗi lần như vậy, Thúy lại bỏ đi có khi vật vờ hết chỗ này, bến xe kia những lần đó bố cháu lại phải gọi điện cho tôi đi tìm. Tôi nhiều lần phải bỏ làm, hoặc đang đêm cũng mò mẫm đi tìm con.

"Những lần đó tôi phải vất vả lắm, đánh vật với nó cả tiếng đồng hồ mới đưa được nó vào chỗ trọ của mình vì nó không muốn vào chỗ mẹ mà chỉ muốn đi tìm cô Lan kia thôi", có nhiều người chứng kiến còn bảo "bực mình con với cái".

Có muốn quản cũng không quản nổi, mẹ thì đi làm, bố thì ốm; cứ sểnh ra lúc nào là nó lại trốn đi, chẳng biết làm thế nào tôi đành bảo cháu Thanh phải đi theo nó suốt, Thúy đi đâu, Thanh lại theo đó. Chị bảo giờ là con gái, mà lại cứ bỏ đi như thế thì biết thế nào được...", bỏ lửng câu chuyện, chị Miện trầm lắng đưa mắt về phía trước.

  • Lam Nguyễn - Khải Nguyên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc